Saturday, October 30, 2010

Đề cúc hoa - Hoàng Sào

 
 
题菊花  黄巢 
 
飒飒西风满院栽,  
蕊寒香冷蝶难来。  
他年我若为青帝,  
报与桃花一处开。 
 
Đề cúc hoa - Hoàng Sào

Táp táp tây phong mãn viên tài
Nhị hàn hương lãnh điệp nan lai
Tha niên ngã nhược vi Thanh đế
Báo dữ đào hoa nhất xứ khai 


Viết cho hoa cúc 

Ào ạt vườn tây gió thổi qua,
Hương tàn, nhuỵ héo, bướm ong xa.
Năm sau ví phỏng ta làm chúa,
Lệnh xuống phù đồ nở đầy hoa.

Badmonk


Bán kiên cung kiếm nhứt trạo giang sơn. Nguyên do hai câu thơ:

Bán kiên cung kiếm bằng thiên tuấn,
Nhứt trạo giang sơn tận địa duy.

Nửa vai cung kiếm tận trời cao,
Non sông khắp cõi xông pha một chèo. 


Đây là hai câu thơ khí phách của Hoàng Sào, tướng giặc nổi danh đời nhà Đường.

Nguyên nhà Đường từ đời vua Đại Tông (763-765) đến Hy Tông (874-888) thì quốc thế càng suy vi. Phiên trấn hoành bạo ở ngoài, hoạn quan chuyên chính bên trong. Phiên trấn thì nắm quyền thưởng phạt sinh sát nhân dân trong tay; hoạn quan thì thiện tiện phế lập vua chúa. Chính cuộc đã nguy như thế làm cho mối loạn trong dân gian ngày càng tăng gia nguy ngập. Những bần cố nông phải bỏ trốn lưu lạc. Một số có ít đất ruộng bị kiêm tính cũng bỏ quê quán mà thành lưu vong, hoặc tụ họp làm trộm cướp, hoặc làm điền hộ ở các trang viên. Tài chính bị kiệt quệ, kho tàng nhà nước hư không, triều đình phải đánh thuế nặng. Vừa binh tai, lại xảy ra thủy tai và hạn tai luôn năm làm cho nhân dân càng lâm vào tình trạng cực kỳ khốn khổ. Lúc bấy giờ ở Tào Châu, làng Xích Tướng có một người tên Hoàng Sào tự Cự Thiên, vốn con của một nhà bán muối. Sào rất thông minh, văn võ đều giỏi nhưng vẻ người rất xấu. Năm Càng Phủ thứ ba (876) đời vua Hy Tông, Hoàng Sào đi thi đỗ được Võ cử Trạng nguyên. Vua thấy hình dung "cổ quái" của Sào nên không dùng, đuổi Sào đi.

Hoàng Sào ra khỏi triều môn trở về, giữa đường ghé quán nghỉ, lòng đầy căm tức. Sào nghĩ thầm: - Khi đăng bảng mở khoa thi thì nói chọn người văn chương và võ nghệ mà thôi, chớ không thấy nói chọn người mặt mày đẹp đẽ. Nếu ta dè hôn quân muốn lấy diện mạo chọn người thì ta có đi thi làm chi cho uổng công. 
Tức khí quá, Hoàng Sào lấy bút mực viết một bài thơ trên vách quán rồi bỏ ra đi:

Lược thao như mỗ đáng phong hầu,
Mắt thịt hôn quân dễ biết đâu?
Nếu được đôi ba ngàn tử đệ,
Đoạt thâu thiên hạ bốn trăm châu.
Tào Châu Hoàng Sào tự Cự Thiên đề. 


Quân tuần thành đến quán trông thấy bài thơ liền chép lại dâng lên vua. Nhà vua tức giận truyền họa đồ hình Hoàng Sào và ra lịnh tập nã. Sào hay tin, không dám đi đường lớn nữa mà phải lặn lội trong rừng núi để về quê.

