Thursday, July 1, 2010

Bushido - Tinh thần võ sĩ đạo

Bushido
Bushido - Tinh thần võ sĩ đạo

Từ ngàn xưa, bên cạnh những hiện tượng thiên nhiên như động đất, núi lửa, sóng thần luôn đe doạ cuộc sống của người Nhật thì họ còn phải đối phó với nạn giặc dã, cướp bóc, các lãnh chúa (Daimyo) cát cứ ở các cùng thôn tính lẫn nhau. Hoàn cảnh sống phải luôn đấu tranh với ''kẻ thù bốn chân và hai chân'' làm nảy sinh niềm tin vào thần linh để cầu mong sự che chở nhưng đồng thời cũng tạo cho người Nhật xưa một bản năng tự vệ tích cực. Từ đó sớm hình thành tinh thần thượng võ. Việc rèn luyện võ nghệ để bảo vệ làng xóm, gia tộc đã trở thành lý tưởng của tầng lớp thanh thiếu niên và từ đó sớm hình thành tầng lớp võ sĩ....
Dưới thời Mạc Phủ Tokugawa, có hơn hai thế kỉ hầu như không có chiến tranh. Nền kinh tế thị dân ngày càng phát triển cùng với những luồng tư tưởng mới và khoa học, kỹ thuật tràn từ bên ngoài vào, nhất là từ Hà Lan,Trung Quốc. Tình hình kinh tế -xã hội đương thời có những yêu cầu mới đặt ra phải giải quyết. Cuộc sống hoà bình và những chuyển biến mới trong xã hội cần nhiều nhân tài có học để cai trị hơn là chỉ giỏi võ nghệ.Trong tình hình mới, tầng lớp võ sĩ, lực lượng nòng cốt của chính quyền Shogun phải tinh thông cả văn lẫn võ.Giai cấp thống trị phải dựa vào tầng lớp samurai nhưng mặt khác cũng rất nhạy cảm với yêu cầu mới của thời đại. Từ đó các Shogun thường khuyên bảo thuộc hạ của mình ''tay trái cầm sách, tay phải cầm kiếm'' và đừng quên ''văn ôn võ luyện''. Để giải quyết điều này, giáo thuyết về cách xử thế của người võ sĩ ra đời, được gọi là đạo võ sĩ (BUSHIDO).Có thể nói võ sĩ đạo là sự dung hoà nhạy bén giữa cái cũ và cái mới. Thực chất đấy là những giáo lý văn trị dựa trên cơ sở tinh thần thượng võ của giai cấp vũ sĩ, không phủ nhận vai trò, bổn phận của người võ sĩ.
Theo học giả Inazo Nitobe giải thích thì đạo võ sĩ là đạo luật ghi rõ những phương châm sinh tồn và phát triển ,tiến hoá của hạng người có tinh thần thượng võ. Là tín đồ của đạo võ sĩ, phải thực hành đúng những phương châm căn bản đó. Song bộ luật võ sĩ dưới cái tên Bukeshohatto(vũ gia chư pháp độ)không có hình thức nhất định. Phương châm của đạo võ sĩ là những câu châm ngôn thường được truyền tụng từ thế hệ này sang thế hệ khác của những nhà thông thái và các võ sĩ có tên tuổi trong nước lưu truyền lại. Giáo lý của đạo võ sĩ có tám đức tính căn bản nhất mà người vó sĩ phải rèn luyện:
- Đức ngay thẳng: Giúp cho con người quyết định công việc một cách nhanh chóng, thẳng thắng, hợp với lẽ phải không trái với lương tâm.Nếu cần phải chết để bảo toàn danh dự thì cũng sẵn sàng. Đứng trước một trường hợp khó khăn, phải biết lấy trí khôn mà suy xét, đừng trốn tránh bổn phận làm người.
- Đức dũng cảm: Giám xông vào nơi nguy hiểm, ác liệt nhất của trận chiến và hy sinh thân mình, đó là việc dễ và chỉ là nhiệm vụ của con nhà võ bình thường. Còn thực chất của đức dũng cảm là biết sống khi cần phải sống, biết chết khi nào cần thiết.Thấy việc nghĩa không làm, không phải là dũng cảm. Đức tính này phải được rèn luyện từ nhỏ. Con trai của người võ sĩ cần được luyện tập, chịu đói khát, khổ sở để khôn lớn, xông pha vào cuộc đời để khỏi bỡ ngỡ. Luyện tập được tính dũng cảm, bình tĩnh thì lúc gặp nguy nan vẫn sáng suốt.
