Tuesday, October 12, 2010

“Đấu khẩu” quanh vấn đề cổ vật


Việc nhiều viện bảo tàng Mỹ đang phải trả lại những món đồ cổ quý giá về cho cố quốc đang làm bùng nổ cuộc tranh luận rằng ai là chủ sở hữu hợp pháp của cổ vật…
  • Của ai?



Viện bảo tàng Metropolitan (New York) – một trong những viện bảo tàng lớn nhất thế giới và có nhiều cổ vật giá trị nhất từ nhiều nền văn minh thế giới.



Ngay sau khi người điều khiển cuộc bán đấu giá đặt lô 749 vào vị trí, đám đông trong khán phòng đã ồ lên với vẻ thích thú. Chính phủ Trung Quốc đã làm mọi cách để ngăn đợt đấu giá này, tổ chức vào thượng tuần tháng 5-2000, bán một đầu cọp bằng đồng với kích thước thật và ba di sản văn hóa khác đời nhà Thanh, tại chi nhánh Sotheby’s và Christie’s ở Hong Kong.
Một viên chức thuộc Cục di tích nhà nước Trung Quốc cảnh báo rằng cả hai công ty đấu giá sẽ phải “trả giá cho sự chọn lựa thiếu khôn ngoan của mình”, trừ khi họ rút lại các cổ vật đó trong cuộc đấu giá.
Tại Hong Kong, nhiều người đã xuống đường biểu tình phản đối cuộc đấu giá vì cho đó là sự xúc phạm thể diện quốc gia, một sự xúc phạm bắt đầu từ cách đây hơn 140 năm khi châu Âu đánh cướp các cổ vật trên trong một cung điện và nổi lửa thiêu rụi những gì không thể khuân đi.
Đầu tháng 5-2000, chính phủ Trung Quốc thề sẽ lấy lại bốn di vật văn hóa nhưng cả Sotheby’s lẫn Christie’s đều phớt lờ sự đe dọa từ Bắc Kinh. Tất cả cố gắng của Cục di tích nhà nước đều thất bại, cho đến phút chót, khi hai công ty quốc doanh Trung Quốc xuất hiện và đánh bại tất cả đối thủ để lấy lại bốn di vật văn hóa với giá tổng cộng hơn 6 triệu USD... 
Mùa thu 1940, khi sộc vào căn nhà ở Paris của tay sưu tập nghệ thuật lừng danh Alphonse Kann (lúc đó lánh nạn ở Luân Đôn), Đức quốc xã khuân đi nhiều kiệt tác của các danh họa Braque, Cezanne, Degas, Matisse và hơn 20 bức Picasso. Sau chiến tranh, một phần trong số 300 tác phẩm thuộc bộ sưu tập Kann được hoàn lại cho gia đình ông và phần còn lại trôi giạt tứ phương.
