Tuesday, June 19, 2012

Đốn tỉnh Tuệ Trung thượng sĩ - Đại Việt Cổ Thi




頓 省 - 慧 中 上 士

斷 知 空 有 不 相 差,
生 死 原 從 一 派 波。
昨 夜 月 明 今 夜 月,
新 年 花 發 故 年 花。
三 生 倏 忽 真 風 燭,
九 界 循 環 是 蟻 磨。
或 問 如 何 為 究 竟,
摩 訶 般 若 薩 婆 訶,

Đốn tỉnh - Tuệ Trung thượng sĩ

Đoán tri không hữu bất tương sa (sai),
Sinh tử nguyên tòng nhất phái ba.
Tạc dạ nguyệt minh kim dạ nguyệt,
Tân niên hoa phát cố niên hoa.
Tam sinh thúc hốt chân phong chúc,
Cửu giới tuần hoàn thị nghĩ ma.
Hoặc vấn như hà vi cứu cánh,
Ma-ha bát nhã tát-bà-ha.

CHỢT TỈNH

Có - Không lằng giới sợi chỉ thưa,
Tử sinh thoát từ ngọn sóng đưa .
Trăng chiếu đêm nay trăng hôm trước,
Hoa nở năm này hoa năm xưa .
Ba sinh như đuốc đi trong gió,
Chín cõi tuần hoàn kiến bò quanh .
Vấn hỏi thế nào là cứu cánh,
Ma Ha Bát Nhã Ta Bà Ha .

Badmonk - Tâm Nhiên



Đoán biết rằng "không" và "có" không cách nhau lắm,
Sống và chết vốn từ một đợt sóng.
Trăng sáng đêm qua vẫn là trăng đêm nay,
Hoa nở năm mới cũng là hoa năm cũ.
Ba sinh thấm thoắt thực như ngọn đuốc trước ngọn gió,
Chín cõi tuần hoàn, giống như cái kiến bò trên miệng cối xay bột.
Có người hỏi thế nào là cứu cánh,
Thì ta bảo "Ma-ha bát-nhã, ta-bà-ha".



Tuệ Trung Thượng Sĩ (1230 - 1291) tên thật là Trần Tung (hay Trần Quốc Tung), là một thành viên trong hoàng tộc nhà Trần với tước hiệu Hưng Ninh Vương và là một thiền sư Việt Nam. Ông là người hướng dẫn vua Trần Nhân Tông vào cửa Thiền và có nhiều ảnh hưởng đến tư tưởng của vị vua sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử . Thời trẻ, ông không thích công danh, chỉ ham nghiên cứu về Thiền. Sau, ông học đạo với thiền sư Tiêu Dao, vừa thực hành giải thoát tâm trong đời sống gia đình theo hình thức cư sĩ, vừa đảm trách các công việc xã hội mà triều đình giao phó. Ông được vua Trần Thánh Tông nể vì do kiến thức uyên bác về nội ngoại điển , được vua tôn làm đạo huynh. Ông sáng tác nhiều thi, kệ; một số được kiết tập trong "Thượng sĩ ngữ lục" (Ngữ lục của Thượng sĩ) rất nổi tiếng.

Ông là người Tức Mặc, phủ Thiên Trường, nay thuộc tỉnh Nam Định. Ông là con trưởng của An Sinh vương Trần Liễu (nguyên tác chép An Ninh vương), anh ruột của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Hoàng hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm húy Thiều, vợ vua Trần Thánh Tông.

Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần 2 (1285) và lần 3 (1287-1288, ông đều trực tiếp tham gia . Sử chép rằng ngày 10 tháng 6 năm 1285, ông cùng với Hưng Đạo Vương đem hơn hai vạn quân giao chiến với tướng nhà Nguyên là Lưu Thế Anh và đuổi Thoát Hoan chạy dài đến sông Như Nguyệt (sông Cầu). Trong cuộc kháng chiến lần thứ ba, ông còn được giao những nhiệm vụ ngoại giao quan trọng, từng đến đồn trại đối phương vờ ước hẹn trá hàng, làm cho họ mất cảnh giác, sau đó cho quân đến đánh phá.

Hiện thơ ông còn lại 49 bài, được xếp trong bộ Thượng sĩ ngữ lục .

Sau khi kháng chiến thành công, ông được phong chức Tiết độ sứ cai quản phủ Thái Bình. Nhưng không lâu sau ông lại lui về ấp Tịnh Bang (nay ở huyện Vĩnh Bảo, ngoại thành Hải Phòng) lập Dưỡng Chân trang để theo đuổi nghiệp Thiền. Năm 1291, Tuệ Trung thượng sĩ mất, thọ 61 tuổi -Theo Wikipedia

Sunday, June 10, 2012

Hạ cảnh - Trần Thánh Tông





夏 景 - 陳 聖 宗

窈 窕 華 堂 晝 影 長,
荷 花 吹 起 北 風 涼。
園 林 雨 過 綠 成 幄,
三 兩 蟬 聲 鬧 夕 陽。

Hạ cảnh - Trần Thánh Tông

Yểu điệu hoa đường trú ảnh trường,
Hà hoa xuy khởi bắc phong lương.
Viên lâm vũ quá lục thành ác,
Tam lưỡng thiền thanh náo tịch dương.

