Friday, October 22, 2010

Ngải ngậm hương trầm

Ngải ngậm hương trầm

Vietsciences-Võ Quang Yến       
 

 Lên non đón gió tìm trầm,
 Xui ong làm mật, giục tằm nhả tơ.
Ca dao

Theo truyền thuyết, bà Thiên Y A Na khi rời cha mẹ nuôi lên Bắc Hải cũng như khi đem hai đứa con Tri và Quý trốn Bắc Triều về lại Cù Huynh, đều núp lén trong cây trầm rồi để cho dòng nước cuốn đi. Hương trầm thơm tỏa ngào ngạt nên nơi cây trao dạt vào bờ được gọi là Hương Sơn (thuộc tỉnh Khánh Hòa). "Ở huyện miền núi Con Cuông (Nghệ Tĩnh), có một địa danh tên là Trầm Hương. Người ta bảo, nơi đây, xưa kia có một rừng trầm nằm dọc theo bờ sông Lam. Rễ cây lan man khắp đồi núi và vệ sông, tỏa mùi thơm lên cả mặt nước, cỏ cây và bầu trời. Hương thơm đậm đặc đến nỗi những đám mây bay qua đó cũng tẩm hương, rồi mây bay theo chiều gió dạt về mạn dưới thành những trận mưa có vị thơm - người ta gọi là mưa hương "(8). Người Chăm tin đấng thượng đế khi giao phó thần Pô Ino Nagar xuống khai phá mặt đất cho phép bà đem theo lúa và trầm thể hiện oai quyền mầu nhiệm của mình. Chùa Bảo quốc ở Huế chứa một mảnh gỗ trầm hương dài 80, phân rộng 40 phân, dày vài phân, có hình dung một con người. Tục truyến lúc trước có người mua đem về nhà thì tai họa liên miên nên phải đem lên chùa gởi để các vị sư luông hương đèn cúng bái, mong bài trừ được những ảnh hưởng xấu (3).

Mảnh gỗ trấm hương chùa Bảo Quốc (3)

Cây trầm cống hương

Những huyền thoại được lưu truyền bắt nguốn từ hương thơm của cây trầm. Cây gỗ không chìm nầy còn mang tên trầm kỳ, trà hương, gió núi, dó bầu. Gỗ cây thường được gọi gỗ kỳ nam hay gỗ trầm hương. Trong một cây trầm có thể có cả hai loại kỳ nam (bois d’aloès) và trầm hương (bois d’aigle), hương thơm xen lẫn chút cay, khác nhau ở chỗ mùi vị, một bên vừa chua vừa ngọt, bên kia hơi đắng lại có phần dịu ; thường kỳ nam quý hiếm hơn trầm hương (5). Trong các báo khoa học, tên nôm na của cây trầm là agarwood hay agalwood (gỗ thạch), có khi eaglewood (gỗ đại bàng). Riêng người Nhật Bản có nhiều tên gọi : jinko, jinkok, kanakok, kanankok, kyara hay ryoku-yu. Hai danh từ jinkok và kanakok thường được dùng để chỉ định những loại trầm thu nhặt ở Việt Nam và xuất cảng qua Hồng Kông, rất được chú trọng những năm gần đây (13-19). Thường kỳ hương được xếp thành loại hắc kỳ (màu đen, hảo hạng, đắc tiền nhất), thanh kỳ hay hoàng kỳ (màu xanh vàng) và bạch kỳ (màu trắng đục). Ngày nay, trên thế giới, nhu cầu vượt quá xa nguồn cung cấp và thu hoạch không có phương pháp, lắm khi bất hợp pháp ở vài nước nên Quy ước Thương mãi Quốc tế về những Loài động vật và Thực vật Hoang dã Lâm nguy cơ CITES đã lên tiếng báo động và kêu gọi thực thi Quy ước cùng kiểm tra thương mãi (9).       .
Cây trầm lớn, cao khoảng 15-30 m, có khi lên đến 40 m, mọc ở châu Á từ Ấn Độ, Miến Điện, Trung Quốc, Thái Lan, qua Mã lai, Cao Mên, Lào, Nam Dương. Ở Việt Nam, cây trầm mọc nhiều ở miền Trung, từ Quảng Trị, Thừa Thiên vào Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, đến đảo Phú Quốc (5b). Cây trầm thuộc chi Aquilaria, họ Trầm (*) hay Trầm hương Thymeleaceae (**). Aquilaria do tiếng La Tinh aquila (aigle, chim đại bàng) mà ra, nên danh từ Pháp bois d’aigle hay Anh eaglewood chỉ định những loại gỗ khối nhựa, màu nâu, có khi mang đường rạch vằn hay vết lốm đốm như lông chim (2). Aquilaria  gồm có nhiều loài : A. agallocha Roxb., A. baillonnii Pierre ex Lam., A . banaensis Pham Hoang Ho, A. crassna Pierre ex Lecomte (tiếng Campuchia chỉ trầm là krasna hay chan krasna), A. malaccensis Benth, A. sinensis (Lour.) Gilg. hay Spreng (7), vừa rồi mới có tìm ra A. rugosa ở Việt Nam,     lắm khi khó phân biệt. Trong các loài thuộc Aquilaria thìA. crassna, A. malaccensis và A. sinensis có tiếng cống hiến nhiều kỳ nam hay trầm hương, nhưng được khảo cứu nhiều nhất là A. agallocha và chẳng thấy dấu vết A. crassna trong tập Chemical Abstracts. Trái lại, ở Việt Nam thấy có nghiên cứu chọn giống cây có cơ chế tạo trầm tự nhiên cây trầm hương (dó bầu) A. crassma 20 năm tuổi trên vùng đảo Phú Quốc (10). Ngoài ra cũng thấy có khai thác các câyAloexylon agallochum Lour., Excoecaria agallocha Linn. (*)
    