Gần sáu thập niên sau vụ cướp của Đức quốc xã, người cháu của Kann – Francis Warin – thực hiện cuộc tìm kiếm quy mô và cuối cùng phát hiện nhiều tác phẩm trong bộ sưu tập của ông mình hiện nằm trong một số bảo tàng Mỹ – Viện sưu tập Menil ở Boston, Viện nghệ thuật Minneapolis và Viện bảo tàng nghệ thuật hiện đại ở New York. Cuộc truy lùng vất vả đã nhặt nhạnh từng món một ở nhiều nơi khác nhau: một bức lập thể của Georges Braque được bán cho Trung tâm Pompidou ở Paris năm 1981; một bức Picasso tìm thấy trong bộ sưu tập tư nhân ở Tokyo; một tượng Rodin tìm thấy trong Viện bảo tàng điêu khắc Copenhagen…
Viện bảo tàng đầu tiên dính vào vụ Kann là Viện Minneapolis. Warin tin rằng bức Smoke Over the Roofs của Fernand Leger vẽ năm 1911 thuộc bộ sưu tập Kann, được Putnam McMillan tặng cho viện này hồi năm 1961 và từng được gia đình Kann đệ đơn cớ mất lên Chính phủ Pháp. Warin phát hiện thêm rằng bức Brook With Aloes của Matisse vẽ năm 1907 trị giá 5 triệu USD đang trưng bày tại Viện Menil cũng thuộc bộ sưu tập Kann.
Bộ hồ sơ lưu liên quan đến các tác phẩm được lấy từ ngôi nhà của Kann do Đức quốc xã thực hiện đã có ghi tên tác phẩm này và Matisse chưa từng vẽ bức nào khác đề tựa Brook With Aloes. Bức này được Phòng trưng bày Hugo Peirls mua năm 1946 và sau đó rơi vào tay gia đình Menil năm 1950. Như Viện Minneapolis, Viện Menil cũng từ chối công bố hồ sơ về các tác phẩm liên quan đến Matisse cho cuộc điều tra của Warin…
Theo Newsweek (12-3-2007), năm 1972, Viện bảo tàng Metropolitan (New York) bỏ ra 1 triệu USD mua chiếc bình Hy Lạp cổ có tên Euphronios Krater. Nó đáng từng xu bởi chiếc bình 12 gallon (45,4 lít) là một trong 24 mẫu vật sót lại của họa sĩ tài danh Euphronios, và nó còn có chữ ký của họa sĩ. Tuy nhiên, chiếc bình cổ 2.500 năm tuổi là hàng phi pháp, được bọn đào trộm chôm từ một mộ cổ gần Rome và mang khỏi Ý chỉ vài tháng trước khi được bán.
Năm 2006, lần đầu tiên vụ việc được phát hiện và cuối cùng Metropolitan phải nuốt nước mắt thỏa thuận trả lại vĩnh viễn cho Ý vào năm 2008. Không chỉ chiếc bình Euphronios Krater, Metropolitan cũng phải trả lại 20 mẫu vật khác (sau khi được kiểm tra); trong khi loạt bảo tàng từ Boston đến Los Angeles đang thương lượng với Ý việc trao trả các cổ vật hay không, hoặc trả như thế nào.



