Trống đồng Đông Sơn là tên một loại trống tiêu biểu cho Văn hóa Đông Sơn của người Việt cổ. Nhiều chiếc trống loại này với quy mô đồ sộ, hình dáng cân đối, hài hoà đã thể hiện một trình độ rất cao về kỹ năng và nghệ thuật, đặc biệt là những hoa văn phong phú được khắc họa, miêu tả chân thật sinh hoạt của con người thời kỳ dựng nước mà người ta vẫn cho là chìm trong đám mây mù của truyền thuyết Việt Nam.
Đặc điểm :
Trên mặt trống xuất hiện 4 khối tượng cóc và vành hoa văn hình chim cách điệu bao quanh ngôi sao. Ngôi sao phần nhiều có 12 cánh, vành chim có từ 4 đến 10 con. Trên mặt trống có 6 dạng văn chủ yếu sau: hình tam giác lồng nhau, vòng tròn đồng tâm chấm giữa và có tiếp tuyến, vạch ngắn song song, chữ M lồng nhau, đường gấp khúc liên tiếp tạo thành những ô hình quả trám và hoa văn có hình trâm.Trống đồng Đông Sơn là sản phẩm của nền văn minh nông nghiệp phát triển. Việc phát hiện ra những lưỡi cày đồng và những hình bò được khắc trên thân trống chứng tỏ thời kỳ này đã biết sử dụng sức kéo động vật vào canh tác nông nghiệp. Ngoài ra, các nghề đánh cá, săn bắn, chăn nuôi gia súc và sản xuất thủ công cũng phát triển trong thời kỳ này.
Phần lớn những nơi phát hiện có trống đồng phân bố dọc theo triền những con sông lớn ở đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Trống có thể đã được phân phối bằng đường thuỷ. Ngoài ra, trong xã hội Lạc Việt còn có tồn tại sự bất bình đẳng về tài sản. Điều này được phản ánh rõ ràng trong sự phân bố những hiện vật tuỳ táng ở các ngôi mộ giàu nghèo thuộc thời đại đồ đồng.
Nghệ thuật tạo hình
Nghệ thuật trống đồng khá độc đáo, đặc trưng bởi kỹ thuật khắc chạm trên khuôn tạo ra những hình ảnh khắc chìm chủ yếu trên mặt trống, còn trên thân trống thì là hình khắc hơi nổi. Nghệ nhân đã xây dựng hình ảnh trong những bố cục tròn trên mặt trống và ô chữ nhật trên thân trống, bên trong loại bố cục này thì hình ảnh được sắp xếp rất cân đối. Hình ảnh con người luôn được dĩen tả theo tư thế động: múa, giã gạo, đánh trống, bơi chải…Về mặt bố cục, tất cả người, động vật đều diễu hành quanh ngôi sao giữa mặt trống. Đặc biệt, phần tạo hình ở đây hơi giống kiểu tạo hình Ai Cập. Ví dụ: tốp người múa trên mặt trống có ngực hướng thẳng về phía khán giả, chân và đầu theo lối nhìn nghiêng. Còn trong hình chim bay thì thân cánh và đuôi được tả theo hình nhìn từ trên xuống, còn đầu thì theo lối nhìn nghiêng.
Những kiến thức khoa học
Kỹ thuật đúc: Trống đồng là một hiện vật khá lớn. Chiếc trống cỡ lớn có đường kính mặt trống xấp xỉ 90 cm, chiều cao trên dưới 60 cm, nặng gần 100 kg, hình thể phức tạp: tang trống phần trên phình ra hình nón cụt, giữa thắt lại hình trụ tròn, phần chân loe ra hình phễu. Để đúc một vật như vậy không hề đơn giản. Những nghiên cứu đã chỉ ra rằng trống được đúc bằng khuôn hai mảnh, rìa mặt trống còn để lại những dấu vết cách đều, đó là dấu vết con kê để căn đều chiều dày thành trống trên khuôn đúc. Để đúc thành công như vậy thì người nghệ nhân phải đạt được hàng loạt các yêu cầu về kỹ thuật như phải có một nhiệt độ cao để nung chảy hợp kim đồng, phải tìm được vật liệu chịu lửa để làm khuôn đúc, phải nắm vững được tính năng hóa lý của mỗi kim loại trong hợp kim đồng, đặc biệt là phải có kỹ thuật đúc với tay nghề thành thạo. Quan sát hệ thống hoa văn dày đặc và tinh xảo trên trống Ngọc Lũ 1 và trống Hoàng Hạ có thể kết luận được xã hội Lạc Việt có những người thợ đúc lành nghề.
