Sunday, December 27, 2009

Thiền Trong Võ Thuật Nhật Bản

Photobucket

Kiếm thuật, mà sự trau luyện ngành võ thuật này là một trong những công việc bận tâm nhất của các tầng lớp thống trị Nhật Bản từ thời đại Kamakura, đã phát triển dữ dội, và nhiều chi phái khác nhau đã nẩy nở mãi cho đến gần đây. Thời đại Kamakura liên quan mật thiết đến Zen, bởi lúc bấy giờ nó là một chi phái độc lập của đạo Phật mới du nhập vào Nhật Bản lần đầu tiên. Nhiều vị Đại sư về Zen thống trị thế giới tinh thần, thời bấy giờ, mà mặc dầu khinh miệt học vấn, sự học vẫn bị họ giữ trong tay. Đồng thời, các chiến sĩ tụ tập chung quanh họ, sốt sắng xin dạy dỗ cho và khép mình dưới kỷ luật của họ, phương pháp truyền dạy của họ giản dị và trực tiếp : Không cần phải học nhiều triết lý cao siêu của đạo Phật. Các chiến sĩ tự nhiên không học thức nhiều; điều họ muốn là không rụt rè trước cái chết, là điều mà họ thường trực phải đối diện. Đối với họ, đó là một vấn đề thực tế nhất, và Zen sẵn sàng đương đầu với nó. Có lẽ vì các bậc Đại sư hằng lưu tâm đến các sự việc của cuộc sống, chứ không phải với các ý niệm. Có lẽ họ sẽ nói với một chiến sĩ đến để được khai ngộ về vấn đề sinh tử rằng “Không có sinh cũng như tử ở đây, xéo ngay khỏi phòng ta càng nhanh càng tốt”. Vừa nói họ vừa dùng cây gậy thường mang theo để đuổi chàng đi. Hoặc nếu một chiến sĩ đến gặp một ông thầy : “Con hiện phải vượt qua biến cố gay go nhất đời; con phải làm gì đây? Vị thầy sẽ gầm lên : “Đi thẳng, và chớ có nhìn lại !” Đó là cách các nhà Đại sư về Zen thời phong kiến Nhật dạy dỗ các chiến sĩ.

Bởi các chiến sĩ thường xuyên tánh mệnh bị đe dọa, và bởi cây kiếm của họ là thứ khí giới duy nhất xoay chuyển số phận họ thành sống hay chết, kiếm thuật đã phát triển tới trình độ tinh luyện cao. Điều đó không lạ, vì thời ấy, Zen có nhiều liên quan đến nghề nghiệp này. Takuan (1575-1645), một trong những khuôn mặt lớn nhất của thế giới Zen thời đại Tokugawa, đã dạy dỗ đầy đủ về Zen cho môn đệ của mình, Yagiu Tajimano-Kami (chết năm 1646), là một kiếm sư cho phủ Lãnh Chúa thời ấy. Dĩ nhiên những điều truyền dạy không liên quan đến những đòn thế của kiếm thuật, mà đến thái độ tinh thần của kiếm sĩ. Một Đại kiếm sư khác thời To kugawa là Miyamoto Musashi (1582-1945) người sáng lập chi phái Nitoryu. Ông không những là một kiếm sĩ Sumiye, và cả hai môn ông đều tài hoa như nhau. Những bức họa của ông có giá trị cao và có “vị Thiền” trong đó. Một trong những câu nói về kiếm nổi tiếng của ông là :
Dưới lưỡi kiếm giơ cao
Có địa ngục làm cho người run sợ;
Nhưng phải tiến ,
Người sẽ đến đất thần tiên
Không những nhiều liều lĩnh, mà còn tự quên mình, trong đạo Phật đó là trạng thái Phi ngã. Đây là cái ý nghĩa tôn giáo của kiếm thuật. Đó là cách Zen đã thấm nhuần sâu đậm vào đời sống của dân tộc Nhật. Đời sống của họ trong nhiều khía cạnh đặt biệt, luân lý, thực tiễn, thẩm mỹ và đến một giới hạn nào đó của trí tuệ
Sau đây là đại ý lời dạy về Zen của đại sư Takuan về kiếm thuật truyền thụ cho Tagiu Tajma-no-kami :
“ Điều quan trọng nhất trong kiếm thuật là đạt được một thái độ tinh thần gọi là “sự khôn ngoan bất định”. Sự khôn ngoan đó đạt được theo trực giác sau khi tập luyện nhiều. “Bất định” không có nghĩa là cứng chắc, nặng nề, và vô tri như gỗ đá. Nó có nghĩa là sự di động cao độ nhất với một trung tâm bất định. Tinh thần lúc này đến một điểm nhanh lẹ cao nhất, sẵn sàng hướng sự chú ý của nó đến bất cứ nơi nào cần thiết – qua trái, qua phải tới mọi hướng đòi hỏi. Khi sự chú ý của ngươi nhập cuộc và bị cây kiếm của địch thủ tung ra chặn lại, ngươi mất dịp đầu tiên để làm động tác kế tiếp. Ngươi chờ đợi, ngươi suy nghĩ, và trong khi ngươi làm thế, địch thủ của ngươi sẵn sàng đốn hạ ngươi. Việc của ta là không để cho hắn được dịp tốt như vậy. Ngươi phải theo động tác của cây kiếm trong tay địch thủ, để cho tâm trí ngươi tự do làm động tác phản đòn không cần sự can thiệp của ngươi. Ngươi phải xuất thủ khi địch thủ xuất thủ, và kết quả là hắn bại. Ở đây không có sự trung gian nào, động tác này theo động tác kia không bị gián đoạn vì ý thức của người chủ động. Nếu người bị bối rối và suy nghĩ phải làm gì, thấy địch thủ sắp đốn hạ ngươi, ngươi để cho hắn một khoảng trống, nghĩa là một dịp tốt để chém giết ngươi. Hãy để đòn tự vệ của ngươi theo đòn tấn công không một giây phút gián đoạn, và không hề có hai động tác rời gọi là tấn công và tự vệ, Sự tức tốc của động tác về phía ngươi chắc chắn sẽ kết thúc trong sự bại trận của địch thủ.Nó giống như một con thuyền êm xuôi theo dòng thác; trong Zen, cũng như trong kiếm thuật ... "

No comments:

Post a Comment