- Đức nhân từ: Là tình thương rộng lượng, nhân ái, là đức tính cao cả nhất của người võ sĩ. Nếu như tính ngay thẳng ,công bằng và dũng cảm là những đức tính nam nhi thì lòng nhân từ có cái mềm mại làm nên sức mạnh nữ giới. Nhưng cái nhân từ của người võ sĩ cũng không giống như đức nhân từ của người phụ nữ."Nếu ngay thẳng quá đáng thì trở thành thô bạo, nếu nhân từ quá mức sẽ trở nên nhu nhược''.Vì vậy những người dũng cảm nhất là những người dịu dàng nhất, và những người giàu tình thương chính là những người dám chiến đấu dũng cảm.Cái dịu dàng, lòng nhân hậu của người võ sĩ bao gồm cả hành động vì nghĩa. Người võ sĩ còn biểu lộ đức nhân từ của mình đối với kẻ thù đã ngã ngựa.
- Đức lễ phép: Nếu chỉ giữ lịch sự để khỏi làm mất lòng kẻ khác thì cái lịch sự đó cũng chưa gọi là lễ phép. Lễ phép có nghĩa là làm sao cho người khác thật tình vui vẻ trước những cử chỉ lịch sự của mình. Những cử chỉ lịch sự đó phải thể hiện một cách đúng đắn đức từ bi, bác ái tự đáy lòng mình mà ra. Bạn mình khóc, mình không thể vui cười được. Nếu người khác vui thì không có lý do gì mình lại không vui theo. Nếu nói một cách tuyệt đối thì lễ phép và quan tâm đến người khác là thương người vậy.
- Biết tự kiểm soát mình: Là biết tự kiềm chế, làm cho mình có dũng khí khác thường, làm cho xã hội vui tươi, đời sống có ý vị hơn. Những ai không tự chủ được mình để cho những điều lo lắng bên trong bộc lộ ra ngoài thì không kể là hạng người có dũng khí. Không hề tỏ ra một dấu hiệu vui mừng hay giận dỗi, đó là câu nói cửa miệng của các võ sĩ.
- Chân thực: Nếu không chân thực thì lễ phép chỉ là giả tạo và trò cười. Người võ sĩ phải có đức tính chân thực cao hơn các tầng lớp xã hội khác. Lời nói của người võ sĩ có trọng lượng như một lời hứa chắc chắn không cần văn tự, bởi vì danh dự của người võ sĩ còn cao hơn giá trị của văn tự nhiều.
- Trung thành: Trong đạo võ sĩ, lòng trung thành rất quan trọng trong mối quan hệ chủ tớ ngày xưa.Theo đạo võ sĩ thì quyền lợi giữa gia đình và những người trong gia đình đều đồng nhất, không tách rời nhau. Song giữa gia đình và Thiên Hoàng, nếu phải hy sinh một bên thì người võ sĩ không ngần ngại hy sinh gia đình của mình để phụng sự Thiên Hoàng. Khi người võ sĩ không đồng ý kiến với chủ soái, việc làm trung thành của anh ta là tìm mọi cách để chủ soái thấy được sai lầm của mình.Người võ sĩ có thể kêu gọi lương tâm của chủ soái và bày tỏ lòng trung thành của mình bằng cả sự hy sinh, cả những giọt máu cuối cùng. Cuộc đời được coi như là phương tiện phụng sự chủ soái và lý tưởng cuộc đời có danh dự người võ sĩ.
- Trọng danh dự: Là ý thức mạnh mẽ,sâu sắc về giá trị và thanh danh của người võ sĩ. Danh thơm của người võ sĩ là ''phần bất tử của bản thân, phần còn lại chỉ là một sinh vật". Khi người khác nói xấu mình, đừng trả thù họ mà nên suy ngĩ mình đã làm tròn bổn phận chưa? Phải biết hổ thẹn khi phạm đến điều gì tổn hại đến danh dự. Biết hổ thẹn là một trong những đức tính cần được giáo dục cho tuổi trẻ.
Xã hội Nhật Bản có ba tầng lớp chính là quý tộc, võ sĩ và nông dân, thợ thủ công. Có thể nói cách sống của tầng lớp võ sĩ có ảnh hưởng đến xã hội Nhật trong lối sống nhiều nhất. Quý tộc thì nghiêng về hình thức, nghi lễ, tầng lớp thị dân thì thích những cái gì loè loẹt, hình thức bên ngoài ''xanh xanh đỏ đỏ em nhỏ nó mừng'' còn tầng lớp võ sĩ thì chuộng sự đơn giản nhưng sâu lắng do ảnh hưởng của Thiền, họ luôn tìm thấy cái đẹp trong sự đơn giản khiết bạch. Chính tinh thần thượng võ của giới võ sĩ đã ảnh hưởng đến đời sống nhân dân Nhật Bản nên nhờ vậy mà nước Nhật điêu tàn sau chiến tranh trở nên một nước hùng mạnh nhất nhì thế giới, và cũng nhờ đó mà nước Nhật tiến bộ hơn hầu hết các nước Châu Á khác trước đệ nhị thế chiến. Trong khi các nước Châu Á khác lúc đó đều là thuộc địa của Phương Tây thì Nhật Bản chẳng những thoát khỏi ách đô hộ mà còn đi xâm chiếm nước khác, tất nhiên để xâm chiếm được nước khác thì trước hết mình phải mạnh mới được.
