Văn hóa Đông Sơn là một trong ba trung tâm văn hóa thời đại kim khí nước ta. Văn hóa Đông Sơn được phát hiện từ rất sớm. Từ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 trên lưu vực sông Hồng và sông Mã một số đồ đồng đã được phát hiện, trong đó có cả những trống đồng nổi tiếng như Ngọc Lũ. Nhưng phải đến năm 1924 với cuộc khai quật đầu tiên của Pajot - một viên chức thuế quan Thanh Hóa - tại làng Đông Sơn phát hiện được nhiều đồ đồng và đồ gốm cho thấy Đông Sơn là một di tích khảo cổ quan trọng. Từ đấy nhiều di tích di vật giống với Đông Sơn được phát hiện, thu hút được sự chú ý của nhiều học giả trong ngoài nước. Và đến năm 1934 nhà khảo cổ người ÁoHeine Geldern đề nghị gọi nền văn hóa này là văn hóa Đông Sơn. Thế là từ địa danh của một làng như bao làng khác trên đất Việt, Đông Sơn đã trở thành tên của một nền văn hóa thời đại kim khí nổi tiếng trên thế giới.
Trải qua 80 năm, kể từ khi di tích Đông Sơn lần đầu tiên được khai quật, số lượng di tích và di vật không ngừng tăng lên hàng năm. Cho đến nay khoảng 120 di tích đã được phát hiện, phân bố trên lưu vực các sông Hồng, sông Mã và sông Cả. Còn di vật, thì ngoài Việt Nam đã tìm thấy rải rác ở một số nước Đông Nam Á cho thấy sức sống mãnh liệt và tầm tỏa rộng của văn hóa Đông Sơn.
Cho đến nay hầu hết các học giả trong ngoài nước đều cho văn hóa Đông Sơn thuộc cuối thời đại đồng đầu thời đại sắt, là văn hóa vật chất của người Việt cổ, tồn tại khoảng từ thế kỷ 7 trước Công nguyên đến thế kỷ 2 sau Công nguyên.
Trước đây, phần lớn các học giả nước ngoài vô cùng kinh ngạc và không tin những đồ đồng, đồ gốm có kiểu dáng đẹp, hoa văn trang trí độc đáo được chế tạo với một trình độ cao là sản phẩm tự thân của người bản địa. Và họ đã gán ghép cho văn hóa Đông Sơn một nguồn gốc từ bên ngoài, hoặc là từ văn minh sông Hoài thời Chiến Quốc bên Trung Quốc, hoặc xa hơn mãi tận trời Âu, từ văn hóa Hallstatt. Những năm gần đây ngành khảo cổ Việt Nam phát hiện và khai quật hàng mấy trăm di tích trên lưu vực các sông Hồng, sông Mã và sông Cả mà đồ gốm cũng như đồ đồng có nhiều yếu tố văn hóa thể hiện mối liên quan mật thiết với văn hóa Đông Sơn, mà tiêu biểu là các giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun. Sự có mặt các giai đoạn văn hóa Tiền Đông Sơn này là minh chứng hùng hồn cho nguồn gốc bản địa của văn hóa Đông Sơn.
Hiện vật văn hóa Đông Sơn vô cùng phong phú đa dạng với các chất liệu khác nhau như gốm, đồng, đá, thủy tinh, sắt, v.v.nhưng nhiều nhất và tiêu biểu nhất là đồ đồng .
Về công cụ lao động có lưỡi cày, cuốc, thuổng, xẻng, nhíp, rìu, đục, bàn chải, v.v. Bộ công cụ lao động thật là muôn hình muôn vẻ. Ngay như lưỡi cày có loại là hình gần tam giác, có loại là hình tim, có loại là hình bướm. Còn rìu thì ngoài các loại rìu có vai, rìu hình chữ nhật, hình thang, rìu xòe cân có lưỡi rộng hẹp khác nhau thì rìu xéo là một hiện vật độc đáo của riêng Đông Sơn. Mà riêng rìu xéo cũng đủ loại như rìu xéo gót tròn, rìu xéo gót vuông, rìu xéo mũi hất hình hia, rìu xéo mũi chúc hình bàn chân, rìu xéo gót nhọn hình thuyền, v.v. Có loại trên một hoặc hai mặt còn trang trí hoa văn đẹp.
