Wednesday, December 2, 2009

ÐƯỜNG VÀO YOGA


Trước hết, ta hãy nhìn thế giới xung quanh chúng ta. Lịch sử của nó nói lên những gì ? Nó hiện ra như một đại cảnh linh động, trong đó con người hoạt động không ngừng, sự việc xuất hiện liên tiếp, nhưng sự thật, đó chẳng qua là các trò múa men của những bóng mập mờ. Các dân tộc, các vua chúa, các chính trị gia, các quan lớn quan nhỏ, các đạo binh hùng hậu, tất cả chỉ là nhân ảnh. Còn các sự việc như là chiến tranh và cách mạng, hưng thịnh và suy vong của các quốc gia thì xa sự thật hơn nữa. Dù các sử gia có khảo cứu sâu rộng đến mức nào cũng vậy, dù tâm trí của họ bao quát đủ mọi lãnh vực từ nền móng kinh tế, tổ chức xã hội đến các khuynh hướng tư tưởng thì họ cũng chỉ lẩn quẩn giữa những hình, những bóng phóng ra do các sự thật vô hình. Cõi đời là do ảo ảnh dựng lên và những giá trị mà ta gán cho nó, đều sai lạc. Biết bao sự việc được người đời quí trọng nhưng lại không có một giá trị gì dưới mắt của các nhà huyền học. Những hạt kim cương chói lòa chẳng qua là những mảnh kiếng vụn đối với người hiểu biết.


Ngai vàng, điện ngọc, quyền thế, vinh quang của người đời không có một nghĩa lý gì đối với ai đã thoáng thấy Chơn Ngã uy nghi. Vậy thì cái gì là thật, cái gì là quí ? Câu trả lời của chúng ta sẽ khác hẳn câu trả lời của người đời.


Vũ trụ có là vì Chơn Ngã.


Ðấng Tạo hóa lập ra Vũ trụ không phải để cho chúng ta góp công tô điểm hay chiếm đoạt những điều mong ước, cũng không phải để cho người đời đẹp tai, vui mắt. Ðành rằng Vũ trụ là một kỳ công với vòm trời xanh thẳm, với núi cao trắng tuyết, với thung lũng xinh tươi hoa lá, với trùng dương bát ngát lúc an tĩnh dịu dàng, khi ba đào rào rạt, nhưng các sự ấy sở dĩ có không phải chính cho chúng nó mà vì sự ích lợi của chúng đối với Chơn Ngã : tất cả ở chúng nhằm giúp Chơn Ngã biểu hiện.


Mục đích duy nhất của cõi đời tuyệt mỹ với các nỗi vui buồn là giúp Chơn Ngã biểu lộ quyền năng của Nó. Từ tinh vân đến Thượng Ðế, tất cả sở dĩ có là vì Chơn Ngã. Hạt bụi li ti ở cõi Trần, vị Ðại Thiên Thần cao cả ở Thiên giới, cọng cây mọc ở kẹt đá, ngôi sao chiếu trên trời cao, tất cả sở dĩ có là để cho những mảnh nhỏ của cái Ngã ẩn trong muôn vàn sắc tướng có thể thực hiện bản tính duy nhất của chúng và biểu lộ các quyền năng của chúng xuyên qua vật chất.


Ở hạt bụi nhỏ nhoi cũng như trong vị Thần cao cả, đều có một nguyên lý duy nhất : Chơn Ngã. Ấy là các Jivatmas, các Ðiểm linh quang sống động; chúng là Mamamsaha , là một phần của Ta như Ðức Krhisna đã gọi. Vũ trụ có là vì chúng. Vì chúng mà mặt trời mọc, mà sóng cuộn, gió thổi, mưa sa : có vậy, Chơn Ngã mới lần lần ý thức được mình đang biểu hiện trong vật chất, đang ẩn mình trong Vũ trụ.


