Thiền Trong Võ Thuật Nhật Bản .
Kiếm thuật, mà sự trau luyện ngành võ thuật này là một trong những công việc bận tâm nhất của các tầng lớp thống trị Nhật Bản từ thời đại Kamakura, đã phát triển dữ dội, và nhiều chi phái khác nhau đã nẩy nở mãi cho đến gần đây. Thời đại Kamakura liên quan mật thiết đến Zen, bởi lúc bấy giờ nó là một chi phái độc lập của đạo Phật mới du nhập vào Nhật Bản lần đầu tiên. Nhiều vị Đại sư về Zen thống trị thế giới tinh thần, thời bấy giờ, mà mặc dầu khinh miệt học vấn, sự học vẫn bị họ giữ trong tay. Đồng thời, các chiến sĩ tụ tập chung quanh họ, sốt sắng xin dạy dỗ cho và khép mình dưới kỷ luật của họ, phương pháp truyền dạy của họ giản dị và trực tiếp : Không cần phải học nhiều triết lý cao siêu của đạo Phật. Các chiến sĩ tự nhiên không học thức nhiều; điều họ muốn là không rụt rè trước cái chết, là điều mà họ thường trực phải đối diện. Đối với họ, đó là một vấn đề thực tế nhất, và Zen sẵn sàng đương đầu với nó. Có lẽ vì các bậc Đại sư hằng lưu tâm đến các sự việc của cuộc sống, chứ không phải với các ý niệm. Có lẽ họ sẽ nói với một chiến sĩ đến để được khai ngộ về vấn đề sinh tử rằng “Không có sinh cũng như tử ở đây, xéo ngay khỏi phòng ta càng nhanh càng tốt”. Vừa nói họ vừa dùng cây gậy thường mang theo để đuổi chàng đi. Hoặc nếu một chiến sĩ đến gặp một ông thầy : “Con hiện phải vượt qua biến cố gay go nhất đời; con phải làm gì đây? Vị thầy sẽ gầm lên : “Đi thẳng, và chớ có nhìn lại !” Đó là cách các nhà Đại sư về Zen thời phong kiến Nhật dạy dỗ các chiến sĩ.
Bởi các chiến sĩ thường xuyên tánh mệnh bị đe dọa, và bởi cây kiếm của họ là thứ khí giới duy nhất xoay chuyển số phận họ thành sống hay chết, kiếm thuật đã phát triển tới trình độ tinh luyện cao. Điều đó không lạ, vì thời ấy, Zen có nhiều liên quan đến nghề nghiệp này. Takuan (1575-1645), một trong những khuôn mặt lớn nhất của thế giới Zen thời đại Tokugawa, đã dạy dỗ đầy đủ về Zen cho môn đệ của mình, Yagiu Tajimano-Kami (chết năm 1646), là một kiếm sư cho phủ Lãnh Chúa thời ấy. Dĩ nhiên những điều truyền dạy không liên quan đến những đòn thế của kiếm thuật, mà đến thái độ tinh thần của kiếm sĩ. Một Đại kiếm sư khác thời To kugawa là Miyamoto Musashi (1582-1945) người sáng lập chi phái Nitoryu. Ông không những là một kiếm sĩ Sumiye, và cả hai môn ông đều tài hoa như nhau. Những bức họa của ông có giá trị cao và có “vị Thiền” trong đó. Một trong những câu nói về kiếm nổi tiếng của ông là :
Dưới lưỡi kiếm giơ cao
Có địa ngục làm cho người run sợ;
Nhưng phải tiến ,
Người sẽ đến đất thần tiên
Không những nhiều liều lĩnh, mà còn tự quên mình, trong đạo Phật đó là trạng thái Phi ngã. Đây là cái ý nghĩa tôn giáo của kiếm thuật. Đó là cách Zen đã thấm nhuần sâu đậm vào đời sống của dân tộc Nhật. Đời sống của họ trong nhiều khía cạnh đặt biệt, luân lý, thực tiễn, thẩm mỹ và đến một giới hạn nào đó của trí tuệ
Sau đây là đại ý lời dạy về Zen của đại sư Takuan về kiếm thuật truyền thụ cho Tagiu Tajma-no-kami :
“ Điều quan trọng nhất trong kiếm thuật là đạt được một thái độ tinh thần gọi là “sự khôn ngoan bất định”. Sự khôn ngoan đó đạt được theo trực giác sau khi tập luyện nhiều. “Bất định” không có nghĩa là cứng chắc, nặng nề, và vô tri như gỗ đá. Nó có nghĩa là sự di động cao độ nhất với một trung tâm bất định. Tinh thần lúc này đến một điểm nhanh lẹ cao nhất, sẵn sàng hướng sự chú ý của nó đến bất cứ nơi nào cần thiết – qua trái, qua phải tới mọi hướng đòi hỏi. Khi sự chú ý của ngươi nhập cuộc và bị cây kiếm của địch thủ tung ra chặn lại, ngươi mất dịp đầu tiên để làm động tác kế tiếp. Ngươi chờ đợi, ngươi suy nghĩ, và trong khi ngươi làm thế, địch thủ của ngươi sẵn sàng đốn hạ ngươi. Việc của ta là không để cho hắn được dịp tốt như vậy. Ngươi phải theo động tác của cây kiếm trong tay địch thủ, để cho tâm trí ngươi tự do làm động tác phản đòn không cần sự can thiệp của ngươi. Ngươi phải xuất thủ khi địch thủ xuất thủ, và kết quả là hắn bại. Ở đây không có sự trung gian nào, động tác này theo động tác kia không bị gián đoạn vì ý thức của người chủ động. Nếu người bị bối rối và suy nghĩ phải làm gì, thấy địch thủ sắp đốn hạ ngươi, ngươi để cho hắn một khoảng trống, nghĩa là một dịp tốt để chém giết ngươi. Hãy để đòn tự vệ của ngươi theo đòn tấn công không một giây phút gián đoạn, và không hề có hai động tác rời gọi là tấn công và tự vệ, Sự tức tốc của động tác về phía ngươi chắc chắn sẽ kết thúc trong sự bại trận của địch thủ.Nó giống như một con thuyền êm xuôi theo dòng thác; trong Zen, cũng như trong kiếm thuật ... "
Theo Viện nghiên cứu Đông Bắc Á
Những Chặng Đường Của Một Sumo .
