Tuesday, May 4, 2010

Ấn Triện Triều Nguyễn

Những chiếc ấn triện Triều Nguyễn lâu nay được nhắc đến khá nhiều song chúng ít được giới thiệu một cách có hệ thống.

(Ảnh 1a)
1. Thời Nguyễn (1802-1945), từ vua, quan ở trung ương đến các chức dịch địa phương đều sử dụng ấn tín, coi đó như là những vật biểu trưng quyền lực và biểu trưng pháp lý của nhà vua và chế độ. Tùy theo địa vị, cấp bậc của người sử dụng; tùy theo tính chất, chức năng của từng loại văn bản phải cần phải sử dụng ấn tín, triều đình nhà Nguyễn đã tạo tác, định danh và ban cấp nhiều loại ấn tín khác nhau, như: tỉ, ấn, quan phòng, đồ ký, kiềm ký, đồ chương, triện...
- Tỉ: là con dấu của vua; đúc bằng vàng gọi là kim bửu tỉ; làm bằng ngọc gọi là ngọc tỉ.
(Ảnh 1b)
- Ấn: là tên gọi chung các loại con dấu của vua quan. Ấn của vua gọi là ngự ấn hay bửu ấn thường được đúc bằng vàng. Ấn của các quan: bố chánh, án sát, tri châu, tri phủ, tri huyện... được đúc bằng đồng. Ví dụ: Chiếc ấn đồng khắc các chữ Hán: Quốc sử quán ấn ở mặt ấn(ảnh 1a) và Tự Đức tam thập niên tạo. Trọng nhất cân tứ lượng ở lưng ấn (ảnh 1b).
- Quan phòng: là con dấu của các quan: khâm sai, tổng đốc, tuần vũ, đề đốc, lãnh binh, đốc học... được đúc bằng đồng.
(Ảnh 2)
- Ðồ ký: là con dấu của các quan: đồng tri phủ (phân phủ), giáo thụ, huấn đạo... được đúc bằng đồng, hoặc tiện bằng gỗ. Ví dụ: các đồ ký bằng gỗ, khắc các dòng chữ Hán: Ích Thông hiệu khí cơ thuyền đồ ký (ảnh 2, bên phải); Tuy An phủ giáo thụ ký (ảnh 2, bên trái); Nghĩa Hành huyện huấn đạo đồ ký (ảnh 3, bên trái) và Nghi Lộc huấn đạo đồ ký (ảnh 3, bên trái). - Ðồ chương: là con dấu của thường dân, chủ yếu là của các văn nhân, nho sĩ, họa gia... dùng để đóng lên các tác phẩm, họa phẩm do họ sáng tác hay thuộc quyền sở hữu của họ, thường làm bằng ngà hay bằng gỗ.
(Ảnh 3)
- Kiềm ký :là con dấu của các chức quan nhỏ, quan trấn thủ các cửa tấn, của ải nơi biên viễn, được làm bằng gỗ.
- Triện: là con dấu của các chức dịch địa phương như: lý trưởng, chánh tổng... được làm bằng gỗ.
2. Bảo tàng MTCÐ Huế hiện sở hữu hơn 30 ấn triện các loại, được làm bằng nhiều chất liệu như: ngà voi, đồng, gỗ...
Ngoài chiếc ấn đồng và những đồ ký bằng gỗ được giới thiệu trên đây, bảo tàng này đang thủ đắc 2 bộ ấn ngà rất đặc biệt:
(Ảnh 4)
a. Bộ ấn thứ nhất, nguyên thủy được thiết trí trong điện Hòa Khiêm (lăng Tự Đức), hiện đang bảo quản trong kho của Bảo tàng MTCÐ Huế. Bộ ấn gồm 2 chiếc ấn bằng ngà, đặt trong hộp khung gỗ, lồng kính, bốn góc bịt đồng. Ðế hộp bằng gỗ gõ, lót vải nhung màu tím. Hai chiếc ấn cùng kiểu thức tạo tác, nhưng khác về kích thước: mặt ấn hình chữ nhật, núm ấn tạo hình rồng đứng; đuôi rồng xoáy, mang đặc trưng của đuôi rồng thời Nguyễn; chân rồng có 5 móng (ảnh 4); vành ngoài mặt ấn có đường viền nổi khắc chìm đồ án “lưỡng long triều nhật” và 4 đám mây. Theo sách Minh Mạng chính yếu (Quyển XVIII: Pháp độ), những chiếc ấn có kiểu thức trang trí như vậy gọi là ấn tiểu long.
