Saturday, August 21, 2010

Gốm đã được phú men

Từ trước đến nay các nhà sưu tầm nghiên cứu gốm cổ nước ta thường chỉ chú ý đến đồ gốm đã được phú men, không để tâm đến các loại gốm thô chưa được phủ men. Thực ra, gốm thô không những có ý nghĩa to lớn đối với việc nghiên cứu truyền thống gốm dân tộc, mà còn có giá trị nghệ thuật hấp dẫn các nhà sưu tầm cổ vật. Trên thế giới đã có không ít nhà sưu tầm cổ vật để mắt đến loại gốm thô chưa được phủ men này.
Đồ gốm ngày một tiến bộ, tuy vẫn nằm trong phạm vi của đồ gốm thô, độ nung chưa cao, nhưng vào khoảng 3.000- 4.000 năm trước, trong các nền văn hóa Tiền Đông Sơn cư dân nguyên thủy nước ta đã cho ra đời nhiều đồ gốm thô đẹp có thể nói là " không tiền khoáng hậu ". Đó là những chiếc bình gốm hình con tiện, miệng loe, bụng tròn, chân đế choãi rất hài hòa, những chiếc đĩa chân cao kiểu mâm bồng dáng rất hiện đại, những chiếc chậu miệng vuông, đáy tròn rất độc đáo, hoặc là những chiếc vò miệng loe, cổ cao, thân thon, đáy tròn dáng thanh thoát dễ nhìn, v.v. Đồ gốm lúc bấy giờ không những có kiểu dáng đa dạng độc đáo mà hoa văn trang trí thì muôn hình muôn vẻ, từ những đường chải đường vẽ đơn giản nguệch ngoạc đến những hoa văn khắc vạch kết hợp chấm giải những mô típ kiểu chữ A, chữ S, chữ X tạo thành những đồ án đối xứng phức tạp nhưng không rối rắm, vừa phóng khoáng vừa trang trọng, có nhịp điệu mà không đơn điệu, công thức mà không gò bó. Với trình độ thẩm mỹ cao lại có bàn tay khéo léo, những người thợ gốm lúc bấy giờ đã sáng tạo nên những sản phẩm vừa có giá trị thực dụng vừa có giá trị nghệ thuật cao rất đáng được lưu lại cho hậu thế thưởng ngoạn.
Trên ven biển miền Trung,cư dân nguyên thủy văn hóa Sa Huỳnh cũng làm ra những đồ gốm có kiểu dáng độc đáo, hoa văn phong phú cho đến nay vẫn nguyên giá trị nghệ thuật. Đó là những chiếc bình hình con tiện, những bát chân cao trang trí những đồ án hoa văn khắc vạch kết hợp tô màu đỏ thổ hoàng và ánh chì cân đối hài hòa, hay những chiếc chumhình trứng to có nắp cao dùng làm quan tài thể hiện trình độ kỹ thuật cũng như nghệ thuật của người thợ gốm lúc bấy giờ. Đồ gốm Sa Huỳnh được các nhà khảo cổ Đông Nam Á quan tâm từ mấy chục năm đầu thế kỷ cho đến tận bây giờ.
Đến giai đoạn văn hóa Đông Sơn, cùng với nghề luyện đúc đồng đạt đến đỉnh cao, nghề gốm cũng có những tiến bộ mới. Đồ gốm làm ra không những nhiều về số lượng mà kiểu loại cũng cực kỳ phong phú, bên cạnh các loại nồi, vò, bát, bình thường gặp còn có cả những loại ít gặp như chõ chẳng hạn. Đặc điểm của gốm văn hóa Đông Sơn là hoa văn đơn giản nghèo nàn, chủ yếu chỉ là văn thừng và văn khắc vạch đơn giản. Có thể lúc bấy giờ những giá trị nghệ thuật được dành cho đồ đồng, còn đồ gốm chỉ là đồ dùng hàng ngày, không đòi hỏi giá trị nghệ thuật. Tuy vậy, một số đồ gốm Đông Sơn tuy vẫn là gốm thô chưa được phủ men, hoa văn đơn giản, thậm chí không có hoa văn vẫn có sức hấp dẫn mạnh nhờ kiểu dáng phong phú mới lạ. Đó là những chiếc chậu, bát miệng loe rộng, thân vát, đáy nhỏ chân đế thấp choãi, những chiếc bình miệng loe, vai rộng, cong dẹt hoặc vai lượn, chân đế choãi thấp, trông rất ngộ nghĩnh.

