Wednesday, December 2, 2009

ÐƯỜNG VÀO YOGA 2



Sự ham mê của bạn sẽ chuyển mau thành ý chí nếu bạn nhận thức rằng nhân loại tiến hóa theo hai con đường : con đường ra đi và con đường trở về.

Trên Con Ðường Ra Ði (Marga of Pravritti) mà đa số nhân loại đang theo, ham mê là cần thiết và hữu dụng. Ở con đường nầy, con người càng ham mê nhiều, càng tiến hóa mau. Ham mê là động cơ thúc giục họ hành động. Không ham mê, họ dã dượi, lờ đờ, không tiến. Tại sao Thượng Ðế Ishavara lại tạo ra đủ thứ sự vật để kích thích lòng ham muốn, nếu Ngài không nghĩ rằng ham mê rất cần cho sự tiến hóa ? Ngài đối xử với nhân loại như một người mẹ đối với con. Khi con tập đi, người mẹ không giảng dạy về các lợi ích của sự đi đứng, cũng không giải thích các bắp thịt ở chân phải cử động như thế nào. Bà giơ cao một món đồ chơi đẹp đẽ và nói : Con hãy bước lại đây . Sự ham muốn bùng dậy ở đứa con. Ðứa con lúc đầu bò tới sau tập đứng, tập đi Thượng Ðế Ishvara cũng đặt đủ thứ đồ chơi chung quanh chúng ta như thế, nhưng luôn luôn đặt ngoài tầm tay của chúng ta và Ngài nói : Các con hãy lại lấy các cái nầy. Ðây là tình yêu, là tiền bạc, là danh vọng, là địa vị, hãy lại mà lấy. Hãy bước lại đây, hãy tiến lên ! Và y như trẻ con, chúng ta cố gắng ngày đêm tiến lên để chụp lấy các món đồ chơi đó. Nhưng khi ta vớ được tới chúng nó thì chúng tan ra và trở thành vô dụng. Con người tranh đấu khổ nhọc biết bao nhiêu để được sang giàu, và khi trở nên triệu phú rồi họ nhìn đồng tiền không biết phải làm gì. Gần đây, tôi đọc báo thấy một nhà triệu phú người Mỹ đi bộ từ tỉnh này sang tỉnh khác để phân phát tài sản to lớn của ông. Ông đã học xong một bài học. Ở các kiếp sau, không bao giờ ông còn chịu cực để có cái thứ đồ chơi mà người ta gọi là giàu sang ấy nữa. Ham mê danh vọng và quyền thế kích thích con người gắng công rất nhiều nhưng đến khi đoạt được thì chúng không còn thích thú nữa. Một chính trị gia lỗi lạc được mọi người tôn sùng như một thần tượng, khi bạn theo họ về nhà, bạn sẽ thấy họ không thiết tha gì đến quyền thế, không còn mê say đến những điều đã quyến rủ họ trước kia. Vậy phải chăng Thượng Ðế đùa cợt chúng ta ? Không phải. Mục đích của Ngài là thức động quyền năng của cái Ngã, là phát triển các khả năng tiềm tàng ở con người. Ðó là cách chúng ta ý thức Thượng Ðế ở lòng ta, đó là vở kịch Cha lành đùa cợt với con.
Tuy nhiên, lòng ham mê mất đi quá sớm và bài học chỉ mới học được nửa chừng. Ðó là một trong những điều khó khăn mà Aán Ðộ đang gặp. Người Aán Ðộ có một triết lý tâm linh cao cả phát sinh từ những linh hồn già giặn sẵn sàng vứt bỏ kết quả của hành động để làm việc cho Ðấng Tối Cao và thực hành ý chí của Ngài. Nhưng các linh hồn như thế rất ít. Ấn Ðộ ngày nay còn cần sự ham mê. Ðó không phải là thoái hóa mà là tiến bộ thật sự. Triết lý Aán Ðộ rất cao đẹp nhưng chỉ dành cho những linh hồn tiến hóa cao, có thể hấp thụ nó. Những linh hồn còn trẻ sinh ở Ấn Ðộ hiện nay không thể lãnh hội nó, họ học nó từ câu từ chữ nhưng rồi thẩn thờ, do dự vì họ chưa biết ham mê. Kết quả là toàn thể quốc gia đang suy yếu. Bài học xưa về hệ thống giai cấp dạy phải dùng các sự vật khác nhau tùy linh hồn già hay trẻ đã bị quên lảng. Ngày nay ai ai cũng nhằm vào sự toàn thiện mà không lưu ý đến các nấc thang đầu. Ở các nước Tây phương cũng thế. Người ta cúi đầu trước Lời giảng trên núi của Ðức Chúa mà không hiểu gì về lời giảng ấy. Là vì bài giảng ấy không phải dành cho những người thường mà cho các thánh nhân. Ðối với ai còn đang ở trên con đường ra đi, sự ham mê là điều kiện tất yếu.
Con đường Nivriti là gì? Ðó là Con Ðường Trở Về. Trên con đường nầy, ham mê được thay bằng ý chí của Chơn Ngã. Ở đây, hành giả chỉ còn ham muốn một điều là làm việc theo ý của Ðấng Tối Cao. Họ hòa ý chí của họ với ý chí của Ngài, vứt bỏ các dục vọng riêng tư và cố quay mạnh bánh xe đời bao giờ sự quay nầy còn cần thiết.
Trên Con Ðường Ra Ði tư tưởng bao giờ cũng lau chau, biến đổi. Nó biết suy tư và trở thành lý trí trên Con Ðường Trở Về. Hạ trí trở thành một dụng cụ và đặt dưới quyền điều khiển của lý trí. Lý trí đã chủ trị được con bò rừng.


