Tuesday, October 12, 2010

Thị trường đồ cổ thế giới bị rối loạn

Đó là một thị trường khổng lồ, đầy bí ẩn và gian lận. Theo ước tính khiêm tốn, doanh số thế giới của thị trường đồ cổ bất hợp pháp lên đến 5 tỷ USD mỗi năm. Ở một số quốc gia, buôn bán cổ vật đem lại lợi nhuận gấp đôi so với buôn lậu ma túy. Nhiều vụ buôn lậu, mất cắp hay tước đoạt đồ cổ đã trở thành các vụ kiện tầm cỡ quốc tế.

Thật ít giả nhiều
Khoảng chục năm trở lại đây, ở châu Âu và Mỹ những tiệm mua bán đồ cổ và đồ nghệ thuật mọc lên như nấm, chuyên nghiệp hơn là những biệt khu đồ cổ như biệt khu thế kỷ 14, thế kỷ 15, thế kỷ 16, thời nhà Minh - Nguyên, thời nhà Đường... Tuy nhiên, theo các chuyên gia giám định thì đồ cổ tại đây phần lớn là giả, phân nửa số đồ cổ và tranh tượng hiện có trên thị trường là đồ giả. Chẳng hạn, hiện nay trên thế giới trôi nổi 8.000 bức tranh của họa sĩ vẽ phong cảnh nổi tiếng Corot người Pháp trong khi suốt đời cầm cọ, Corot chỉ sáng tác chưa đầy 2.500 bức.



Chủ yếu đồ cổ giá trên thị trường đều "xuất xưởng" từ Panama - nơi nổi tiếng với công nghệ chế tác "y như thật" đến nỗi không ít chuyên gia bậc thầy cũng bị "qua mặt". Tại đây người ta có thể chế tác ra các đồ cổ giả với đủ chất liệu như gỗ, kim loại, giấy, đồng, thiếc, sắt, thủy tinh, pha lê... Các đồ cổ giả này dễ dàng hòa nhập vào dòng chảy thương mại của thị trường qua tay các thương lái - mafia.
Ngay kể cả tại những nhà đấu giá cổ vật lừng danh thế giới như Christie's, Sotheby's, Bonhams... cũng có sự nhập nhằng, gian lận. Tháng 10/1997, Sotheby's mua một chiếc tủ treo áo được xác định là từ thế kỷ 18 với giá 6.000 USD ở Drouot. Tháng 6/2001 nó "tái xuất giang hồ" trong một cuộc đấu giá của Sotheby's nhưng được cải chính là "thời vua Louis 16, được chế tác từ bàn tay tài hoa của nghệ sĩ Pháp Riesener". Giá của nó được đẩy lên tới 70.000 USD. Ai kiểm chứng sự lên giá kinh hoàng này và ai đủ thẩm quyền để xác định niên đại? Thị trường đồ cổ thế giới bị rối loạn vì những trò lừa gạt như thế.
Thị trường của bố già và mafia
Tình trạng bát nháo của trị trường đồ cổ thế giới đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự ngoi lên của nhiều bố già, nhiều băng nhóm mafia chuyên ăn cắp và tiêu thụ đồ cổ. Riêng ở Pháp, trong vòng 10 năm trở lại đây đã có hơn 600 vụ trộm đồ cổ với hàng ngàn cổ vật, tổng trị giá khoảng 300 triệu USD. Những địa chỉ vàng như lâu đài Vaux-le-Vicomte, Viện Bảo tàng Compiegne, Lâu đài Menars, dinh thự của Valery Giscard d'Estaing... đều đã bị moi móc đến tang thương.
Lợi nhuận thu được từ buôn bán đồ cổ rất lớn, ước tính gấp 10 hoặc 20 lần, không thua kém hoạt động buôn bán ma túy và vũ khí, nhưng nếu vỡ lở, chỉ phải ngồi tù tối đa là 5 năm. Điều đó khiến cho thị trường này ngày càng mang nhiều dấu hiệu của tội ác. Các băng nhóm tội phạm có tổ chức cũng bắt đầu nhúng tay vào thị trường một vốn nhiều lời này. Theo INTERPOL, trên thế giới có khoảng 120 - 150 băng nhóm mafia đồ cổ và riêng ở Mỹ đã có khoảng 70.
Một số tập đoàn ma túy lớn của thế giới hiện đã chuyển sang phương thức thanh toán mới: đổi cổ vật lấy ma túy. Bên mua hàng cảm thấy an toàn hơn nếu mang theo một bức tượng hoặc một sưu tập vòng ngọc thay vì những vali tiền mặt kềnh càng; còn bên bán thì tin rằng món hàng sẽ giúp họ sinh lãi gấp bội khi tìm được nhà sưu tập thích hợp.
Những điểm nóng
Theo Hiệp hội Hải quan - Đồ cổ châu Âu (ADDA), mỗi năm có khoảng hơn 6.000 đồ giả cổ cỡ lớn (cao từ 1,5-2m, nặng từ 55kg trở lên) được tung ra thị trường thế giới. Tổ chức cảnh sát châu Âu (EUROPOL) cũng đã khám phá ra nhiều đường dây buôn lậu, làm giả đồ cổ, sao chép tranh lớn. Song không vì thế mà thị trường trở nên yên bình hơn.
Đồ cổ của thế giới tập trung nhiều nhất ở hai thị trường khổng lồ là Bỉ và Hà Lan. Hai quốc gia này có kẽ hở luật pháp (người sở hữu đồ cổ không phải khai báo xuất xứ đồ cổ) vì thế cánh buôn lậu thường "tập kết" hàng tại đây để bảo đảm an toàn và ăn chắc. Một "bến đỗ" khá hấp dẫn nữa là khu vực miễn thuế cạnh phi trường Geneva (Thụy Sĩ). Nó được coi là "ngã tư giao dịch" của giới buôn đồ cổ thế giới. Thông thường "hàng" sẽ được ém tại những nơi này trong vòng 1, 2 tháng, được tút tát lại, sau đó qua tay các cò mồi chuyên nghiệp để đến nơi có nhu cầu.
Trung Quốc là một trong những quốc gia bị xâm phạm đồ cổ nhiều nhất, cùng với Myanmar, Campuchia, Mexico, Peru, Nigenia... Các tay mafia đồ cổ luôn nhòm ngó những nơi này và dễ dàng sở hữu những cổ vật đầy giá trị ở đây rồi bán cho các viện bảo tàng, các nhà sưu tập.
Nhiều nước đang tích cực đấu tranh để thực hiện chiến dịch quy hồi cổ vật nhưng thành công đạt được chẳng đáng là bao. Để tạo lại thế cân bằng cho thị trường đồ cổ và lập lại trật tự kinh tế, văn hóa, các quốc gia còn phải gian khổ rất nhiều...

No comments:

Post a Comment