Theo truyền thống, là một võ sĩ Sumo thì đầu óc phải luôn luôn trong sạch, không bao giờ nghĩ đến gái, bởi vì đây là một môn thể thao hết sức nghiêm túc, đòi hỏi các võ sĩ phải tập trung cao độ để đạt đến thành công.
Nếu có dịp bước vào Shitakubeya – phòng đợi của một võ đường Sumo, bạn sẽ thấy những “đống thịt” khổng lồ tưởng chừng như bị đông cứng, nằm xoãi dài trên thảm.
Cuộc sống của võ sĩ Sumo hoàn toàn khác biệt với các võ sĩ ở tất cả các môn thể thao khác. Không có môn võ nào mà tất cả võ sinh – lính mới cũng như có đẳng cấp – cùng sống chung, tập luyện chung dưới mái võ đường. Vị chưởng môn – Oyakatta – có quyền tuyệt đối định đoạt số phận của từng môn sinh. Từ cái ăn, cái ngủ đến những sinh hoạt khác đều tùy thuộc vào đẳng cấp của anh ta.
Oyakatta là một võ sĩ đã từ giã vũ đài và đạt đến đẳng cấp cao nhất Yokozuna (đại sư), khi tập hợp đủ môn sinh thì có quyền mở võ đường riêng hoặc kế tục địa vị của người khác. Ông và vợ ông (Okami-san) là cha mẹ đỡ đầu của một gia đình gồm toàn những chàng trai trẻ được tuyển chọn từ mọi miền trên đất Nhật. Oyakatta làm nhiệm vụ giáo huấn tinh thần, thể chất và võ thuật cho võ sinh, trong khi đó, Okami-san - người đàn bà duy nhất được phép sống trong võ đường - dạy họ nấu ăn và cách lo liệu cho chính họ. Nhưng quan trọng hơn, bà chính là người chăm sóc họ những khi đau ốm và an ủi những lúc họ tâm sự nỗi niềm riêng.
Thiên chất để trở thành một võ sĩ Sumo có thể được phát triển từ thuở thiếu thời do những “chuyên viên tuyển lựa” của các võ đường đi lùng sục khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn. Sau đó thì chính cha mẹ đưa anh ta đến làm lễ thọ giáo với Oyakatta, tin tưởng rằng con họ đủ khả năng và tư cách đạo đức để trở thành một võ sĩ.
Nếu bạn là môn sinh mới bước chân vào võ đường, trước tiên bạn được đối xử như một vị khách danh dự, ăn cùng mâm với những võ sĩ có đẳng cấp cao hơn và những vị khách khác, chẳng phải làm việc gì và chưa phải tập tành gì. Sau một tuần được “coi giò coi cẳng”, vị chưởng môn thấy bạn quyết tâm gia nhập võ đường, lúc đó bạn mới thật sự không còn là khách quý nữa mà trở thành một anh lính mới tò te. Anh bắt đầu bằng công việc tạp dịch trong võ đường như lau chùi phòng vệ sinh, rửa chén bát, quét dọn, chạy việc vặt cho các sư huynh. Muốn ăn được quả tốt, phải biết trồng cây. Đó là điều bạn nên biết và tự nguyện chấp nhận. Bạn ăn những bữa chỉ toàn súp với cải bắp và một ít xương sụn. Vì bắt buộc phải làm những công việc lặt vặt, bạn không bao giờ ngủ sớm được và mất ngủ là chuyện thường xuyên làm ảnh hưởng đến những buổi tập sáng hôm sau của bạn. Các bạn đồng môn không hề thông cảm và thương xót bạn chút nào, trái lại họ sẽ “dần” cho bạn những đòn chí tử lên thể xác lẫn tinh thần. Đây được xem như giai đoạn thử lửa để chứng tỏ ý chí sắc đá của bạn.
Qua được ngưỡng cửa này, bạn chính thức trở thành một võ sinh Sumo. Lúc này bạn tham gia những buổi luyện tập căng thẳng vào buổi sáng, tắm rửa, ăn uống đầy đủ để bù vào số lượng calori tiêu hao trong ngày và được ngủ ngon giấc.
Muốn trở thành một Sumo để tham gia thi đấu, bạn phải cao tối thiểu 1,74m và nặng 75kg. Võ sĩ nặng cân nhất thế giới hiện nay là Konishiki-tên thật là Salevaa Atisanoe-người Hawaii với “khối thịt” khổng lồ nặng 263 kg, là người nước ngoài đầu tiên dành chức vô địch 1992 từ tay người Nhật. Đây là một sự kiện hết sức quan trọng và đáng nhớ…đời trong thế giới Sumo.
Những võ sinh có đẳng cấp thấp cùng sống chung trong một nơi được gọi là Sumobeya, như một “nhà giam” kiên cố trong võ đường. Tuy nhiên họ cũng có đầy đủ phương tiện giải trí hiện đại như tivi, sách báo, trò chơi điện tử. Những sư huynh sống riêng từng phòng và đều có “lính mới” để sai vặt. Riêng Oyakatta cùng gia đình sống trong một khu vực riêng biệt, “vô phận sự cấm vào”, ngoại trừ bạn bè, những người thân và những vị khách quý. Nếu võ đường là một tòa cao ốc ba tầng thì cấp nhỏ nhất ở tầng trệt còn sư phụ ở tầng cao nhất, đúng theo tôn ti trật tự của người Đông Phương.