Có truyện chép rằng: một hôm Hoàng Sào ghé vào chùa nghỉ, có tiên cho mượn gươm báu. Sào định thử gươm mới bảo các sãi trong chùa tìm nơi ẩn trốn kẻo bị gươm báu chém nhằm. Đến giờ ngọ, Hoàng Sào ra đứng giữa trời, nhìn ngay mặt trời khấn rằng: - Tôi là Hoàng Sào tự Cự Thiên, nghĩ vì đời vua này vô đạo, chẳng kể hiền tài, cứ nghe lời gian nịnh cho nên đạo tặc phong khởi, hào kiệt ly tâm, thiên hạ nhiễu nhương, trăm họ khổ thống. Vậy tôi muốn ra sức trừ loài gian nịnh, cứu nạn cho sinh linh, đoạt lấy xã tắc, sửa trị ngôi trời. Nay tôi muốn thử sức gươm linh xin hoàng thiên giúp sức nếu vạn sự kết quả như lòng tôi muốn thì xui tôi chém một gươm cho tốt. Đoạn, cầm gươm ra khỏi cổng chùa, nhìn chung quanh không thấy ai cả. Thấy một cây đại thọ ở bên đường, Sào liền đưa gươm lên chém phạt ngang một gươm. Cây đại thọ đứt hai đổ xuống, nhưng có làn máu đỏ vọt ra. Sào cực kỳ ngạc nhiên nhìn kỹ lại là ông sãi cả ở chùa. Thì ra vì ông sãi cả nghe lời Hoàng Sào bảo mọi người trong chùa phải tìm chỗ ẩn trốn khi Sào thử gươm linh, nhưng ông không biết chỗ nào trốn cho kín. Ông lấy làm lo sợ quá, nhìn thấy một cây đại thọ có cái bộng to nên chun vào đó, ý định toàn thân... không ngờ lại không toàn!

Hoàng Sào đau lòng than thở, đoạn quảy gói mang gươm lên đường, thẳng lên Thái Hành Sơn chiêu binh mãi mã. Non một năm, Sào chiêu mộ được trăm muôn binh thêm một số tướng tá văn võ kiêm toàn: Châu Ôn, Thượng Nhượng, Liễu Ngạn Chương, Liễu Ngạn Tùy, Các Tùng Châu, Đặng Thiên Vương, Mạnh Tuyết Hải. Hoàng Sào đặt Thượng Nhượng làm quân sư và các tướng toàn Tổng binh. Thế lực rất mạnh. Hoàng Sào tự hiệu là Xung thiên đại tướng quân, đem hơn 10 vạn quân đoạt được nhiều châu khác và vượt qua sông Dương Tử, xuống cướp miền Giang Nam, ra phía đông đến Chiết Giang, lại đánh Phúc Châu, Kiến Ninh, rồi thẳng đường xuống đoạt Quảng Châu. Ở đây, Hoàng Sào giết hại rất nhiều nhân dân trong thành thị, cùng 20 vạn người ngoại quốc buôn bán, gồm những giáo đồ Hồi Hồi, Cơ Đốc, Bái Hỏa và người Do Thái, người Hy Lạp. Sau vì miền nam có bịnh dịch, Hoàng Sào kéo quân lên bắc. Năm 880, vây hãm Đông Đô rồi chiếm lấy Trường An, cướp phá và giết chóc những người quý tộc, quan lại và phú hào, số không kể xiết. Vua Hy Tông bấy giờ phải bỏ hoàng thành chạy vào đất Thục. Hoàng Sào tự xưng là Đại Tề hoàng đế. Thật là thỏa chí bình sinh.

Hoàng Sào trước muốn cứu muôn dân ra khỏi cảnh lầm than tang tóc, nhưng đến khi thực hành thì lại chẳng cứu muôn dân mà còn gây thảm họa chết chóc cho nhân dân nhiều thêm nữa. Tướng Châu Ôn là bộ hạ của Hoàng Sào lại đầu hàng quan triều. Trong số hơn 50 vạn quân của Sào, một số chán ghét Sào bỏ chạy theo Châu Ôn. Còn vua Hy Tông sau khi trốn chạy vào Tứ Xuyên, nhờ người Tây Đột Quyết là Lý Khắc Dụng đem quân cứu viện. Triều Đường được trung hưng. Năm 884, Hoàng Sào bị Lý Khắc Dụng đánh bại rồi bị tên bộ hạ ám hại tại Biện Châu. Có sách chép là Hoàng Sào đánh trận bị thương nặng trở về tư dinh, đâm cổ tự tử.
 Trong tác phẩm "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du, đoạn tả khí phách của Từ Hải có câu:

Giang hồ quen thú vẫy vùng,
Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo.