Một trong các ý niệm quí báu mà Thông Thiên Học không ngừng nhắc đến là các sự việc vẫn lập đi lập lại mãi theo một trật tự nhất định, trong các cuộc tuần hoàn lớn hay nhỏ. Nhờ vậy,khi ta hiểu được một cuộc tuần hoàn là ta sẽ hiểu được các cuộc tuần hoàn khác. Sự xây dựng Vũ trụ và sự xây dựng con người đều theo những qui luật y hệt nhau. Những luật qui định sự khai mở quyền năng của cái Ngã trong Vũ trụ từ tinh vân đến Thượng Ðế cũng là những định luật chi phối sự phát triển tâm thức ở con người. Nếu bạn hiểu các định luật ấy trong cái nầy thì bạn sẽ hiểu được trong cái kia. Nắm vững chúng trong cái lớn, bạn sẽ hiểu được cái nhỏ dễ dàng.


Sự tiến hóa từ viên đá đến Thượng Ðế tiếp diễn trong một thời gian dài như vô tận. Trong phạm vi nhân loại, thời gian đăng đẳng ấy thu lại trong một cuộc tuần hoàn ngắn, ngắn đến đỗi như không có. Ở mỗi cá nhân, trong một cuộc tuần hoàn còn ngắn hơn nữa, một sự tiến hóa tương tự diễn tiến nhanh chóng nhờ các sinh lực tạo được trong quá khứ. Các sinh lực nầy biểu hiện và thức động lần lần trong cuộc tiến hóa và mỗi lúc đều được tăng cường. Khởi đầu, chúng nó phát triển, củng cố và kiện toàn trong loài kim thạch; rồi khi trở nên quá thanh cao đối với giới kim thạch, chúng sang loài thảo mộc. Ở loài nầy, chúng nó cũng phát triển tính chất thiêng liêng thêm mãi cho đến lúc chúng nó trở nên quá dũng mãnh đối với loài nầy thì sang loài cầm thú. Chúng nó tiếp tục phát triển mãi và đồng hóa các kinh nghiệm đã thu thập được ở loài nầy, và đến một lúc nào đó, chúng vượt qua khỏi tầm mức thú cầm để tiến sang nhân loại. Trong con người, chúng vẫn tăng trưởng nhanh chóng để rồi cũng phá vỡ giới hạn con người và tiến từ hàng nhân loại sang bậc siêu nhân. Sự diễn tiến cuối cùng nầy là Yoga.


Con người tăng trưởng như thế nào ? Ở quá khứ, nhân loại trên quả địa cầu nầy đã tiến hóa trong một thời gian rất dài ở nhiều dãy khác, tiến hóa như tôi đã nói, từ kim thạch sang thảo mộc, từ thảo mộc sang cầm thú, từ cầm thú đến con người và khi thành người, nhân loại được di chuyển từ mặt trăng sang qua bầu chúng ta đang ở mà chúng ta gọi là trái đất. Ở đây, chúng ta có đằng sau chúng ta tất cả sinh lực của một quá trình tiến hóa rất dài, nhờ vậy mà khi chu kỳ tiến hóa ngắn ngủi hơn là Yoga bắt đầu, thì một sức mạnh chất chứa từ lâu thúc đẩy chúng ta, nên chúng ta tiến rất mau. Chúng ta phải liên kết Yoga của chúng ta với sự khai triển tâm thức tổng quát qua các giai đoạn của nó., nếu không, chúng ta không sao hiểu nó được. Là vì sự tiến hóa tâm thức trong Vũ trụ cũng giống hệt các định luật của Yoga, các nguyên tắc qui định việc khai triển tâm thức trong cuộc đại tiến hóa của nhân loại cũng là những nguyên tắc qui định Yoga nhằm khai mở nhanh chóng tâm thức của mỗi người. Vì vậy, trái với nhiều người tưởng, Yoga không có gì mới mẻ cả. Sự tiến hóa luôn luôn có tính cách duy nhất ngay từ lúc khởi thủy, với các giai đoạn giống nhau, với các kết quả y nhau. Dù bạn nghiên cứu sự khai mở tâm thức trong Vũ trụ, trong toàn thể nhân loại hay trong một cá nhân, những qui luật bạn phải học là những qui luật chung. Trong Yoga, bạn tập áp dụng các qui luật ấy để phát triển tâm thức của bạn. Tất cả định luật đều là một, mặc dù có vẻ khác nhau ở mỗi giai đoạn tiến hóa.


