Tuesday, November 30, 2010

Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng Lý Bạch

Photobucket


黄鹤楼送孟浩然之广陵   李白 

故人西辞黄鹤楼, 
烟花三月下扬州。 
孤帆远影碧空尽, 
惟见长江天际流。


Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng  - Lý Bạch

Cố nhân tây từ Hoàng Hạc lâu, 
Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu. 
Cô phàm viễn ảnh bích không tận, 
Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu. 



TIỄN BẠN MẠNH HẠO NHIÊN Ở LẦU HOÀNG HẠC ĐI QUẢNG LĂNG 


Tiễn bạn thềm tây Hoàng Hạc Lâu,
Tháng ba hoa khói quyện Dương Châu.
Cánh buồn như lẫn vào mây trắng 
Mà sóng Trường Giang níu đẩy nhau...



Hoàng Hạc tiễn bạn từ đây
Tháng ba khói lẩn cùng mây xuôi dòng
Cánh buồn no gió ẩn trong
Xa trông chỉ thấy trắng dòng Trường Giang 

Phóng Hạc Ung Đào

Photobucket


放鶴  雍陶

從今一去不須低
見說遼東好去棲
努力莫辭仙路遠
白雲飛處免群雞 



Phóng Hạc - Ung Đào
Tòng kim nhất khứ bất tu đê 
Kiến thuyết Liêu đông hảo khứ thê
Nỗ lực mạc từ tiên lộ viễn
Bạch vân phi xứ miễn quần kê



Thả Hạc
Nay đã tự do đừng bay thấp
Hãy đến Liêu đông dẫu đường xa
Cội về thiên ý nguồn chân thật 
Vút cánh cùng mây đừng như gà.

Tuesday, November 23, 2010

Lộc trại - Vương Duy

 
 
鹿寨   王維 

空山不見人, 但聞人語響。
返景入深林, 復照青苔上。
 
 
Lộc trại - Vương Duy

Không sơn bất kiến nhân  
Ðản văn nhân ngữ hưởng  
Phản ảnh nhập thâm lâm  
Phục chiếu thanh đài thượng . 


Trại Hươu 

Rừng sâu, núi lặng, vắng bóng người,
Chỉ nghe xa vọng tiếng nói cười .
Chiều về, mây thấp, mầu nắng mới,
Đến nhuộm mầu rêu tựa cỏ tươi


Loanh quanh dốc núi vắng người
Chỉ nghe đâu vọng tiếng cười xa xa
Rừng sâu nắng phản chói lòa
Chiếu lên lối cỏ sáng nhòa thềm rêu ...

Bất Kiến Đổ Phủ

 
 
不見  杜甫

不見李生久,
佯狂真可哀!
世人皆欲殺,
吾意獨憐才。
敏捷詩千首,
飄零酒一杯。
匡山 讀書處,
頭白好歸來。 

 
Bất Kiến  - Đổ Phủ 
 
Bất kiến Lý sinh cửu
Dương cuồng chân khả ai
Thế nhân giai dục sát
Ngô ý độc liên tài
Mẫn tiệp thi thiên thủ
Phiêu linh tửu nhất bôi
Khuông sơn độc thư xứ
Đầu bạch hảo qui lai 

 
Không gặp bạn

Đã lâu không gặp Lý sinh,
Thương anh vì phải giả điên, giả khùng
Người đời muốn bạn mệnh chung,
Riêng huynh tôi biết thật chân thiên tài
Thơ hay vung bút nghìn bài,
Công danh mượn rựu lai rai kinh thường
Thư phòng xưa ở núi Khương,  
Quay về nhé bạn khi sương mái đầu...
 

Những đĩa đá Dropa


Dropa (cũng được biết đến với các tên DropasDrok-pa và DzopaĐỗ Lập Ba 杜立巴), mặc dù tính chính xác của thông tin vẫn còn đang tranh luận, là một loại người lùn giốngsinh vật ngoài Trái Đất đã đáp xuống Trái Đất gần vùng biên giới Tây Tạng-Trung Quốc khoảng mười hai nghìn năm về trước.
Nhiều người đã hoài nghi tính xác thực của các giả thuyết về nguồn gốc ngoài Trái Đất của tộc người này và họ cũng cho rằng có lẽ đã có nhiều lời đồn đại quá mức thực tế. Đa số mọi người chỉ trích sự kiện này chỉ có tính huyền huyền hoặc.
Giáo sư Tề Phúc Thái (齊福泰, Chi Pu Tei), một giáo sư khảo cổ tại Đại học Bắc Kinh và các sinh viên đã có một chuyến khảo sát hàng loạt các hang động không có lối đi ở dãy Himalaya, một vùng hẻo lánh Bayan-Kara-Ula, ranh giới giữa Trung Quốc và Tây Tạng. Nhiều hang động được tạo một cách không tự nhiên có thể đã thuộc về một hệ thống hầm ngầm và kho dưới lòng đất. Những bức tường có nét vuông vắn như thể đã được cắt gọt từ núi bằng một nhiệt độ cao.
Họ đã tìm được nhiều hàng mộ ngay ngắn với những bộ xương ngắn 130 cm chôn trong đó. Những bộ xương có đầu to khác thường, và cơ thể nhỏ bé, mỏng, yếu đuối. Một thành viên trong nhóm đề nghị rằng đó có thể là những loài khỉ núi chưa từng được biết tới. Giáo sư Tề Phúc Thái trả lời: "Đã có ai nghe được chuyện loài khỉ chôn nhau như thế?"
Không có văn bia nào trong các ngôi mộ, thay vào đó là hàng trăm những đĩa đá rộng 30 cm("những đĩa đá Dropa") đã được tìm thấy, chúng lỗ rộng 20 mm ở trung tâm. Trên các bức tường có khắc hình Mặt Trời mọc, Mặt Trăng, các ngôi sao, mặt đất, núi và những đường nét đứt nối liền Trái Đất với bầu trời. Những đĩa đá và các bức vẽ trên hang đã được xác định là khoảng 12 000 năm tuổi.
Mỗi đĩa đá đều có khắc lời tường trình với hai đường rãnh rất rõ từ bờ cho tới tâm đĩa. Những đĩa đá được niêm phong lại và lưu trữ tại Đại học Bắc Kinh trong 20 năm, suốt thời gian mà mọi cố gắng giải mã đều không thành công.
Khi những đĩa đá được khảo sát tỉ mỉ bởi Tsum Um Nui tại Bắc Kinh năm 1958, ông ta kết luận rằng mỗi đường rãnh thực sự là một loạt chữ tượng hình bé xíu theo loại mẫu và nguồn gốc chưa từng biết tới. Hàng chữ tượng hình quá nhỏ, phải có một kính phóng đại để xem chúng. Nhiều chữ tượng hình đã bị hỏng vì bị ăn mòn mất. Khi Tsum giải mã các ký hiệu, chúng kể câu chuyện về một phi thuyền của người Dropa đã bị rơi và cuộc tàn sát những người sống sót còn lại bởi thổ dân tại địa phương này.
Theo Tsum Um Nui, một trong những dòng chữ tượng hình có thể đọc là: "những người Dropa giáng trần từ những đám mây trên phi thuyền của họ. Lũ đàn ông, đàn bà và trẻ con sợ hãi trốn trong các hang động mười lần trước lúc bình minh. Cuối cùng họ cũng đã hiểu được ký hiệu ngôn ngữ của người Dropa, họ nhận ra rằng những vị khách mới đến với ý định hòa bình..." Một đoạn khác nói về "sự thương tiếc" của người Ham vì phi thuyền của sinh vật ngoài Trái Đất đã rơi xuống vào vùng núi hẻo lánh, khó tới được và không có cách nào để chế tạo một cái mới đưa những người Dropa quay về hành tinh của họ.
Báo cáo của Tsum xuất hiện trên một tời báo khoa học năm 1962. Sau đó, ông ta bị nhạo báng tới mức phải chạy sang Nhật Bản, nơi ông ta qua đời. Học viện Tiền sử Bắc Kinh không bao giờ cho phép ông ta công bố và cũng không bao giờ nói về những khám phá của ông.
"Tsum Um Nui" không phải là một cái tên Trung Quốc, nhiều người cho rằng Tsum có lẽ chưa bao giờ tồn tại thực sự. Tuy vậy Tsum Um Nui là một cái tên Nhật Bản đọc theo ngôn ngữ Trung Quốc. Ngoài ra, cũng không có chứng cớ nào là Tsum Um Nui thật sự hiện hữu
Năm 1965, giáo sư Tề Phúc Thái và bốn cộng sự, cuối cùng đã được cho phép công bố giả thuyết của họ. Họ công bố chúng dưới tiêu đề "Những đường ký tự nói về phi thuyền không gian, theo như ghi chép trên các tấm đĩa, đã hạ cánh xuống Trái Đất 12.000 năm về trước".
Sự ghi chép - trên 716 tấm đĩa được khám phá - kể một câu chuyện đáng kinh ngạc về một phi thuyền thử nghiệm phóng từ những cư dân trên một hành tinh khác. Sau khi hạ cánh xuống vùng núi Bayan-Kara-Ula, những dòng chữ viết này nói, với ý định hòa bình, những sinh vật ngoài Trái Đất đã bị thành viên bộ lạc Ham, cư dân ở các hang động xung quanh, săn tìm và giết.
Có thể tìm thấy hàng nghìn bức ảnh đĩa đá Dropa trên khắp Trung Quốc, hầu hết ở các tỉnh phía đông nam.

