Tuesday, May 4, 2010

Kho báu nhà Nguyễn hiện giờ ra sao?

Vào tháng Tám năm 1945 Chính quyền mới CS đã thu giữ nhiều báu vật của nhà Nguyễn. Việc coi sóc chúng trong điều kiện chiến tranh là cả một kỳ công với nhiều chuyện vui buồn. Giờ đây mong muốn được tận mắt chiêm ngưỡng những biểu tượng một thời của một triều đại đã đi vào quá vãng có lẽ cũng là một nhu cầu chính đáng...
Bảo Đại - vị vua cuối cùng của triều Nguyễn Ấn tín quý dưới thời Nguyễn - Ảnh tư liệu


Đổng lý văn phòng nội các Bảo Đại - Phạm Khắc Hòe ghi lại như sau:

Chiều 27 và sáng 28 tháng 8 năm 1945, tôi cho kiểm kê lại các thứ tài sản trong Đại Nội để giao cho Chính quyền Cách mạng. Nói đến của công trong Đại nội lúc bấy giờ thì quý giá nhất là các đồ vật bằng châu báu ngọc ngà có tính lịch sử của các Vua Nguyễn.
Các thứ này được cất trong một cái hầm lớn mé sau điện Cần Chánh. Hàng năm vào ngày 20 tháng Chạp Âm lịch, triều đình tiến hành lễ Phất Thức. Phất thức là mở hầm lấy tất cả các thức ra để kiểm điểm và quét bụi bặm lau chùi thật sạch rồi lại cất vào hầm khoá lại. Làm những việc này các quan từ nhị phẩm trở lên mới được dự lễ Phất thức và phải tự mình làm lấy mọi việc, đưa ra cất vào dọn dẹp lau chùi.
Cho nên lần tổng kiểm kê cuối cùng này được tiến hành khá dễ dàng và tất cả các loại tài sản đều được giao lại đầy đủ cho chính quyền nhân dân và có giấy tờ minh bạch. Người thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời để kiểm nhận tài sản là ông Bộ trưởng Lê Văn Hiến. (Phạm Khắc Hòe. Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc- NXB Hà Nội 1983 - Tr 74). Lòng không khỏi chút bồi bồi ngó lại những dòng của ông Đổng lý văn phòng nội các Bảo Đại Phạm Khắc Hòe ghi về một sự kiện đã quá vãng.
Lại một đoạn tiếp trong chính sử.
Chiều ngày 30/8/1945, trên nền Đài Lầu Ngũ Phụng Ngọ Môn, trước mặt hơn 5 vạn dân thành Huế, vị Hoàng đế cuối cùng là Bảo Đại đã trao bộ ấn kiếm tượng trưng quyền lực vương triều cho đại diện chính quyền cách mạng CS.
Sau này, đã có nhiều ý kiến cho rằng chiếc ấn đó là Đệ nhất bảo tỷ Hoàng đế chi bảo và cùng với nó là chiếc kiếm báu truyền từ đời Gia Long.
Thay mặt Chính phủ Cách mạng CS, ông Trần Huy Liệu và nhà thơ Cù Huy Cận đã tiếp nhận ấn kiếm và gắn huy hiệu công dân nước Việt Nam DCCH cho cựu hoàng. Bộ ấn kiếm này ngay ngày hôm sau được đem ra Hà Nội để kịp có mặt trong Lễ Độc lập vào ngày 2/9/1945.
Ấn cùng kiếm quý