Trên Con Ðường Ra Ði, hoạt động luôn luôn có tính cách lo âu và trói buộc con người. Trên Con Ðường Trở Về, nó chuyển thành hi sinh và các mối dây trói buộc đều tan rã.
Toàn phúc trước biểu lộ dưới hình thức đam mê sau thì chuyển thành ý chí.
Minh triết trước biểu lộ dưới hình thức tư tưởng sau thì chuyển thành lý trí.
Hành động trước biểu lộ dưới hình thức công việc sau thì chuyển thành hi sinh.
Có người hỏi tại sao ý chí ở con người lại đi đôi với sự toàn phúc thiêng liêng. Chúng ta biết ba đức tính thiêng liêng là : Chit hay tâm thức, Ananda hay toàn phúc và Sat hay thực tại. Ai cũng thấy rõ rằng tâm thức phản ảnh ở trí thông minh con người vì trí nầy đồng bản chất với tâm thức nhưng bị thu hẹp. Cũng rõ ràng rằng hoạt động không thể rời thực tại (existence), bạn chỉ thực tại khi nào bạn hoạt động ở ngoại giới : tiếp đầu ngữ ex của chữ existence có nghĩa là bên ngoài, đó là sự sống biểu hiện. Còn lại đức tính thứ ba là toàn phúc, tương ứng với ý chí. Có người thắc mắc hỏi : Sự tương ứng giữa ý chí và toàn phúc là thế nào?. Chúng ta có thể trả lời câu hỏi nầy nếu chúng ta quan sát kỹ sự ham mê và đối tượng ham mê.
Bản chất của cái Ngã là toàn phúc. Bản chất ấy biểu hiện như thế nào trong vật chất ? Nó trở thành sự ham muốn được hạnh phúc, sự tìm kiếm không ngừng các sự vật có thể mang lại hạnh phúc. Cái Ngã không thể không tìm hạnh phúc và sự ham mê ấy chuyển lần thành ý chí. Khi chúng ta tìm hiểu cặn kẽ sự phân tích nầy, chúng ta thấy rõ ý chí muốn sống chuyển thành ham mê hạnh phúc ở con người như ở mọi vật hữu tình. Vì hạnh phúc là bản chất của bạn nên bạn xem nó như là một cái quyền của bạn, và khi bạn đau khổ bạn phải phản đối và tự hỏi bạn đã làm gì nên tội. Thái độ nầy kiểm chứng rằng sự phân tích của bạn không sai.
Như vậy, ham muốn và ý chí đều nhằm tiến đến hạnh phúc. Nhưng một cái thì dại khờ và bị quyến rủ bởi ngoại cảnh; một cái thì sáng suốt và do sự quyết định của nội tâm. Không có sự khác biệt trong bản chất. Vì vậy, ham muốn trên Con Ðường Ra Ði trở thành ý chí trên Con Ðường Trở Về.
Khi ham muốn tư tưởng và công việc chuyển thành ý chí, lý trí và hi sinh thì con người đang ở trên con đường phản bổn hoàn nguyên và sống một cuộc đời buông xả, từ bỏ.
Khi con người từ bỏ thật sự thì một sự thay đổi kỳ diệu hiện ra. Trên Con Ðường Ra Ði, bạn phải chiến đấu để đạt các sự vật bạn ham mê, trên Con đường Trở Về, Thiên Nhiên sẽ rải đủ thứ vật dưới chân bạn. Khi con người không còn ham muốn thì tài sản sẽ tràn đầy vì anh đã trở thành một vận hà để chuyển vận ân lành cho những kẻ xung quanh. Tìm điều quí, điều đẹp nhưng đừng giữ món gì cho bạn rồi tất cả sẽ thuộc về bạn. Ðừng nghĩ đến cái hồ bé nhỏ của bạn rồi bạn sẽ trở thành dòng nước tràn bờ nối liền với một nguồn dồi dào không bao giờ cạn.
Hạnh từ bỏ sẽ đem lại cho bạn một sức làm việc phi thường và công việc của bạn sẽ luôn luôn thành công vì chính Ðấng Cao Cả tác động xuyên qua kẻ phụng sự Ngài.
Khi bạn đảm nhận một công cuộc bác ái mà bạn không đủ phương tiện, không có tiền của để xúc tiến công việc thì bạn nên biết rằng hạnh từ bỏ của bạn chưa hoàn toàn. Bạn còn nghĩ đến yếu tố hữu hình, đến kết quả của hành động. Thế cho nên phương tiện không đến.