                                                   Aquilaria crassna và A. baillonii (**)
 Aquilaria crassna
Gỗ cây trầm rất quý nên lúc xưa được các thổ dân miền sơn cước dùng làm lễ vật đưa về cống nộp cho vua chúa. Cách đây hơn 250 năm, nhận được biểu của Mạc Thiên Tứ, trấn thủ Hà Tiên, báo cáo về việc tế lễ, để tỏ lòng đặc biệt ưu ái với vị trọng thần biên trấn, chúa Đỉnh Quốc Công Nguyễn Phúc Thụ đã ban cho hai thanh gỗ trầm hương. "Hai thanh cống hương đen như huyền, bản rộng hơn tấc, cao những hàng xích. Một thanh dựng ở giữa tế đàn Sơn xuyên, một thanh dựng ở giữa tế đàn Xã tắc. Khói đốt bốc thẳng đứng, như hai cây cột khói thơm dựng ở giữa trời. Hương trầm tỏa ngan ngát giữa đêm thanh, trăng sao lồng lộng ; dân cư tận xa vòng ngoài Trúc bằng thanh, còn nghe thấy mùi thơm trộn trong gió chướng rao rao" (4).
Nguyên gốc của kỳ nam hay trầm hương, tuy đã được nghiên cứu nhưng chưa thấy giải thích tường tận. Từ xưa nhiều giả thuyết đã được đưa ra, chẳng hạn như kiến sống trên cây chế mật rơi lên gỗ, lâu ngày thấm vào thành hương thơm (5a). Cũng cùng ý ấy, một giả thuyết khác cho những cây có tổ kiến hay tổ mối dưới chân thì đào tận rễ dễ tìm ra (5). Có người lại tin phân chim ở kẽ cành biến chất cũng có thể tạo thành trầm (*). Thật ra  nhìn từ bên ngoài rất khó xác định một cây có trầm. Ngày nay, người ta nhận thấy kỳ nam hay trầm hương là một khối nhựa do cây tiết ra để tự băng bó, bảo vệ chống vi trùng , thời tiết khi có vết thương. Biết vậy, những người tìm trầm khi kiếm ra cây có khả năng cống hiến trầm thì cố ý vạch cắt cây gây vết thương rồi đợi khối nhựa cấu thành, có khi nhiều tháng, nhiều năm. Cơ chế cấu tạo khối nhựa có thể là một hiện tượng thoái hóa vi khuẩn, nhưng thực chất hơn là do nấm gây ra. Người ta đã tìm ra được những loại nấm Mycelia, Menanotus flavolines (16), Epicoccum granulatum (6) nhiễm gỗ cây trầm. Nấm Mycelia còn có một đặc điểm nữa là cho phát hiện trong mảnh trầm cắt những oleoresin trước không có trong cây. Ngoài ra, loại nấm bậc cao nâu sẫm Cytosphaera mangiferae Died. trích chiết từ gỗ cây A. agallocha đang biến chất thành trầm, cho nhiễm vào những mảnh gỗ Aquilaria thì chế biến ra gỗ có hương thơm mùi trầm. Thí nghiệm không thành nếu dùng những mảnh gỗ các cây Syzyum hay Amoora mọc cạnh các cây Aquilaria kia trong những khu rừng Sylhet ở Bangladesh hay dùng các nấm Penicillum sp., Aspergillus sp., Fusarium sp. cũng được trích chiết từ các cây A. agallocha đã bị nhiễm. Theo tác giả công trình khảo cứu nầy thì côn trùng đã đem nấm vào các lỗ nứt, kẽ nẻ của vỏ cây (6). Từ A. agallocha cũng đã chiết xuất một loại nấm Paecilomyces varioti đặc biệt có khả năng xúc tác những phản ứng khử, kết vòng, kết hydroxy… biến hóa citronellal ra isopulegol, menthon ra menthol, cinnamaldehyd ra cinnamid acid,… (26).

