Saturday, November 14, 2009

Mas Oyama & Kyokushinkai Karate.






Kyokushinkai Karate (Cực Chân Không Thủ Đạo) được thế giới biết đến như một chi phái Karate cương mãnh nhất, đào luyện thể chất cá nhân mạnh nhất và xây dựng tin thần bất bại nơi tâm linh, được xây dựng bởi một người phủ đầy huyền thoại như một Karateka dũng mãnh nhất thế giới. Chi phái Kyokushin Karate được xem như một chi phái mạnh nhất trong các phái Karate hiện nay được tập luyện trên 145 quốc gia toàn cầu, khắp 4 lục địa với hơn 12 triệu thành viên chính thức đăng ký, và được hầu hết các lực lượng cảnh sát, quân đội trên thế giới xem là một phương pháp cận chiến hay nhất cho họ luyện tập.

Năm 1937, Mas Oyama được gởi sang Nhật Bản trong chương trình huấn luyện Võ bị quân sự cho thanh niên. Ông bắt đầu tập luyện Shotokan Karate và sau đó ông ghi danh tại trường Đại học Takushoko, tại nơi đây ông được nhận vào tập luyện thường xuyên hàng ngày trong suốt 2 năm liên tiếp với bậc thầy của Karate nổi tiếng nhất Nhật Bản là Gichin Funakoshi. Khi vừa 18 tuổi ông bị bắt buộc phải tòng quân vào quân đội Thiên Hoàng. Mas Oyama đã gia nhập lực lượng Butokukai và trở thành thành viên của nhóm Kihokai, một lực lượng chuyên huấn luyện cho việc xâm nhập, chiến tranh du kích trong suốt cuộc chiến.
Sau cuộc chiến tranh đệ II thế chiến, Mas Oyama được cơ may tập luyện với Võ sư So Nei Chu, một Võ sư người Hàn Quốc thuộc chi phái Goju-Ryu Karate, vị Thầy có sự ảnh hưởng lớn, quan trọng nhất trong cuộc đời võ thuật của Mas Oyama. Ngoài được luyện tập võ thuật ra Mas Oyama còn được hun đúc thêm tin thần Võ sĩ đạo Nhật Bản và thiền định theo phương pháp của Phật Giáo Trung Hoa. Vị Thầy So Nei Chu đã khuyên Mas Oyama nên đặt cuộc đời mình vào con đường võ thuật, sống trọn vẹn cho lẽ sống của Karate bằng cách vào núi Kiyosumi để tập luyện thể xác, tin thần của mình cho được trọn vẹn hơn, Oyama đã nghe theo lời khuyên đó.
Sau 18 tháng luyện tập nơi rừng sâu núi thẳm, ông quyết định trở về với cuộc sống văn minh, ông đã giao đấu hàng trăm trận với người, với mọi đối thủ cho đến khi tại Nhật hết người có đủ khả năng hay chấp nhận giao đấu với ông, và ông đã chiến thắng giải “All - Japan Karate Championships” danh dự và lớn nhất tại Nhật Bản. Sau đó ông được danh dự mời sang Hoa Kỳ để giới thiệu về môn Karate của mình, ông đem đến sự ngac nhiên cho mọi người về khả năng con người có thể làm được với Karate. Sang Hoa Kỳ ông đã làm người Phương Tây vốn quá tự hào về vóc dáng cao lớn và sức mạnh của mình và lâu nay coi thường giống dân Á Châu với thể tạng nhỏ bé phải giật mình nghĩ lại. Báo chí Hoa kỳ đã xưng tụng ông là “Thiên Thủ” (Godhand). Sau khi chán đấu với loài người vì không có đối thủ, Mas Oyama đã đấu 52 trận với bò mộng, giết chết 3 con và chặt gẩy sừng của 36 con với đôi bàn tay không.
Trong một cuộc phỏng vấn của tờ báo “Washington Times” có ấn bản cao nhất thời bấy giờ tại Hoa Kỳ, phóng viên Thomas Anderson xin ông cho biết bí mật lớn nhất đã đưa ông đến khả năng phi thường trong việc tập luyện Karate chặt bể đá, đá gảy hàng chục cây khúc côn cầu, chém gảy sừng bò .v.v.. Mas Oyama nhìn quanh căn phòng như sợ ai đó nghe được câu chuyện của mình sắp nói với anh chàng phóng viên, ông kéo anh ta lại gần và nói: “Tôi nói cho bạn biết nhé ! Bí quyết chính và duy nhất của tôi là..Mồ hôi !”.