Nghiên cứu của Liên bang Nga

Các nhà khoa học Nga đề nghị được xem các đĩa đá và nhiều trong số đó đã được gửi tới Moskva để kiểm tra. Chúng được cạo sạch các mảnh đá đã dính vào chúng để được đưa đi phân tích hóa học.
Các nhà khoa học sửng sốt bởi những tấm đĩa chứa hàm lượng lớn cobalt và các chất liệu kim loại khác. Thêm vào đó, khi đặt chúng lên một mặt quay đặc biệt - theo Vyatcheslav Saizev, người miêu tả thí nghiệm trên tạp chí Sputnik - chúng rung lên một giai điệu kỳ lạ mặc dù cho một dòng điện đi qua chúng. Hay, như một nhà khoa học nói, "như thể chúng tạo nên một phần cuộn dây điện". Lúc đó, chúng thể hiện một dòng điện mạnh khác thường.
"Nó có vẻ giống như những đĩa đá cứng, xoay tròn giống như một đĩa cứng chúng ta đang có hiện nay. Có lẽ nếu chúng tôi được đọc những tấm đĩa cổ cứng, chúng tôi có thể tìm được thêm câu trả lời".
Các tấm ảnh của Wegerer
Năm 1947, Ernst Wegerer, một kỹ sư người Australia đã chụp hai đĩa đá Dropa. Ông ta được hướng dẫn tham quan một vòng Bảo tàng Banpo ở Xian, khi ông ta trông thấy các tấm đĩa đá được trưng bày. Ông ta khẳng định là mình thấy một cái lỗ ở tâm mỗi chiếc đĩa và những chữ tượng hình trên các rãnh xoắn ốc.
Wegerer hỏi người hướng dẫn Bảo tàng Banpo thêm thông tin dán trên các tủ bày. Người hướng dẫn không hề biết gì về lịch sử các đĩa đá, mặc dù cô ta có thể nói toàn bộ các di vật đất sét khác. Cô ta chỉ biết rằng các đĩa đá là những "đồ cúng" không mấy quan trọng.
Wegerer được cho phép cầm một trong các tấm đĩa trên tay. Ông ta ước lượng chúng nặng khoảng 1 kg, và đường kính 30 cm. Các dòng chữ tượng hình không thể thấy được trong bức ảnh ông ta đã chụp, bởi vì chúng đã bị bở vụn một phần, và đèn camera chỉ chọn ra các chi tiết rõ như đường xoắn ốc.
Một vài ngày sau, người hướng dẫn bị đuổi việc mà không biết tại sao. Cô ta và hai tấm đĩa đã biến mất, theo giáo sư Wang Zhijun, giám đốc Bảo tàng Banpo, tháng 3 năm 1994.
Nhiều năm sau khi phát hiện tấm đĩa đầu tiên, các nhà khảo cổ và các nhà nhân chủng học đã biết thêm về vùng cách ly Bayan-Kara-Ula. Nhiều thông tin được làm sáng tỏ nhằm củng cố chứng cứ cho câu chuyện được ghi lại trên các tấm đĩa.
Truyền thuyết vẫn còn lưu giữ được trong vùng có nói về một người đàn ông nhỏ bé, dễ sợ, mặt vàng "giáng trần từ các đám mây rất, rất lâu rồi". Người đàn ông này có cái đầu to, phình ra và cơ thể yếu ớt và xấu xí ghê gớm và bị mọi người lảng tránh. "Những người đàn ông với những con ngựa nước đại" đã săn được các tên người lùn xấu xí. Kỳ lạ thay, miêu tả về "những kẻ xâm lược" đang nói tới trùng khớp với những bộ xương được giáo sư Tề Phúc Thái khám phá trong các hang động.
Một câu hỏi đặt ra một cách tự nhiên là các bộ lạc Ham (hay Kham) và Dropa sống ở đâu.
Dropa xuất phát từ Dropka, một bộ lạ du mục sống chủ yếu ở Tây Tạng. Dropka có nghĩa đen là "người ở trong lều đen", có tên như vậy vì các túp lều của họ được làm từ lông đen của bò Tây Tạng. Người Dropa, cũng như người Ham, không cư ngụ ở trong hang, họ sống bình thường như người Tây Tạng.
Báo cáo khác nói rằng có sự khác nhau giữa người Hán và Dropa trong vùng đó. Cả hai bộ lạc đều là người lùn sống ẩn dật ở trong hang. Chiều cao của người trưởng thành là 100 và 140 cm với mức trung bình là 125 cm, và nặng 17 tới 24 kg. Họ có da màu vàng và cơ thể mỏng manh với đầu to khác thường. Họ có ít lông trên cơ thể và có mắt to khác hẳn diện mạo người châu Á, nhưng có màu mắt xanh nhạt. Họ không phải người Trung Quốc và cũng không phải người Tây Tạng. Một báo cáo khác nói những người này cao trung bình 150 cm.
Có thông tin đáng tin cậy rằng người lùn châu Á có tồn tại và tôn giáo/truyền thuyết của họ có nói rằng họ có nguồn gốc từ bầu trời. Nhiều tôn giáo cũng tin vào chủ đề đó, bao gồm Cơ Đốc giáo, đạo Do Thái và Hồi giáo.
  • Năm 1322: trong Các chuyến du hành của Sir John Mandeville có chú thích về Trung Quốc như sau: "con sông đó (sông Dalay) chảy qua vùng đất của những người lùn, những người có vóc dáng nhỏ, họ chỉ cao ba gang tay (70 cm), và họ tốt bụng, tử tế, cả đàn ông và đàn bà. Sau khi cưới nửa năm họ có con, và họ sống nhiều nhất chỉ sáu, bảy năm."
  • Năm 1911: Một báo cáo nhắc lại sự kiện nhìn thấy sinh vật cực kỳ lùn ở Tây Tạng và xung quanh vùng Trung Á.
  • Thế chiến thứ hai: một người Úc phục vụ quân đội Đồng Minh không ngừng nói rằng mình từng nhiều lần chạm trán một bộ lạc lùn tịt ở vùng trung tâm Trung Quốc, thậm chí cho đến khi qua đời.