Hương thơm cây trầm

Hương thơm trong cây trầm là do các phân tử chromon và sesquiterpen mà ra. Những chromon có thể là agarotetrol hay isoagarotetrol chứa nhiều nhóm hydroxy. Hai chất nầy có trong những cây trầm Tân Gia Ba và Việt Nam theo tỷ lê 2 :1 (14). Những chromon khác phần lớn là những dẫn xuất của ethyl phenyl chromon tìm ra trong A. agallocha và A. sinensis : hydroxy, dihydroxy, methoxy, dimethoxy, tetrahydroxy, tetrahydroxy tetrahydro; của ethyl phenyl pentahydroxy chromon ; của ethyl phenyl methoxy chromon : methoxy, dimethoxy ; của ethyl phenyl tetrahydro chromon ; của ethyl phenyl pentahydro chromon. Người ta cũng đã tìm ra được những ethyl biphenyl chromon và ethyl triphenyl chromon. Một công trình khảo cứu về tương quan giữa chất lượng và thành phần trầm bán ở Hồng Kông với agarotetrol và isoagarotetrol qua một loạt đo các làn sóng 270-400 nm cho thấy một số hoá chất khác ngoài chromon. Những sesquiterpen phần lớn tìm ra trong A. agallocha, cũng có một số tài liệu khảo cứu trên A. malaccensis và A. sinensis. Những phân tử được các nhà khảo cứu Ấn Độ chiết xuất trước tiên từ tinh dầu trầm là agarol bên cạnh gmelofuran và những agarofuran : dihydro, hydroxy dihydro, norketo hay epieudesmol là agarofuran mở vòng, đồng thời với agarospirol và oxoagarospirol. Cũng cùng loại selimanic furanoid nầy, những jinkohol đã được tìm ra cạnh jinkoh-ceremol.
Với công thức tương tự, các tác giả Trung Quốc đã chiết xuất những baimuxinol, dihydro baimuxinol, isobaimuxinol, baimixinal, baimuxinic acid, baimuxifuranic acid, sinanofuranol từ A. sinensis bên cạnh những hóa chất tương đối thông thường như benzyl aceton, methoxy benzyl aceton, anisic, palmitic, octadecenoic, dienoctadecanoic acid trong tổ chức gỗ. Ba chất sau nầy thay đổi thành phần khi gỗ bị nhiễm nấm Menanotus flavolines, đồng thời cũng xuất hiện oxoagarospirol. Bước qua sườn guain thì một loạt bảy sesquiterpen được xác định trong trầm Việt Nam mà quan trọng nhất là guaiadienal đã góp phần lớn trong mùi hương thanh nhã. Tinh dầu trầm Việt Nam, theo các nhà khảo cứu Nhật Bản, thì ngoài guaiadienal, còn chứa selinadienol, selinadienon bên cạnh guaiene, bulnesen, agarofuran, kusunol, karanon, dihydro karanon, oxoagarospirol cùng các ethyl phenyl chromon đã thấy ở trên (15), năm eudesman sesquiterpen cùng epoxy norketo guaien, dehydro jinkoh-eremol và neopetasan (19). Các tác giả nầy cho jinkoh có thể là A. sinensis, còn kanankoh tức A. agallocha