Hai câu này thoát ý câu thơ của Hoàng Sào như trên:

Bán kiên cung kiếm bằng thiên túng,
Nhứt trạo giang sơn tận địa duy. 


Cũng trong tác phẩm "Đoạn trường tân thanh", đoạn Thúy Kiều khuyên Từ Hải hàng triều đình, có câu:

Ngẫm từ khởi việc binh đao,
Đống xương Vô Định đã cao bằng đầu,
Làm chi để tiếng về sau?
Ngàn năm ai có khen đâu Hoàng Sào? 


Hoàng Sào là do điển tích trên .Kiều đem Hoàng Sào ra để thuyết Từ Hải biết là Từ có tài giỏi dũng lược như Hoàng Sào chăng nữa, thì cũng chỉ lưu lại đời sau cái tiếng làm giặc mà thôi.
Nhưng ở đời từ xưa đến nay, được làm vua thua làm giặc là một lẽ thường.
Không chỉ có tài võ, Hoàng Sào còn là một nhà thơ. Bài thơ nổi tiếng nhất của ông còn lưu lại trong tập thơ Đường chính là bài "Đề cúc hoa" 

Friday, October 29, 2010

Đề Trương Thị Ẩn Cư (2) - Đỗ Phủ



題 張 氏 隱 居  杜甫

之 子 時 相 見
邀 人 晚 興 留
濟 潭 鱣 發 發
春 草 鹿 呦 呦
杜 酒 偏 勞 勸
張 梨 不 外 求
前 村 山 路 險
歸 醉 每 無 憂


Đề Trương Thị Ẩn Cư (2) -  Đỗ Phủ
 
Chi tử thì tương kiến  
Yêu nhân vãn hứng lưu  
Tế đầm chiên phát phát  
Xuân thảo lộc ao ao  
Đỗ tửu thiên lao khuyến  
Trương lê bất ngoại cầu  
Tiền thôn sơn lộ hiểm  
Quy tuý mỗi vô ưu .
 
Đề Thơ Nơi Ở Ẩn Của Họ Trương (Bài hai)
 
Gặp nhau tay bắt mặt mừng,
Tâm tình chưa trọn, chiều rừng giữ chân.
Nai vui về gặp cỏ xuân,
Đầm sau cá vẩy đớp nhầm sao bay.
Bác Đỗ nâng chén trao tay,
Bác Trương gọt táo mắt say ép mời.
Giữa khuya về lại chân đồi,
Mới hay khi xỉn thấy đời nhẹ tênh...
 

Trúc chi từ - Lưu Vũ Tích



劉禹錫  竹枝詞

楊柳青青江水平, 聞郎江上唱歌聲。
東邊日出西邊雨, 道是無晴還有晴。


Trúc chi từ - Lưu Vũ Tích

Dương liễu thanh thanh giang thủy bình
Văn lang giang thượng xướng ca thanh
Đông biên nhật xuất tây biên vũ
Đạo thị vô tình hoàn hữu tình.

Khúc ca Trúc-chi

Xanh xanh dương liễu đôi bờ,
Hò ơ... Anh chống thuyền chờ em qua...
Tây mưa, đông nắng chan hòa,
Trong vô tình ấy hóa ra hữu tình...

 

Tuesday, October 26, 2010

Cung Trung Đề - Lý Hoàn

 
 
Cung Trung Đề - Lý Hoàn

Liễn lộ sinh thu thảo
Thượng Lâm hoa mãn chi
Bằng cao hà hạn ý
Vô phục thị thần tri  


Thơ đề trong cung

Lối củ lấp đầy bóng cỏ lau,
Thượng Lâm hoa hé nụ vườn sau.
Mực tâm, thơ ý cao vô tận,
Mấy kẻ công hầu hiểu gì đâu
.