văn hóa Việt, đấu tranh chống sự đồng hóa của văn hóa Hán trong 10 thế kỷ đầu Công nguyên, dòng gốm thô mang đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc vẫn tiếp tục tồn tại phát triển. Đồng thời nghề gốm lúc bấy giờ cũng tiếp thu công nghệ chế tạo và phong cách của đồ gốm phương Bắc. Họ đã làm ra được những chiếc đỉnh ba chân, 2 tai, những chiếc bình 3 chân có cán cầm tay, những bát miệng loe hình đấu, cổ eo, bụng tròn kiểu con tiện, chân đế choãi phủ men trắng ngà, những vò miệng thấp, bụng tròn, đáy bằng, tráng men ngà hoặc không tráng men, invăn ô vuông có hoặc không các dấu vuông hoặc tròn đẹp mắt, những mô hình nhà, mô hình bếp, chuồng lợn, nhà kho, giếng nước, v.v. theo phong cách Hán; những chiếc bình miệng loe rộng hình đấu, có quai gắn giữa miệng và vai, vòi hình đầu gà theo phong cách thời Nam Bắc Triều; hay những chiếc vò thon cao, thành dày, miệng đứng, ở vai có nhiều núm ngang thô theo phong cách thời Tùy Đường, v.v. Những đồ gốm này cùng với gương đồng, tiền ngũ thù thường gặp nhiều trong các ngôi mộ gạch xây kiểu vòm cuốn mà nhân dân ta thường gọi là am để của của người Tàu. Đây là những đồ gốm tráng men sớm nhất ở nước ta. Những đồ gốm Việt Hán này ít được trang trí hoa văn, phần lớn tráng men, kiểu dáng quy chuẩn, một số như đỉnh, bình kiểu con tiện, bình 3 chân là phỏng theo đồ đồng cũng có sức hấp dẫn rất lớn.
Chính nhờ sức sống mãnh liệt và sức sáng tạo không ngừng, lại được sự cổ vũ bởi tinh thần dân tộc sau các chiến thắng chống quân xâm lược phương Bắc , những người thợ gốm thời Lý - Trần đã đưa kỹ thuật cũng như nghệ thuật sản xuất gốm lên một bước phát triển mới mà tiêu biểu là đồ gốm men ngọc và đồ gốm hoa nâu
Đồ gốm men ngọc và đồ gốm hoa nâu là đồ gốm cao cấp lúc bấy giờ phục vụ cho cuộc sống trong cung đình và tầng lớp qúy tộc. Còn tầng lớp bình dân thì chủ yếu là dùng đồ sành như lon, chậu, be, lọ, vò, hũ và các loại gốm không phủ men như nồi, chõ, chảo, v.v.
Gốm men ngọc phát triển mạnh vào thời Lý, tiếp tục tồn tại trong thời Trần, sang thời Lê chỉ tồn tại như là tàn dư trước sức cạnh tranh của gốm hoa lam rồi tàn lụi. Gốm men ngọc thường gặp là đĩa, bát, bình, liễn, ấm, v.v. dùng trong sinh hoạt hàng ngày, bát hoa sen nhiều tầng, tượng nhỏ dùng trong thờ cúng, trưng bày. Gốm men ngọc nước tathường có màu xanh lá cây, xanh nâu, xanh da trời đều có độ thủy tinh hóa cao nên men trong bóng, sờ vào mát tay, nhìn dịu mát khiến ta liên tưởng đến ngọc thạch.
Gốm men ngọc thường trang trí bằng phương pháp khắc chìm các loại hoa lá như hoa sen, hoa lá cúc, hoa phù dung với độ sâu nông khác nhau, lại được phủ men có độ trong bóng nên hoa văn trở nên lung linh uyển chuyển. Vì vậy, vẻ đẹp của gốm men ngọc là vẻ đẹp nồng nàn kín đáo, không phô trương. Trên đất Nam Định, tại Lộc Vượng đã phát hiện được mảnh gốm khắc chìm văn cánh sen phủ men ngọc, trôn có 4 chữ Hán "Thiên Trường phủ chế" cùng một số mảnh gốm vỡ và bao nung gốm cho thấy Nam Định cũng là nơi sản xuất gốm men ngọc.