(Ảnh 5)
- Ấn thứ nhất cao 7,4cm; mặt ấn dài 7,7cm, rộng 6cm; khắc nổi 3 dòng chữ Hán, kiểu chữ triện: Tự Ðức ngự lãm chi bửu: Ấn vua Tự Ðức (để đóng vào) văn bản vua (đã) xem xét) (ảnh 5, ấn bên trái).
- Ấn thứ hai cao 5,8cm; mặt ấn dài 7cm, rộng 4,9cm, cũng khắc nổi 3 dòng chữ Hán, kiểu chữ triện:Ðộc thư bất cầu thậm giải: đọc sách không cần tìm hiểu sâu xa (Ảnh 5, ấn bên phải). Câu này lấy chữ trong bài Ngũ liễu tiên sinh truyện của Ðào Tiềm, ẩn sĩ nổi tiếng đời nhà Tấn (265-420) bên Trung Hoa, tả sự thanh cao, nhàn nhã của kẻ sĩ. Nguyên văn câu này như sau: Văn tĩnh thiểu ngôn, bất mộ vinh lợi, hiếu độc thư bất cầu thậm giải: Nhàn nhã ít nói, không ưa danh lợi, thích đọc sách mà không cần tìm hiểu sâu xa.
Ảnh 6
b. Bộ ấn ngà thứ hai hiện đang trưng bày trong điện Long An, tòa nhà trưng bày chính của Bảo tàng MTCÐ Huế, cũng đặt trong chiếc hộp có kiểu thức y hệt chiếc hộp đựng ấn ở lăng vua Tự Ðức. Ðế hộp khoét lõm 4 ô hình vuông và 3 ô hình bầu dục, lót vải nhung tím, là chổ để những chiếc ấn. Căn cứ vào các ô để ấn trên đáy hộp, có thể xác định: nguyên thủy bộ ấn này gồm 7 chiếc, gồm 4 chiếc ấn mặt vuông vát góc và 3 chiếc ấn mặt bầu dục. Vì lý do nào đó, 1 chiếc ấn mặt bầu dục đã bị thất lạc, nên bộ ấn chỉ còn 6 chiếc (ảnh 6).
Núm của 4 chiếc ấn mặt vuông chạm lộng hình rồng mây (ảnh 7), cùng một kiểu thức, nhưng khác về kích thước. Núm của 2 chiếc ấn mặt bầu dục đều tạo dáng hình rồng.
- Ấn thứ nhất trong bộ ấn ngà này khắc nổi 3 dòng chữ Hán, kiểu chữ triện: Phác nhi văn đạm nhi vị: Ðơn sơ mà văn vẻ, đạm bạc nhưng ý vị (ảnh 8).
Ảnh 7
- Ấn thứ hai khắc chìm 3 dòng chữ Hán, 2 dòng phía ngoài mỗi dòng 2 chữ, dòng giữa 3 chữ, kiểu chữ triện: Học vu cổ huấn nải hữu hoạch: Học theo phép tắc xưa mới có được kết quả (ảnh 9).
- Ấn thứ ba khắc nổi 3 dòng chữ Hán, 2 dòng phía ngoài mỗi dòng 2 chữ, dòng giữa gồm 3 chữ, kiểu chữ triện: Giám vu thành hiến vĩnh vô khiên: Xét theo phép tắc đã có (sẽ) mãi mãi không lầm lỗi (ảnh 10).