Số lượng những cánh sao, động vật, những hình thuyền trong vành hầu hết đều là số chẵn. Điều này chứng tỏ người Lạc Việt đã rất chú ý đến việc tính đếm. Trong số những số lượng cánh sao nổi bật lên là con số 12 (chiếm 46,1% tổng số). Số này liên quan đến số lượng tháng trong một năm.Các nhóm thuyền khắc trên trống thể hiện sự phát triển về kỹ thuật quân sự của thời này. Trong số 436 người được khắc trên các trống có 175 người cầm vũ khí (40,1%). Các loại vũ khí gồm: giáo, rìu, cung, dao găm và mộc.
Trống đồng Đông Sơn với xã hội Hùng Vương
Những trống đồng Đông Sơn sớm nhất đã xuất hiện vào những thế kỷ 6 TCN và thế kỷ 7 TCN trên địa bàn miền Bắc Việt Nam ngày nay, thuộc thời kỳ Hùng Vương. Nhưng lịch sử của thời đại các vua Hùng còn chưa được giới sử học tranh luận ngã ngũ vì chưa được tìm được “dấu ấn” của vua Hùng. Những hình khắc trên trống đồng Đông Sơn giờ đây có thể nói lên phần nào xã hội thời bấy giờ. Theo “truyền thuyết trăm trứng” và mo “Đẻ đất đẻ nước“, 50 người con về đồng bằng trở thành tổ tiên người Việt, 47 người di cư lên miền núi trở thành tổ tiên các dân tộc miền núi, còn lại 3 người từ những trứng nở đầu tiên tên là Tá Cần, Tá Kài và cô nàng Kịt, ba người sống chung với nhau…Về sau Tá Cần lên làm vua và đã từng lấy Bà Chu Bà Chuông làm vợ sinh ra 18 người con: 9 trai và 9 gái. Họ trở thành lang và chia nhau đi coi các bản mường. Con số 18 khá quan trọng trong lịch sử dựng nước và giữ nước người Lạc Việt, giống như số 60 của người Babilon ở Lưỡng Hà hay số 20 của người Maya cổ. Nghiên cứu số lượng chim trên các vành chim bay (chim vật tổ của người Lạc Việt) chúng ta nhận thấy phần lớn mỗi vành đều có 18 chim. Điều đặc biệt là trên mặt trống Sông Đà, người nghệ nhân do lúc đầu sơ ý đã chia nhầm thành 17 cung bằng nhau, khi khắc đến hình chim thứ 16 thì chỉ còn một đoạn, do đó đã phải cố khắc 2 con chim vào vành cuối này cho đủ số lượng là 18 con. Có thể nghĩ rằng con số 18 đời Hùng Vương là 18 dòng họ đầu tiên, kết hợp với nhau trong liên minh bộ lạc Văn Lang.
Một quyển lịch cổ xưa
Vì các lý lẽ trên, vị tù trưởng phải có một quyển lịch năm, tính theo tuần trăng, theo mùa màng khí tiết, đặt ngay cạnh mình, để dân hỏi gì là tra ngay ra được câu trả lời.Lịch ấy vạch trên đồ đất nung thì dể vỡ, dễ mòn, không truyền được nhiều đời. Vạch trên mặt trống đồng thì thật là tiện, gọn, đúng với vật biểu tượng uy quyền của mình cùng cả dòng tù trưởng.
Vậy những hình vẽ trên mặt trống đồng Ngọc Lũ là một quyển Âm Lịch, có tháng đủ, tháng thiếu, có đêm trăng tròn, trăng khuyết, hay không có trăng, lại có cả năm nhuận và chu kỳ 18 năm để tính tháng dư, cũng như có những chỉ vạch về 4 mùa trong năm. Nếu vậy thì không những không có gì là mê tính ( thờ chim, vật tổ mặt trời, mặt trăng, ca vũ để cầu thần linh,…) mà có vẻ như người xưa còn có tinh thần thực tế, hợp lý, khoa học, chính xác, chưa biết chừng người đời nay còn phải giật mình là đằng khác nữa.