Bên cạnh gốm men ngọc, gốm hoa nâu thời Lý - Trầncũng được đánh giá cao về nghệ thuật tạo dáng và nghệ thuật trang trí, mang đậm đà chất dân gian, rất Việt Nam .
Gốm hoa nâu là loại gốm tráng men màu trắng ngà, trang trí hoa văn nâu bằng phương pháp khắc chìm rồi bôi màu nâu lên hoa văn với độ đậm nhạt, sâu nông, dày mỏng khác nhau làm cho hoa văn trở nên sinh động.
Gốm hoa nâu ra đời từ thời Lý, phát triển mạnh lên đỉnh cao trong thời Trần, từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 14, sau đó mai một dần.
Gốm hoa nâu từ chỗ làm ra những sản phẩm kích thước nhỏ, hoa văn trang trí hình hoa lá đơn giản tiến lên sản xuất những đồ kích thước lớn, hoa văn trang trí phức tạp cầu kỳ, nhưng loại hình và kiểu dáng vẫn giữ nguyên phong cách của gốm hoa nâu. Gốm hoa nâu có thân chắc khỏe, cân đối, thành gốm dày, hoa văn trang trí thường là cành hoa sen, hoa súng, hoa cúc, hoa thị, hoa chanh và hình động vật như cò, thước, công, cá, tôm. Thỉnh thoảng cũng gặp vài hình ảnh rồng hoặc lực sĩ đấu giáo.
Gốm hoa nâu thường gặp là chậu, bát, ấm, chén, vò, chum, nhưng phổ biến hơn cả là thạp và liễn. Có những chiếc thạp rất lớn, đường kính bụng lên tới 70cm. Thạp hoa nâu có nhiều kiểu dáng khác nhau, loại có nắp, loại không nắp, loại có chân đế, loại không, có loaị chân đế thường, có loại chân đế trổ lỗ thủng. Thường ở cổ và đáy có khắc nổi một hoặc hai lớp văn cánh sen.
Cũng thời này, bên cạnh và gần gũi với gốm hoa nâu, có một số lượng nhất định gốm nền nâu hoa trắng và loại gốm phủ men trắng ngà không hoa văn , mà sản phẩm chủ yếu là thạp.
Có thể nói gốm hoa nâu là một sản phẩm độc đáo của Việt Nam , không nơi nào có.
Thời Lý - Trần xây nhiều cung điện, đền, chùa tháp nguy nga lộng lẫy, nên các loại gạch ngói, các tượng rồng, phượng, vịt, uyên ương, lá đề với đủ các kiểu dáng kích cỡ bằng đất nung cũng rất độc đáo.
Sang thế kỷ 15, với cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Minh thắng lợi, nhà Lê xây dựng một nhà nước phong kiến tập quyền vững mạnh dựa trên Nho giáo, thúc đẩy nền kinh tế phát triển, trong đó có nghề gốm. Do nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như đòi hỏi của thị trường nước ngoài cần nhiều sản phẩm gốm, nên khắp đất nước đã hình thành nhiều trung tâm gốm nổi tiếng có tính chất chuyên hóa. Sản xuất gốm hoa lam có Bát Tràng ở Hà Nội, Chu Đậu, Hợp Lễ, Làng Cậy ở Hải Dương. Sản xuất đồ sành có Hương Canh ở Vĩnh Phúc, Thổ Hà ở Bắc Ninh, Phù Lãng ở Bắc Giang, Lò Chum ở Thanh Hóa, v.v. Đây là chỉ kể những khu lò nổi tiếng ở miền Bắc thôi.
Gốm hoa lam có sức sống mãnh liệt, ra đời từ trước thế kỷ 15, tồn tại và phát triển mạnh suốt thời Lê Nguyễn cho mãi tận hôm nay và đã xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới.
Gốm hoa lam nguyên liệu được chọn lựa, sàng lọc kỹ độ nung cao hơn, đồ gốm thường mỏng hơn và dùng phương pháp ve lòng chống dính thay cho phương pháp con kê.