Ở Tokyo có tất cả 30 võ đường được Hội Sumo chính thức công nhận. Nhiều võ đường trong số này tập trung quanh khu vực Asakusabashi và Ryogoku. Vào mùa hè, mọi người có thể nhìn thấy họ ì ạch lê bước dạo chơi trên những đường phố hẹp trong bộ yukata và đôi guốc gỗ.
Những trận thi đấu và biểu diễn được tổ chức khắp nước Nhật. Đây là một môn võ cổ truyền của Thần đạo Nhật Bản xuất hiện cách đây khoảng 1.800 năm, hàng năm thu hút khoảng 60 triệu khán giả xem những trận thi đấu trực tiếp và trên truyền hình. Ở Nhật, nó có số lượng người hâm mộ đông hơn bất cứ môn thể thao nào khác, ngoại trừ môn bóng bầu dục. Võ sĩ Sumo ở bất cứ thời nào cũng được xã hội kính trọng và hình ảnh của họ có mặt mọi nơi trong đời sống hàng ngày của người dân. Không riêng gì nam giới-từ già đến trẻ và đủ thành phần trong xã hội- nữ giới cũng là những cổ động viên nhiệt tình. Họ đến sân vận động thật sớm, kiên nhẫn đứng đợi hàng giờ liền ở chỗ đậu xe, tay thủ sẵn máy quay phim với hy vọng thu được hình ảnh thần tượng của mình bước khệnh khạng xuống xe để vào đấu trường .
Một nghi thức cổ truyền không bao giờ thay đổi là trước khi trận đấu bắt đầu, trọng tài rắc muối lên sàn đấu để nhắc nhở lòng thanh khiết của , không bao giờ có hành động ám hại đối thủ.
Theo truyền thống, là một võ sĩ Sumo thì đầu óc luôn luôn trong sạch, không bao giờ nghĩ đến gái, bởi vì đây là một môn thể thao hết sức nghiêm túc, đòi hỏi võ sĩ phải tập trung cao độ để đạt đến thành công. Nhưng truyền thống này đã bị phá vỡ từ lâu, nhiều võ sĩ đã cưới vợ và sinh con trong thời gian còn tham gia thi đấu.
Tiện đây, cũng xin nhắc lại chuyện một “quả bom” nổ lớn, không những trong làng Sumo mà còn vang dội khắp nước Nhật và cả thế giới, vào tháng 10 năm 1992 khi người mẫu kiêm diễn viên Rie Miyazawa họp báo chính thức công bố nhận lời cầu hôn với nhà vô địch Takahanada trước 350 phóng viên trong vòng 20 phút. Nàng sung sướng tuyên bố: “Khi thấy Takahanada trên sân đấu, tim tôi vô cùng xao xuyến”. Vài kênh truyền hình không bỏ lỡ cơ hội ngàn vàng này đã đi xa lời tuyên bố của Rie bằng cách tạo đồ họa vi tính con cái của hai người.
Ngay cả thủ tướng Nhật lúc đó cũng bình luận sự kiện này: “Không thể không tin được? Tôi muốn nói, tôi thật sự sửng sốt.”
Takahanada là võ sĩ Sumo thần tượng của dân Nhật còn Rie là một người mẫu đã từng làm mẫu cho một tập sách ảnh khỏa thân gây nhiều tranh luận trong năm 1991.(Về phương diện này, Rie là “đàn chị” của Madonna trước nhiều tháng). Những người hâm mộ lo sợ Rie sẽ làm hại cuộc đời của Takahanada, nhưng có người lại cho rằng: “Một võ sĩ Sumo khỏe mạnh cần có một người vợ tốt để săn sóc anh ta…”. Và đến giờ thì ngoài những giây phút dỗi hờn lẻ tẻ, đôi vợ chồng hết sức cách biệt về trọng lượng này rất ý hợp tâm đầu. Và đây cũng không phải là trường hợp duy nhất trong lịch sử Sumo của Nhật. Trong quá khứ, nhiều diễn viên cũng đã hy sinh nghề nghiệp của họ để trở thành những người nội trợ đảm đang và là dâu hiền trong làng Sumo.
Tìm Hiểu Thêm Vẻ Đẹp Của Thiền Trong Vườn Cảnh Nhật Bản ( 1 ) .
1. Các loại vườn cảnh
Nhật Bản có rất nhiều vườn cảnh nổi tiếng nhưng tất cả đều được xây dựng trong sân của các Thiền viện, trà thất và nhà ở. Đó là những nét khác lạ của vườn Nhật so với các vườn kiểu khác trên thế giới. Nhưng giá trị quan trọng nhất của vườn cảnh Nhật không phải là vị trí mà là thẩm mỹ Thiền nằm sâu trong nó. Những khu vườn này dù nhỏ, dù lớn, dù mang nhiều phong cách khác nhau nhưng đều có một đặc điểm chủ đạo là chịu ảnh hưởng của tư tưởng Thiền. Chính giá trị thẩm mỹ Thiền ẩn dấu trong từng chi tiết đã khoác lên vườn cảnh một vẻ đẹp đơn sơ mà cuốn hút khiến cả thế giới đang ra sức học hỏi vẻ đẹp đó.
Nhật Bản có lịch sử tạo vườn hơn 1300 năm. Theo ghi chép của Nihon Shoki, ngay dưới triều Thiên hoàng Suiko (592 - 626) ngôi vườn đầu tiên của Nhật đã được hình thành. Đó là vườn của Tể tướng Sagano Umako được thiết kế có "một hồ nước nhỏ đào ở sân trong, ở giữa có hòn đảo nhỏ".