  • Năm 1947: Nhà khoa học người Anh Karyl Robin-Evans đi tới "vùng đất bí ẩn của người Dzopa". Ở Lhasa (Tây Tạng), ông ta đã gặp vị Dalai Lama thứ 14. Ông ta đã bị những người leo núi (sherpas) Himilaya sống ở vùng giáp ranh biên giới Nepal và Tây Tạng bỏ rơi vì họ sợ vùng đất Bain-Kara-Ula, một vùng đất mà những cư dân địa phương tránh xa bởi những con người kỳ lạ sống tại nơi đó. Sau nhiều cố gắng lớn, ông ta đã đến nơi. Ở đó ông ta tìm thấy vài trăm người lùn, cao trung bình 4 feet, sống trong một thung lũng hẻo lánh giữa các dãy núi. Robin-Evans chụp một bức ảnh người Dzopa. Ông ta đã ở đó trong nửa năm và học ngôn ngữ, lịch sử và các truyền thuyết của họ. Lurga-La, người lãnh đạo tôn giáo của họ, nói với Robin-Evans rằng nguồn gốc của họ từ một hành tinh trong chòm sao Sirius. Khoảng 20 000 năm trước và một lần nữa vào năm 1014 là hai nhiệm vụ mà người Dzopa được cử tới Trái Đất. Năm 1014, họ bị rơi vào trong vùng núi. Nhiều người trong số họ bị chết. Những người sống sót không thể rời khỏi Trái Đất. Câu chuyện này của Robin-Evans được xem như khoa học giả tưởng từ sách truyện Sungods in Exile, xuất bản năm 1978.
  • Năm 1995: một tỉnh ở Tứ Xuyên, miền trung Trung Quốc, phía đông ranh giới vùng núi Baian-Kara-Ula, một làng người lùn được khám phá. 120 người, cao từ 65 đến 115 cm, sống kiểu sống thời Trung cổ. Họ không quen biết gì với mọi khoa học hiện đại. Các tài liệu của Trung Quốc không hề phủ nhận sự tồn tại của một "ngôi làng của những người lùn". Tuy thế ngôi làng không được mở cho người nước ngoài vào xem. Nó nằm phía đông, cách núi Bayan Kara Ula vài km.
  • Không có bằng chứng để lại đáng tin về sự thật những giả thuyết đó, hay có thể chứng minh rằng đã từng tồn tại trong quá khứ. Một số người đề xướng rằng đó là kết quả tình trạng chia rẽ cộng đồng sau cuộc cách mạng văn hóa Trung Quốc hay một bí ẩn bị che dấu ở Trung Quốc. Tuy vậy, câu chuyện này đã vượt ra ngoài Trung Quốc.
    Dưới đây là các bằng chứng chống lại sự kiện sinh vật ngoài Trái Đất/Dropa:
    • 1. Khám phá: không thấy đề cập nào tới "Tsum Um Nui" (楚聞明 Sở Văn Minh), vì ông ta được cho là bị nhạo báng tới mức phải trốn khỏi Trung Quốc và qua đời tại Nhật Bản những năm 1960, điều này không thể là sự phủ nhận của cách mạng văn hóa-những người cộng sản che dấu giả thuyết. Cũng vậy, không có đề cập nào tới chuyến đi khảo sát vùng Bayan Kara Ula năm 1938. "Học viện Tiền sử Bắc Kinh" được cho là chưa từng bao giờ tồn tại.
    • 2. Kết quả trước đây: câu chuyện xác thực đầu tiên được đề cập trong cuốn sách của Erich von DänikenChariots of the Gods. Đa số các cái tên và nguồn gốc xuất hiện không thể làm chứng được, và không có sự tồn tại của các học giả Liên Xô và Trung Quốc ngoài chuyện: Chu Pu Tei, Tsum Um Nui, Ernst Wegener, Vyatcheslav Saitzev, Sergei Lolladoff.
    • 3. Kết quả sau này: Năm 1978, cuốn sách Sungods in Exile của David Agamon xuất hiện củng cố câu chuyện Dropa, nhưng Agamon đã tự nhận rằng cuốn sách chỉ mang tính chất khoa học viễn tưởng. Một vài trang web đăng hình của Robin-Evas và Dalai Lama.
    • 4. Quá trình dịch thuật: tuyệt đối không có gì nói về ngôn ngữ chưa từng được biết tới được dịch thành công. Tất cả các thứ ngôn ngữ cổ xưa đã được phát hiện ra chỉ vì chúng tồn tại dưới dạng quen thuộc với các nhà khoa học. Thậm chí trong nhiều trường hợp, để dịch và hiểu các dạng ngôn ngữ cổ hơn và ký tự của họ thường mất hàng thập kỷ với nhiều nhóm thông thạo ngôn ngữ, và quá trình khám phá phải luôn gây nên tranh luận. Nhiều ký tự cổ gây khó khăn cho việc dịch thuật bởi vì chúng không giống với bất kỳ ngôn ngữ nào đã được biết tới. Trong trường hợp này, thậm chí là cực kỳ khó khăn để dịch thuật chính xác ngôn ngữ của sinh vật ngoài Trái Đất. Bởi vậy, không chắc một học giả Trung Quốc đơn đọc không có tài liệu lại có thể tự dịch một loại ký tự ngoài Trái Đất trong thời gian rỗi.
    • 5. Những tấm đĩa: tất cả những gì tồn tại để có thể cho là những tấm đĩa của sinh vật ngoài Trái Đất chỉ là những bức ảnh chụp ở góc rộng. Những bức ảnh, đầu tiên không miêu tả khớp nhau: "các tấm đĩa 30 cm", các đĩa được chụp rất lớn. Thứ hai, các bức ảnh không cho thấy đường rãng sâu nào. Cuối cùng, hoàn toàn không có bức ảnh, miêu tả, phân tích hay bất kỳ bằng chứng nào nói về "dòng chữ ngoài Trái Đất" xuất hiện ở bất kỳ nơi đâu.
    • 6. Bằng chứng: các đĩa đá được cho là lưu trữ trong nhiều bảo tàng ở Trung Quốc. Không có bảo tàng nào trong số đó có bất kỳ dấu vết nào của những tấm đĩa, cũng không tìm thấy cái nào được cho là đã gửi tới Liên bang Xô Viết để phân tích.
    • 7. Bộ lạc Dropa: Trong khi các báo cáo nói về một bộ lạc lùn tịt, yếu đuối, thì trong thực tế những người Dropa là những người du cư sống ở hầu hết các khu vực nam cao nguyên Tây Tạng. Người Ham cũng là những cư dân của vùng Tây Tạng, và những truyền thuyết có lẽ đã trợ giúp lực lượng chiến đấu ở Tây Tạng: nhiều trong số các lính bảo vệ Dalai Lama trong suốt quá trình ông ta trốn khỏi sự xâm chiếm của Trung Quốc là người Ham Tây Tạng.