Chiếc ấn Đệ nhất bảo tỷ Hoàng đế chi bảo, mà về mãi sau này, nhà thơ Huy Cận từng thốt lên với hậu sinh trong đó có người viết bài này rằng khi ông Trần Huy Liệu nhận từ tay ông Bảo Đại trao lại cho ông Huy Cận, nhà thơ đã suýt ngã vì chiếc ấn nặng quá, dễ hơn một yến (10 kg) chứ không ít!
Nhà thơ Huy Cận có lẽ đã không lầm?
Trong số những tài liệu tin cậy hiện có đã biên rõ về chiếc ấn ấy như sau: ấn Hoàng đế chi bảo được đúc bằng vàng ròng vào ngày mồng 4 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 4 (tức ngày 15/3/1823). Đây là chiếc bảo ấn lớn và đẹp nhất của triều Nguyễn. Ấn hình vuông, quai ấn là một con rồng uốn khúc, đầu ngẩng cao, mắt nhìn thẳng về phía trước. Đỉnh đầu rồng khắc hình chữ vương; kỳ (vây lưng) dựng đứng; đuôi cũng dựng đứng, vây đuôi uốn cong về phía trước; 4 chân rồng đúc rõ 5 móng, tư thế chống chân xuống mặt ấn rất vững vàng.
Mặt dưới của ấn khắc 4 chữ triện Hoàng đế chi bảo. Mặt trên của ấn, phía hai bên quai khắc nổi hai dòng chữ Minh Mạng tứ niên nhị nguyệt sơ tứ nhật cát thời chú tạo (đúc vào giờ tốt ngày mồng 4 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 4); Thập thành hoàng kim, trọng nhị bách thập lạng cửu tiền nhị phân (đúc bằng vàng, trọng lượng 280 lạng 9 chỉ 2 phân). Như vậy chiếc ấn suýt soát 281 lượng vàng, nếu tính 27 lượng tương đương 1kg, thì chiếc ấn này nặng khoảng 10,7kg.
Về việc đúc chiếc bảo ấn này, sách Đại Nam thực lục (tập VI, bản dịch của Viện Sử học, Nxb KHXH-1963, trang 146) có ghi “Ngày Giáp Thìn đúc ấn Hoàng Đế chi bảo núm làm rồng cuốn hai tầng, vuông 3 tấc 2 phân, dày 5 phân, làm bằng vàng 10 tuổi, nặng 280 lượng 9 đồng 2 phân”.
Hoàng đế chi bảo được chế tác (đúc) vào thời vua Minh Mạng, thời mà nước Việt mình lãnh thổ cương vực được mở rộng dài nhất được đổi quốc hiệu là Đại Nam. Vận nước hanh thông triều đình thì thịnh. Riêng vua thì chính phi, thứ phi cung tần mỹ nữ chưa rõ số nhưng khiêm tốn thôi, 142 người con cả thảy, trong đó 74 trai, 68 gái!
Theo quy định của triều Nguyễn, ấn Hoàng đế chi bảo chỉ dùng khi “gặp khánh tiết ban ơn, đại xá thiên hạ cũng là các cáo dụ thân huân, đi tuần thú các nơi để xem xét các địa phương, mọi điển lễ long trọng ấy, và ban sắc, thư cho ngoại quốc”.
Nếu đúng chiếc ấn mà Bảo Đại trao cho ông Trần Huy Liệu là Hoàng đế chi bảo thì kể từ khi đúc ra đến khi trao cho chính quyền Cách mạng, ấn Hoàng đế chi bảo đã có 122 tuổi.