Vũ khí văn hóa Đông Sơn vừa nhiều về số lượng vừa phong phú về loại hình, gồm có các loại giáo, lao, mũi tên, dao găm, kiếm, qua, dao phạng, lẫy nỏ, tấm che ngực, v.v. Nhiều hơn cả là giáo với nhiều kiểu loại dài ngắn to nhỏ khác nhau, trong đó có loại lưỡi phình rộng có 2-4 lỗ thủng hình chữ nhật rất Đông Sơn. Độc đáo hơn cả là dao găm với các loại dao găm cán hình chữ T, đốc hình củ hành có lỗ hình chữ nhật hoặc không, cán tượng người, tượng động vật như voi, rắn, hổ, chim, v.v. không giống bất cứ văn hóa nào.
Bộ đồ dùng sinh hoạt văn hóa Đông Sơn cũng khá đa dạng gồm các loại thạp, thố, bình, lọ, vò, âu, chậu, bát, đĩa, muôi,v.v. Tiêu biểu hơn cả là thạp có nắp và không nắp được trang trí hoa văn kỷ hà, chim bay, người nhảy múa, bơi thuyền như trên trống đồng.Tiêu biểu hơn cả là thạp đồng Đào Thịnh.
Nhạc khí Đông Sơn gồm có trống đồng, chuông và lục lạc. Trong đó trống đồng Đông Sơn được lấy làm biểu tượng cho văn minh của người dân Việt. Trống Đông Sơn có loại to, loại nhỏ, loại thon cao, loại thấp choãi. Có loại trang trí cực kỳ phong phú cảnh sinh hoạt của cư dân lúc bấy giờ như bơi thuyền, nhà sàn, dàn trống, dàn chiêng, giã gạo, múa hát cùng hươu, chim, bò,v.v. Có loại chỉ có văn kỷ hà và vành chim bay, thậm chí có loại chỉ còn đơn thuần văn kỷ hà.Có loại kiểu dáng là chậu, nhưng hoa văn lại là trống đồng. Có loại trống thực dụng, có loại là trống minh khí chôn theo trong mộ. Đẹp, phong phú, tiêu biểu hơn cả là trống Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Làng Cốc.
Đồ trang sức bằng đồng văn hóa Đông Sơn có các loại vòng tay, khuyên tai, vòng ống, xà tích, trâm, v.v. với các kiểu loại to nhỏ khác nhau, trong đó có loại vòng ống trang trí hoa văn đẹp và đeo thêm lục lạc độc đáo.
Đến văn hóa Đông Sơn, đồ gốm trang trí đơn giản song đồ đồng trái lại được trang trí phức tạp, phong phú, cầu kỳ. Không chỉ trên đồ trang sức, nhạc khí, dụng cụ sinh hoạt được trang trí hoa văn, mà cả trên các loại vũ khí cũng được trang trí hoa văn khá cầu kỳ, và tất cả đều có cùng một phong cách.
Đáng chú ý là vào giai đoạn Đông Sơn muộn xuất hiện một số hiện vật đồng sắt tiếp hợp như giáo và kiếm cán đồng lưỡi sắt, và một số đồ đồng Đông Sơn có ảnh hưởng văn hóa Hán như thạp đồng, vò đồng trang trí hoa văn Đông Sơn nhưng lại gắn một đôi quai mặt hổ phù, hay chiếc đèn dầu treo gắn tượng người tượng chim rất Đông Sơn nhưng lại có 3 chân quỳ phong cách Hán. Trái lại, cũng có một số đồ đồng Hán nhưng lại trang trí một số hoa văn rất Đông Sơn như chiếc bình kiểu con tiện rất Hán nhưng ở cổ trang trí một số vành văn vòng tròn tiếp tuyến của Đông Sơn, hay chiếc liễm ba chân quỳ thấp rất Hán lại trang trí văn bơi thuyền, chim bay mỏ dài rất Đông Sơn v.v.
Những đồ đồng này cho thấy mối giao lưu qua lại giữa văn hóa Đông Sơn và văn hóa Hán trong giai đoạn muộn của văn hóa Đông Sơn .
No comments:
Post a Comment