Cách đếm ngày và đêm
Năm âm lịch theo kinh nghiệm nhiều đời nghiên cứu mặt trăng, vẫn được tính là 354 ngày ( dương lịch tính 365 ngày ) chia ra cho 12 tháng, thì mỗi tháng 29 ngày gọi là tháng thiếu và có dư 6 ngày để thêm vào cho 6 tháng khác gọi là tháng đủ. Vậy một năm âm lịch có 6 tháng 29 ngày và 6 tháng 30 ngày.Cứ năm năm lại có hai năm mỗi năm dư 1 tháng, gọi là năm dư tháng nhuận.Và cứ sau năm thứ 18, qua năm thứ 19 gọi là 1 chương thì lại không tính là năm dư, chỉ có 12 tháng thôi, kể như là năm thường vậy.Do đó, vòng hình vẽ 18 con chim mỏ dài cánh lớn ở ngoài cùng là hình vẽ một chu kỳ 18 năm, mỗi con chim ấy là 1Vòng hình vẽ thứ nhất ở trong cùng gần trung tâm có 6 người trang phục kỳ dị mỗi bên vòng tròn đối nhau, đã không phải người Giao Chỉ ăn bận như thế, mà đó là những vị thần cai quản mỗi vị 1 tháng, trong 6 tháng đầu ở 1 bên và 6 tháng cuối mỗi năm. Thêm có một hình người thấp bé hơn cạnh 6 người ở một bên, đó là để ghi tháng nhuận của năm dư.Vòng hình vẽ thứ nhì ở giữa, có 6 con gà, 10 con hươu, rồi lại 8 con gà, 10 con hươu, ấy là hình vẽ những con vật tương trưng. Gà chỉ đi ăn vào ban ngày, Hươu đi ăn vào đêm trăng sáng. Có 6 đêm vào đầu tháng từ 1 đến 6 không trăng; và 8 đêm vào cuối tháng từ 22 đến 30 cũng không trăng. Những đêm ấy không đi săn thú được. Và sau đó, khi có trăng thì có thể tổ chức đi săn đêm.
Theo kinh nghiệm cũ truyền mãi tới ngày nay, có 6 đêm đầu tháng không trăng, người ta tính :Mồng 1 lưỡi trâu - Mồng 2 lưỡi gà - Mồng 3 lưỡi liềm - Mồng 4 câu liêm - Mồng 5 liềm vật - Mồng 6 phạt cỏ - Mồng 7 tỏ trăng, là bắt đầu tuần trăng sáng.Tuần trăng sáng kia dài đến đúng đêm 10 rằm trăng náu (đáo : đủ ). Mười sáu trăng treo ( chiêu : sáng sủa ). Mười bảy trải giường chiếu ( rủ giường chiếu ). Mười tám giương cạm ( trương : xếp đặt, chẩm : cái gối ). Mười chín bịn rịn (bị : áo ngủ đắp trùm, rị : tối ). Hai mươi giấc tốt ( ngủ ngon ). Hai mốt nữa đêm ( mới có trăng ).Từ 22 lại vào tuần không trăng, ( 22 – 30 ) nên không cần tính nữa.
Cái hoa 14 cánh ở trung tâm không phải là hình mặt trăng hay mặt trời của bộ lạc thờ những tinh thể ấy, đó là hình vẽ để đếm đêm và ngày.Đêm là khoảng cách nằm giữa mỗi 2 ngày, trong cả tháng 29 ngày. Tổng số khoảng cách ấy là 28 nếu là tháng thiếu, 29 nếu là tháng đủ.
Cái hoa 14 cánh, đếm hết vòng thứ nhất từ 1 đến đêm trăng tròn (15, đêm rằm ) và đếm vòng thứ 2 nữa, từ 16, thì lại trở về đêm không trăng (đêm )
Bắt đầu đếm từ đâu ?
Tìm ra đầu mối là vấn đề quan trọng. Chỉ có 1 điểm trong cả vòng tròn để dùng khởi đầu cuộc đếm. Ấy là điểm chỉ vào đêm 30 không trăng.:Ta biết rằng vào đầu tháng có 6 đêm không trăng.Vậy điểm khởi đầu để xem lịch phải nằm ở đuôi con gà cuối cùng trong dòng 6 con.
Thực hành việc ghi lịch và xem lịch :
Người ta có thể dùng một chất màu (son phấn, mực đen) mà bôi lên hình của mỗi cánh hoa khi có 1 đêm qua. Chẳng hạn đến cánh thứ tư mà vòng ngoài chưa có gì cả thì đó là đêm mồng 4 tháng giêng năm đầu của chu kỳ. Nếu vòng ngoài đã có 3 hình người tượng trưng cho tháng và vòng ngoài cũng đã có 6 con chim bị bôi rồi thì đó là đêm mồng 4 tháng tư năm thứ 7 của chu kỳ . Người tù trưởng có thể lấy năm đầu của mình chấp chưởng quyền lãnh đạo làm năm đầu chu kỳ. Khi nhìn vào lịch thì biết rõ mình đã cai trị được bao nhiêu năm.
Con vật nhỏ theo sau mỗi con CHIM THỜI GIAN của một năm là để dành ghi năm nhuận 13 tháng. Cứ 5 năm thì bôi màu đánh dấu vào hai con vật nhỏ ấy, để hết tháng sáu nữa mới bôi vào tháng 6.( Việc làm có vẻ mất công. Như ngày nay, mỗi ngày người ta cũng phải bóc một tờ lịch, và nếu lịch tháng thì mỗi ngày cũng phải lấy bút đánh dấu để hết tháng thì xé một tờ ).