Ấn Khâm văn chi tỷ, thời Minh Mệnh năm thứ 8 (1827) trọng lượng 137 lạng vàng 10 Ảnh: TL

Đang ở đâu?
Chiếc ấn quý cùng thanh bảo kiếm ấy chắc chắn sẽ nằm trong kho báu nhà Nguyễn mà chính quyền mới có trách nhiệm bảo quản giữ gìn như vừa nói ở phần trên! Nhưng hóa ra chúng có một thân phận khá lạ lùng...
Kho báu nhà Nguyễn từ Hà Nội được chuyển đến nơi an toàn một cách khẩn trương, nhưng sau đó bộ ấn kiếm đã bị bỏ quên tại một ngôi chùa ở mạn ngoại thành! Một điều ít ai ngờ là cuối những năm 50, quân Pháp đã triệt hạ cái làng ngoại thành ấy phá chùa lấy gạch xây bốt. Thế là phát lộ ra bộ ấn kiếm báu! Ngày 3/3/1952, quân Pháp đã tổ chức rùm beng một cái lễ trao ấn kiếm.
Người nhận bộ ấn kiếm ấy là quốc trưởng chính phủ Bảo Đại thay vì vị thế Đại Nam Hoàng Đế! (Hiện Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế còn lưu giữ tấm ảnh ghi lại sự kiện này). Để lưu giữ chắc chắn các báu vật trong Hoàng tộc, ông Bảo Đại đưa bộ ấn kiếm ấy cho bà thứ phi Mộng Điệp mang sang bên Pháp trao cho hoàng hậu Nam Phương và hoàng tử Bảo Long. Bộ ấn kiếm yên hàn được đến thời điểm năm 1963 bà Nam Phương mất.
Mặc dù được giữ cẩn mật tại nhà băng Châu Âu (Union des Banques Européennes) nhưng bộ ấn kiếm ấy đã không yên bởi mâu thuẫn dẫn đến kiện cáo giữa hai cha con ông Bảo Đại. Bởi ai cũng muốn sở hữu thứ quốc bảo ấy nên họ phải nhờ đến tòa án. Tòa phán, ấn thì cha giữ còn kiếm báu Gia Long thì con cầm. Nghe nói vì túng tiền hay lý do chi đó, vị hoàng tử này đã bán mất bộ kiếm báu còn chiếc ấn không rõ có phải là Hoàng đế chi bảo không, nhưng số phận cũng hẩm hiu không kém. Không phải châu về hợp phố mà lại về tay người đẹp Monique Baudot, người vợ mà ông Bảo Đại cưới năm 1982!
Người coi sóc lũ báu vật Nhà Nguyễn
Cách đây đã lâu, để tìm hiểu chiếc ấn Hoàng đế chi bảo và bộ kiếm báu có nằm trong bộ sưu tập của nhà nước mình không, tôi đã tìm tới cụ Đỗ Phạm Huyến nhà ở Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội.
Căn nhà cổ của cụ Huyến hơn trăm năm trước đã là nhà thờ tổ một chi họ Đỗ. Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung (người có công trong việc sáng lập Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) một thời gian dài đã ở đây cùng với ông bố. Cụ thân sinh Nguyễn Đỗ Cung là Nguyễn Đỗ Mục cùng nhóm giao du lẫn dịch thuật với cụ Nguyễn Văn Vĩnh. Bà cụ thân sinh Nguyễn Đỗ Cung là chị ruột cụ thân sinh ra ông. Nên ông với họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung là con cô con cậu. Lệ họ Đỗ là lấy họ mẹ làm tên lót.
Nguyễn Đỗ Cung viết thư cho bạn là Văn Tiến Dũng... có thằng em là Đỗ Phạm Huyến ở làng Xuân Đỉnh. Năm 1943 nó đã tham gia Hội truyền bá Quốc ngữ. Năm 1944 tham gia hoạt động Việt Minh ngoại thành rồi sau toàn quốc kháng chiến thì ở khu 10 Phú Thọ làm công tác đoàn thể. Nhờ ông tìm hộ gửi nó vào Vệ quốc đoàn...

Ấn Hoàng đế chi bảo (được coi là Bảo Đại trao cho ông Trần Huy Liệu ngày 30/8/1945) Ảnh: TL