CẢNH MÙA HÈ

Thềm hoa ngày nắng rủ bóng chờ,
Sen lồng song bắc mộng bâng quơ .
Mưa qua khoát áo rừng xanh biếc,
Ve động chiều hôm ý hững hờ .

Thềm hoa nắng ủ bóng ngày,
Hương sen cửa bắc gió đầy bay sang .
Sau mưa xanh phủ đại ngàn,
Tiếng ve chiều tối râm rang xa gần .


Badmonk - Tâm Nhiên


Nhà hoa thăm thẳm, bóng ngày rủ dài,
Hoa sen đưa hương mát đến cửa sổ phía bắc.
Vườn rừng sau mưa trở thành tấm màn biếc,
Vài ba tiếng ve khua rộn bóng chiều .



Trần Thánh Tông (1240 – 1290) là vị Hoàng đế thứ hai của nhà Trần (sau vua cha Trần Thái Tông và trước vua con Trần Nhân Tông), ở ngôi từ năm 1258 đến 1278 và làm Thái thượng hoàng từ năm 1278 (sau khi Thượng hoàng Thái Tông mất) cho đến khi qua đời. Ông là một vị Hoàng đế tài năng, có công rất lớn trong công cuộc xây dựng đất nước. Dưới triều đại của ông, nước Đại Việt thái bình và quân Nguyên Mông không sang xâm lược nữa. Không những đẩy mạnh chính sách phát triển kinh tế và giáo dục, ông đã thực hiện chính sách đối ngoại khôn khéo, nhưng cương quyết, đề cao quyền lợi của Đại Việt chứ quyết không để cho người Nguyên sang thôn tính. Trong thời gian làm Thái thượng hoàng, ông đã cùng với vua con Nhân Tông lãnh đạo đất nước giành chiến thắng trong hai cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông.

Ông tên thật là Trần Hoảng, là vị Hoàng đế có lòng thương dân và thân thiết với anh em trong Hoàng gia . Trong cuộc Chiến tranh Nguyên Mông-Đại Việt lần 1, vào ngày 24 tháng 12 năm 1257 (năm Nguyên Phong thứ bảy), Thái tử Hoảng cùng với vua cha Thái Tông ngự lâu thuyền mà kéo quân đến Đông Bộ Đầu, đập tan tác quân Nguyên Mông trong trận đánh ở đây, buộc họ phải rút chạy và chấm dứt cuộc xâm lược Đại Việt ..

Saturday, June 2, 2012

Túc Hoa Âm tự - Nguyễn Trung Ngạn




宿 花 陰 寺 - 阮 忠 彥

偶 徬 招 提 宿,
僧 留 半 榻 分。
石 泉 朝 汲 水,
紙 帳 夜 眠 雲。
松 子 臨 窗 墜,
猿 聲 隔 岸 聞。
粥 魚 敲 夢 醒,
花 雨 落 繽 紛。

Túc Hoa Âm tự - Nguyễn Trung Ngạn

Ngẫu bạng chiêu đề túc,
Tăng lưu bán tháp phân.
Thạch tuyền triêu cấp thuỷ,
Chỉ trướng dạ miên vân.
Tùng tử lâm song truỵ,
Viên thanh cách ngạn văn.
Chúc ngư sao mộng tỉnh,
Hoa vũ lạc tân phân.

Ở TRỌ ĐÊM TẠI CHUA HOA ÂM

Gặp chùa ghé trọ giữa khuya
Đời trần quán tạm sư chia nửa giường
Sáng ra suối đá tầm hương
Đêm về ngủ dưới bốn phương mây lồng
Lặng yên thông rụng ngoài song
Tiếng con vượn hú bên sông gọi đàn
Chày kình khuya động giấc vàng
Hoa đâu bổng rụng từng hàng như mưa

Badmonk - Tâm Nhiên


Trọ tại chùa Hoa Âm

Ngẫu nhiên vào ngủ đêm trong ngôi chùa,
Sư dành cho nửa giường.
Sáng đi múc nước ở suối đá,
Đêm ngủ với mây trong trướng giấy.
Quả thông rụng trước cửa sổ,
Tiếng vượn nghe bên kia sông.
Mõ chùa khua tỉnh giấc mộng,
Mưa hoa rơi xuống tơi bời.


Nguyễn Trung Ngạn (1289–1370), tự là Bang Trực, hiệu là Giới Hiên, người làng Thổ Hoàng, huyện Thiên Thi (nay là Ân Thi), tỉnh Hưng Yên. Ông là một nhà chính trị, một đại thần có tài, được xếp vào hàng "Người phò tá có công lao tài đức đời Trần" . Cùng với Nguyễn Trung Ngạn là Trần Quang Khải, Mạc Đĩnh Chi, Trương Hán Siêu, Lê Quát, Phạm Sư Mạnh, Đoàn Nhữ Hài, Trần Thì Kiến, Phạm Tông Mại, Trần Nguyên Đán.