Muốn bay ra biển lớn ...
Chúng ta đã và đang đi cùng bánh xe của lịch sử.
Chúng ta có nghĩa vụ phải ghi nhớ lịch sử trước khi học cách tiến vào tương lai. Hẳn là vậy rồi!
Tại sao tôi nói sử Việt Nam là “bảo khố” cho một tài năng ôm mộng làm tác gia văn học. Bởi vì dòng sử lẫy lừng ấy thật sự vô tận, thật sự hào hùng, và thật sự đáng vinh danh.
Đọc tiểu thuyết Trung Hoa, chúng ta biết về một Đại Đường văn hóa đạt tới đỉnh cao bởi thơ Lý Bạch, Đỗ Phủ .v.v. Chúng ta biết được sự phục hưng của dòng Phật Giáo phương Bắc nhờ vào Đường Huyền Trang…Chúng ta cũng biết được những danh tướng của Tống triều, biết được những cuộc binh đao đẫm máu vì tranh đoạt chút hư vinh…
Nhưng dẫu có hay, có hào hùng thì vẫn là lịch sử của một quốc gia khác, một dân tộc khác. Chúng ta chỉ có thể ngưỡng mộ chứ hoàn toàn không được quyền tự hào. Bởi sự hào hùng của một dân tộc chỉ dành cho con người trong chính dân tộc đó,không phải dành cho chúng ta. Thế nhưng chúng ta có thật nhiều cái để đáng mà tự hào, vinh dự. Chúng ta hoàn toàn không thua bất cứ dân tộc nào về lịch sử, về truyền thống, về lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, lòng quyết tâm .v.v.
Câu hỏi cứ day dứt tôi là tại sao cái quá khứ huy hoàng ấy không được tái dựng cho con cháu đời nay có thể biết, hiểu và tự hào về những gì cha ông chúng ta đã gây dựng nên. Cứ nhìn vào quá khứ mà tự lừa dối mình thì không tốt, nhưng nhìn vào quá khứ để mà xác định quyết tâm, lòng tin là một việc thực sự tuyệt vời. Ở một diễn đàn nhỏ thế này, tôi hiểu điều trăn trở có chăng cũng chỉ thêm vài người biết, nhưng thêm một người là thêm một niềm tin, thêm một hành động. Hành động vì khúc tráng ca được hát từ ngày xưa.
Đầu bài viết tôi đã nói, lịch sử chúng ta là “bảo khố bằng vàng” cho những giấc mơ văn học. Chưa cần đi quá xa về thời trước, chúng ta có một Vạn thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh, bằng tài năng của mình dẹp yên nội loạn, lần đầu tiên thống nhất và mang về độc lập nước nhà. Tự mình xưng đế để có thể coi ngang hàng với các vua chúa Trung Hoa. Suốt 1000 về trước năm, thử hỏi có được bao nhiêu con người như ông. Chúng ta có một Ngô Quyền dụng binh như thần, lợi dụng nước thủy triều mà đóng cọc bịt sắt để làm mồ chôn hàng vạn Hán binh. Chúng ta có một Lý Thường Kiệt, đem quân nước nhỏ mà đánh sang nước lớn để giàng chủ động trên chiến trường. Đặc biệt chúng ta có Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, với Hịch tướng sĩ, với Binh thư yếu lược, với chính sách “dĩ dân vi bản” không những đánh bại đệ nhất đế quốc lúc bấy giờ,mà còn là kinh nghiệm cho biết bao cuộc kháng chiến sau này. “Dĩ dân vi bản” đã trở thành truyền thống cho dân tộc ta bắt nguồn từ thời xa xưa đó vậy. Chúng ta còn có Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung .v.v. Vâng, anh tài chúng ta xuất chúng và nhiều vô kể vì chúng ta phải kháng chiến để giữ nước nhà. Dân tộc ta từ trẻ em tới người già mang một lòng nồng nàn yêu nước tuyệt không phai.
Nhưng chúng ta chưa viết được nhiều, không viết được nhiều. Lí do có nhiều trong đó bởi khả năng, say mê, nhưng quan trọng hơn cả là trách nhiệm của mỗi người với lịch sử đất nước mình vẫn còn chưa đúng tầm vóc mà nó đáng được hưởng.
Vậy viết về điều đó chúng ta phải làm những gì?
Đó phải có lòng yêu nước của từng con người, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không ngại hy sinh để quyết tâm dành và giữ cho nước nhà.
Đó là tình yêu quê hương, xóm làng, tình yêu con người đậm đà và thủy chung.
Đó cũng là phong cảnh đậm chất làng quê thôn dã mà nhắc đến là ta thấy mái đình, cây đa, giếng nước bên đàng, là nhắc đến những cánh đồng mươn mướt lúa xanh.
Đó còn là những phong tục đã ngấm vào những câu ca dao cho đến giờ vẫn còn lưu truyền lại….
Thiếu một cái không làm nên văn hóa Việt Nam.
Thiếu một cái không làm nên văn học Việt Nam.
Đó cũng là cái sẽ phân biệt văn học của chúng ta với những nền văn học khác. Phân biệt văn hóa chúng ta với những nền văn hóa khác.
Muốn bay ra biển lớn ,ta cần phải có một cánh buồm, nhưng muốn có một cánh buồm, ta phải chắt lọc những sản phẩm nhỏ bé vốn có trong chính khu vườn của chúng ta.
Kho tàng là của chúng ta và có sử dụng được nó hay không cũng là do chúng ta. “Bảo khố” hay một đống sách vở cũ kĩ bình thường điều đó hoàn toàn phụ thuộc cách đánh giá của mỗi người.
© 2005 talawas
No comments:
Post a Comment