Được sự giới thiệu của ông Văn Tiến Dũng, Đỗ Phạm Huyến theo nghiệp binh đến khi giải phóng Thủ đô. Sau khi chuyển ngành về Bộ Văn hóa, thạo tiếng Pháp lại biết cả chữ Hán nên ông được chọn vào tổ tiếp quản nhà Viễn Đông bác cổ...
Người ta dẫn ông xuống phố Hàng Chuối, nơi có một cơ sở của Bộ Tài chính đóng. Một khu biệt thự. Dưới biệt thự là một tầng hầm... Chật cứng khoảng mờ tối ấy là những hòm gỗ, thùng sắt...
Tại đây ông Huyến mới được biết đó là những vật báu của Triều đình nhà Nguyễn mà chính quyền CS tiếp thu trước kia nay trên quyết định chuyển những báu vật này từ Bộ Tài chính sang nhà Viễn Đông bác cổ tức Bảo tàng Lịch sử bây giờ! Nhiệm vụ của ông Huyến và một người nữa là phải tiếp nhận cụ thể từng món một. Ông không biết những hòm những thùng này đây nằm dưới tầng hầm ở phố Hàng Chuối này bao lâu rồi nhưng các báu vật này từng được lưu giữ ở nhiều nơi trong cuộc kháng chiến trong đó có Liên khu V.
Khoản đầu tiên là các loại ấn. Loại lớn có, nhưng phổ biến cỡ 10 kg (khi đó chưa có loại cân đặc biệt của Bộ Tài chính nên không thể đo chính xác được trọng lượng, chất lượng từng loại ấn một), loại nhỏ hơn 7 rồi 5, 3, 2 rồi 1 kg. Loại ấn bằng ngọc, những bích ngọc, bạch ngọc, thanh ngọc... được phân loại đánh số riêng. Bao nhiêu ấn mỗi loại, ông Huyến không nhớ hết nhưng mỗi ông vua, mỗi một hoàng tử hoàng hậu đều có ấn cho riêng mình.
Thái hậu chi bửu, Hoàng tử chi bửu rồi Hoàng hậu chi bửu vv... Các thứ kim ấn hình thù kích cỡ khác nhau nhưng ông Huyến biết tất cả đều bằng vàng. Vàng 10, vàng 9 non hơn thì 8,5 tuổi. Trên có lưỡng long hoặc độc long để làm núm thứ thì màu nâu thứ thì nâu đen thứ vàng choé tất thảy mọi thứ đều được kê biên đánh số cẩn thận! Ngày nối ngày miệt mài đánh vật với những báu vật như thế, ông Huyến chả dám hé răng với ai nhiệm vụ của mình bởi đã được dặn dò trước!
Kế đó là những đỉnh, chậu, bát, hộp, đồ thờ cúng trong đó có cành vàng lá ngọc. Và đặc biệt là những bộ kim sách. Việc tất tả bấn bíu nhưng ông Huyến vẫn bị ám ảnh bởi những hàng chữ nổi vuông thành sắc cạnh bằng vàng trên những tờ vàng lá nâu xỉn hoặc chói lói. Gáy của những cuốn kim sách ấy được đính lại bằng những khuyên cũng bằng vàng. Gia phả hoàng tộc. Những lời giáo huấn của vua. Đôi khi một bài thơ cổ hoặc thơ của người trong hoàng tộc...
Hơn một tháng đằng đẵng bên những hòm châu báu như thế để tới cái ngày kiểm đếm xong bàn giao xong giữa hai bên. Những thùng báu vật được lặng lẽ chở đến một cái kho của Bảo tàng Lịch sử.
Tai họa
Đúng vào dịp Quốc khánh năm 1961, trên có quyết định trưng bày cuộc triển lãm tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam. Nhưng ngoài những người trong cuộc không ai có thể biết được một sự cố khủng khiếp đã xảy ra!
Tại gian trưng bày, một sớm thu như thế, người phát hiện ra một cái ấn vàng mà ông Huyến nghe nói là của Nam Phương Hoàng hậu đã không cánh mà bay! Ông Huyến lúc này lại là người phụ trách phòng kiểm kê bảo quản của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam!