Thursday, November 18, 2010

Việt Tuyệt Kiếm

Photobucket


Cứ theo truyền thuyết, kiếm có từ thời nhà Chu, đến đời Xuân Thu Chiến Quốc thì cực thịnh. Thời này là giai đoạn mà người Tàu mới tìm ra sắt, lại thêm một số kỹ thuật mới được dùng trong việc luyện kim nên khí cụ thời đó cứng hơn đồ đồng đời Thương Chu. Thành thử nhiều kiếm đúc vào thời Xuân Thu, Chiến Quốc được xưng là bảo kiếm. Những dật sự hoang đường cũng từ đó mà nảy sinh. Đời Tiên Tần, kiếm không những là một loại võ khí tùy thân còn là một loại trang sức. Ngô Đạo Tử họa hình Khổng Tử, cũng có đeo trường kiếm. Sang đời Tần Hán, hiệp khách và giới sĩ đại phu đeo kiếm để thêm uy nghi. Vì thế món võ khí này có một giá trị đặc biệt. 




Photobucket
Kiếm vào thời đó ngắn hơn về sau. Người ta cho rằng vì kiếm làm bằng đồng và kỹ thuật luyện kim còn hạn chế nên nếu đúc kiếm dài sẽ dễ bị gãy, bị cong. Chỉ về sau, khi kiếm được đúc bằng thép, lưỡi kiếm mới mỏng và dài, mặc dù kiếm Tàu không dài và cong như kiếm Nhật. Kiếm thời đồng khí lưỡi ngắn như một con dao găm, có cán cũng ngắn, chưa được sử dụng để cầm mà chỉ để đeo vào ngang thắt lưng, và dần dần đến cuối thời đại đồ đồng mới thành cán kiếm. Cán kiếm thường có ngấn để cầm cho dễ và khỏi tuột.. Càng về sau, lưỡi kiếm cũng dài mà cán cũng to thêm, lại có thêm kiếm cách chia đôi cán và lưỡi kiếm. Cán thường bằng gỗ hay sừng, cũng có khi nạm vàng bạc, ngọc ngà hoặc trạm trổ.  


Photobucket
Đến đời Đường, tiêu chuẩn mới được định là từ 70 đến 85 cm. Kiếm lại còn phân biệt thư (mái), và hùng (trống). Hùng kiếm dài và lớn hơn thư kiếm. Bao kiếm thường đúc bằng đồng hay làm bằng da.  
Theo Việt Tuyệt Thư, Ngoại Truyện Ký Bảo kiếm, đời Xuân Thu, Âu Trị Tử theo lệnh Việt Vương đúc năm thanh kiếm: Thuần Quân, Trạm Lư, Thắng Tà (Hào Tào), Ngư Trường, Cự Khuyết đều là những thanh kiếm nổi danh gọt sắt như bùn (tước thiết như nê). Ba thanh Thuần Quân, Trạm Lư, Thắng Tà là kiếm lớn, hai thanh Ngư Trường, Cự Khuyết chỉ là đoản kiếm (chủy thủ). Có người giỏi về coi kiếm là Tiết Chúc được vương vời vào hỏi. Tiết Chúc mô tả là "nhìn màu sắc đẹp đẽ như hoa phù dung mới nở, nhìn văn lý, sáng rực như sao băng, (7) của Ngô vương Quang, tại Tương Dương, Hồ Bắc đào được hai thanh kiếm của Ngô vương Phù Sai, tại Hoài Nam, An Huy, đào được kiếm của Thái Tử nước Ngô có tên là "Cô Phát Nhàn Phản" kiếm. Về kiếm nước Việt, năm 1965 người ta đào được tại Giang Lăng, Hồ Bắc hai thanh kiếm hết sức đặc biệt, một thanh của Việt Vương Câu Tiễn, một thanh của Việt Vương Châu Câu. Thanh kiếm của Việt Vương Câu Tiễn đào được tại một ngôi mộ tại Vọng Sơn còn nguyên như mới, rất sắc bén, đúc rất tinh xảo. Thanh kiếm này dài 55.7 cm, trên cán có những vết khắc. Kiếm cách (cái đai giữa lưỡi và chuôi kiếm), có hoa văn, nạm ngọc xanh lam. Lưỡi kiếm có khắc sọc hình quả trám, khắc 8 chữ lệ kiểu chân chim "Việt Vương Cưu Thiển Tự Tác Dụng Kiếm (kiếm của Việt vương Câu Tiễn tự làm lấy để dùng).(Dương Hoằng, Văn Minh Đích Quĩ Tích, vol. 1, Trung Hoa Thư Cục, Hongkong 1988 tr. 103).
Photobucket  
Thanh kiếm của Câu Tiễn không hoàn toàn thẳng mà gần cán bản rộng hơn. Đến khoảng 2/3 thì vuốt nhỏ lại, thuôn thuôn tới tận mũi. Nhìn hình dáng, thanh kiếm này quả rất mỹ thuật, sống kiếm thẳng, và xem ra là một loại vũ khí được chế tạo tinh mỹ, tiện dụng trong chiến đấu. Thời Xuân Thu, kiếm chủ yếu dùng để đâm thẳng, không phải để chém. Thanh kiếm của Câu Tiễn đã nói lên được đặc trưng của thời đại này và cũng cho chúng ta thấy thợ đúc kiếm 25 thế kỷ trước đã có một trình độ cao. Năm 1973, thanh kiếm này và bộ y phục bằng những mảnh ngọc đính lại, dùng để quàn xác một vương tử thời Tây Hán đã được trưng bày tại Nhật Bản. Cũng dịp này, Quách Mạt Nhược, một thi nhân nổi tiếng của Trung Hoa đã cảm khái một bài thơ như sau: 
Việt Vương Câu Tiễn phá Ngô kiếm,
Chuyên lại dân công tự thác kim.
Ngân lũ ngọc y kim hựu thị,
Thiên thu bất hủ tượng nhân tâm.
(Kiếm của Việt vương Câu Tiễn phá Ngô,
Chính là do sức dân rèn đúc mà thành.
Áo ngọc, chỉ bằng bạc nay còn đây, 

