Thursday, July 21, 2011

Lạng Châu vãn cảnh Trần Nhân Tông



諒州晚景 -  陳仁宗

古寺淒涼秋靄外,
漁船蕭瑟暮鐘初。
水明山靜白鷗過,
風定雲閒紅樹疏。

Lạng Châu vãn cảnh - Trần Nhân Tông

Cổ tự thê lương thu ái ngoại,
Ngư thuyền tiêu sắt mộ chung sơ.
Thuỷ minh sơn tĩnh bạch âu quá,
Phong định vân nhàn hồng thụ sơ.

VIẾNG CẢNH LẠNG CHÂU

Chùa cổ êm đềm lẫn khói thu,
Thuyền về, chiều xuống, tiếng chuông đưa .
Núi lặng, nước soi chim âu trắng,
Gió đứng, mây ngừng, lá đỏ thưa ...

Badmonk - Tâm Nhiên


Trần Nhân Tông 陳仁宗 (1258-1308) tên thật là Trần Khâm 陳昑. Ông là con của vua Trần Thánh Tông 陳聖宗 và là vị vua thứ 3 của nhà Trần, sinh ngày 11 tháng 11 năm Mậu Ngọ (7-12-1258), lên làm vua từ năm Kỷ Mão (1279), niên hiệu là Thiệu Bảo và Trùng Hưng (1285-1293). Lúc trẻ có nhiều tên gọi: Khâm, Phật Kim và Nhật Tôn. Sau khi mất thuỵ hiệu là Nhân Tông.

Trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, Trần Nhân Tông là một trong những ông vua yêu nước và anh hùng. Lên nối ngôi vua giữa tình thế đất nước đang đứng trước một cuộc xâm lăng không tránh khỏi của đế quốc Nguyên Mông, ông đã cùng vua cha lãnh đạo triều đình và dân chúng khẩn trương chuẩn bị về mọi mặt, nâng sức chiến đấu của quân và dân lên vượt bậc và nhờ đó đã giành thắng lợi rực rỡ trong hai lần đọ sức với 50 vạn quân giặc (1285 và 1288), lập nên chiến công lừng lẫy trên trang sử của dân tộc và của cả thế giới trong thời đại đó. Ông còn giành những thắng lợi quan trọng trong các cuộc hành binh về phía Tây và phía Nam, củng cố vững vàng biên giới của Tổ quốc. Là người nổi tiếng chan hoà và nhân ái, ông đã xây dựng một chính sách đoàn kết từ trong hoàng tộc đến ngoài muôn dân, thực hiện chủ trương "nới sức dân", đề bạt và tuyển dụng người có tài bằng thi cử để bổ sung cho chế độ thế tập, nới rộng tinh thần dân chủ. Dưới triều đại ông, hai cuộc hội nghị nổi tiếng được ghi vào sử sách là hội nghị các tướng lĩnh ở Bình Than và hội nghị những người già cả trong cả nước ở Diên Hồng để bàn mưu kế, tỏ quyết tâm chống giặc. Có thể nói ông là một vị vua có tinh thần "thân dân" nhất đời Trần.

Trần Nhân Tông còn là một nhà văn hoá, nhà thơ xuất sắc ở thế kỷ XIII. Ông đã sáng lập ra dòng thiền Trúc Lâm ở Việt Nam, đáp ứng một nhu cầu sinh hoạt tinh thần của người Việt đương thời, mặt khác cũng nhằm góp phần vào việc xây dựng một nước Đại Việt có quy mô bề thế, có văn hoá văn minh độc lập, chống lại những ảnh hưởng ngoại lai, phi dân tộc. Riêng trong lĩnh vực thơ văn, ông là một nhà thơ có phong cách. Thơ ông có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cảm quan triết học và cảm quan thế sự, có tinh thần lạc quan, yêu đời, tấm lòng vị tha của một nhân cách cỡ lớn và sự rung động tinh tế, lòng yêu tự do thích thảng của một nhà nghệ sĩ. Ở đấy cũng thể hiện sự hoà hợp khó chia tách giữa một ngòi bút vừa cung đình vừa bình dị, dân dã, có cả những kiến thức sách vở uyên bác lẫn với sự từng trải lịch lãm.

Vào năm 1293, Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con và nhận tước vị Thái thượng hoàng. Từ đây ông bắt đầu đi sâu vào Phật học. Nhưng mãi đến 1298 ông mới thật khoác áo nhà sư đi thuyết pháp các nơi, chu du khắp đất nước, vào đến tận kinh đô nước Chiêm Thành rồi mới trở về lên tu ở núi Yên Tử, lấy pháp hiệu là Hương Vân đại đầu đà, hoặc còn gọi là Trúc Lâm đại đầu đà, được người đương thời tôn xưng là Giác hoàng Điều ngự. Ông mất ngày 3 tháng 11 năm Mậu Thân (16-11-1308) tại am Ngoạ Vân trên núi Yên Tử.
- Theo thơ văn Lý Trần

No comments:

Post a Comment