Hy Lạp, Ai Cập và Peru đang lao vào cuộc chiến quy hồi cổ vật. Vấn đề này không mới nhưng mức độ bắt đầu mỗi lúc mỗi phức tạp. Ngay sau khi ký trả chiếc bình Euphronios Krater, giám đốc Metropolitan – Philippe de Montebello – đã (ấm ức) đặt câu hỏi rằng tại sao cổ vật phải trả lại cho các quốc gia hiện đại mà những quốc gia này không hề tồn tại khi tác phẩm được tạo ra? Luật thì “phải tuân thủ thôi” nhưng De Montebello nhấn mạnh rằng cổ vật là tài sản chung của nhân loại.
  • Vấn đề chưa ngã ngũ
Giới chuyên môn cho rằng di sản Tellem là kho tàng giá trị nhất của văn hóa Tây châu Phi. Cổ vật Tellem được bán với giá trung bình 275.000 USD/cái - khoản tiền quá lớn ở một nơi mà GNP chỉ hơn 300 USD/đầu người như tại Mali. 

Gần đây, người ta có khuynh hướng ủng hộ quốc gia sản sinh cổ vật nhưng gần như tất cả giám đốc bảo tàng đều bảo vệ tầm quan trọng của sứ mạng họ, rằng họ chẳng giành giật của ai mà chỉ bảo tồn kho cổ vật quý giá để công chúng thưởng lãm.
Luật quy hồi đang phá hỏng tính phổ quát kinh viện của ý nghĩa bảo tàng viện – nhận xét của James Cuno, giám đốc Viện nghệ thuật Chicago. Viện Getty hiện là một trong những điểm tập trung mới nhất của cơn sốt tranh luận quy hồi cổ vật. Năm 1993, Getty mua chiếc vòng nguyệt quế vàng Hy Lạp cổ với giá 1,15 triệu USD. Thế rồi người ta phát hiện chiếc vòng nguyệt quế là hàng chôm chỉa; cuối cùng, tháng 2-2007, giám đốc Getty phải bay sang Athens để trả lại cho nguyên chủ.
Vài trường hợp khác thậm chí phức tạp hơn. Mùa xuân 2006, giám đốc Getty – Michael Brand – đàm phán với Ý quanh 52 cổ vật có nguồn gốc trộm cắp. Mùa thu 2006, Getty đồng ý trả ngay 26 cổ vật và tiếp tục giữ nửa còn lại. Tuy nhiên, đến tháng 11-2006, Brand cho biết tiến trình thương lượng bị ách tắc, đặc biệt bởi nguyên nhân từ một bức tượng đồng.
Năm 1964, ngư phủ tại Fano (Ý) vớt được trong lưới bức tượng (tạc một thanh niên) ngoài khơi Nam Tư và mang về bán. Tòa Ý từng hai lần khẳng định người mua không vi phạm luật thừa kế di sản. Khoảng năm 1970, bức tượng trôi giạt sang Brazil, Anh rồi Đức, nơi một tay lái buôn tại Munich bán nó cho J. Paul Getty (người sáng lập Getty). Theo Michael Brand, tháng 11-2006, Ý đột nhiên ngưng thương lượng trừ khi được lấy lại vĩnh viễn bức tượng, bất chấp việc tòa nước họ từng quy định như trên. Hơn nữa, nguồn gốc lịch sử bức tượng thật ra là ở Hy Lạp…
Năm 2006, Ai Cập tuyên bố một mặt nạ 3.200 năm tuổi tại Viện bảo tàng nghệ thuật St. Louis (Mỹ) là hàng chôm chỉa từ một nhà kho Ai Cập. Giám đốc Viện St. Louis, Brent Benjamin, khẳng định rằng viện bảo tàng mình đã tham khảo với nhiều học giả, với Cảnh sát quốc tế (Interpol) và thậm chí với vị giám đốc Viện bảo tàng Cairo trước khi mua nó năm 1998. Tuy nhiên, Ai Cập vẫn tiếp tục truy đòi...
Việc quy hồi và bảo tồn cổ vật bắt đầu trở thành vấn đề danh dự quốc gia. Trung Quốc gần đây yêu cầu Bộ ngoại giao Mỹ ra lệnh cấm nhập tất cả mẫu vật Trung Quốc sản xuất trước năm 1925 (yêu cầu chưa được xét). Peru dọa kiện Bảo tàng Peabody (thuộc Đại học Yale) quanh kho cổ vật khổng lồ lấy từ thành cổ Machu Picchu, được nhà thám hiểm Hiram Bingham chuyển về Mỹ năm 1912.
Đến nay, việc tranh luận quanh vấn đề quy hồi cổ vật vẫn ỏm tỏi và còn quá nhiều rối rắm. Nhiều giám đốc bảo tàng hy vọng tất cả có thể cùng ngồi lại để lập quy tắc cho một thị trường cổ vật hợp pháp (quy định mẫu vật thế nào là tài sản quốc gia) hoặc mở rộng chương trình vay mượn cổ vật cho các chương trình triển lãm nghệ thuật cổ đại vốn bắt đầu phổ biến vài năm gần đây. 
Mỗi năm, có hàng ngàn cổ vật Ai Cập được tuồn ra nước ngoài bằng con đường bất hợp pháp. Ai Cập có 40.000 địa điểm chứa cổ vật mà chính phủ không đủ kinh phí để thuê nhân viên giám sát hết. Hiện tại, chính phủ thuê 1.750 người giám sát khu vực cổ. Nhân viên trẻ được trả 89USD/tháng để trông chừng cổ vật đồng thời giám sát cả những người bảo vệ lớn tuổi (chỉ được hưởng mức lương 24 USD/tháng)!

No comments:

Post a Comment