Photobucket
Nghìn năm không nát cái tấm lòng của người thợ) 
Bài thơ ám chỉ là tuy Câu Tiễn đề là "tự tác dụng kiếm" (tự rèn lấy mà dùng) nhưng thực ra là do công lao của người thợ rèn, cũng như chiếc áo ngọc kia, tuy cốt để bảo vệ cái thân thể của người quyền quí khỏi hủ nát, nhưng còn lại cũng chỉ là cái tấm lòng của người thợ thôi. Cũng nên biết rằng Quách Mạt Nhược là một thi sĩ tả phái, ông không khỏi có ý đề cao giới lao động trong một xu hướng chính trị. 
Những binh khí chế tạo thời đó dĩ nhiên không phải chỉ bảo kiếm mà thôi. Năm 1983, tại Giang Lăng, người ta lại đào được một ngọn giáo (mâu) của Ngô Vương Phù Sai, về phẩm chất và mỹ thuật cũng tương tự như kiếm của Câu Tiễn. Mâu này dài 29.5 cm, có chuôi để tra vào cán, sống mâu có một rãnh dài, hai bên có khắc hình quả trám giống như Việt kiếm, cùng với hai hàng chữ gồm 8 chữ "Ngô vương Phù Sai tự tác dụng tạc" (lưỡi giáo của Ngô vương Phù Sai). 
Xem như thế, quả thực đời Xuân Thu Chiến quốc, đất Ngô Việt có kỹ thuật rèn đúc đồng sắt rất cao, và những truyền thuyết về bảo kiếm không phải hoàn toàn chỉ là huyền thoại. (Dương Hoằng, sđd tr. 104) 
Đồ đồng của Trung Hoa là một hợp kim bao gồm đồng, kẽm và chì. Có khi họ còn pha cả vàng, bạc. Mỗi đời từ đời Thương (thế kỷ 16-11 trước TL), sang đời Tây Chu (thế kỷ 11-8 trước TL), Xuân Thu (770-476 trước TL), họ lại phát triển những phương thức khác nhau. Cuối đời Chiến Quốc, khi chuyển sang thời đại đồ sắt, họ đã trải qua hàng ngàn năm kinh nghiệm trong việc đúc đồ đồng, và áp dụng những kỹ thuật đó vào việc đúc đồ sắt. Việc tìm ra những loại kim khí mới cứng chắc hơn đồ đồng khiến cho họ càng cố công rèn đúc những loại binh khí sắc bén mà họ pha thêm những dật sự ky kỳ  khởi nguyên của những thanh bảo kiếm trong sử sách.  


Photobucket
Vì sắt thép cứng chắc và cũng đàn hồi hơn đồng, kiếm thép đã có thể đúc dài hơn. Năm 218 trước TL, Trương Lương đã thuê người ám sát Tần Thủy Hoàng, sử dụng một cái chùy nặng tới 160 pounds. Nhiều ngôi chùa bằng sắt đúc cũng được xây, có bảo tháp cao đến 78 feet, chia thành nhiều từng được đúc rời rồi chồng lên nhau, đến nay vẫn còn. Võ Tắc Thiên, vào thế kỷ thứ 7 đã cho xây một ngôi đền cao 294 feet, ba tầng, trên cùng để một con phượng hoàng bằng sắt, mạ vàng cao 10 feet. Bà cũng còn đúc một cột trấn thiên đường kính 12 feet, cao 105 feet, đặt trên một cái bệ hình bát giác, chu vi 170 feet, cao 20 feet. Trên cùng là một tàn mây cao 10 feet, chu vi 30 feet, bốn bên là 4 con rồng bằng đồng, mỗi con 12 feet. Tất cả đều bằng sắt và sách vở chép là lượng kim khí cả thảy 2 triệu lượng, khoảng chừng 1325 tấn. Tác phẩm đúc bằng sắt hiện nay còn tại Hồ Bắc là một con sư tử đời vua Thế Tông nhà Hậu Chu (954 sau TL) đúc kỷ niệm việc chinh phạt quân Liêu (Khiết Đan). Tượng này nặng 40 tấn, cao 20 feet, dài 16 feet, rỗng ruột, có bề dày từ 1.5 inch dến 8 inch. (Robert Temple, Sđd tr. 44) 
Kỹ thuật mỗi ngày một thêm phức tạp, do kinh nghiệm thực cũng có mà do tưởng tượng cũng có. Sách Thiên Công Khai Vật thời Minh phân chia nhiều phương pháp, nhiều kỹ thuật khác nhau trong việc rèn đúc đồng sắt, bao gồm đúc đỉnh, đúc chuông, đúc búa, đúc tượng, đúc súng, đúc kính, đúc tiền. 
Theo sách vở, phương pháp của người Tàu rèn đúc thường qua năm giai đoạn: 
-  tạo hình mẫu 
-  dùng hình mẫu chế tạo khuôn 
-  nấu chảy hợp kim, đổ vào khuôn 
-  đợi cho kim loại đông đặc, lấy ra khỏi khuôn 
-  chạm khắc hay tu sửa mặt ngoài 
Các loại hợp kim pha trộn thông thường bao gồm sắt, đồng, thiếc, vàng, bạc. Theo tài liệu ngày nay, thép là sắt có chứa từ 0.1 đến 1.8% carbon, dưới 0.06% là sắt non mềm dễ uốn nhưng không cứng và không đàn hồi, và trên 1.8% là gang, tuy cứng nhưng dòn, dễ vỡ. Ở Âu Châu, thời kỳ đồ sắt bắt đầu từ khoảng 1300 trước Công Nguyên nhưng ở Trung Hoa dường như sắt chỉ thịnh hành vào khoảng thế kỷ thứ 7 trước TL. Trong Tả Truyện có viết, năm Chiêu Công 29 (tức Tây lịch 513 trước Thiên Chúa) Triệu Ưởng, Tuân Dần nước Tấn dẫn quân xây thành đóng bên sông Nhữ, xin được cấp cho một khối sắt (cổ thiết), dùng lò đúc sắt (chú giới đỉnh) để rèn đúc khí giới. Đây là chi tiết đầu tiên có trong sách vở về việc đúc sắt. Sắt nếu chứa ít carbon (sắt và thép), chỉ cần nung đỏ lên đã có thể dùng búa đập, rèn thành hình. Nếu như có nhiều carbon (gang), lại cần phải nấu chảy thành chất lỏng mới đúc được. 
Các nhà khảo cổ đều cho rằng trước khi tiến đến trình độ đúc gang, nhân loại phải qua giai đoạn rèn sắt (nung đỏ rồi đập cho thành hình). Cứ theo những di chỉ thời Chiến Quốc khai quật được, cho tới thời này người ta chưa đúc được gang nên mới chỉ đến giai đoạn rèn sắt mà thôi. Tuy nhiên, khi khai quật một số khí vật bằng sắt ở Hưng Long, tỉnh Hà Nam, người ta lại đi đến kết luận là việc đúc sắt có thể có trước, vì thừa kế được kỹ thuật đúc đồng và làm đồ gốm, và kỹ thuật rèn sắt lại phát triển sau. Nhiều học giả lại cho rằng cả hai kỹ thuật đó đi song song với nhau, chứ kỹ thuật nọ không phải là cha đẻ của kỹ thuật kia.


