Wednesday, January 13, 2010

Thầy Gogen Yamaguchi và môn phái Goju Ryu Karate

Photobucket

Vài Nét Về Tổ Sư Gogen Yamaguchi


Thầy Gogen Yamaguchi (Còn gọi là Người Mèo; Cat Man) sinh năm 1907 tại Kyusyu thuộc hạt Miyataki Ken, thuộc dòng dõi samurai chính tông. Từ nhỏ, ông đã làm quen và luyên tập nhiều môn võ, đặc biệt là Nhu đạo. Năm 20 tuổi, ông theo gia đình về sống ở Kyoto và tại đây, ông bắt đầu làm quen với môn võ Karate Goju của võ sư Chojun Miyagi, người gốc Okinawa . Ông đã đạt tới trình độ đệ ngũ đẳng Nhu đạo. Về văn hoá, ông theo hoc ngành luật và ngành y. Ông đã đậu tiến sĩ y khoa ngành cốt học, và thạc sĩ triết học Đông Phương. Ông còn say mê đạo học và là một tu sĩ Thần Đạo nổi tiếng. Ông luôn truyền bá phép quán tưởng, để tóc dài và ăn chay trường.
Dáng người thấp lùn, nặng 70 ký nhưng chỉ cao có 1,53 mét, ông không ngừng gây kinh ngạc cho những kẻ diện kiến- nhất là người phương Tây- về năng lực phi thường và võ công ngoại hạng của mình. Sinh hoạt đời thường của ông đã đủ biểu thị sức chịu đựng vô biên của một cơ thể sắt thép: luôn thực hiện đầy đủ bổn phận của một tu sĩ Thần học trong sứ mạng truyền bá phép quán tưởng, đồng thời ông tiếp tục lãnh đạo rất thành công một “đế quốc” võ thuật có quy mô toàn cầu là tổ chức Karate. Hàng ngày ông theo dõi, đôn dốc hơn 12 ngàn võ sinh và hội quán Karate Goju cả về mặt chuyên môn lẫn kinh tài. Ở địa vị tối cao trong “đế quốc” võ thuật của riêng mình, ông vẫn sát cánh bên các môn sinh trong các buổi tập quan trọng. Tốc độ ra đòn của ông nhanh khó thể tưởng tượng: ông có thể thi triển thế đá bay với 3 hay 4 cú một lần vào bụng, ngực và đầu đối thủ. Tập luyện ngoài trời giữa mùa đông giá, ông vẫn chỉ mặc một bộ võ phục mỏng, đi chân đất, hướng dẫn các môn sinh leo lên các triền núi.