Nghệ thuật làm vườn phát triển thời Nara, những loài hoa dại như cây anh đào, hoa mận, hoa đỗ quyên, cây đuôi diều hay các loại cây cỏ khác đã được đem về trong vườn để thưởng ngoạn vẻ đẹp tự nhiên của chúng. Trong tập thơ Manyoshu có rất nhiều bài thơ ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên của các hoa viên có trồng nhiều những hoa này.
Cuốn sách nổi tiếng bàn về việc thiết kế vườn cảnh do Tachibanano Toshitsumi viết vào nửa sau thế kỷ XI cho chúng ta thấy người Nhật đã phát triển được một phong cách thiết kế vườn riêng biệt. Họ bố trí ao hồ, những hòn đảo tí hon và các mô đất để tượng trưng cho biển, đảo và núi. Các hòn đảo trong một cái ao phải được đặt lệch nhau với những đường nét uốn éo trông giống như những mảng sương mù. Người Nhật tạo ranh giới giữa đất và nước bằng những hòn cuội nhỏ, tượng trưng cho một bãi biển bằng cát. Bờ biển phải luôn có vẻ hoàn chỉnh và ngay cả khi mặt nước chỉ lên xuống chút xíu.
Ngoài ra tác giả cuốn Sakuteiki còn nhắc nhiều đến nguyên lý thẩm mỹ là "nguyên lý sức căng thẩm mỹ". Nguyên lý này được tạo ra thông qua cách bố trí các hòn đá sao cho "đúng vị trí chúng cần phải có", những hòn quan trọng được đặt trước rồi hòn thứ hai, hòn thứ ba "đúng chỗ của nó"... Về sau các nhà thiết kế vườn của Nhật Bản luôn luôn tuân theo quy tắc này, đặc biệt là trong bố trí các hòn đá trên con đường nhỏ dẫn đến trà thất.
Thời kỳ quý tộc Fujiwara đã thiết kế vườn kiểu hoa viên Shindenshiki trong những dinh thất xây dựng theo kiểu kiến trúc Shindenzukuri (tẩm điện).
Vào thời Kamakura, mối giao lưu quan hệ văn hoá Nhật Bản và Trung Quốc được khôi phục. Các nhà làm vườn rất say mê ứng dụng những khuynh hướng mới nhất của Trung Quốc, trong đó có tranh Suibokuga (tranh thuỷ mạc). Dựa vào phong cách vẽ tranh, các nhà làm vườn đã cố lựa chọn các hòn đá, khối đá có hình thù đặc biệt tượng trưng cho núi non mọc lên trên một bãi cát trắng tượng trưng cho biển cả. Đó là kiểu vườn Karesansui (sản thuỷ khô).
Thời Muromachi, vườn "cảnh khô" sử dụng đá và cát trắng tạo thành rất được thịnh hành tuy vẫn sử dụng kỹ thuật Sakuteiki thời Fujiwara với thực vật, nước và đá là chủ yếu.
Tuy nhiên hai Thiền sư có ảnh hưởng rất lớn đến giới võ sĩ lúc bấy giờ đồng thời cũng nổi tiếng là những nhà thiết kế vườn tài ba là Muso và Soami đã xây dựng được kiểu hoa viên mới gọi là hoa viên Kaiyushiki (vườn dạo). Ngoài ra còn có kiểu Hirasansui (hoa viên bằng phẳng). Hai kiểu vườn này ngày càng nhỏ dần, có tính biểu tượng nhiều hơn và mang lại phong vị của tranh cảnh vật đen trắng đương thời.
Thời đại Edo cùng với sự phát triển trà đạo, hoa viên được phân chia thành ba loại đó là vườn trà Chaniwa, vườn bằng Hiraniwa và vườn cảnh tản bộ gọi là Kayusansui. Kiểu vườn Hiraniwa là kiểu vườn được thiết kế cho kiểu nhà Shoin (thư viện) phải được thưởng ngoạn từ phía trong nhà.
Mặc dù trong lịch sử Nhật Bản có rất nhiều kiểu vườn như vậy nhưng những kiểu vườn mang đậm tư tưởng Thiền nhất chỉ có loại vườn khô Karesansui và vườn trà Chaniwa.
Tìm Hiểu Thêm Vẻ Đẹp Của Thiền Trong Vườn Cảnh Nhật Bản ( 2 ).
2. Tính Thẩm Mỹ Thiền Trong Vườn Cảnh
Có thể nói vườn Nhật Bản mang đặc trưng riêng, đó là nơi "thiên nhiên được nghệ thuật sắp xếp mang lại ý nghĩa tượng trưng". Cái vi mô trong vườn gợi lên vũ trụ vĩ mô. Một hòn đá, một gốc cây cũng đã gợi cảm. Nó không đáp ứng nhu cầu lý tính như kiểu vườn Pháp nó muốn gây cảm xúc sâu lắng. "Nó bao gồm đủ cả đất, đá, cát, nước, cỏ cây và loài vật... để người cảm thông với vũ trụ. Vườn Nhật theo mẫu vườn Trung Quốc nhưng đi sâu hơn nữa vào tính tượng trưng, tính trầm tư (Thiền). Đó là một loại hình điêu khắc trên mặt đất, tôn trọng mặt đất nguyên thuỷ". Chính vì vậy, Thiền sư thường dùng vườn để làm nơi ngồi trầm tư, thiền định.
Vườn Karesansui, mà đại diện nhất là khu vườn nằm trong chùa Ryoanji, người làm vườn dùng đá, sỏi, cát trắng để diễn tả về biển, núi và gợi lên vẻ đẹp đơn giản của Thiền. Kiểu vườn Chaniwa tiêu biểu là vườn của Thiền viện Daisen. Người thiết kế vườn chủ yếu sử dụng vật liệu đá với đủ hình dáng sù sì, góc cạnh, kích cỡ... và các loại cây bụi để diễn tả một dòng suối khô. Kiểu vườn này thoạt trông có vẻ rất phức tạp, thô kệch, tầm thường nhưng đó chính là giá trị thẩm mỹ Thiền cao nhất của khu vườn. Cả hai loại vườn này đều đòi hỏi người ngắm cảnh phải ngồi trầm tư, mặc định tập trung tư tưởng, thông qua trực giác để hiểu ý nghĩa sâu sắc hàm chứa bên trong những hình dáng đơn giản hay thô kệch kia.