- Ấn thứ tư khắc nổi 3 dòng chữ Hán, kiểu chữ triện: Lục hào Khiêm quái giai cát: Quẻ Khiêm có 6 hào đều tốt (ảnh 11).
- Ấn thứ năm khắc nổi 4 chữ Hán, xếp theo hình thoi, kiểu chữ triện: Hóa cửu đạo thành: Dạy lâu thì thành đạo) (ảnh 12, bên phải).
Ảnh 8
- Ấn thứ sáu khắc chìm 4 chữ Hán, xếp theo hình thoi, kiểu chữ triện: Vô sở kỳ dật: Không có điều gì là vượt quá (ảnh 12, bên trái).
Cả 4 chiếc ấn mặt vuông đều có đường viền bên ngoài, khắc hình hai con rồng, kiểu tiểu long. Ðầu rồng hướng lên phía trên, chầu hình quẻ Khôn ở giữa 2 mặt trời. Phía dưới, giữa 2 đuôi rồng là hình quẻ Càn, 2 bên có hình mây như ý. Mặt của 2 chiếc ấn hình bầu dục, do đường viền rất mảnh nên 2 hình tiểu long được trang trí trực tiếp lên mặt ấn: một hình khắc chìm và một hình khắc nổi, và chỉ có biểu tượng của quẻ Khôn và quẻ Càn, không có các hình mặt trời và mây như ý.
3. Qua bước giám định ban đầu, tôi nhận thấy cả 2 bộ ấn ở Bảo tàng MTCÐ Huế đều có chung một phong cách tạo tác, kiểu thức chạm trổ giống và cùng thể thức chất liệu, nghĩa là chúng có cùng niên đại và cùng được một nơi làm ra. Do trong bộ ấn thứ nhất có chiếc ấn mang dòng chữ Tự Ðức ngự lãm chi bửu, nên tôi cho rằng cả 2 bộ ấn này đều được làm dưới triều Tự Ðức (1848-1883).
Ảnh 9
Ngoài chiếc ấn Tự Ðức ngự lãm chi bửu có văn ngôn theo thể thức thông dụng của ấn triện thời phong kiến; văn ngôn trên 7 chiếc ấn còn lại không theo thể văn ngôn thường thấy trên ấn tín thuộc loại công ấn. Chúng không biểu tượng cho uy quyền và tính pháp lý của vua và triều đình, mà chỉ là những câu triết lý sâu xa, theo thể đối từ, cách ngôn, được trích rút từ các điển tích xưa theo những lựa chọn và cảm nhận hoàn toàn riêng tư của chủ nhân những chiếc ấn. Tự Ðức là ông vua mẫn đạt, thông thái, am tường luân lý Nho gia và say mê văn chương. Văn ngôn trên 7 chiếc ấn còn lại cho phép suy đoán chủ nhân của cả 2 bộ ấn này là vua Tự Ðức. Ông đã sưu tầm những câu danh ngôn từ thư tịch xưa, cho khắc lên ấn để thưởng ngoạn và chiêm nghiệm.
Khảo sát bộ ấn 6 chiếc đang trưng bày ở điện Long An, tôi nhận thấy rằng có 2 cặp ấn (4 chiếc) được tạo tác theo thể thức “âm-dương”:
+ Cặp thứ nhất là 2 chiếc ấn khắc các dòng chữ: Học vu cổ huấn nãi hữu hoạch (Ảnh 9) và Giám vu thành hiến vĩnh vô khiên (Ảnh 10). Trong đó, chiếc ấn Học vu cổ huấn nãi hữu hoạch có văn tự và biểu tượng Càn-Khôn được khắc chìm còn các đồ án trang trí được khắc nổi, trong khi chiếc kia có văn tự và biểu tượng Càn-Khôn được khắc nổi còn các đồ án trang trí được khắc chìm. Đem ghép văn ngôn trên hai chiếc ấn này với nhau, sẽ có được một đôi câu đối hoàn chỉnh.