Khi bạn nhìn Yoga như thế, nó không còn xa lạ nữa. Trái lại, trong lúc bạn tập mở mang tâm thức, bạn sẽ tìm hiểu luôn sự tiến hóa tương ứng của các hình thể, và bạn sẽ hết ngạc nhiên khi được biết rằng một ngày kia, bạn sẽ vượt giới hạn con người để bước vào hàng tiên thánh trong một cõi mà bản tính thiêng liêng sẽ bộc lộ rõ ràng hơn. Chơn Ngã ở con người và Ðại Ngã trong Vũ trụ là một. Các khí lực vô biên biểu hiện trong trời đất đều có ở bạn trong trạng thái tiềm tàng như những mầm non. Ngài, Ðấng Tối Cao, Ngài không còn tiến hóa nữa. Ở Ngài, không có cái gì tăng cái gì giảm. Các Jivatmas, các Ðiểm linh quang ở con người, là một phần của Ngài, và chúng nó cố phát triển quyền năng sẵn có của chúng trong vật chất lúc gặp hoàn cảnh thuận tiện. Khi bạn ý thức rõ ràng sự duy nhất của vạn thù, bạn sẽ thấy Yoga là một điều có thể thực hiện được.

Beseant, Annie


Yoga có nghĩa là to join (liên kết), jug , và ngữ căn nầy được thấy trong nhiều thứ tiếng như trong tiếng Anh chẳng hạn, qua sự trung gian của tiếng La tinh jugare, junger (nối liền) . Một loạt chữ xuất xứ từ ngữ căn nầy như junction, conjunction, disjunction (nối liền, tiếp nối, đứt đoạn) v. v. . . . Chữ Anh Yoke cũng do ngữ căn ấy mà ra. Nhờ vậy, xuyên qua những chữ, những sự kiện liên hệ đến ngữ căn ấy bạn có thể nhận định ý nghĩa của chữ Yoga và tác dụng rộng lớn của nó trong sự diễn tả tư tưởng; ngoài ra, các chuyển từ của nó còn hướng dẫn bạn đến ý nghĩa thâm sâu của nó. Ở nhiều thứ tiếng khác như tiếng Pháp, chúng ta có chữ rapport (liên hệ) và chữ nầy cũng rất thông dụng trong Anh ngữ. Being en rapport là một thành ngữ Pháp được gia nhập mật thiết vào tiếng Anh nên được dùng hằng ngày giữa chúng ta. Dưới nhiều khía cạnh, chữ nầy rất giống chữ Yoga và có nghĩa là liên hệ, bước vào, nhập vào, v.v. . . Các ý tưởng nầy đều nằm trong phạm vi Yoga.


Khi bằng tiếng Phạn, Shri Krishna nói : Yoga là sự quân bình, Ngài nói một điều rất hiển nhiên vì Yoga bao hàm cái nghĩa quân bình, kết hợp (samvata). Vậy lời nói của Ngài rất đơn giản rõ ràng vì Ngài chỉ nói lên ý nghĩa của một chữ thông thường mà thôi, chớ không có gì sâu sắc. Còn một câu khác cũng thế. Câu nầy dùng để giải thích một sutra mà tôi có nêu lên tuần trước, và nó rất đơn giản và rõ ràng đối với người Ấn : Yoga là Samadhi. Ðối với người không biết tiếng Phạn, câu nầy có vẻ mù mờ và cần giải thích từng chữ một. Nhưng người thông hiểu tiếng Phạn thì biết hai chữ Phạn ấy liên hệ với nhau chặt chẽ. Bởi vì Yoga là kết hợp, còn chữ Samadhi phát xuất từ ngữ căn dha , là đặt vào, và hai chữ sam và a , có nghĩa kết hợp hoàn toàn . Vậy Samadhi là đặt vào trạng thái kết hợp hoàn toàn, nói cách khác, Samadhi là tập trung tư tưởng, là định trí, là tránh mọi sự tản mác. Như vậy, trên cả hai phương diện ngôn ngữ và thực tế, Yoga và Samadhi kết liền nhau. Khi nhà bình luận Vyasa nói : Yoga là sự định trí , Ngài trình bày một ý niệm rất rõ ràng và chính xác về nội dung chữ ấy. Chữ Samadhi lần lần được dùng để gọi sự xuất thần (kết quả của sự đại định), dù sao, ta không nên quên ý nghĩa nguyên thủy của nó.
Khi giải thích khoa Yoga, thường người ta không tìm được trong tiếng Anh những từ ngữ hàm súc tương đương với Phạn ngữ, vì vậy tôi thành thật khuyên các bạn nếu có thể thì nên học thứ tiếng nầy để hiểu rõ các tác phẩm Yoga.