Những vườn có phong cách giống vườn chùa Ryoan thường nhấn mạnh vẻ đẹp qua sự đơn giản nhưng thực chất không phải như vậy. Một lớp sỏi hoặc cát trắng được trải rộng ra toàn bộ khu vườn để diễn tả biển. Những đường lăn tăn, gợn sóng gợi lên hình ảnh những con sóng ngoài khơi. Những đường cong nhỏ, mảnh, sít lại gần nhau diễn tả mặt biển êm, ít sóng; những đường cong lớn, rộng lại gợi lên mặt biển dữ dội, đầy sóng to gió lớn. Trên một mặt phẳng nhỏ bé như vậy, người làm vườn tạo rất nhiều kiểu sóng khác nhau để tạo ra, gây cảm giác về biển cả rộng lớn. Nhật Bản là một quốc đảo, được bao bọc tứ phía là biển vì vậy hình ảnh biển đối với việc thiết kế vườn có ý nghĩa rất lớn.
Và chắc chắn do chịu ảnh hưởng bởi những suy nghĩ cảm giác về vị thế của nước mình là một hòn đảo nổi giữa biển mà việc bài trí các hòn đá để gợi lên hình ảnh các hòn đảo đá trở thành phổ biến. Những hòn đá có hình dáng sù sì, gồ ghề được sắp xếp một cách hài hoà với các độ cao thấp khác nhau nên vẻ đẹp tự nhiên của những hòn đá mọc lên một cách độc lập giữa biển. Những hòn đá này được xếp thành những nhóm ba, năm, bảy hoặc chín. Đó là những con số mà theo triết lý Phật giáo được cho là những con số may mắn. Vườn chùa Ryoaji nổi tiếng vì cách sắp xếp đá rất khéo léo tạo nên một bố cục không gian kỳ diệu của nó. Ngoài ra trên mặt biển cát trắng xoá thường nổi lên những hòn đảo Kameshima (đảo rùa) và Tsurushima (đảo hạc). Rùa và hạc là biểu tượng cho sự trường thọ, lâu dài theo triết lý Phật giáo. Loại vườn này không có cây, hoa, cỏ, nước hay bất kỳ yếu tố nào khác ngoài cát và đá nhưng nó vẫn gợi lên được hình ảnh những ốc đảo nhỏ trên mặt biển mênh mông.
Vườn kiểu Chaniwa cũng là một loại Karesansui nhưng là khu vườn nhỏ mà khách có thể tạm nghỉ ngơi khi đi tham quan. Nổi bật nhất trong vườn trà là con đường Roji. Mặc dù là con đường nhỏ chạy xuyên qua khu vườn dẫn khách từ cổng vào trà thất nhưng đóng vai trò rất quan trọng. Roji bắt nguồn từ kinh Phật, ngụ ý chỉ chốn sạch sẽ, ngăn nắp. Vì vậy các trà sư, Thiền sư phải tìm tòi, thiết kế sao cho con đường này trở thành con đường thoát tục, mang không khí Thiền. Nó trở thành vật ngăn cách trà thất với thế giới xô bồ, ồn ào bên ngoài.
Các chi tiết bên trong vườn được bố trí hài hoà trong một màu xanh bát ngát được tạo ra bởi rêu ở bên dưới đất và cây xanh ở bên trên. Vào mùa thu khi lá của một cây rụng sớm trở nên đỏ, héo rụng xuống, chúng thường được quét vun vào một gốc cây tạo nên một sự tương phản không gay gắt mà trái lại còn làm nổi bật lên cảm giác về một cuộc sống tạm thời.
Các vườn trà đều có hàng rào đan từ tre, tranh, rơm, rạ... Đơn điệu, trùng lặp là điều tối kỵ trong thẩm mỹ của người Nhật. Vì vậy, màu vàng của tre không chỉ làm cho khu vườn bớt đơn điệu còn gợi lên vẻ đẹp thanh bần của một nhà tranh được bao bọc bởi một hàng tre ở nông thôn. Toàn bộ vườn trà toát lên một vẻ đẹp gin dị hài hoà với thiên nhiên. Cây cỏ hoa lá cùng với các sự vật trong vườn cảnh nếu tách riêng ra thì có vẻ rất tầm thường nhưng dưới bàn tay sắp xếp tài tình của các nhà làm vườn Nhật Bản ở trong vườn trà chúng lại là những yếu tố gắn bó mật thiết với nhau làm tôn lên vẻ đẹp của nhau và cùng nhau nhấn mạnh vẻ đẹp tự nhiên, dung dị, không chút phô trương, đầy giá trị thẩm mỹ quan Thiền.
Từng chi tiết, từng chi tiết cứ mỗi khi đi qua sự vật nào đó của vườn trà như cổng giữa Nakakuguchi, con đường Roji, Tsukubai, Tobiishi..., thì cảm giác khiêm nhường thoát tục của khách dường như cứ được nhân lên.
Thật vậy, do chịu ảnh hưởng sâu sắc của giá trị thẩm mỹ Thiền do các trà sư, Thiền sư đem lại nên không chỉ vườn cảnh mà trà thất, nơi diễn ra tiệc trà cũng mang những yếu tố thẩm mỹ thiền sâu sắc.
Qua vẻ đẹp Thiền trong kiến trúc một số vườn cảnh Nhật Bản chúng ta hiểu thêm quan niệm về cái đẹp của người Nhật trong lối sống và thưởng thức nghệ thuật.