Sunday, October 24, 2010

Đáp Liên Hoa kỹ nữ - Trần Đào

Photobucket


答蓮花妓  陳陶

近來詩思清于水,
老去風情薄似雲。
已向升天得門戶,
錦衾深愧卓文君。

Đáp Liên Hoa kỹ nữ - Trần Đào 

Cận lai thi tứ thanh vu thủy , 
Lão khứ phong tình bạc tự vân . 
Dĩ hướng thăng thiên đắc môn hộ , 
Cẩm khâm thâm quý Trác Văn Quân . 



Trả lời kỹ nữ Liên Hoa 


Dạo đây thơ ý trong hơn nước
Tuổi xế chiều tình nhẹ mây xuân
Hướng lên cao mộng không trọn vẹn
Gấm thêu nào thẹn áo Văn Quân ...

Sơn trung vấn đáp - Lý Bạch

Photobucket


山中問答  李白 

問余何意棲碧山 
笑而不答心自閑 
桃花流水杳然去 
別有天地非人間 

Sơn trung vấn đáp - Lý Bạch


Vấn dư hà ý thê bích sơn 
Tiếu nhi bất đáp tâm tự nhàn 
Đào hoa lưu thủy yểu nhiên khứ 
Biệt hữu thiên địa phi nhân gian. 



Đáp lời hỏi trong núi


Hỏi ta sao ở núi xanh ?
Chỉ cười không nói, lòng thanh thản nhàn.
Đào rơi nước cuốn nhẹ nhàng,
Rằng đây khác chốn nhân gian bão bùng...




Tống Biệt - Vương Duy

Photobucket


王維  送別 

下馬飲君酒, 問君何所之? 
君言不得意, 歸臥南山陲。 
但去莫復聞, 白雲無盡時。 

Tống Biệt - Vương Duy

Há mã ẩm quân tửu
Vấn quân hà sở chi?
Quân ngôn bất đắc ý
Quy ngọa Nam sơn thùy
Đãn khứ mạc phục vấn
Bạch vân vô tận thì
 


Tiễn biệt

Xuống ngựa mời nhau rựu
Hỏi anh định về đâu
Anh bảo đời thật chán
Thôi về ẩn núi Nam
Bạn ơi đừng hỏi nữa
Mây trắng chẵng ngừng bay....


Xuống ngựa ly bôi chén trao tay
Đường xa vạn nẽo nào anh hay
Đời muôn giai điệu buồn, vui, lạ...
Xin trả , quay về ẩn núi Nam.
Ta đi xin bạn đừng hỏi nữa
Mây trắng muôn trùng bay lại bay...

Saturday, October 23, 2010

Sơn Cư - Lư Luân

Photobucket

山居  盧綸

登登山路行時盡
決決溪泉到處聞
風動葉聲山犬吠
一家松火隔秋雲

Sơn Cư  - Lư Luân 


Đăng đăng sơn lộ hành thời tận 
Quyết quyết khê tuyền đáo xứ văn 
Phong động diệp thanh sơn khuyển phệ 
Nhất gia tùng hỏa cách thu vân



Nhà trên núi 


Loanh quanh núi chạm mây trời,
Song trùng tiếng suối cuộn nơi thác mù.
Chó tru vì lá phong rung,
Bếp thông tỏa khói quyện cùng mây qua ...

Bản Sự Thi - Tô Mạn Thù (Su Manshu)

Photobucket

本事詩  Saburo  
 
春雨樓頭尺八簫 
何時歸看浙江潮 
芒鞋破缽無人識 
踏過櫻花第幾橋 
 
Bản Sự Thi - Tô Mạn Thù  (Su Manshu)

Xuân vũ lâu đầu xích bát tiêu
Hà thời qui khán Chiết Giang Triều
Mang hài phá bát vô nhân thức
Ðạp quá anh hoa đệ kỷ kiều 
.


Truyện thơ ( Trích đoạn )

Tiêu vọng, quê người, mưa lệ sa ...
Chiết Giang quê củ mộng nhạt nhòa .
Chân qua tám biển cầu nhân thế
Lạc bước vô tình dẫm lên hoa ...