Mặc cho những sự trần tình này khác nhưng ông vẫn bị đưa thẳng vào Hỏa Lò. Có lẽ cỡ trọng tội nên chỗ ông nằm thấy bản chính là gian cấm cố  Hoàng Văn Thụ năm xưa. Ba tháng nằm trong đó... Bất chợt nửa đêm có khi về sáng hay giữa trưa ông Huyến bất thần được gọi đi cung. Ngoài những cuộc gọi hỏi liên miên, người ta cũng cho mời một số công an gác cổng một số sứ quán nước ngoài đến để nhận mặt ông với hy vọng mong manh biết đâu họ chợt có lần nào đó thấy ông đem cái ấn ấy bán cho người nước ngoài!?
Ba tháng xà lim đặc biệt rồi tám tháng ở xà lim thường... Mười một tháng nằm xà lim cả thảy... Rồi ông được chuyển sang chế độ giam thường. Ông Huyến đếm tính từng ngày trong Hỏa Lò. Vậy là đã 23 tháng... Một sáng nọ người ta nhã nhặn mời ông về... nhà mình! Đã tóm được bọn ăn cắp. Gian trưng bày triển lãm báu vật, cửa giả tuềnh toàng nên ban đêm chúng mò vào dễ dàng. Có chủ đích ăn cắp ấn đâu mà định khoắng thứ khác nhưng chả có đành thử quơ đại một cái ấn nặng chịch mà chẳng biết nó là thứ chi! May mà chỉ một cái...
Thời gian trong tù, ông Huyến không biết một vụ trộm thứ hai đã xảy ra cũng tại gian trưng bày sau vụ thứ nhất hơn nửa năm. Số là sau khi ẵm cái cục nặng chịch hình thù quái gở ấy ra, bọn trộm cho nó một nhát rồi nhiều nhát búa và mang một mảnh đem đi thử! Trời đất ơi, vàng! Vàng thật! Đợi một thời gian thấy êm êm bởi các nhà chức trách đã tóm được thủ phạm đã giam cứng trong Hoả Lò rồi và chắc chả có hướng điều tra nào khác nên chúng táo tợn mò vào một lần nữa. Hoà trong dòng người tham quan, một thằng đợi đến khi đóng cửa tót lên máng nước ém ở đấy.
Đợi đến đêm thì ra tay. Chắc đợi lâu quá nên hắn thoải mái như ở nhà bèn làm ngay một bãi gần chỗ núp trước khi ẵm một cái ấn khác. Sáng hôm sau người nhà Bảo tàng hoảng tam tinh khi phát hiện vụ trộm. Chả lẽ ông Huyến từ Hỏa Lò độn thổ ra để thực thi vụ này? Nhưng chả khó khăn gì, người ta phát giác ra cái thứ khốn kiếp của thằng trộm kia... Chết cho hắn là mảnh giấy chùi là một lá thư! Lá thư? Chứ sao, thư của một người nhà ở quê gửi cho hắn... Bên an ninh tài thế, đã tìm được cái địa chỉ từ mảnh giấy nhòe nhoẹt bẩn thỉu ấy! Thằng cầm đầu cũng như đồng bọn bị tóm.
Ông đang kể cái đoạn sau khi ra tù được ông Bộ trưởng Hoàng Minh Giám thân mời lên pha nước cho uống động viên an ủi... Ông Huyến được phục chức trưởng phòng như cũ cũng như giữ nguyên Đảng tịch. Tiền lương ông được truy lĩnh nhưng phải trừ vào số tiền cơm tù 23 tháng trong Hoả Lò!? Bây giờ ông Huyến nhớ lại đâu như mười mấy đồng một tháng...
Ngó cái xương bả vai của ông khó nhọc lên xuống theo nhịp thở, tôi tưởng như nỗi nhọc nhằn của ông vào cái thời điểm chiến tranh Nam Bắc Việt Nam được trao nhiệm vụ đưa những báu vật ấy từ Bảo tàng Lịch sử sơ tán lên Việt Bắc. Trước khi đi lại phải kiểm kê lại bàn giao. Khi yên hàn đưa chúng về Hà Nội cũng thế. Việc trông coi bảo vệ đã có anh em bộ đội nhưng ông phải có trách nhiệm ở lỳ tại đó cùng với họ...
Năm 1979, ông lại phải tháp tùng lũ báu vật ấy từ Bảo tàng Lịch sử theo một toa tàu đặc biệt để chuyển vào phía Nam ngộ nhỡ ngoài này xảy ra điều gì! Bình Trị Thiên khu Năm ra Hà Nội. Hà Nội Thái Nguyên. Thái Nguyên Hà Nội. Hà Nội thành phố