CUỘC TAO NGỘ VỚI MÔN PHÁI KARATE GOJU RYU

Yamaguchi nghe nói đến môn phái Karate Goju và người lãnh đạo nó, võ sư Chojun Miyagi lần đầu tiên khi ông đang theo học tai học đường Ritsumeikan. Hồi đó, Miyagi đang ở tại thành phố Naha , trên đảo Okinawa có khuynh hướng đi theo một con đường biệt lập, và hầu hết các chi lưu chính đều tập trung ở thành phố Shiru, sở trường của họ là các đòn cương. Võ sư Miyagi chủ trương đòn nhu cũng quan trọng như đòn cương. Do đó, chi phái Karate của ông ở Naha được mệnh danh là Karate Goju, tức là môn Không thủ đạo cương nhu (go: cương, ju: nhu). Nhận lời mời của Yamaguchi, võ sư Miyagi rời Okinawa sang Nhật. Nhờ gặp trực tiếp võ sư Miyagi, Yamaguchi hiểu rõ được tôn chí của môn phái Karate Goju. Phái này đặt nền tảng trên quan niệm triết học Đông phương, theo đó, mọi sự nếu cứng quá, hoặc mềm quá đều không tốt. Quan trọng là hai yếu tố cứng, mềm phải bổ sung cho nhau. Việc tổng hợp hai yếu tố cương,nhu trong võ thuật đã mang lại cho môn phái Karate Goju những đòn đánh uyển chuyển, nhịp nhàng và bay bướm. Nhưng nếu ai đó e rằng hoa mỹ quá sẽ không kiến hiệu thì người đó chỉ cần nhìn hai môn sinh Karate Goju tự đo đối luyện sẽ “tỉnh ra” ngay. Người ấy sẽ thấy Karate Goju có những đòn nhanh như chớp. Cuộc đấu giữa họ ít có thời gian chết, ít có những cảnh đứng yên chờ đối thủ sơ hở. Họ đều chủ động tấn công, tung ra những đòn “cương mãnh” mà thanh thoát. Võ sư Miyagi không chỉ “thuyết” suông mà đích thân ông còn biểu diễn các bài quyền vừa phức tạp, vừa lạ lùng. Buổi sơ kiến đã chinh phục hoàn toàn Yamaguchi, và cuộc đời ông đã qua một ngã rẽ quyết định.
Yamaguchi dốc toàn tâm lực tập luyện môn Karate Goju. Ngày võ sư Miyagi rời Nhật Bản về Okinawa , ông hoàn toàn hãnh diện về người môn đệ của mình. Ông thăng đẳng cấp cao nhất của môn phái cho Yamaguchi, và uỷ thác cho người môn đệ sứ mang cao cả là lãnh đạo chi phái võ thuật này tại nước Nhật.
Chia tay thầy xong, Yamaguchi bắt tay ngay vào việc truyền bá môn võ Karate Goju trên toàn nước Nhật. Trước tiên, ông lập hội Karate Goju ở trường đại học Ritsumeikan, rồi mở võ đường Karate đầu tiên tại miền Tây nước Nhật vào năm 1930. Sức làm việc không mệt mỏi của ông đã giúp môn phái thu hút được nhiều môn sinh và bắt đầu lan tràn khắp xứ. Ông nhận thấy môn Karate gốc Okinawa nói chung và môn Karate Goju của võ sư Miyagi nói riêng, với nguồn gốc võ cổ truyền Trung Quốc, vẫn còn bị gò bó quá nhiều và tĩnh quá. Ông thực thi việc mở rộng các động tác để võ sinh có thể ra đòn nhanh và tự do, thoải mái hơn. Những bước cải thiện này đã đưa môn Karate Goju tiến được một bước dài chỉ qua một thời gian vài năm.
Cuộc Đệ nhị Thế chiến bùng nổ đã cắt ngang tất cả. Như mọi công dân khác, Yamaguchi tuân lệnh chính phủ lên đường sang công tác tại Mãn Châu vào năm 1939.
Lúc đó nhằm giai đoạn bùng nổ cuộc Đệ nhị Thế chiến. Tại một nhà tù ở Mãn Châu, có một tù nhân ngoài 30 tuổi, thân hình thấp lùn. Ông ta không ngồi bất động, buồn thảm như các tù nhân khác, cũng không thích giao thiệp với ai. Ông chuyên chú duy nhất vào việc tập luyện Karate mỗi ngày. Tập xong, ông ngồi thiền, gần như đắm mình trong trạng thái xuất thần. Bọn cai tù bắt đầu chú ý đến ông. Dù ông rất gương mẫu trong việc chấp hành nội quy, bọn cai ngục vẫn cảm thấy “kỵ” ông. Họ nhắc nhở nhau coi chừng ông, thậm chí có kẻ còn gọi ông là “tên phù thuỷ”. Sau đó ít lâu, bọn chức sắt trại giam đã khám phá ra nguồn gốc của ông. Chúng biết ông là người của sở cảnh sát Tokyo phái qua Mãn Châu thi hành một công tác đặc biệt. Tại sở cảnh sát Tokyo , ông giữ một chức vụ hết sức kỳ lạ là “phát hiện lời nói dối”. Họ còn biết thêm ông là một võ sư Karate. Công việc ở Sở cảnh sát của ông là dự nghe những cuộc hỏi cung các kẻ bị tình nghi. Trong lúc các người này trả lời, ông quan sát mọi biểu hiện của họ qua lời nói, giọng nói, cử chỉ, nét mặt, sau đó cân nhắc để nhận định kẻ đó thành thật hay gian dối. Trong nhiều năm công tác, ông chưa bao giờ phạm sai lầm, nên ý kiến của ông rất được coi trọng. Vào lúc Đệ nhị thế chiến bùng nổ, chính phủ cử ông sang Mãn Châu để thi hành một sứ mang đặc biệt, nhưng vừa đặt chân xuống đất Mãn là ông bị bắt ngay. Biết rõ lý lịch của ông rồi, đám cai ngục thôi gọi ông là “tên phù thuỷ” mà gọi bằng tên thật: Gogen Yamaguchi.