Quê người
Tiêu gọi hồn quê
Chiết Giang cố quận
Ngày về còn đâu ...
Anh đào mấy độ phai mầu
Giày rơm giẫm cánh,
Dưới cầu thiều quang . 


Badmonk

Tô Mạn Thù cha là Hoa ở Nhật , mẹ ông cũng là người Nhật. Ông sinh ra ở Nhật, trở về Trung Quốc năm 10 tuổi, rồi lại quay trở lại Nhật học. Năm 20 tuổi ông thế phát làm tăng nhân, lãng du thiên hạ.
Đa phần thơ của Tô Mạn Thù là thơ thất tuyệt, "Bản sự thi" là tên chung cho một nhóm những bài thơ tự sự của ông, chứ không phải tên của một bài duy nhất, phong cách chịu ảnh hưởng của Lý Thương Ẩn và Cung Tự Trân. Ngoài thơ, Tô Mạn Thù còn viết tiểu thuyết, trong đó nổi tiếng nhất là Đoạn hồng linh nhạn ký đã được Bùi Giáng dịch ra tiếng Việt. (Theo VH.Org )

Friday, October 22, 2010

Ngải ngậm hương trầm

Ngải ngậm hương trầm

Vietsciences-Võ Quang Yến       
 

 Lên non đón gió tìm trầm,
 Xui ong làm mật, giục tằm nhả tơ.
Ca dao

Theo truyền thuyết, bà Thiên Y A Na khi rời cha mẹ nuôi lên Bắc Hải cũng như khi đem hai đứa con Tri và Quý trốn Bắc Triều về lại Cù Huynh, đều núp lén trong cây trầm rồi để cho dòng nước cuốn đi. Hương trầm thơm tỏa ngào ngạt nên nơi cây trao dạt vào bờ được gọi là Hương Sơn (thuộc tỉnh Khánh Hòa). "Ở huyện miền núi Con Cuông (Nghệ Tĩnh), có một địa danh tên là Trầm Hương. Người ta bảo, nơi đây, xưa kia có một rừng trầm nằm dọc theo bờ sông Lam. Rễ cây lan man khắp đồi núi và vệ sông, tỏa mùi thơm lên cả mặt nước, cỏ cây và bầu trời. Hương thơm đậm đặc đến nỗi những đám mây bay qua đó cũng tẩm hương, rồi mây bay theo chiều gió dạt về mạn dưới thành những trận mưa có vị thơm - người ta gọi là mưa hương "(8). Người Chăm tin đấng thượng đế khi giao phó thần Pô Ino Nagar xuống khai phá mặt đất cho phép bà đem theo lúa và trầm thể hiện oai quyền mầu nhiệm của mình. Chùa Bảo quốc ở Huế chứa một mảnh gỗ trầm hương dài 80, phân rộng 40 phân, dày vài phân, có hình dung một con người. Tục truyến lúc trước có người mua đem về nhà thì tai họa liên miên nên phải đem lên chùa gởi để các vị sư luông hương đèn cúng bái, mong bài trừ được những ảnh hưởng xấu (3).

Mảnh gỗ trấm hương chùa Bảo Quốc (3)

