Thursday, July 1, 2010

Con Đường Trung Đạo - Sutemi (4)

Photobucket

Con Đường Trung Đạo - Sutemi (4)

Do ảnh hưởng của Thiền, kỹ xảo thuần thục của hắn biến thành tâm linh, và chính hắn – ngày càng trở thành tự do hơn nhờ sự phấn đấu tâm linh – biến đổi thành một người khác. Thanh kiếm – bây giờ trở thành “linh hồn” của kiếm sĩ – không còn nằm nhẹ tênh ở trong lớp vỏ nữa. Hắn chỉ rút nó ra trong trường hợp bất đắc dĩ. Vì thế, có những khi hắn tránh so gươm với một đối thủ không xứng đáng – một kẻ kiêu ngạo thích khoe khoang bắp thịt – hắn sẵn lòng mang tiếng hèn nhát với vẻ mặt tươi cười thản nhiên. Mặt khác, nếu hắn tôn kính đối phương, hắn sẽ đòi quyết chiến để kẻ địch được chết trong danh dự. Đây là những đặc tính của giới hiệp sĩ Samurai, kết tinh thành “võ sĩ đạo” vô song mà người Nhật gọi là Bushido. Bởi vì, cao hơn bất cứ điều gì khác, cao hơn danh tiếng, chiến thắng và ngay cả sanh mạng, là “cây kiếm của chân lý” – là cái dẫn đạo và phê phán hắn.

Kiếm sư và người sơ học đều vô úy không biết sợ; tuy nhiên, không giống như người sơ học, càng ngày kiếm sư càng không biết sợ. Nhiều năm thiền định không ngừng đã dạy hắn rằng trên cơ bản đời sống và cái chết là giống nhau và cùng thuộc một giai tầng. Hắn không còn sợ chuyện tử sanh nữa.
Hắn sống rất vui vẻ trên thế gian, nhưng bất cứ lúc nào hắn cũng sẵn sàng lìa khỏi thế gian mà không một chút bận tâm tới ý nghĩ về cái chết. Chẳng phải vô cớ mà giới hiệp sĩ Samurai đã chọn đóa hoa anh đào mong manh làm biểu tượng chân thực nhất của họ. Giống như một cánh hoa lìa khỏi cành trong ánh nắng ban mai và thanh thản bay xuống đất, người hiệp sĩ vô úy cũng sẽ lìa đời trong im lặng và trong sự bình thản của nội tâm.
Kẻ không sợ cái chết không có nghĩa rằng hắn tự nhủ – trong khi đang bình an vô sự – rằng hắn sẽ không run sợ khi đối diện với cái chết, và rằng chẳng có gì đáng sợ. Người nào đã làm chủ được cả đời sống lẫn cái chết thì không còn biết sợ bất cứ cái gì, thậm chí hắn không còn khả năng cảm thấy sợ hãi. Những ai không biết sức mạnh của công phu thiền định trường kỳ thì không thể biết khả năng tự khắc phục của nó lớn lao như thế nào. Một vị Đại Sư có công phu viên mãn lúc nào cũng lộ ra đức tính vô úy, chẳng những trong lời nói mà còn trong tất cả cung cách và phong độ: người ta chỉ cần nhìn vào ông là cũng đủ chịu ảnh hưởng thâm sâu rồi. Đức tính vô úy không lay chuyển như thế là đã tới tột đỉnh mà chỉ một số ít người đã rèn luyện được.

Theo Daisetz Teitara Suzuki, Zen Buddhism and its Influence on Japanese Culture, Kyoto: The Eastern Buddhism Society, 1938 .

No comments:

Post a Comment