Năm 1947, Yamaguchi được phóng thích khỏi nhà tù Mãn Châu và lên đường về nước. Thời gian tù đày 8 năm là dịp cho ông thu thập được nhiều nét tinh hoa của võ học cổ truyền Trung Hoa. Trở về tổ quốc trong một nước Nhật bại trận, Yamaguchi đau đớn chứng kiến cảnh võ thuật bị lực lượng Đồng minh chiếm đóng đặt ra ngoài vòng pháp luật. May thay, lệnh trên lại không “đụng” đến môn võ Karate, vì người kí lệnh nhầm tưởng Karate là một vũ điệu thuần tuý Đông phương! Sự hiểu lầm này đã đem lại cho Yamaguchi một vận may hiếm có, nhưng đồng thời cũng bắt ông phải bắt tay ngay vào việc. Ông lập tức khai thác dịp may và lao ngay vào công tác bị bỏ dở vì chiến tranh, để tiếp tục sứ mạng mà sư phụ Miyagi đã uỷ thác. Theo nhận định của ông, những truyền thống của dân tộc bao giờ cũng có sức mạnh lớn lao. Từ suy nghĩ này, ông quyết định đặt công tác phát triễn võ thuật trong khuôn khổ của nổ lực phục hồi các phong thái cổ truyền, đã tạo nên hình ảnh hào hùng của người Nhật. Ông thể hiện nghiêm khắc các nếp sống dân tộc trong mọi tương quan, đồng thời để tóc dài theo cung cách tu sĩ Thần đạo và giới samurai. Bề ngoài có vẻ cổ quái của ông cộng với lòng nhiệt thành đã lôi cuốn mọi người quanh ông trở về với niềm tự hào dân tộc. Phong trào đua đòi cách sống phương Tây mất dần sức quyến rũ, và chẳng bao lâu, chính những người ngoại quốc sống ở Nhật lại bị nếp sống Nhật chinh phục. Nhiều binh sĩ ngoại quốc trong quân đội chiếm đóng tìm đến võ đường Goju Kai ở Tokyo xin theo học và sau đó, họ đã trở thành các sứ giả truyền bá môn Karate Goju đi khắp thế giới.

Tại Nhật, người ta thường nghe nhắc đến một biệt danh của ông là “Người Mèo” Không thủ đạo. Không ai biết rõ xuất xứ của biệt danh này mà chỉ phỏng đoán là do các quân nhân Mỹ chiếm đóng tại Nhật đặt cho ông. Những toán lính Mỹ đã nhiều lần kinh hoàng khi ông đột ngột xuất hiện ngay sau lưng họ mà họ không hề hay biết, vì ông đi đứng nhẹ nhàng như một con mèo. Cũng có kẻ lập luận rằng biệt danh ”Người Mèo”(Cat Man) rất thích hợp để diễn tả những động tác mềm dẻo, uyển chuyển của môn phái Karate Goju mà Yamaguchi là trưởng môn. Dù xuất phát từ nguồn gốc nào đi nữa, thì cái biệt danh đó xem ra đã chọn đúng đối tượng. Người Mèo Yamaguchi không phải chỉ được biết đến qua hình ảnh mái tóc dài buông xoã và đôi mắt đen rực sáng, ông còn là hiện thân của một sức mạnh truyền kỳ, của nghị lực và lòng đam mê. Và chính từ hai điều này, nên chỉ với khối óc và hai bàn tay trắng, ông đã tạo nên một đế quốc võ thuật hùng mạnh giữa thế kỷ này trong một thời gian ngắn.

Ngoài ra, một yếu tố không thể thiếu, giúp đưa ông tới thành công chính là sự kính mến của các môn sinh đối với người bạn đời của ông: bà Yamaguchi. Trong mọi nghịch cảnh, bà luôn trầm lặng, bình tĩnh, không hề than oán. Bà luôn khuyến khích các môn sinh của chồng khi họ có dấu hiêu nản chí. Hầu như tất cả các môn sinh vì quý trọng bà đã tìm cách giữ vững sự sống của môn phái. Đức hạnh và lòng thanh cao của bà đã khiến họ mến mộ bà có phần trội hơn đối với thầy của họ nữa. Thật đúng như một bậc danh nhân đã nói:”Đằng sau sự thành đạt của một vĩ nhân luôn có bóng dáng của một người phụ nữ”.

No comments:

Post a Comment