Thực chất đạo võ sĩ là sự kết hợp pha trộn, dung hoà tinh thần thượng võ vốn có của người Nhật với các yếu tố mà họ cho là tích cực từ tín ngưỡng ,tư tưởng du nhập từ bên ngoài vào.
Quá trình rèn luyện và hình thành tính cách một Samurai theo giáo lý đạo võ sĩ được thể hiện khá rõ nét và tiêu biểu ở chân dung nhân vật lịch sử Nogi Maresuke thời chiến tranh Nhật-Nga. Từ thuở lên tám ông đã được gia đình và nhà trường giáo dục một cách nghiêm ngặt để trở thành một Samurai. Thời kỳ này ảnh hưởng của nền văn minh Tây phương rất mạnh mẽ và thanh kiếm không còn là lý tưởng của nhiều thanh niên nữa. Mơ ước của Nogi là trở thành một nhà bác học, song vì là con nhà võ nên ông phải phục tùng mệnh lệnh cha là trở thành một võ sĩ. Ông đã gác gia đình sang một bên, suốt đời là một võ tướng xông pha trận mạc, không ngại hy sinh (dũng cảm). Có những lần công đồn Nga không thành công, danh dự bị tổn thương, ông định mổ bụng để giải bày khí tiết (trọng danh dự). Nhưng theo lệnh của Thiên Hoàng, Nogi không được làm điều đó. Ông vẫn tiếp tục chỉ huy chiến đấu cho đến ngày thắng quân Nga (trung thành). Khi biết các con mình hy sinh ngoài trận mạc, ông vẫn tỏ thái độ bình thản, không để lộ sự xúc động ra ngoài (biết tự kiểm soát). Nhưng dù sao ông cũng chỉ là một con người, hơn nữa lại là người võ sĩ. Trở về doanh trại, ông ngồi khóc than một mình,cảm tác những vần thơ thương nhớ con thắm thiết. Thật đúng là người dũng cảm nhất lại là người giàu tình thương nhất. Nogi được coi là một vị tướng mẫu mực trong quân đội Thiên Hoàng. Khi Nhật Hoàng mất, ông vô cùng xúc động, tự chịu lễ seppuku (mổ bụng) để được theo phục vụ chủ soái của mình đến hơi thở cuối cùng.
Thời Edo đã xảy ra một vụ việc rất nổi tiếng và sau đó trở thành đề tài cho kịch Noh, kabuki và cho đến ngày nay là đề tài cho điện ảnh. Đó là Chushingura, chuyện bốn mươi bảy samurai báo thù cho chủ rồi mổ bụng tập thể. Có thể nói đây là chuyện để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong nhân dân Nhật Bản về hình ảnh của người võ sĩ.
Tinh thần thượng võ của người võ sĩ bấy giờ được hướng vào mục đích phục vụ Thiên Hoàng, phục vụ tướng quân và đã biến thành chủ nghĩa anh hùng cá nhân. Người Nhật có câu: "Hana wa sakuragi,hito wa bushi" nghĩa là trăm hoa đẹp nhất có hoa anh đào,con người đẹp nhất là người võ sĩ. Hoa anh đào vừa nở xong thì cũng vưa rụng xuống nhưng hương thơm, nhuỵ đẹp vẫn còn nguyên. Có thể nói hoa anh đào là biểu tượng cho vẻ đẹp thanh cao nhưng mong manh, lung linh rất khó nắm bắt. Người võ sĩ cũng vậy, sống thì bảo toàn danh dự, trung thành với chủ soái, nếu chết thì chọn cái chết anh hùng nơi chiến trận, tiếng thơm còn lưu muôn đời. Người võ sĩ và thanh kiếm đã trở thành hình tượng trong dân chúng thời bấy giờ. Trong kho tàng truyện cổ Nhật Bản có kể câu chuyện một thiếu niên mười sáu tuổi đầu, hào hoa phong nhã, ra trận còn mang theo ống sáo và tập thơ. Giáp mặt với một võ sĩ nổi tiếng của địch, cậu thiếu niên không đáng là đối thủ ngang sức. Người võ sĩ nhanh chóng ghì được đối phương nhưng bất giác trong lòng ái ngại, muốn tha chết cho cậu bé chỉ đáng tuổi con trai mình. Nhưng cậu ta khảng khái nói:
"Không,đó là cái nhục của một võ sĩ. Ta thà vùi thây nơi chiến địa còn hơn thoát chết...'' Thế là bất đắc dĩ người võ sĩ vung kiếm lên để rồi ân hận suốt cuộc đời còn lại.

Journal of Asian Martial Arts

Photobucket

No comments:

Post a Comment