1. Sự liên quan của Yoga với các môn phái triết học Ấn.
2 . Trí thức.
3 . Thể Trí.
4 . Cái Trí và cái Ngã.



Ðiều kế tiếp mà tôi xin quí bạn lưu ý, Yoga là một khoa tâm lý chớ không phải là một khoa luân lý dù đạo đức là nền tảng của nó. Khoa tâm lý và khoa luân lý không giống nhau.. Trong khoa đầu, người ta nghiên cứu tâm trí; trong khoa sau, người ta tìm cách xây dựng hạnh kiểm để thực hiện sự giao hảo giữa con người. Khoa luân lý nhằm cải thiện lối sống chớ không nghiên cứu bản chất của tâm trí hầu mở mang quyền năng của nó. Tôi nhấn mạnh điều nầy vì có nhiều người hay lầm lộn. Nếu bạn nhận định rõ thế nào là Yoga, bạn không còn nghĩ rằng bạn phải tìm thấy ở nó những châm ngôn hay giáo lý của các bậc thánh hiền. Nếu Patanjali có nêu rõ yama và niyama là những qui tắc hạnh kiểm mà con người phải theo, những lời khuyên nầy tuy rất hữu ích nhưng không phải là phần chủ yếu của giáo lý ông. Không ai có thể thực tập Yoga mà không có những đức tính tóm tắt trong yama và niyama , nhưng bạn không thể tìm một hệ thống đạo đức trong một quyển sách tâm lý có tính cách khoa học như quyển Yoga. Một sinh viên điện không bao giờ ngạc nhiên vì không thấy những lời khuyên dạy đạo lý trong sách điện. Vậy tại sao một người học Yoga, một khoa học tâm lý, lại mong tìm những lời lẽ đạo đức ở trong đó ? Tôi không muốn nói rằng đạo đức không quan trọng đối với người yogui. Trái lại, nó rất quan trọng, và tuyệt đối cần thiết ở những giai đoạn đầu tiên đối với mọi người thực tập. Nhưng sau đó, nó không cần nữa nếu người yogui theo con đường tà. Bạn phải nhớ rằng ở Yoga, ngoài con đường chánh còn có con đường tà, và trong con đường nầy, đạo sĩ cũng sống rất kham khổ ở giai đoạn đầu đôi khi ở cả giai đoạn sau, nhưng đạo đức thật sự không có ở đây. Người yogui theo tà đạo cũng lo tinh luyện các thể nhưng không phải để giúp đời mà để khai mở các quyền năng riêng. Sự khác biệt giữa chánh đạo và tà đạo là động cơ bên trong. Nhà yogui chánh đạo không ăn thịt vì sự giết hại trái với lòng từ, còn nhà yogui tà đạo có thể cũng cữ thịt nhưng cữ với một lý do khác : thịt có tính cách kích thích và một thể xác được nuôi dưỡng bằng thịt sẽ không giúp ích họ nhiều. Vậy hai nhà đều cữ thịt nhưng mỗi người đều có lý do riêng.



