Wednesday, July 21, 2010

Thời gian và không gian ...

Photobucket

Charles Lamb viết: Không gì làm tôi bối rối bằng thời gian và không gian. Và cũng không có gì ít quấy rầy tôi hơn là thời gian và không gian, vì tôi không bao giờ nghĩ đến chúng.

Thời gian là khái niệm siêu hình, thật khó có thể vẽ hay diễn tả nó. Nhưng chúng ta cảm thấy một cách mạnh mẽ thời gian đang trôi qua, nhờ có ngày đêm. Nói cách khác, thời gian vừa tồn tại tự nhiên, vừa là một khái niệm gắn liền với thế giới con người trực tiếp cảm nhận nó. Tôi muốn nói đến một điều mà chắc tôi sẽ còn nhắc lại: sự tồn tại của vũ trụ cũng như thời gian chỉ có ý nghĩa khi có được những thực thể cảm nhận được nó.
Ngày nay ta biết rằng thời gian và không gian làm nên thế giới 4 chiều của chúng ta. Tuy thuyết tương đối ra đời đã lâu, nhưng những ấn tượng về thời gian tuyệt đối vẫn còn mạnh mẽ, và quả thật trong cuộc sống thường ngày thì người ta chỉ cần biết đến chuyện xem dồng hồ để biết giờ đi làm. Trước khi Einstein đưa ra bài báo của mình và lật đổ nhiều quan niệm cổ điển thì H.G.Wells đã biết rằng không gian và thời gian không thể tách rời được với nhau (The time machine). Mỗi người trong chúng ta có đồng hồ đo thời gian cho riêng mình, vậy thì ta sẽ sử dụng thời gian như thế nào? Vâng đúng thế, chúng ta sử dụng thời gian vào những mục đích của mình.
Thời gian chỉ có ý nghĩa khi vũ trụ ra đời khoảng 15 tỷ năm trước đây, và nó có thể có cuộc đời xác định: bắt đầu tại vụ nổ Big Bang, và kết thúc tại Big Crunch – khi vũ trụ co lại (nếu như nó co lại thật). Tuy nhiên, không-thời gian có thể kết thúc trong lỗ đen. Các lỗ đen cũng là chìa khóa cho việc du hành ngược thời gian, mà hi vọng tôi có thể sớm có một vài ý tưởng hay về nó. Wells cũng nói rằng chúng ta không thể thay đổi quá khứ. Nếu điều này là sự thật thì hơi buồn, nhưng nó sẽ tránh cho chúng ta nhiều rắc rối. Nhưng chúng ta luôn có thể thay đổi được tương lai, và đó là chìa khóa của vấn đề.
Thời gian là thế lực khủng khiếp mà con người chưa thể chinh phục. Nó trôi qua không ngừng nghỉ, và chẳng chờ đợi ai bao giờ. 100 năm tuổi thọ của con người, hình như là quá ít. Tôi còn nhớ câu thơ Pháp: “Thời gian ăn cuộc đời”. Thật đáng sợ nếu như vài chục năm sau ta giật mình nhận ra rằng mình chưa làm được điều gì có ích.
Mặt trời có tuổi thọ 10 tỷ năm, nhưng rồi mặt trời cũng sẽ bốc cháy cùng với hệ hành tinh của nó, trở thành sao lùn trắng và rồi chìm vào quên lãng, vì sự tồn tại của nó không còn có ích nữa. Tôi biết con người có nhiều tham vọng hơn thế, chúng muốn vượt xa tuổi thọ của mặt trời và đến lúc đó có lẽ con người sẽ thấu hiểu được vũ trụ.
Hãy nhớ câu chuyện của Edison: một hôm khi đi trên phố, ông chợt nhận ra thời gian đang trôi qua, và ông đã rảo bước đi nhanh hơn trên đường. Và bạn cũng không nên quên rằng Einstein đã nói cho chúng ta biết, nếu chúng ta chuyển động càng nhanh thì thời gian của chúng ta càng chậm hơn, và chúng ta sẽ có thêm thời gian để làm nhiều việc có ích (thật ra đó chỉ là chuyện hão huyền, nhưng điều tôi muốn nói là chúng ta không thể điều khiển thời gian, vì vậy hãy cố tiết kiệm thời gian cho mình).
Thời gian là vốn quý của mỗi người. Nó cũng là kẻ sẽ hủy diệt mọi thứ. Tuy nhiên chúng ta không quên câu nói của người Ai Cập: “Con người sợ thời gian, nhưng thời gian sợ các kim tự tháp”. Và ước mơ chinh phục thời gian vẫn là ước mơ muôn thuở của con người.

No comments:

Post a Comment