Hoa văn được thể hiện bằng cách dùng bút lông trực tiếp vẽ lên phôi gốm nên hoa văn sinh động gần với hội họa và thường trang trí gần khắp mặt gốm.
Đồ gốm hoa lam ngoài các đồ thường dùng như bát, đĩa, liễn, ấm, chén, lọ, bình rượu, v.v. còn có một số phục vụ cho việc thờ cúng như chân đèn, lư hương. Nhìn chung gốm hoa lam có xu hướng tạo dáng vươn caomà tiêu biểu là các loại bát chân cao, đĩa mâm bồng và bát chân cao trở thành hiện vật tiêu biểu cho gốm hoa lam thế kỷ 15. Đáng chú ý là một số sản phẩm gốm hoa lam thế kỷ 15 trôn thường tô son nâu. Gốm hoa lam sinh hoạt hàng ngày thường trang trí hoa lá sen, cúc, chanh, chim, cá, tôm. Còn các đồ thờ cúng thì kích thước to lớn, tạo dáng phức tạp, ảnh hưởng phong cách tiện gỗ, trang trí dày đặc các họa tiết cầu kỳ các hình long, ly, quy, phượng, mây lửa, mây dây, v.v. và thường kết hợp vẽ lam với đắp nổi. Tiêu biểu là các loại lư hương, bát hương, chân đèn.
Gốm hoa lam nổi tiếng hơn cả là gốm Chu Đậu. Thường gặp hơn cả là loại bát chân cao, đĩa to nhỏ các cỡ, có chiếc đường kính lên tới năm sáu chục phân, nậm rượu, chân đèn, lư hương đủ loại cao thấp, điêu khắc phức tạp, tráng men đậm nhạt khác nhau.
Gốm hoa lam phát triển rực rỡ trong 3 thế kỷ thời Lê sơ - Mạc đánh dấu một thời kỳ huy hoàng của lịch sử đồ gốm nước ta.
Từ sau thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20, gốm hoa lam bước sang một giai đoạn khác. Đồ gốm lúc này kiểu dáng đơn giản, nặng nề, hoa văn kém phong phú, màu men nhợt nhạt. Một số bắt chước đồ sứ Thanh Trung Quốc thường trang trí tủn mủn, rậm rạp có phần phô trương.
Tuy vậy, do tiếp thu được một số kỹ thuật mới cùng phong cách đồ sứ nhà Thanh, một số trung tâm gốm như Bát Tràng đã có những tìm tòisáng tạo được một số sản phẩm có giá trị như những chiếc lọ lộc bình kích thước tương đối lớn, cao trên dưới 0.80cm phủ men rạn trắng ngà, đắp nổi cảnh chim công chim trĩ đậu trên cành đào, phù dung cho đến nay vẫn là niềm mơ ước của các nhà sưu tầm cổ vật nước ta.
Một hiện tượng cũng khá đặc biệt là trong thời Nguyễn, các vị Vua muốn có đồ sứ đẹp dùng trong triều đình, đã đặt hàng cho các lò sứ Trung Quốc sản xuất các đồ sứ hoa lam trang trí các đồ án hoa văn theo phong cách Việt Nam. Những đồ sứ này dưới đáy thường có ghi hai chữ Hán "Nội Phủ" và trên mặt thường viết những bài thơ của Vua hoặc của các nhà thơ nổi tiếng như Nguyễn Du. Loại đồ sứ này thường được gọi là "đồ ký kiểu" hay "Lam Huế".
Như vậy là từ những đồ gốm thô trang trí những băng hoa văn khắc vạch chấm giải thành những đồ án đối xứng đẹp mắt trên những bát chân cao, đĩa mâm bồng thời văn hóa Phùng Nguyên qua những đồ gốm tráng men hoặc in ô vuông của đồ gốm Việt Hán đến những đồ gốm men ngọc lung linh quý phái hay những thạp, chum, vò, liễn chắc khỏe trang trí hoa nâu thời Lý - Trần, để cuối cùng cho ra đời loại gốm hoa lam phong phútrong các trung tâm mà tiêu biểu là Chu Đậu, Bát Tràng và các loại đồ sành có men và không men trong các lò Hương Canh, Phù Lãngtrong suốt 5 thế kỷ thời Lê Nguyễn.

No comments:

Post a Comment