Sau khi về từ Hoa Kỳ, Mas Oyama chính thức mở “Dojo” (võ đạo đường) đầu tiên của mình tại Mejiro, Tokyo. Có lẽ đây chính là thời điểm mà võ công và sức mạnh của Võ sư mas Oyama lên tới đỉnh cao nhất, vì vậy cuộc tập luyện của ông tại đây được xem là đạt đến mức kinh khủng so với sức lực của con người, rất nhiều học trò của ông đến từ nhiều võ phái khác nhau, đã giúp cho Mas Oyama so sánh, gạn lọc để xây dựng môn Karate của riêng mình. Ông thao thức hoàn thành những kỹ thuật, lý thuyết và đem thử thách với nhiều đối thủ khác nhau lập nên nền móng của một môn Kyokushin đầy tính chất cương pháp phù hợp với thể tạng của ông và lối chiến đấu đầy dũng mãnh của loài sư tử (vì lý do đó mà rất nhiều võ đường Kyushinkai Karate sau này lấy tên võ đường là “Young Lion – Kyokushin Karate”).
Võ đường được thành lập dưới tên Oyama đầu tiên ở nước ngoài được mở bởi Võ sư Bobby Lowe tại Hawaii. Năm 1952, Mas Oyama mở cuộc biểu diễn lần đầu tại Hawaii, sau cuộc biểu diễn đầy sôi động chàng thanh niên gốc Nhật Bobby Lowe đã xin Oyama cho mình được theo tập với ông, cha của Bobby Lowe là một võ sư Thiếu Lâm vì vậy ông được tập luyện căn bản môn võ truyền thống của Trung Hoa và vài môn võ thuật khác, nhưng qua những đòn thế của Mas Oyama biểu diễn, người thanh niên đầy tự hào Bobby Lowe đã bị khuất phục một cách trọn vẹn và đã trở thành người môn đệ “Uchi -deshi” (môn sinh chân truyền, tập luyện toàn thời gian) đầu tiên của Mas Oyama.
Sau Bobby Lowe, nhóm “Wakajishi” hay là “Những con sư tử trẻ của Mas Oyama” được ra đời, vài võ sinh hiếm hoi được chính ông chọn lựa để tham gia tập luyện Karate toàn thời gian, các võ sinh phải tập luyện với ông đúng 1000 ngày để chính thức thành 1 môn sinh Karate của hệ phái Mas Oyama.
Sự xây cất toà nhà Hombu thế giới của của chi phái Mas Oyama Karate được bắt đầu xây cất vào năm 1963 và chính thức mở cửa vào năm 1964. Chính thời điểm Mas Oyama chấp nhận sự ra đời chính thức của cái tên Kyokushin với thế giới bên ngoài - Một cương phái Không Thủ Đạo đặt nặng sự luyện tập trên Thiền định (Zen), công phá (Tameshiwari) và lối cận chiến đầy va chạm theo phương pháp của ông.
Một góc cạnh đã đặt Kyokushi khác biệt với nhiều môn Karate và võ thuật khác, chính là lối “Chiến đấu với 100 người” hay là “Hyaku Nin Kumite”, được chính Mas Oyama đề xướng để thử thách khả năng tối đa của võ sinh khi chiến đấu, lòng dũng cảm và tin thần “Osu” của môn sinh mình. 1 người phải thách đấu và lần lược đấu với 100 môn sinh đối thủ khác nhau với quyết tâm đánh thắng đối phương qua mỗi hiệp 2 phút từ ngay trận đầu tiên đến trận đấu cuối cùng. Để làm cho sự việc khó khăn hơn, người đấu phải liên tiếp đánh gục, ngã, hay thắng đối thủ của mình với số điểm “Ippon” cách biệt thật cao chứ không được chỉ cố gắng chịu đòn hay đở đòn với mục đích được đứng vững trên đôi chân của mình. Riêng cá nhân 100 người lần lược giao đấu phải là người cùng hạng cân, đai đẳng, hay khả năng chiến đấu ngang với người thách đấu, chứ không phải ai cũng có thể tùy tiện tham gia.
Để chứng minh cho lý thuyết của mình, vị chủ soái Mas Oyama đã đánh hạ 300 đối thủ qua 3 ngày liên tiếp (100 người mỗi ngày). Ông ta muốn tiếp tục cho đến ngày thứ 4 nhưng không có đủ người chấp nhận giao đấu hay có khả năng đấu với ông. Hình như đến nay chỉ có 13 người trên toàn thế giới đã hoàn toàn vượt qua được thử thách này, những người có sức mạnh nhất về cả 2 mặt thể xác lẫn tin thần. Hai Võ sư cao cấp của chi phái Kyokushin Karate đã lần lượt hoàn thành cuộc thi đấu này, gồm có võ sư Kenji Yamaki 4 đẳng của Nhật Bản, Võ sư Francisco Filho 3 đẳng của Ba Tây đã thắng hoàn toàn cuộc thi đấu tại tổng đàn Kyokushin Nhật Bản, và được thâu trực tiếp vào phim nhựa.