Quyển Âm Lịch dùng cho nhiều năm :
Như vậy, ta thấy quyển lịch này dùng được cho nhiều năm và chúng tôi nghĩ rằng ngay cả bây giờ vẫn dùng được, để có thể mệnh danh là Nguyệt Lịch Vạn Niên.Làm sao biết chính xác năm nào nhuận vào tháng nào ?
Điều ấy chưa có tài liệu nào khác để hiểu thêm. Có lẽ người xưa đã dùng lối chiêm nghiệm về khí tiết trong nhiều năm, nhiều chu kỳ, thấy có diễn biến trở lại như cũ mà bồi bổ dần cho sự hiểu biết chăng ?Biết đúng tháng nào đủ, thiếu , hoặc hai ba tháng đủ liền, hai ba tháng thiếu liền, và nhất định vào đâu trong năm, tất cũng do chiêm nghiệm.Hoặc còn một dụng cụ để ghi nhớ nào khác, trên một mặt trống khác, hay một vật nào khác mà ngày nay chưa tìm ra ?Điều ta có thể biết chắc được là người xưa đã quan sát tinh tế rồi chiêm nghiệm trước, sau mới tính toán, để lại chiêm nghiệm nữa, mà kiểm điểm những tính toán kia.Sách Xuân Thu Tả Truyện có chép rằng : mùa đông tháng 12 (Năm Ai Công thứ XII) có châu chấu phá hoại. Quý Tôn hỏi Khổng Tử, ông đáp : “Tôi nghe rằng: chiều mà không thấy sao hoả nữa thì côn trùng ẩn phục hết. Nay sao hoả vẫn còn thấy chuyển vận về phía Tây, chắc các nhà làm lịch đã lầm”. Ý nói theo lịch Trung Hoa là tháng chạp. Đáng lý ra thì sao hoả không còn thấy được vào buổi chiều. Sâu bọ phải ẩn phục hết rồi vì lạnh. Thế mà nay sao hoả vẫn còn thấy hiện, côn trùng còn phá phách, như vậy các nhà làm lịch Trung Hoa thời ấy đã lầm, đáng lẽ phải có tháng nhuận nữa mới phải.
Đó chính là thể thức và phương pháp làm lịch chung cho cả mọi giống dân trên thế giới, mà quyển lịch trên mặt trống đồng Ngọc Lũ đã có sẵn những gì để phòng hờ chỗ ghi năm dư tháng nhuận, thì trước khi nó hiện ra là một bảng lập thành, dòng dõi các tù trưởng Giao Chỉ không phải chỉ chừng năm ba thế hệ. Chúng ta có thể đoán không sợ sai lầm là ít nhất cũng phải mươi cái chu kỳ 180 năm (tức ít nhất là 1800 năm cho đến khi cái trống Ngọc Lũ đầu tiên được đúc), còn hơn nữa thì không dám biết .
Những kết quả chiêm tinh lịch số riêng :
Vâng, riêng của dòng tù trưởng Giao Chỉ. Đây là những bằng chứng hùng hồn nhất cho biết đích xác hồi đầu lịch sử, giống dân Giao Chỉ ở gốc tổ sống mà chẳng dính dáng gì về văn hoá với giống người Trung Hoa.
Người Trung Hoa cho rằng nền thiên văn của họ bắt đầu với Phục Hi, khoảng 2850 năm trước kỷ nguyên Tây lịch. Đến đời Hoàng Đế ( 2657 – 2557 ) ta đã thấy họ dùng cách tính năm tháng theo chu kỳ lục thập hoa giáp ( chu kỳ 12 năm ). Hán thư Nghệ Văn Chí có ghi : “Hoàng Đế ngũ gia lịch tam thập quyển”. Cháu ba đời Hoàng Đế là Chuyên Húc (2545 – 2485 ) rất có nhiều về thiên văn. Trúc Thư Ký Niên viết : Sau khi lên ngôi được 13 năm, vua bắt đầu làm lịch số, và tính toán vị trí các sao trên trời. Xuân Thu Tả Truyện cũng ghi nhận rằng đời vua Chuyên Húc đã có những quan coi về lịch, về nhị phân (xuân phân, thu phân) và nhị chí (đông chí, hạ chí) và đoán được các ngày đầu mùa ( Xuân Thu Chiêu Công năm XVII ). Đời vua Nghiêu ( 2356-2255) đã biết vị trí nhị thập bát tú, nhật nguyệt ngũ tinh, đã định năm là 365 ngày, đã biết đặt tháng nhuận.
CHUỐI TIÊU LÀ CHUỐI GÌ? TÁC DỤNG CỦA CHUỐI TIÊU.
6 years ago
No comments:
Post a Comment