Viện nghiên cứu Đông Bắc Á
thongtinnhatban.net
ChaDo - Trà Đạo
Tìm Hiểu Thêm Về Trà Đạo ....
Trà đạo là một nghệ thuật thưởng thức trà trong văn hóa Nhật Bản, được phát triển từ khoảng cuối thế kỷ 12. Theo truyền thuyết Nhật, vào khoảng thời gian đó, có vị cao tăng người Nhật là sư Eisai (1141-1215), sang Trung Hoa để tham vấn học đạo. Khi trở về nước, ngài mang theo một số hạt trà về trồng trong sân chùa. Sau này chính Eisai này đã sáng tác ra cuốn "Khiết Trà Dưỡng Sinh Ký" (Kissa Yojoki), nội dung ghi lại mọi chuyện liên quan tới thú uống trà.
Từ đó, dần dần công dụng giúp thư giãn lẫn tính hấp dẫn đặc biệt của hương vị trà đã thu hút rất nhiều người dân Nhật đến với cái thú uống trà. Họ đã kết hợp thú uống trà với tính Thiền của Phật giáo để nâng cao nghệ thuật thưởng thức trà, phát triển nghệ thuật này trở thành trà đạo (chado, 茶道), một sản phầm đặc sắc thuần Nhật. Từ uống trà, cách uống trà, rồi nghi thức uống trà cho đến trà đạo là một tiến trình không ngưng nghỉ mà cái đích cuối cùng người Nhật muốn hướng tới đó là cải biến tục uống trà du nhập từ ngoại quốc trở thành một tôn giáo trong nghệ thuật sống của chính dân tộc mình, một đạo với ý nghĩa đích thực của từ này. Hiển nhiên ở đây trà đạo, không đơn thuần là con đường, phép tắc uống trà, mà trên hết là một phương tiện hữu hiệu nhằm làm trong sạch tâm hồn bằng cách hòa mình với thiên nhiên, từ đó tu tâm dưỡng tính và nhập định thiền để đạt giác ngộ .
Trà Với Cuộc Sống :
Từ xưa tới nay, uống trà là một sinh hoạt hàng ngày của nhiều dân tộc trên thế giới. Uống trà không những có lợi cho sức khỏe mà còn là một thú vui tinh thần khi ngồi yên lặng nhâm nhi chén trà, ngẫm nghĩ về cuộc sống nhân sinh. Dần dần, việc thưởng trà trở thành một cách thức giúp con người trở lại với bản tính tự nhiên của mình. Đó là chính là Trà đạo.
Tinh thần của trà đạo được biết đến qua bốn chữ “Hoà, kính, thanh, tịch”.
“Hòa” có nghĩa hài hòa, hòa hợp, giao hòa. Đó là sự hài hòa giữa trà nhân với trà thất, sự hòa hợp giữa các trà nhân với nhau, sự hài hòa giữa trà nhân với các dụng cụ pha trà.
“Kính” là lòng kính trọng, sự tôn kính của trà nhân với mọi sự vật và con người, là sự tri ân cuộc sống. Lòng kính trọng được nảy sinh khi tinh thần của trà nhân vươn tới sự hài hòa hoàn toàn.
Khi lòng tôn kính với vạn vật đạt tới sự không phân biệt thì tấm lòng trở nên thanh thản, yên tĩnh. Đó là ý nghĩa của chữ “Thanh”.
Khi lòng thanh thản, yên tĩnh hoàn toàn thì toàn bộ thế giới trở nên tịch lặng, dù sống giữa muôn người cũng như sống giữa nơi am thất vắng vẻ tịch liêu. Lúc đó, thế giới với con người không còn là hai, mà cả hai đều vắng bặt. Đó là ý nghĩa của chữ “Tịch”.
Bốn chữ “Hòa, Kính, Thanh, Tịch” như một thước đo bản thân vị trà nhân đang ở vị trí nào trên con đường Trà đạo.
Vậy thì “Trà đạo là gì?”, đã có ai trong những người quan tâm đến trà đạo chúng ta đã từng đặt câu hỏi này cho mình hay chưa.
Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta cùng đi từ quá trình hình thành của trà đạo cho đến các dụng cụ được sử dụng trong pha trà; từ trà thất cho đến cách pha trà; từ cách phục vụ trà cho đến cách uống trà... Tất cả làm nên việc thưởng trà của chúng ta được sống động và trọn vẹn.
Lịch sử :
Giai đoạn 1
Vào thế kỷ thứ 8 - 14 trà bắt đầu được sử dụng phổ biến trong tầng lớp quý tộc. Lúc đó có các cuộc thi đấu đoán tên trà. Văn hóa uống trà giai đoạn đó giống như những trò chơi xa xỉ và các người quý tộc rất thích dụng cụ uống trà Trung Quốc.
Trong hoàn cảnh như vậy, có một nhà sư tên là Murata Juko tìm thấy vẻ đẹp giản dị trong văn hóa uống trà. Ông đến với trà với tư cách là một nhà sư, rất coi trọng cuộc sống tinh thần. Trà đạo ra đời như thế.
Juko yêu cái đẹp "wabi" và "sabi".
Tuy nhiên, trà đạo vẫn còn chưa được nhiều người biết đến, người kế nghiệp tiếp theo là Takeno Jyoo.
Jyoo quan niệm: "Mặc dù xung quanh chúng ta chẳng có gì cả: không hoa, không lá, chỉ có cảnh hoàng hôn chiều tà với một mái nhà tranh."
Giai đoạn 2
Sau Jyoo, thế kỷ 16, Senno Rikyu mới là người đưa ra bước ngoặt quan trọng, tạo nên một nền văn hóa trà đạo trong giới võ sĩ (samurai). Senno Rikyu đã là thày dạy trà đạo cho Oda Nobunaga (Shogun - người đứng đầu giới võ sĩ) của thời Azuchi. Sau khi Oda Nobunaga chết, Toyotomi Hideyoshi lên (thời Momoyama) thì Senno Rikyu tiếp tục dạy cho ông này. Như vậy, hoạt động của Senno Rikyu khá phổ biến và có ảnh hưởng sâu rộng trong tầng lớp võ sĩ, ảnh hưởng mạnh đến chính trị thời đó.