thì có hai loại : một loại giàu guaien và eudesman đã oxi hóa, loại kia có oxoagarospirol là thành phần sesquiterpen chính (17). Trước đó, một nhóm khảo cứu viên Nhật Bản khác đã so sánh tinh dầu hai loại trầm Việt Nam (loại A : A. agallocha) và Nam Dương (loại B : có thể là A. malaccensis) thì thấy thành phần và tỷ lệ rất khác nhau (13). Tinh dầu % loại A : agarofuran (0,6), norketo agarofuran (0,6), agarospirol (4,7), jinkoh-eremol (4,0), kusunol (2,9), dihydro karanon (2,4), oxoagarospirol (5,8) ; loại B : agarofuran (1,3), epieudesmol (6,2), agarospirol (7,2), jinkohol (5,2), jinkoh-eremol (3,7), kusunol (3,4), jinkohol II (5,6), oxoagarospirol (3,1).
Ngoài hai loại chromon và sesquiterpen vừa thấy, một vài hóa chất khác cũng đã được tìm ra : liriodenin, aquillochin trong thân cây A. agallocha, dibehenyl ferulyl glycerid (0,55%), decatrienyl phorbol acetat trong vỏ cây A. malaccensis. Trong hai chất sau nầy, chất thứ nhất có một liều gây chết LD50 0,8 microg/ml chống hệ thống P-388 chứng bạch cầu lympho bào in vitro nhưng vô hiệu in vivo, liều gây chết LD50  của chất kia là 0,0022 microg/ml in vitro. Đây là lần đầu tiên những chất nầy được xác định có một hoạt động gây hại tế bào in vitro(11). Về mặt duợc liệu, tinh dầu chiết xuất từ A. agallocha có một hoạt động nhỏ trợ tim. Gần đây nhờ có tính chất gia tốc sự cấu tạo collagen, nó được dùng làm thuốc  làm dẻo da, ngừa da nhăn, chữa chấn thương (24), nhờ tính chất chống melanin cấu tạo nên được dùng làm thuốc bảo vệ da chống nhiễm sắc tố, vết hoe (25); nó cũng được dùng trong một liều thuốc gồm có hổ phách, mộc hương, đinh hương, đàn hương, hương phụ,… để làm thuốc chống co giật đồng thời gây ngủ (27). Bên phần A. sinensis  thì tinh dầu có hoạt động khử những vi khuẩn gam âm và gam dương (28), hợp với nhiều chất khác để làm thuốc chống béo (23), chữa gan (22). Thật ra, từ xưa ở nước ta, kỳ nam và trầm hương đã được dùng làm thuốc giải nhiệt, chống đái, chữa đau bụng, đau ngực, ỉa chảy, nôn mửa, khí thủng, trị sốt rét, suyển kinh niên (5a) , bí tiểu tiện, bổ dạ dày nhờ có vị cay, tính hơi ôn, vào ba kinh tỳ, vị và thận, có tác dụng giáng khí nạp thận hình can tráng nguyên dương. Người ta dùng chúng dưới dạng bột hay ngâm rượu, ít khi sắc, thường chỉ mài với nước mà uống. Để chữa nôn mửa, đau bụng, dạ dày, đơn thuốc gồm có trầm hương, nhục quế, bạch đậu khấu, hoàng liên, đinh hương, tán nhỏ dùng nước nóng chiêu thuốc, ngày uống ba, bốn lần (*).