Photobucket
Phương bắc phát triển phương pháp rèn sắt, trong khi phương nam lại phát triển kỹ thuật đúc đồng, đúc sắt (Thiên Công Khai Vật, nguyên tác Tống Ứng Tinh, Sái Nhân Hiền, Sái Quả Thuyên tuyển, Thời Báo Văn Hóa, Đài Bắc 1987 trang 124-5). 
Qua đời Hán, người Tàu nghĩ ra ống bễ đôi (double-acting  single-cylinder piston-bellows), có thể quạt liên tục nên nhiệt độ cao hơn loại bễ có từ thời Chiến Quốc và đã biết cách pha trộn nhiều loại kim khí khác nhau để gia tăng độ cứng và độ dẻo của kim loại. Họ cũng khai thác quặng mỏ nên sản xuất được nhiều và biết cách hàn hai loại thép cứng và mềm với nhau để làm lưỡi kiếm hay các loại vũ khí, mặc dù nhiều học giả cho rằng phát kiến này có thể bắt nguồn từ khu vực Trung Á, sau truyền sang cả Đông và Tây (The Cambridge Encyclopedia of China, Cambridge University Press 1991 tr. 447-8). 
Việc dùng các khuôn để đúc hàng loại những dụng cụ, khí giới mà những nhà khảo cổ tìm được tại Sơn Tây và Thiểm Tây, nhất là tại kinh đô nước Yên gần Bắc Kinh, phối hợp với việc rèn thép đã khiến cho đồ sắt trở nên thông dụng, và khí giới bằng thép đã vượt trội các loại khí giới bằng đồng. Trong khi đó, phải tới thời Trung Cổ, người Âu châu mới biết đúc sắt, và việc luyện thép còn sau hơn nhiều. Trung Hoa lại cũng là quốc gia nâng việc đúc sắt lên hàng kỹ nghệ, nghĩa là vừa bỏ công để thực hiện những cơ sở có tầm vóc lại tập trung công tác này trong tay triều đình và ấn định tiêu chuẩn các loại đồ sắt. Việc sản xuất qui mô đó đóng góp đáng kể vào việc phát triển kinh tế cũng như binh bị. Đời Hán, triều đình đã độc quyền sản xuất và phân phối hai món hàng chính là đồ sắt và muối, ngoài thuế má đánh trên nông phẩm để có đủ chi phí cho guồng máy hành chánh và quân sự. 
Vào thế kỷ thứ 2 trước Tây Lịch, đã có ít nhất là 46 xưởng đúc sắt "quốc doanh" trên toàn nước Tàu, và người ta đã tìm ra những khối quặng còn sót lại nặng đến 25-30 tấn, một trọng lượng mà phải đến thế kỷ thứ 18 Âu Châu mới đạt tới. Các loại binh khí, cày cuốc, liềm ... đều có tiêu chuẩn nhất định. Họ cũng chế tạo những lưỡi cày bằng thép, gắn trên cán gỗ và chế ra những loại máy vừa khoan lỗ, gieo hạt thay vì phải gieo lúa bằng tay, một kỹ thuật mà sau này Âu Châu phải bắt chước. Phương pháp thổi hơi nóng qua các khối thép lỏng để tinh luyện kim loại cũng là một kỹ thuật phức tạp mà người Tàu sử dụng từ 20 thế kỷ trước đây tương tự như những lò luyện kim của Henry Bessemer hồi thế kỷ thứ 19 (John Merson, The Genius That Was China, The Overlook Press, NY 1990 tr. 21-22). Kỹ thuật đúc ngày càng trở nên qui mô và phức tạp. 
Về phương pháp rèn sắt, người ta nung nóng cục sắt lên rồi dùng búa đập cho thành hình thù vật mong muốn. Theo sử sách, ngay từ trước công nguyên, người Tàu đã tìm ra được cách tạo nên những lưỡi đao, lưỡi kiếm rất cứng nhưng cũng bền chắc để không bị gẫy khi chiến đấu. Việc pha trộn sắt và carbon, cũng như thay đổi nhiệt độ để đúc kiếm là một công phu hết sức phức tạp. Mọi loại kim khí đều cấu tạo bởi những tinh thể giao kết với nhau, và bố cục của những tinh thể này có ảnh hưởng đến cơ năng của kim loại. Nếu rèn nhiều quá, tuy sắt có cứng hơn nhưng lại dễ gẫy, tương tự như chúng ta bẻ một sợi dây thép bằng cách bẻ qua, bẻ lại nhiều lần. Vì thế việc đúc kiếm, người thợ phải đo lường được tiến trình rèn sắt, không ít quá  vì sắt chưa đủ cứng, nhưng nếu rèn quá lâu, sắt trở thành dòn. Hoặc cũng có phương pháp "quán cương" nghĩa là dùng thép non ghép chung với thép già để thành một khí cụ cứng nhưng vẫn dẻo.  
Nhiều học giả cũng đi đến kết luận là người Tàu cũng là dân tộc đầu tiên biết rút carbon từ gang ra để có được thép. Trễ lắm là thế kỷ thứ 2 trước TL, họ đã biết nguyên tắc này và cũng nhờ đó mà sau này vào thế kỷ thứ 19, Henry Bessemer đã theo để luyện kim[3]. Việc loại trừ được carbon trong thép và gang đã được áp dụng để có sắt non dùng trong việc xây cầu và đúc ống dẫn nước. 
Họ biết cách thổi hơi qua sắt nóng chảy mặc dù không biết rằng họ đã làm công việc khử carbon -- decarburization, mà họ gọi là bách luyện (Robert Temple The Genius of China  3000 years of science, discovery and invention, Prion Books 1998, London, tr. 50). Phương pháp thứ hai dùng để luyện kim là trộn hai loại sắt non và gang để thành thép cũng đã được họ thực hiện từ thế kỷ thứ 5 sau TL. Nhiều sách vở đã đề cập đến phương thức này một cách kỹ càng và gần đây, tại xưởng chế tạo thép ở Corby bên Anh, người ta đã thử nghiệm lại và thành công mỹ mãn. 
Đến nay, ngoài những phương pháp thông thường, ba phương pháp tương đối cầu kỳ hơn đã được áp dụng để chế tạo một thanh kiếm tốt. Phương pháp thông dụng nhất là sau khi rèn xong, người ta nung lên một nhiệt độ thấp rồi cho nguội từ từ (13)món vũ khí. Những người sành coi kiếm chỉ cần nhìn nước thép, cấu trúc của lưỡi kiếm là có thể định được tài nghệ của người rèn kiếm. 
Phương pháp thứ ba là đúc một thanh kiếm mà cái lõi bằng sắt non, nhưng vỏ bao bên ngoài là thép già. Đôi khi người thợ ráp nhiều loại thép có độ cứng khác nhau, từ mũi kiếm, lưỡi kiếm, sống kiếm phần kiếm gần tay cầm và chuôi kiếm, để đáp ứng được vai trò và công năng của từng phần. Kỹ thuật này khó hơn cả đòi hỏi một tài nghệ cao. Làm thế nào để dán được một lớp mỏng trên phần sống kiếm, trong khi lưỡi kiếm vẫn dày chắc là một công việc tỉ mỉ và tinh vi. Nhiều người còn cho rằng muốn cho hai loại kim loại khác nhau gắn liền được với nhau, có khi phải đổ máu mới thành được.
Photobucket
Phép tôi sắt (thối hay kiện) là sau khi rèn xong, kim loại chưa cứng hẳn người thợ nhúng vào nước hay dầu để cho thép cứng hơn. Tuy nhiên, nhiều khi phải để cho nhiệt độ hạ từ từ vì nếu hạ quá nhanh, thanh thép sẽ cứng nhưng dòn. Trong khi phương pháp đúc kiếm có thể bị người khác bắt chước, phương pháp tôi thép lại được giữ rất kín như một kỹ thuật bí truyền. Tôi bằng dung dịch gì, độ nóng ra sao, cách thức thế nào là những bí mật mà tượng nhân không tiết lộ. Vì thế, họ ít cho ai xem cách họ tôi thép như thế nào và việc tò mò tìm biết là một cấm kỵ, nhất là đối với những thợ rèn Nhật Bản.
Đúc kiếm không phải chỉ là một kỹ thuật mà còn được coi là một nghi lễ, nên không hiếm những truyện thần kỳ về những thanh bảo kiếm. Người ta kể rằng Can Tương khi đúc được hai thanh bảo kiếm, một âm một dương, chỉ đem dâng lên Ngô Vương thanh âm kiếm, giấu đi thanh dương kiếm. Khi bị truy nã, thanh dương kiếm biến thành một con rồng xanh đưa Can Tương bay mất. Nhiều thanh kiếm khi rút ra lại phải uống máu người mới cho trở vào bao được. Tượng nhân lại phải trai tịnh, kiêng cữ rượu và chuyện phòng the, cầu đảo khi rèn đúc những thanh kiếm hay đồ vật quí mà người ta cho rằng trở thành thần vật. Tuy nhiên, không có sách vở nào chép về kỹ thuật luyện kim và đúc đồng, sắt một cách chi tiết từ thế kỷ thứ 10 trở về trước nên chúng ta không rõ người xưa đã làm thế nào.
Theo lịch sử, thời Xuân Thu Chiến Quốc, chiến tranh liên tục mấy trăm năm, những tiểu quốc đều phải đặt nặng vấn đề bố phòng chiến đấu. Khoa học quân sự phát triển cũng chính vì liên quan trực tiếp đến sự sống còn của một quốc gia. Trong khi những nước ở mạn bắc và mạn tây nước Tàu chú trọng đến chiến xa do ngựa kéo để di động nhanh trong những vùng thảo nguyên và sa mạc, thì những nước tại đồng bằng lại chú trọng đến phòng thủ, bộ binh và vũ khí ngắn để chiến đấu trong những vùng núi rừng và trên sông rạch. Tại những nước như Mân, Việt, Ngô càng ngày vai trò của bộ binh càng quan trọng. Ngược lại, tại các nước ở mạn bắc và tây như Thục, Tần, Ngụy, Triệu thì kỵ binh vẫn là chính. Chính vì cận chiến trở nên một vấn đề sinh tử, binh khí ngắn và nhẹ để cho dễ mang theo, lại cần sắc bén và tiện dụng. Kiếm chính là loại vũ khí có đủ các ưu điểm đó. Vì thế hai nước đặt nặng việc chế tạo binh khí cho bộ binh là Ngô và Việt, là những nước ở khu vực đồng bằng. Cho đến nay, địa khu của hai nước này vẫn là nơi đào thấy nhiều binh khí nhất. Những truyện truyền kỳ cũng phát xuất từ đây. Kỹ thuật đúc kiếm bằng đồng (thanh đồng kiếm) vẫn được truyền tụng tới nay. Ngoài binh khí, kỹ thuật và một số mặt khoa học xã hội cũng phát triển. Người ta đã biết làm nỏ, kể cả liên châu tuy cồng kềnh hơn cung nhưng có thể để một chỗ mà ngự địch. Cung dùng cho kỵ binh nên phải gọn nhẹ, trong khi nỏ là một loại cung dương sẵn, bao gồm cả việc phóng tên ra lẫn kỹ thuật làm lẫy (thường là kim loại nên việc rèn đúc phải đạt tới một trình độ khá cao mới có được, truyện nỏ thần của ta cũng nói lên dân Việt đã biết áp dụng kỹ thuật đúc đồng vào việc chế tạo vũ khí). 