Sau khi hoàn tất cuộc thi người chiến thắng qua cuộc thi “Hyaku Nin Kumite” được gia nhập vào nhóm những cao thủ đầy huyền thoại của Võ thuật Nhật Bản và thế giới Karate. Khi lối đấu “Hyaku Nin Kumite” vừa được khởi xướng, 100 người có thể giao đấu trong 2 ngày lien tiếp, mỗi ngày 50 trận nhưng Võ sư Oyama quyết định cuộc thi phải được chấm dứt trong 1 ngày duy nhất.
Ngày 1 Tháng 12, 1972, Võ sư cao đẳng Howard Collins, 7 đẳng của Anh Quốc, đã hoàn thành cuộc đấu 100 người chỉ trong thời gian kỷ lục là 4 giờ đồng hồ trong 1 ngày, từ đó trở đi tất cả mọi người ai muốn tham gia cuộc giao đấu trên phải phá kỷ lục ít hơn 4 giờ. Đối với cá nhân và quan niệm của Mas Oyama, những người vượt qua được trận đấu “Hyaku Nin Kumite” là những hiệp sĩ đạo thật sự của thời đại, chỉ cần thời gian tập luyện chuẩn bị cho trận đấu thôi cũng cần thiết một tin thần bất bại, ý chí sắt thép trong nhiều năm tháng dài.
Tuy nhiên những người vượt qua trận đấu 100 người hầu hết là những người vô cùng khiêm tốn, ít ai nghe bao giờ họ vỗ ngực xưng tên, hay báo chí viết về họ. Trong số 13 người thành công hiếm có cá nhân nào là vô địch thế giới ngoại trừ Võ sư Shokei Matsui thắng giải nhất Vô địch thế giới mở rộng lần thứ 4, và Kenji Yamaki huy chương vàng giải Vô địch thế giới lần thứ 6 tại Nhật. Nhiều nhà vô địch Karate như trường hợp hy hữu của Võ sư Makoto Nakamura, 6 đẳng, người 2 lần chiếm huy chương vàng vô địch thế giới đã thử qua nhưng lại thất bại trước đối thủ thứ 32 ngay trong lần thứ nhất. Võ sư Keiji Sampei, 6 đẳng thất bại lần thứ nhất nhưng đã thành công lần giao đấu thứ 2.
Cho đến ngaỳ hôm nay hiếm có một chi phái nào hay một môn pha có lối thử sức quá nặng nề như chi phái Kyokushin, dĩ nhiên nó không là một cuộc thi bắt buộc mà mọi người ai học Kyokushin đều phải đi qua, nhưng muốn trở thành một dân Karate thứ thiệt chính thức của Mas Oyama bạn phải vượt qua được nó, nhắm đến nó như một cái đích tiến lên để hoà nhập và trở thành một tin thần thép thật sự. Cuộc thi “Hayaku Nin Kumite” được tổ chức hàng năm tại tổ đình Kyokushin – Tại Tokyo cho đến ngày hôm nay, nhưng từ năm 1975 đến nay con số 13 người vẫn nằm yên đợi chờ, chưa ai chính thức vượt lên được con số 14.
Thiên mệnh không công bằng khi quyết định đem Mas Oyama rời khỏi đại gia đình Kyokushin của ông khi nó đang trên đà phát triển ở mức tột đỉnh nhất, dù ông được nhiều người trên thế giới cho là “Người đàn ông mạnh nhất trái đất” nhưng cá nhân ông không chiến thắng nổi cơn bạo bệnh của chính mình tại bệnh viện Tokyo với biến chứng của bệnh ung thư phổi vào tháng 4, năm 1994.
Nhưng hơn gần 2 thập niên qua đi, nhưng huyền thoại Mas Oyama vẫn trường tồn, chi phái Kyokushin Karate hiện nay là một trong những chi phái Karate lớn mạnh và phổ thông nhất thế giới, được yêu chuộng bởi hầu hết các quốc gia, vạn vạn môn đồ của ông vẫn tiếp nối những bước đi chắc chắn trong việc xây dựng và gìn giữ môt di sản cả đời mà vị thầy Mas Oyama của họ đã tạo nên.

Osu.


1 comment:

  1. chao ban

    ban oi cho hoi kyokushin Karate tai TP HCM o Viet nam co o noi dau day ko ban?
    khoadpla@yahoo.com

    co ji ban lien he lai nha


    thanks for your help.

    ReplyDelete