Ảnh 10
+ Cặp thứ hai là 2 chiếc ấn mặt hình bầu dục mang các dòng chữ: Hóa cửu đạo thành và Vô sở kỳ dật (Ảnh 12).Trong đó, chiếc ấn Hóa cửu đạo thành có văn tự, biểu tượng Càn-Khôn và các đồ án trang trí đều được khắc chìm, trong khi chiếc kia có văn tự, biểu tượng Càn-Khôn và các đồ án trang trí đều được khắc nổi. Văn ngôn trên hai chiếc ấn này tuy không đối nhau, nhưng ý nghĩa của chúng bổ khuyết cho nhau khá hài hòa.
- Trong bài Vài nét về kim ngọc bảo tỉ triều Nguyễn của Nguyễn Công Việt in trên Khảo cổ học (Số 2/1995, tr. 19-25), có giới thiệu hình in một chiếc tiểu long bảo (bửu), khắc dòng chữ: Thủ tín thiên hạ văn vũ quyền hành. Theo Nguyễn Công Việt, đây là một chiếc kim bảo tỉ trong một bộ gồm 2 chiếc: một đúc bằng vàng, một đúc bằng bạc, cùng một thể thức, văn ngôn và kích thước. Do viền mặt ấn có khắc hình 2 con rồng nhỏ, nét chạm mảnh, chầu biểu tượng Càn-Khôn, nên sử sách nhà Nguyễn thường gọi là tiểu long bảo. Theo sách Minh Mệnh chính yếu (Quyển XVIII: Pháp độ), các loại ấn tiểu long được dùng để đóng lên đầu các trang giấy trong những đạo chiếu chỉ, nhưng từ năm Minh Mạng thứ 9 (1828), nhà vua đã ban dụ đình chỉ việc sử dụng các loại ấn tiểu long này.
Ảnh 11
Ðối chiếu hình in chiếc ấn Thủ tín thiên hạ văn vũ quyền hành do Nguyễn Công Việt giới thiệu với 2 bộ ấn ngà trên đây, tôi thấy kiểu thức của chúng như nhau: cùng có hình rồng chầu Càn-Khôn; văn tự đều được khắc theo lối chữ triện, kích thước gần tương tự. Duy có 3 điều khác:
+ Thủ tín thiên hạ văn vũ quyền hành thuộc loại kim bửu (bảo) tỉ, được làm bằng vàng (hoặc bạc) còn 8 chiếc ấn trong hai bộ ấn trên làm bằng ngà.
+ Trên mặt ấn Thủ tín thiên hạ văn vũ quyền hành, biểu tượng quẻ Càn nằm ở phía trên và biểu tượng quẻ Khôn nằm ở phía dưới. Trong khi biểu tượng quẻ Càn và quẻ Khôn ở trên 6 chiếc ấn trong bộ ấn ở điện Long An được bố trí ngược lại (Khôn trên, Càn dưới).
Ảnh 12
+ Mặt ấn tiểu long từ triều Minh Mạng trở về trước luôn là hình chữ nhật, nhưng những chiếc ấn tiểu long bằng ngà nói trên thì mặt ấn có cả hình chữ nhật, hình vuông (vát góc) lẫn hình bầu dục.
Từ những nhận xét trên đây, tôi cho rằng đây là 2 bộ ấn ngà do vua Tự Ðức sai chế tác, dựa trên thể thức của ấn
tiểu long của tiên triều, để dùng vào việc văn chương, hoặc để trưng bày trong thư phòng, như một món trong bộ văn phòng tứ bảo của nhà vua. Những chiếc ấn này hoàn toàn không phải là công ấn dùng trong việc trị quốc, mà là một thứ tư ấn hay đồ chương được thửa riêng cho một vị hoàng đế-thi sĩ. Chúng xứng đáng được nhìn nhận như những vưu vật còn may mắn sót lại trên đất Cố đô.

Trần Đức Anh Sơn (netcodo.net)

No comments:

Post a Comment