Cây trầm cống hương

Những huyền thoại được lưu truyền bắt nguốn từ hương thơm của cây trầm. Cây gỗ không chìm nầy còn mang tên trầm kỳ, trà hương, gió núi, dó bầu. Gỗ cây thường được gọi gỗ kỳ nam hay gỗ trầm hương. Trong một cây trầm có thể có cả hai loại kỳ nam (bois d’aloès) và trầm hương (bois d’aigle), hương thơm xen lẫn chút cay, khác nhau ở chỗ mùi vị, một bên vừa chua vừa ngọt, bên kia hơi đắng lại có phần dịu ; thường kỳ nam quý hiếm hơn trầm hương (5). Trong các báo khoa học, tên nôm na của cây trầm là agarwood hay agalwood (gỗ thạch), có khi eaglewood (gỗ đại bàng). Riêng người Nhật Bản có nhiều tên gọi : jinko, jinkok, kanakok, kanankok, kyara hay ryoku-yu. Hai danh từ jinkok và kanakok thường được dùng để chỉ định những loại trầm thu nhặt ở Việt Nam và xuất cảng qua Hồng Kông, rất được chú trọng những năm gần đây (13-19). Thường kỳ hương được xếp thành loại hắc kỳ (màu đen, hảo hạng, đắc tiền nhất), thanh kỳ hay hoàng kỳ (màu xanh vàng) và bạch kỳ (màu trắng đục). Ngày nay, trên thế giới, nhu cầu vượt quá xa nguồn cung cấp và thu hoạch không có phương pháp, lắm khi bất hợp pháp ở vài nước nên Quy ước Thương mãi Quốc tế về những Loài động vật và Thực vật Hoang dã Lâm nguy cơ CITES đã lên tiếng báo động và kêu gọi thực thi Quy ước cùng kiểm tra thương mãi (9).       .
Cây trầm lớn, cao khoảng 15-30 m, có khi lên đến 40 m, mọc ở châu Á từ Ấn Độ, Miến Điện, Trung Quốc, Thái Lan, qua Mã lai, Cao Mên, Lào, Nam Dương. Ở Việt Nam, cây trầm mọc nhiều ở miền Trung, từ Quảng Trị, Thừa Thiên vào Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, đến đảo Phú Quốc (5b). Cây trầm thuộc chi Aquilaria, họ Trầm (*) hay Trầm hương Thymeleaceae (**). Aquilaria do tiếng La Tinh aquila (aigle, chim đại bàng) mà ra, nên danh từ Pháp bois d’aigle hay Anh eaglewood chỉ định những loại gỗ khối nhựa, màu nâu, có khi mang đường rạch vằn hay vết lốm đốm như lông chim (2). Aquilaria  gồm có nhiều loài : A. agallocha Roxb., A. baillonnii Pierre ex Lam., A . banaensis Pham Hoang Ho, A. crassna Pierre ex Lecomte (tiếng Campuchia chỉ trầm là krasna hay chan krasna), A. malaccensis Benth, A. sinensis (Lour.) Gilg. hay Spreng (7), vừa rồi mới có tìm ra A. rugosa ở Việt Nam,     lắm khi khó phân biệt. Trong các loài thuộc Aquilaria thìA. crassna, A. malaccensis và A. sinensis có tiếng cống hiến nhiều kỳ nam hay trầm hương, nhưng được khảo cứu nhiều nhất là A. agallocha và chẳng thấy dấu vết A. crassna trong tập Chemical Abstracts. Trái lại, ở Việt Nam thấy có nghiên cứu chọn giống cây có cơ chế tạo trầm tự nhiên cây trầm hương (dó bầu) A. crassma 20 năm tuổi trên vùng đảo Phú Quốc (10). Ngoài ra cũng thấy có khai thác các câyAloexylon agallochum Lour., Excoecaria agallocha Linn. (*)
    