Photobucket

Trong Khảo Công Ký, có chép: 
“Ngô Việt chi kiếm, biến hồ kỳ địa nhi phí năng lương. (kiếm ở đất Ngô và đất Việt không những chỗ nào cũng có mà lại tốt) Cuối đời Chiến Quốc, người Trung Hoa đã phát triển việc khai thác quặng mỏ, phối hợp việc đúc đồng với đúc sắt và việc sử dụng vũ khí đã khá phức tạp. Nhiều lò đúc mướn đến hơn 200 công nhân và nhiều người trong kỹ nghệ này trở nên giàu có lớn, đóng một vai trò quan trọng trong xã hội (Patricia B. Ebrey, Illustrated History China, Cambridge University Press, 1996 tr. 41).
 Kỹ thuật đúc đồng đúc sắt của người Trung Hoa đã có từ lâu. Cứ theo những khí cụ khai quật được, và sử sách còn ghi chép, việc đúc đồng có từ thời nhà Ân, Thương. Hiện nay trong viện bảo tàng của Trung Hoa và nhiều nước khác còn trưng bày những đồ đồng có từ thời kỳ này. Đầu thế kỷ 20, khi khai quật những cổ tích vùng An Dương, đã tìm thấy những phường đúc, cho biết một số phương thức kỹ thuật đúc đồng thời kỳ ấy. Theo những di chỉ, hơn 2000 năm trước, người Trung Hoa đã đúc được những khí vật rất tinh xảo, và có thể nói là nhất thế giới.
Từ kỹ thuật đúc đồng, người Tàu đã tiến sang kỹ thuật đúc các kim loại khác, nhất là sắt. Việc đúc các khí cụ bằng sắt một cách qui mô đã trở nên một kỹ nghệ quan trọng của Trung Hoa hồi thế kỷ thứ tư trước Tây Lịch (Jacques Gernet,  Le Monde Chinois A History of Chinese Civilization, trans. By J.R. Foster, Cambridge University Press, 1986 trang 28).
 Trong khi nhiều dân tộc khác phải mất một thời gian dài, có khi hàng mấy nghìn năm cách khoảng giữa thời điểm tìm ra sắt đến khi biết cách đúc và rèn kim loại thì người Tàu gần như không bị trở ngại đó. Không những họ nắm vững kỹ thuật nấu và đúc bằng khuôn, mà còn biết cách pha các kim loại, thêm hay bớt carbon để có những loại thép có độ cứng khác nhau, đồng thời lại tìm cách giảm thiểu cái bất lợi của chất thép khi quá nhiều than để thành gang tuy cứng nhưng hóa dòn. Theo những khai quật mới đây ở Giang Tô (Trình Kiều), người ta đã đào được một khối gang từ cuối thời Xuân Thu, tính ra người Trung Hoa đi sớm hơn các dân tộc Âu Châu đến gần 2000 năm, mặc dầu người Âu biết dùng sắt trước.(Trung Quốc Đích Thế Giới Đệ Nhất, Thiểm Tây 1987 tr.228)
Nhiều học giả đã đặt câu hỏi tại sao người Trung Hoa lại biết đúc sắt sớm như thế. Một số yếu tố được đưa ra làm giả thuyết cho sự phát triển này. Thứ nhất, nước Tàu có những loại đất sét tốt dùng làm vách cho những lò luyện kim.