Sài Gòn. Thành phố Sài Gòn- Hà Nội. Những hòm báu vật gập ghềnh bất trắc dằng dặc trên đường thiên lý ấy cấm có suy suyển đi tẹo nào cho đến khi ông Huyến về hưu năm 1992!
Trước khi rời khu vườn và căn nhà u tịch, tôi được ông Huyến cho hay rằng chiếc ấn Hoàng đế chi bảo mà tôi mô tả tường tận hình dáng lẫn trọng lượng cùng bộ kiếm ấy hình như không có trong danh sách trong kho báu? Mà ông Huyến cho biết thêm, có một chiếc ấn được coi là lớn nhất đó là Sắc mệnh chi bảo đâu như trọng lượng mấy trăm lạng vàng thời vua Minh Mạng.
Một vựng tập báu vật nhà Nguyễn, tại sao không?
Bây giờ ngồi viết lại những dòng này thầm tiếc cho người đã hơn ba mươi năm góp phần giữ gìn coi sóc cho kho báu quốc gia mà không có diễm phúc được ngó lại một lần nữa lũ báu vật đã từng đổ mồ hôi và cả nước mắt để giữ gìn coi sóc? Cụ Đỗ Phạm Huyến nay đã là người thiên cổ...
Ngồi mà thầm tiếc (bởi chỉ nghe chứ chưa thấy) khi giở cuốn Ấn Chương Việt Nam của TS Nguyễn Công Việt (GS Hà Văn Tấn đã nhận xét đây là công trình đầu tiên và không gì có thể so sánh được về lĩnh vực ấn chương học) khi ông viết những dòng đại loại như thế này.
Để sánh với Đại Thanh, Minh Mệnh đổi quốc hiệu là Đại Nam; năm 1832 cho khắc con dấu bằng vàng mười (kim tỉ) Hoàng đế chi bảo, Sắc mệnh chi bảo, Trị lịch minh thời chi bảo... Sắc mệnh chi bảo dùng để đóng trên các văn bản phong tặng các nhân thần và sắc cáo cho các quan văn võ công thần, nặng tới 235 lượng vàng, phải có một võ quan khỏe mạnh giúp việc đóng dấu.
Đó là kim tỉ lớn nhất. Mỗi loại ấn tỉ có công dụng khác nhau. Để đóng dấu trên những công văn cho người nước ngoài, Minh Mệnh dùng ngọc tỉ Đại Nam thiên tử chi tỉ, thể hiện rõ tư tưởng độc lập và tinh thần tự hào dân tộc. Còn ngọc tỉ quý và lớn nhất được chế tác vào đời vua Thiệu Trị thứ 6 (năm 1846) gọi là Đại Nam hoàng đế chi tỉ.
Vân vân và vân vân...
Nếu chưa làm được việc triển lãm rộng rãi, thiển nghĩ nên sớm có một vựng tập về kho báu nhà Nguyễn. Dám chắc những thứ như Sắc mệnh chi bảo cùng hàng chục món kim ngọc bảo tỷ trong kho báu quốc gia, ngoài cụ Huyến và một số nhà chức việc do có quan hệ công việc được quan chiêm lẫn được sờ vào hiện vật, tính tới thời điểm này có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay!
Vậy nên, sẽ như thế nào nếu một bộ vựng tập lần đầu tiên, tất cả các thứ kim ngọc bảo tỷ từ ấn vàng ấn ngọc, kim sách vv... của nhà Nguyễn được công bố?
Không được sờ vào hiện vật nhưng nội những tấm ảnh chụp chi tiết hình dáng các loại ấn với những mặt trên, núm, mặt đế, dấu kiêm lời giới thiệu chi tiết... cũng mang lại cho người xem bao nhiêu là sắc thái biểu cảm! Với điều kiện, kỹ thuật in ấn như nước ngoài vẫn làm nhằm giới thiệu quảng bá rộng rãi sự độc đáo tinh khéo, hội đủ những giá trị nhân văn lịch sử về các giai đoạn thời kỳ nhà Nguyễn (hiện tại đối với xứ mình không khó) chắc chắn sẽ đáp ứng rộng rãi nhu cầu chính đáng của rất nhiều người!
Mong rằng là tại sao chưa chứ chả phải tại sao không?

Lập thu năm Sửu
Xuân Ba

No comments:

Post a Comment