Kiêng thịt là một sự kiện đạo đức vì sự kiện nầy giảm bớt đau khổ của sinh vật. Tuy nhiên, trên phương diện Yoga, nó chỉ là một phương tiện nhất là đối với tà đạo. Sách Ấn Ðộ có nói đến nhiều nhà yogui theo tà đạo, và đạo sĩ có phép tắc cao cường nhất là Ravana, hiện thân của tất cả những điều hung ác, xấu xa của cõi đời. Hắn cũng là một nhà yogui phi thường và nếu hắn có được những quyền năng siêu phàm là nhờ Yoga. Là một thuật sĩ đứng đầu bên tà đạo, hắn là tay đại phá hoại. Hắn tập Yoga là để có quyền năng đả phá và cướp trong tay Thái Dương Thượng Ðế cái quyền trường sinh bất tử để không thể bị một người nào giết hại. Bạn có thể ngạc nhiên về việc một người có thể đoạt ở Thượng Ðế một quyền năng như vậy. Nhưng định luật thiên nhiên là sự biểu lộ của lý trời và ai theo đúng định luật ấy thì gặt hái được các kết quả đã định dù y có ý hại đời hay muốn giúp đời. Một nhà bác học cũng vậy, ông có thể giúp đời hay hại đời, và hạnh kiểm của ông không quan trọng đối với sự tìm tòi của ông miễn là đôi mắt hay bộ thần kinh của ông không bị hư hại bởi các thói hư tật xấu của ông. Yoga cũng thế, đạo đức rất quí nhưng không chi phối nó. Có hiểu như thế mới không sa lầy. Hãy cố tìm hiểu như mọi người Thông Thiên Học và bạn sẽ thấy nhiều định luật được trọng ở lãnh vực này nhưng vô hiệu ở lãnh vực khác. Nhà bác học không bao giờ lầm lộn như vậy. Họ biết một sự phát minh hóa học không tùy lối xử thế của họ và không cần họ phải nhân từ mới khám phá được một yếu tố mới. Họ sẽ không thất bại trong một cuộc thí nghiệm khéo léo mặc dù lối ăn ở của họ xấu xa. Ðó là hai địa hạt khác nhau với những định luật khác nhau mà chúng ta không nên pha lộn. Vì Ðấng Isvara tuyệt đối công bằng nên ai tuân hành luật nào thì hưởng kết quả đó dù hành động của họ có tính cách giúp đời hay không ở những lãnh vực khác. Gieo lúa thì sẽ được lúa, trồng cỏ thì sẽ có cỏ, luật trời là thế.


Như vậy, thế nào là vai trò của đạo đức ? Nó là một điều tối quan trọng đối với nhà yogui chánh đạo quyết lòng phụng sự Thiên đình. Vì họ cố trau mình để giúp đời và tạo một hòa khí đối với mọi người, căn bản đạo đức của họ phải cao siêu, vượt hẳn luân lý thường tình. Họ phải kiên nhẫn, nhân từ vì lòng nhân sẽ khai mở tâm hồn họ để bao trùm toàn thể nhân loại. Người theo tà đạo thì không thế, họ gắt gao, hung ác.


Người theo chánh đạo có thể cố gắng khai mở quyền năng và họ làm thế là để phụng sự nhân loại hữu hiệu. Các người bên tà đạo thì không thế, họ muốn có quyền năng là để cho chính họ hoặc để chống lại mọi người. Họ muốn sống cô độc một mình trong sự hung hản. Họ muốn cưỡng lại Thiên ý dù trong một thời gian ngắn ngủi. Cứu cánh của người trên là Niết bàn nơi đó không còn sự chia rẽ. Mục tiêu của người sau là ngục A tỳ hay sự cô đơn trọn vẹn, ấy là Kaivalyam của Tà Ðạo. Cả hai đều là nhà yogui, đều thực tập Yoga nhưng kết quả thì khác, một bên là Niết Bàn, một đàng là A tỳ (Avitchi).

No comments:

Post a Comment