Ngậm ngải tìm trầm

Tuy vậy, công dụng chính của trầm là hương thơm. Cả hai loại hóa chất chromon và sesquitepen đều có mùi thơm đặc biệt, khi đốt nóng mới tỏa ra cùng các chất dễ bốc hơi khác, đặc biệt là những sesquiterpen carboxylic acid. Một nhóm khảo cứu viên Nhật Bản đã thử phân biệt hương thơm của một số sesquiterpen. Họ nhận thấy có khi chỉ vì vị trí của một dấu nối đôi như hai chất selina-3,11 và selina-4,11 dienal mà mùi hương rất khác nhau, chất thứ nhất có mùi gỗ, mùi hoa hòa với mùi khói, chất kia phảng phất hương bạc hà. Bốn chất đồng phân neopetasan, epineopetasan, dihydro karanon, ngoài vị trí các dấu nối đôi, còn khác nhau ở hướng các nhóm methyl thì có chất thơm mùi gỗ ngọt, có chất nặng mùi khói, có chất lại phảng phất mùi chua và nhựa thông (19). Mặt khác, những chức trong phân tử cũng đóng một vai trò : nếu là selinadienon có mùi dịu như hoa tươi, selinadienol lại thơm mùi gỗ ngọt, trong khi guaiadienal tỏa mùi gỗ giống mùi của damacenon thêm vào chút long não (15). Các tác giả nầy cũng có khảo sát khói của hai loại trầm Việt Nam (kamakoh và jinkoh) : một loại đầy benzaldehyd, acetic acid, vanillin, loại kia chứa toàn hoá chất hữu cơ vòng thơm nên khi đem đốt mùi hương rất khác nhau (18). Thơm như vậy nên dùng gỗ cây trầm làm nhang là chuyện dĩ nhiên. Một văn bằng sáng chế Nhật Bản cho trộn với bột tabu và nước để làm nhang(12). Để làm tăng hương thơm của tinh dầu trầm, nhất ra để tạo ra một mùi hương đặc biệt, quyến dũ, người ta cũng đã cho trộn với tinh dầu dạ hương (lấy từ túi thơm của con cầy hương). Ngoài ra, cây trầm còn có những ứng dụng khác. Gần đây, một văn bằng Trung Quốc dùng cây A. agallocha trong một hỗn hợp gồm có nhân sâm, ngải cứu, bạc hà, kinh giới, hoắc hương, ma hoàng để làm thuốc hút không có thuốc lá và rao là không độc cho cơ thể (20). Nó cũng được dùng trong một văn bằng để khử những mùi ammoniac, trimethylamin, methylmercaptan (21). Nhờ không bị sâu mọt phá hoại và chịu đựng thời tiết, gỗ cây trầm được sử dụng trong ngành chạm trổ. Sau cùng cũng nên biết bên Ấn Độ, gỗ cây trầm đã được dùng làm giấy viết và giấy in có chất lượng.
Cây trầm rất hiếm quý nên giá bán rất đắt. Có một dạo, người ta đổ xô đi tìm trầm, phải lặn lội nhiều tháng trong rừng mới hầu mong bắt gặp. Có khi họ xây lều ngay cạnh để canh giữ. Người xưa bảo đi tìm trầm phải trong sạch về mặt tinh thần cũng như thể xác, suy tư đứng đắn, ăn nói đàng hoàng, kiêng cử đàn bà, rượu chè cờ bạc. Nếu đi thành toán thì không được chuyện trò ồn ào, cãi nhau ầm ỉ. Để tránh thú dữ, beo cọp, họ cầm roi dâu, vừa đi vừa quất lên cành lá bên đường. Để chống yêu quái, ma quỷ, họ ngậm ngải để làm bùa hộ thân. "Theo lắm người kể chuyện, ngải là một thứ củ do người Mọi Trường Sơn luyện rất công phu. Họ hấp củ cây ngải trong vò mật ong một tháng, để giữa dòng suối chảy một trăm ngày. Đoạn phải đặt trong tay đủ năm người chết, và đeo trước ngực năm bà già trong đời giữ vẹn tiết trinh. Vẫn chưa hết. Xong phải nhét vào trong cái giò heo để lừa cho hổ ăn. Nghĩa là nếu may thì ngải sẽ nằm trong bụng hổ. Đoạn phải bẫy cho được con hổ ấy, rối giết và lấy ngải ra. Ngải là một cái bùa thiêng lúc ấy có sức mạnh huyền bí. Ai ngậm nó mà đi vào rừng thì không ăn uống cũng sống được. Và thú dữ đi sát bên cạnh cũng không thấy mình đuợc. Nhưng hạn trong ba tháng mươi ngày phải trở về nhà nhả ngải ra. Nếu không thì người ấy sẽ mọc lông, trổ vuốt, thêm nanh và hóa ra hổ thật… " (1).
Một điều đáng ngạc nhiên là một cây hiếm quý như vậy, đã được sử dụng trong nhiều nước, chưa từng nghe đến một trại nuôi trồng. Đến nay chỉ thấy khai thác cây trầm mọc hoang, một ngày kia ắt sẽ tiệt giống như CITES đã lên tiếng kêu cứu. Đứng về mặt sản phẩm hương mùi, sợ e rồi trầm hương dần dần sẽ nhường chỗ cho các hóa chất nhân tạo tổng hợp như đã bắt đầu thấy.




No comments:

Post a Comment