Tuesday, October 12, 2010

Lưu Li Xưởng là thủ đô đồ cổ

Những ngày này báo chí các nước đưa tin đậm nét về Olympic Bắc Kinh 2008, sẽ diễn ra từ 8 đến 28/8 tới. Khi giới thiệu về thành phố đăng cai sự kiện thể thao quốc tế quan trọng này, nhiều báo nhắc tới phố Lưu Li Xưởng, “Phố văn hóa nghệ thuật cổ” có lịch sử lâu đời và nổi tiếng nhất Trung Quốc.




Một đoạn Lưu Li Xưởng, phố đồ cổ lớn nhất Trung Quốc

Vì sao có tên là Lưu Li Xưởng?

Phố Lưu Li Xưởng, cách quảng trường Thiên An Môn chừng 2 km về phia Tây Nam, tới nay đã có lịch sử trên 780 năm. Chỉ dài 800 mét, song phố này con lưu giữ rất nhiều di tích, kiến trúc cổ và hiện là kho tàng trữ khổng lồ những văn vật, sách cổ, tranh cổ, chữ cổ...

Phố Lưu Li Xưởng vốn là thôn Hải Vương. Tại đó vào thời nhà Nguyên triều đình cho mở những lò sản xuất thủy tinh, pha lê phục vụ cho cung đình, nên gọi là Lưu Li Xưởng. Tới thời nhà Minh, nó trở thành một trong những công xưởng lớn nhất thuộc Công Bộ của triều đình. Sau này, kinh thành Bắc Kinh ngày càng mở rộng, những lò làm thủy tinh, pha lê trở nên bất tiện khi nằm lù lù ngay ở trung tâm của đô thành, vì vậy Lưu Li Xưởng được di dời ra ngoại thành, nhưng tên gọi của phố này vẫn được giữ nguyên cho tới ngày nay.

Tới triều Mãn Thanh, do gần Cung đình, nên các hội quán, hiệu sách, hiệu tranh, các cửa hàng văn hóa phẩm, văn phòng phẩm mọc lên như nấm tại đây dành cho các quan lại địa phương tới ở chờ yết kiến triều đình và các sĩ tử tới kinh đô chờ ngày mở khoa thi. Kể từ đó, Lưu Li Xưởng trở thành một đường phố chuyên kinh doanh các loại văn hóa - mỹ nghệ phẩm sầm uất nhất Bắc Kinh, đồng thời trở điểm hội tụ, giao du của giới trí thức, sĩ tử, văn nghệ sĩ khắp miền đất nước khi tới Kinh đô.

Năm 1905, Rạp chiếu phim câm đầu tiên của Trung Quốc có tên “Phong Thái” đã mọc lên ở Lưu Li Xưởng với phim đầu tiên là “Định Quân Sơn” do diễn viên kinh kịch Đàm Hâm Bồi chủ diễn.


Đồ cổ được bán rong ngày trên vỉa hè phố Lưu Li Xưởng

Ba đại gia

Lưu giữ nhiều giá trị văn hóa từ đời này qua đời khác, giờ đây Lưu Li Xưởng đã trở thành trung tâm văn vật cổ, từ sách cổ, tranh cổ, gốm sứ cổ cho đến mỹ nghệ cổ, tiền cổ... Thí dụ riêng ở phố này đã có tới hơn100 cửa hàng sách cổ, 54 cửa hàng chữ cổ (các loại thương hiệu, nhãn hiệu… khắc kiểu chữ cổ xưa), 2 trung tâm giám định về đồ cổ v.v… với gần 10.000 người tham gia kinh doanh, trong đó có hơn 800 chuyên gia chuyên doanh đồ cổ.

Lưu Li Xưởng có ba công ty đại gia kinh doanh và đấu giá đồ cổ thuộc loại lớn nhất Trung Quốc, gồm Hàn Hải, Vinh Bảo và Hải Vương.

Trong đó Hàn Hải tuy mới thành lập từ năm 1994, nhưng hiện được coi là đại gia đồ cổ hàng đầu của Trung Quốc, cho tới nay đã tổ chức 10 hội chợ và hàng trăm cuộc đấu giá đồ cổ.

Ngược lại Vinh Bảo đã có lịch sử hơn 300 năm. Tiền thân của nó là “Tùng Trúc Trai” thời Khang Hy, sau đó đổi tên là “Vinh Bảo Trai” được thành lập năm 1672. Hiện Vinh Bảo có chi nhánh ở nhiều nơi trên thế giới như New York, Tokyo, Singaporem Seoul… Công ty này nổi tiếng vì chuyên đấu giá tranh cổ và sách cổ của các danh họa và văn hào Trung Quốc, như Ngô Quán Trung, Tề Bạch Thạch, Lỗ Tấn...

Đại gia còn lại là Hải Vương, được mệnh danh là “Nhà sách Trung Quốc”, có hẳn 1 nhà xuất bản, 5 công ty, hàng loạt chi nhánh ở các nước và hơn 200 chuyên gia nghiên cứu về sách cổ và nghiệp vụ kinh doanh sách báo cổ.

Năm ngoái doanh số đấu giá của riêng 3 đại gia này đã đạt trên 1 tỉ Nhân dân tệ, chiếm 6,8% tổng doanh số đấu giá văn hóa phẩm và nghệ thuật của cả nước, 16,4% của Bắc Kinh.



Một cửa hiệu gốm sứ cổ ở Lưu Li Xưởng

Thủ đô “đồ cổ”

Có thể nói Lưu Li Xưởng là thủ đô đồ cổ, đặc biệt là sách cổ và tranh cổ với các cửa hàng dày đặc, chi chít nhau. Xen lẫn các cửa hàng về văn hóa trên, còn có một số cửa hàng ẩm thực, thời trang khác cũng mang nét văn hóa cổ như quán trà cổ, hiệu ăn cổ, hiệu trang phục cổ... Ngay ở đầu phố có nhiều câu đối trong đó có câu đối khá nổi bật: “Đắc hảo hữu lai như đối nguyệt, hữu kỳ thư độc thắng khán hoa” (tạm dịch nghĩa: những bạn tâm đắc tri kỳ tới đây nhiều như đi tìm người đẹp, có nhiều sách hay đọc hơn là đi xem hoa).

Lưu Li Xưởng quả là một trong những địa chỉ văn hóa nổi tiếng nhất Bắc Kinh, thể hiện rõ thú sưu tầm và chơi đồ cổ của người Trung Hoa, một nét đẹp mang truyền thống văn hóa lâu đời ởTrung Quốc.


Nguồn: Kiều Tỉnh - TT&VH

No comments:

Post a Comment