Cùng thời với Senrikyu, cũng có hoạt động của Yabunnouchi Jyochi (học trò của Takeno Jynoo). Yabunouchi Jyochi là trà sư của chùa Honganji, ngôi chùa lớn nhất ở Nhật Bản. Theo Yabunouchi, Trà đạo nằm trong các hành động của bản thân.
Ngoài ra còn có nhiều trà nhân khác nữa.
Ngày xưa, các trà nhân pha trà theo cách riêng của mình. Nhưng sau thế hệ thứ nhất, người ta đã bắt đầu tạo ra cách pha trà chung. Nếu các phái khác nhau cũng chỉ khác nhau ở trên bề mặt nghi thức pha trà, còn đạo là duy nhất.
Giai đoạn 3
Trà Đạo Trong Thời Đại Ngày Nay :
Trà đạo hiện nay cũng dần được biến đổi, trong mỗi phòng trà đều có một số bàn ghế gỗ cho khách ngồi.
Nếu như khách không thể quen với kiểu ngồi truyền thống của Nhật thì sự biến đổi này cho phép người phương Tây với thói quen hiện đại cũng có thể tham gia được những buổi trà đạo mà không hề làm mất đi không khí tôn nghiêm trong phòng uống trà.
Dần dần, trà đạo được đưa vào phòng khách theo phong cách phương Tây. Người đến không cần phải gò bó theo kiểu ngồi hay cách uống trà của người Nhật vẫn có thể mặc áo theo kiểu Tây phương.
TRÀ THẤT
Trà thất là một căn phòng nhỏ dành riêng cho việc uống trà, nó còn được gọi là “nhà không”. Đó là một căn nhà mỏng manh với một mái tranh đơn sơ ẩn sau một khu vườn. Cảnh sắc trong vườn không loè loẹt mà chỉ có màu nhạt, gợi lên sự tĩnh lặng. Trong khu vườn nhỏ có thể bố trí một vài nét chấm phá để tạo nên một ấn tượng về một miền thung lũng hay cảnh núi non cô tịch, thanh bình. Nó như một bức tranh thủy mặc gợi lên bầu không khí mà Kobiri Emshiu đã tả:
Một chòm cây mùa hạ,
một nét biển xa,
một vừng trăng chiếu mờ nhạt.
Trên con đường dẫn đến trà thất có một tảng đá lớn, mặt tảng đá được khoét thành một cái chén đựng đầy nước từ một cành tre rót xuống. Ở đây người ta rửa tay trước khi vào ngôi nhà nằm ở cuối con đường, chỗ tịch liêu nhất:
Tôi nhìn ra,
không có hoa,
cũng không có lá.
Trên bờ biển,
một chòi tranh đứng trơ trọi,
trong ánh nắng nhạt chiều thu.
Ngôi nhà uống trà làm bằng những nguyên liệu mong manh làm cho ta nghĩ đến cái vô thường và trống rỗng của mọi sự. Không có một vẻ gì là chắc chắn hay cân đối trong lối kiến trúc, vì đối với thiền, sự cân đối là chết, là thiếu tự nhiên, nó quá toàn bích không còn chỗ nào cho sự phát triển và đổi thay. Ðiều thiết yếu là ngôi trà thất phải hòa nhịp với cảnh vật chung quanh, tự nhiên như cây cối và những tảng đá. Lối vào nhà nhỏ và thấp đến nổi người nào bước vào nhà cần phải cúi đầu xuống trong vẻ khiêm cung, thậm chí vị samurai luôn luôn mang theo cây kiếm bên mình, cũng phải để lại nó ở bên ngoài. Bước vào phòng trà là một bầu không khí lặng lẽ cô tịch, không có màu sắc rực rỡ, mà chỉ có màu vàng nhạt của tấm thảm rơm và màu tro nhạt của những bức vách bằng giấy.
TOKONOMA
Tokonoma là góc phòng được trang trí, hơi thụt vào trong so với vách tường. Tokonoma là một trong bốn nhân tố thiết yếu tạo nên phòng khách chính của một căn nhà. Bản thân từ "tokonoma" ám chỉ góc phòng thụt vào hoặc căn phòng có góc như nó.
Có một vài dấu hiệu để biết đâu là tokonoma. Thông thường, có một khu vực để treo tranh hoặc một bức thư pháp. Hay có một cái giá nhỏ để đặt hoa, có thể là một chiếc bình. Bạn có thể nhìn thấy một hộp hương trầm. Một gia đình truyền thống Nhật có nhiều cuộn giấy và các vật dụng khác mà họ trưng bày ở Tokonoma tuỳ từng mùa hoặc ngày lễ gần nhất.
Khi bước vào một trà thất, bạn thường quỳ và ngắm tokonoma một lát. Bạn cũng có thể nói về các vật được trưng bày. Thiền gây ảnh hưởng đến tokonoma lẫn chabana... chỉ khi chúng ta chú tâm đến những chi tiết nhỏ bé trong cuộc sống thì mới thấy vẻ đẹp trong những điều giản dị.
CHABANA
Chabana (茶花) là phong cách cắm hoa đơn giản mà thanh lịch của Trà đạo, có nguồn gốc sâu xa từ việc nghi thức hoá Ikebana. Cha, theo nghĩa đen là trà và ban là biến âm của từ hana có nghĩa là hoa.
Phong cách của chabana là không có bất kỳ qui tắc chính thức nào để trở thành chuẩn mực cho nghệ thuật cắm hoa trong trà thất.