Photobucket
Người Tàu lại biết cách đưa độ nóng chảy của quặng sắt xuống thấp để việc đúc được thuận tiện hơn. Họ cho vào lò chất gọi là "đất đen", chứa nhiều phốt phát sắt (iron phosphate, một loại hợp chất màu vàng khoa học gọi là lân toan thiết). Nếu cho vào khoảng 6% lân tinh (phosphorus) vào hỗn hợp sắt, độ nóng chảy của sắt thay vì là 11300C sẽ chỉ còn là 9500C. Kỹ thuật này được áp dụng cho tới tận thế kỷ thứ 6 sau TL, cho tới khi họ đã tìm được cách làm nóng chảy sắt mà không phải pha chất lân tinh. Than đá cũng được sử dụng từ lâu, vào khoảng thế kỷ thứ 4 sau Công Nguyên hay trước nữa. Việc luyện kim trước đây do một số giòng họ bí truyền, nhưng tới đời Hán (119 BC) tất cả đều bị xung công và biến thành những cơ quan độc quyền của triều đình. Chính sự phát triển trong ngành luyện kim đã đưa đến những tiến bộ trong nông nghiệp, việc sử dụng lưỡi cày một cách rộng rãi hơn và phát minh thêm nhiều nông cụ khác. Ngoài các loại búa, dao, đục, cưa người ta còn tìm thấy những nồi và cả những tượng bằng sắt trong những mộ đời Hán. Từ kỹ thuật dát sắt, người Tàu lại biết cách khai thác muối và khí đốt (Robert Temple, sdd. tr. 42-43)
Tuy các vùng duyên hải và các dân tộc Ngô Việt có một nền văn minh sớm hơn những khu vực khác nhưng cũng sớm tàn lụi, cái tàn lụi thường có sau một thời bình trị. Việt diệt Ngô rồi sau lại bị Sở diệt. Sở là một quốc gia ở vùng Ba Thục, hiếu chiến, luôn luôn dòm ngó trung nguyên. Chính vì thế, những bảo kiếm, đồng kiếm của Ngô Việt đều nằm trong các cổ mộ của Sở chứ không phải tại bản quốc, có lẽ là chiến lợi phẩm mà các vương tôn nước Sở tịch thu khi xâm chiếm hai nước này và rất được ưa chuộng nên chôn theo trong mộ mình. Có ngôi tìm thấy được hơn ba mươi thanh kiếm. Điều này cũng dễ hiểu vì Sở, Tần vốn dĩ là những dân tộc miền rừng núi Tây Vực, tuy thiện chiến nhưng văn minh đi sau các quốc gia vùng đồng bằng, điển hình là những dân tộc ven biển như Nam Việt, Mân Việt. Sterling Seagrave, một tác giả nổi tiếng chuyên viết về Trung Hoa, đã khẳng định rằng những người thuộc các bộ tộc Việt miền nam sông Dương Tử, từ thời Tần Hán về sau đã là nạn nhân của nhiều vụ xâm lăng có tính diệt chủng của người Tàu phương Bắc, phương Tây và nhiều cuộc di cư qui mô đã đưa những người dân tháo vát, thông minh nhưng hiếu hòa này xuống vùng Đông Nam Á, kể cả Đài Loan, Philippines tạo thành một tầng lớp thương nhân có sức mạnh kinh tế vô cùng to lớn. Thuyết của Seagrave có nhiều điểm tương đồng với thuyết cho rằng dân tộc Việt Nam cũng khởi nguyên từ vùng hạ lưu sông Dương Tử. (The Invisible Empire of the Overseas Chinese: Lord of the Rim, Children of Yueh, G.P. Putnam's Son, 1995)

Photobucket
Ở nước ta, truyền thuyết về bảo đao bảo kiếm ít người nói tới. Những bảo kiếm trong lịch sử Việt Nam phần lớn không nói tới sự sắc bén mà nói tới giá trị pháp lý, tượng trưng cho một triều đại hay uy quyền. Thượng Phương bảo kiếm là kiếm mà nhà vua thường ban cho đại thần cái quyền tiền trảm hậu tấu (giết người trước rồi tâu vua sau, như một ủy thác toàn quyền hành động không giới hạn) khi thống lãnh binh đội đi dẹp giặc. Thanh kiếm của triều Nguyễn có chuôi nạm ngọc, lưỡi bằng thép, vỏ kiếm có khắc "Khải Định niên chế" và "Trọng Kim Tứ Lạng Thất Ngũ Phân" (trọng lượng 4 lạng 7 chỉ 5 phân). Thanh kiếm này cùng với ấn của triều Nguyễn được trao lại cho chính quyền Việt Minh năm 1945 khi vua Bảo Đại thoái vị. Về sau người Pháp lại tìm thấy và trả lại cho Cựu Hoàng. Hiện nay không biết ở đâu, nhưng nhiều người cho rằng do Thái Tử Bảo Long thủ quản (Lê Văn Lân, Chiếc Bảo Ấn cuối cùng của Hoàng Đế Việt Nam, Làng Magazine, 1998 tr. 18-26). 
Kiếm của ta cũng khác của Tàu. Trong khi kiếm Trung Hoa là loại hai lưỡi, kiếm của Việt Nam lại giống như một con dao dài, một bên là lưỡi, một bên là sống, đầu hơi cong lên, và thường được gọi là gươm hay quất. Gươm chủ yếu để chém trong khi kiếm lại dùng để đâm. Khi sử dụng làm võ khí, nếu dùng một thanh kiếm thì gọi là đơn kiếm, nếu sử dụng hai tay hai thanh kiếm thì gọi là song kiếm. Nhiều môn phái của Trung Hoa có những đường kiếm nổi danh, hoặc luyện tập cá nhân hay dùng trong trận thế. Hiện nay trên núi Võ Đương người ta vẫn còn tập những bài kiếm trận. Trong dân gian kiếm thường chỉ được dùng như một cánh tay nối dài chẳng hạn như trong bài Thái Cực Kiếm.