Photobucket

Mục tiêu của sự tranh đấu lâu dài nầy là gì ? Ta tiến lên cao để làm gì ? Phần thưởng của cuộc hướng thượng gay go nầy như thế nào. Người yogui đạt được cái gì ? Họ thực hiện được sự hợp nhất. Nên lưu ý rằng nhiều đức hạnh cần thiết ở đời sống thường tình sẽ tiêu tan khi bạn đạt được sự hợp nhất. Trong đời sống hằng ngày, bạn cần phải phẫn nộ trước một điều xấu xa, căm tức trước một việc ác, xét đoán người nầy, kẻ nọ nhưng bạn sẽ không còn làm như vậy khi đã tiến đến sự hợp nhất. Khi bạn biết phẫn nộ trước một điều ác ấy là Chơn ngã bạn đã thức tỉnh. Nó đã thấy tai hại của điều ác ấy và sợ bạn sẽ bị cám dỗ. Ðó là bước đầu của cuộc đời đạo lý. Sự phẫn nộ ấy giúp bạn nhiều hơn là sự dửng dưng. Ðó là giai đoạn cần thiết. Nhưng làm sao bạn còn có thể giận hờn, oán ghét được khi bạn thấy Thượng Ðế ở mọi người ? Người nào đã ý thức được sự hợp nhất, người ấy không xét đoán ai nữa cả. Ðấng Christ nói : Tôi không xét đoán ai hết. Họ không muốn xa cách ai nữa, họ hòa hợp ngay với người tội lỗi. Người tội lỗi cũng chính là họ. Vậy làm sao họ có thể xa chính họ ? Ðối với họ, không có anh, không có tôi, vì tất cả là một.

Ðó không phải là một điều mà ai ai cũng ao ước. Người đã thực hiện một sự hợp nhất không phân biệt giữa họ và bất kỳ kẻ đốn mạt nào. Ở người nầy, họ cũng chỉ thấy sự hiện diện của Thượng Ðế và họ biết tội lỗi không có ở Thượng Ðế mà chỉ có ở các lớp vỏ bên ngoài. Ðó là sự khác biệt giữa họ và người đời. Một khi người đệ tử đã ý thức được sự huy hoàng của Chơn Ngã, họ không bao giờ xét đoán ai. Họ biết kẻ khác là họ, họ là kẻ khác : đó mới là sự hợp nhất, cao hơn tình huynh đệ mà chúng ta thường nói, nhưng ít ai thực hành.
Giống dân thứ sáu sẽ đưa tình huynh đệ lên tột đỉnh nhưng chính giống dân thứ bảy mới thực hiện sự đại đồng, sự hợp nhất nhân loại.
Thoáng thấy vẻ đẹp của quan niệm cao cả nầy và sự huy hoàng của một toàn thể hòa hợp, trong đó không còn anh, còn tôi, cũng không có cái của anh, cái của tôi mà tất cả đều chan hòa là một, chỉ điều ấy thôi cũng đủ đưa cao bạn lên đời sống thiêng liêng. Những ai đã ý thức được cái cao đẹp của sự hợp nhất, người ấy đã gần tiến đến sự Mỹ Lệ tức là Ðức Thượng Ðế vậy.

Bhakti Yoga Phương thức hiến dâng: Những môn sinh của nhánh này đi theo con đường của trái tim vì Bhakti Yoga là sự tôn thờ Thượng đế lên trên mọi sự ( Thượng đế của bạn ).

Jnana Yoga con đường tri thức: Luyện tập bằng nghiên cứu hiếu biết và phương thức triết lý nhằm đạt các mục tiêu của cuộc sống. Các môn sinh của Jnạna Yoga khơi dậy tri thức bên trong của họ qua tự vấn, thiền định và chiêm nghiệm .
Hatha Yoga: Mặt trăng và mặt trời , môn này giúp cơ thể trở nên săn chắc, tăng cường sự dẻo dai và sức chịu đựng. Những động tác hít thở và khả năng tĩnh tâm có thể được vận dụng vào nhiều lĩnh vực khác của cuộc sống nhằm làm giảm stress và gia tăng khả năng thích ứng của cơ thể trong mọi hoàn cảnh ...
Karma Yoga con đường hành động: Luyện tập bởi chính thái độ của một người trong khi đang hành động, mọi công việc được thực hiện với một thái độ phục vụ quên mình đều là phản ánh của con đường Karma. Những người theo Karma Yoga hướng đến phục vụ người khác hơn bản thân mình .
Raja Yoga - Yoga Vua: Bao gồm nhiều việc tập luyện như thiền, tập trung điều khiển hơi thở, tập sự luân chuyển Asana…
Mantra Yoga: Chế ngự và phát triển trí óc bằng cách dùng một Mantra được coi là khía cạnh quan trọng nhất của loại Yoga này.
Kundalini Yoga: Nhấn mạnh vào việc đánh thức năng lực tinh thần của cơ thể được biết đến dưới tên Kundalinin , Phương pháp này được biết đến là phương pháp Mật tông của Tây Tạng .. .

No comments:

Post a Comment