Hoa thể hiện tình cảm của chủ nhà trong một buổi tiệc trà. Hoa được cắm trong một chiếc bình hoặc một cái lọ mộc mạc với phong cách thay đổi theo mùa.
Lọ hoa có thể được làm từ bất kỳ chất liệu nào, từ đồng, gốm tráng men hoặc không tráng men, cho đến tre, thuỷ tinh và các vật liệu khác.
Khi cắm hoa cho một bữa tiệc trà, đầu tiên chủ nhà phải chọn hoa và lọ tương ứng. Hoa trong phòng trà gợi được cho người ngắm cảm giác như đang đứng giữa khu vườn tự nhiên.
KANEJIKU
Kakejiku là một tác phẩm bằng tranh treo trên tường, ở kotonoma, hay còn gọi là thư pháp. Thư pháp có thể là một bức tranh, có thể là một câu nói mang ý nghĩa nào đó như "Bình thường tâm là đạo", hoặc đơn giản chỉ là một chữ "VÔ".
CÁC DỤNG CỤ PHA TRÀ (nồi đun nước) quai xách rời sẽ tháo ra khi vào buổi trà đạo. Nước từ ấm sẽ được lấy ra bằng Shaku để rót vào bát .
1. Kama
2. Tetsubin (ấm đun nước):thích hợp với kiểu pha trà rót nước trực tiếp từ ấm đun vào bát.
3. Chawan (bát trà): có thể nói là thứ đặc trưng và giành được sự yêu quý vào quan trọng nhất của Trà đạo. Có rất nhiều loại bát khác nhau, nhưng với những trà nhân Nhật Bản xưa kia cũng như ngày nay, bát trà gắn liền với tên tuổi của họ, bên cạnh sự yêu thích về nghệ thuật còn là sự ngưỡng mộ về lịch sử và văn hoá. Bát trà được các trà nhân yêu quý như chính bản thân họ vậy. Bởi vậy việc một bát trà có giá trị bằng một căn nhà đối với người hiểu về bát, cũng không có gì là lạ.
Bát trà được làm bằng gốm. Chất liệu được ưa thích không phải là những chiếc bát tròn vẹn bóng bẩy kiểu Trung quốc, mà là những chiếc bát thô sơ giản di, và hơn nữa, là được làm bằng tay. Chiếc bát trà thậm chí lại không tròn, phù hợp với lý tưởng của trà đạo là “ tìm kiếm sự toàn vẹn trong cái bất toàn”.
Ở Nhật bản có rất nhiều dòng gốm nổi tiếng theo từng vùng, nhưng với các trà nhân Nhật Bản thì : "nhất Raku, nhì Hazi, ba Karatsu”.
- Hagiyaki: lò gốm tại huyện Yamaguchi của Nhật. Bát của Hazi có đặc trưng là màu hồng nhạt, chân đế thường được cắt hình tam giác.
- Karu: do dòng họ Karu tại Kyoto sản xuất, bằng tay và không dùng bàn xoay. Đặc trưng là được phủ men đậm hoặc nâu đỏ, xương gốm mềm và thô.
- Karatsu: sản xuất tại saga và nagasaki trong đảo Kyashu. đặc trưng là xương gốm phủ áo trắng, trang trí hoa văn đơn giản bằng sắc màu nâu.
- Ngoài ra có rất nhiều loại bát khác nhau, mang những đặc trưng riêng đã được đặt tên như: Mishima, Kohiki, Hakeme, Tenmokuyu… Gốm sứ Việt nam rất được các trà nhân ưa chuộng ngay từ thế kỉ 15, là thế kỉ phát triển rực rỡ của trà đạo.
Khi đưa một bát trà cho khách, nếu bát có khắc hoa văn thì hoa văn luôn được hướng về phía khách chính để tỏ lòng hiếu khách. Đây cũng là một trong những nét lễ nghi đặc trưng của trà đạo: "Hoà- kính- thanh- tịnh".
4. Natsume (hộp đựng trà): làm từ gỗ sơn mài, cũng mang những nét đặc trưng riêng của từng trà nhân giống như bát vậy. Natsume có thể được trang trí hoa văn bên ngoài và trong buổi trà đạo hoa văn này được quay về phía những nơi trang trọng nhất. Trà trước khi cho vào natsume phải được lọc cẩn thận để không vón cục ảnh hưởng đến hương vị. Trà trong natsume được trình bầy theo hình núi Phú-sỹ, vốn là biểu tượng của Nhật bản.
5. Chasen (dụng cụ pha trà): được làm bằng tre một cách công phu và cũng là một dụng cụ đặc trưng cho cách pha trà bát, hay trà bột. Chasen mới và các tua tre phải đều, thì bát trà pha ra mới ngon, đều và đẹp mắt.
6. Chasaku (thìa xúc trà): làm bằng tre, dùng để múc trà ra bát. Giữa cán chasaku là khấc tre, và người cầm chasaku không được cầm quá khấc này, để đảm bảo tính vệ sinh của trà. Cũng là một nét đặc trưng trong tính lễ nghi của Trà đạo.
7· Chakin (khăn lau): làm từ vải trắng, để lau bát trước khi pha trà. Chakin luôn phải sạch và ẩm, nhưng không được ướt, và phải là màu trắng.
8. Shaku (gáo múc nước): dùng để múc nước nóng từ kama vào bát, hoặc châm thêm nước lạnh từ ngoài vào nồi. Các quy tắc sử dụng shaku đã tạo ra những nét hấp dẫn rất đặc trưng cho kiểu pha trà này, từ cách cầm dụng cụ, cách di chuyển đến tiếng nước róc rách chẩy từ shaku xuống bát trà.
10. Kensui: là dụng cụ để nước bẩn, có thể làm bằng các chất liệu như tre, gốm… nhưng trong phòng trà luôn nằm ở vị trí sau để đảm bảo sạch sẽ.
Theo Viện nghiên cứu Đông Bắc Á