                                                   Aquilaria crassna và A. baillonii (**)
 Aquilaria crassna
Gỗ cây trầm rất quý nên lúc xưa được các thổ dân miền sơn cước dùng làm lễ vật đưa về cống nộp cho vua chúa. Cách đây hơn 250 năm, nhận được biểu của Mạc Thiên Tứ, trấn thủ Hà Tiên, báo cáo về việc tế lễ, để tỏ lòng đặc biệt ưu ái với vị trọng thần biên trấn, chúa Đỉnh Quốc Công Nguyễn Phúc Thụ đã ban cho hai thanh gỗ trầm hương. "Hai thanh cống hương đen như huyền, bản rộng hơn tấc, cao những hàng xích. Một thanh dựng ở giữa tế đàn Sơn xuyên, một thanh dựng ở giữa tế đàn Xã tắc. Khói đốt bốc thẳng đứng, như hai cây cột khói thơm dựng ở giữa trời. Hương trầm tỏa ngan ngát giữa đêm thanh, trăng sao lồng lộng ; dân cư tận xa vòng ngoài Trúc bằng thanh, còn nghe thấy mùi thơm trộn trong gió chướng rao rao" (4).
Nguyên gốc của kỳ nam hay trầm hương, tuy đã được nghiên cứu nhưng chưa thấy giải thích tường tận. Từ xưa nhiều giả thuyết đã được đưa ra, chẳng hạn như kiến sống trên cây chế mật rơi lên gỗ, lâu ngày thấm vào thành hương thơm (5a). Cũng cùng ý ấy, một giả thuyết khác cho những cây có tổ kiến hay tổ mối dưới chân thì đào tận rễ dễ tìm ra (5). Có người lại tin phân chim ở kẽ cành biến chất cũng có thể tạo thành trầm (*). Thật ra  nhìn từ bên ngoài rất khó xác định một cây có trầm. Ngày nay, người ta nhận thấy kỳ nam hay trầm hương là một khối nhựa do cây tiết ra để tự băng bó, bảo vệ chống vi trùng , thời tiết khi có vết thương. Biết vậy, những người tìm trầm khi kiếm ra cây có khả năng cống hiến trầm thì cố ý vạch cắt cây gây vết thương rồi đợi khối nhựa cấu thành, có khi nhiều tháng, nhiều năm. Cơ chế cấu tạo khối nhựa có thể là một hiện tượng thoái hóa vi khuẩn, nhưng thực chất hơn là do nấm gây ra. Người ta đã tìm ra được những loại nấm Mycelia, Menanotus flavolines (16), Epicoccum granulatum (6) nhiễm gỗ cây trầm. Nấm Mycelia còn có một đặc điểm nữa là cho phát hiện trong mảnh trầm cắt những oleoresin trước không có trong cây. Ngoài ra, loại nấm bậc cao nâu sẫm Cytosphaera mangiferae Died. trích chiết từ gỗ cây A. agallocha đang biến chất thành trầm, cho nhiễm vào những mảnh gỗ Aquilaria thì chế biến ra gỗ có hương thơm mùi trầm. Thí nghiệm không thành nếu dùng những mảnh gỗ các cây Syzyum hay Amoora mọc cạnh các cây Aquilaria kia trong những khu rừng Sylhet ở Bangladesh hay dùng các nấm Penicillum sp., Aspergillus sp., Fusarium sp. cũng được trích chiết từ các cây A. agallocha đã bị nhiễm. Theo tác giả công trình khảo cứu nầy thì côn trùng đã đem nấm vào các lỗ nứt, kẽ nẻ của vỏ cây (6). Từ A. agallocha cũng đã chiết xuất một loại nấm Paecilomyces varioti đặc biệt có khả năng xúc tác những phản ứng khử, kết vòng, kết hydroxy… biến hóa citronellal ra isopulegol, menthon ra menthol, cinnamaldehyd ra cinnamid acid,… (26).

Hương thơm cây trầm

Hương thơm trong cây trầm là do các phân tử chromon và sesquiterpen mà ra. Những chromon có thể là agarotetrol hay isoagarotetrol chứa nhiều nhóm hydroxy. Hai chất nầy có trong những cây trầm Tân Gia Ba và Việt Nam theo tỷ lê 2 :1 (14). Những chromon khác phần lớn là những dẫn xuất của ethyl phenyl chromon tìm ra trong A. agallocha và A. sinensis : hydroxy, dihydroxy, methoxy, dimethoxy, tetrahydroxy, tetrahydroxy tetrahydro; của ethyl phenyl pentahydroxy chromon ; của ethyl phenyl methoxy chromon : methoxy, dimethoxy ; của ethyl phenyl tetrahydro chromon ; của ethyl phenyl pentahydro chromon. Người ta cũng đã tìm ra được những ethyl biphenyl chromon và ethyl triphenyl chromon. Một công trình khảo cứu về tương quan giữa chất lượng và thành phần trầm bán ở Hồng Kông với agarotetrol và isoagarotetrol qua một loạt đo các làn sóng 270-400 nm cho thấy một số hoá chất khác ngoài chromon. Những sesquiterpen phần lớn tìm ra trong A. agallocha, cũng có một số tài liệu khảo cứu trên A. malaccensis và A. sinensis. Những phân tử được các nhà khảo cứu Ấn Độ chiết xuất trước tiên từ tinh dầu trầm là agarol bên cạnh gmelofuran và những agarofuran : dihydro, hydroxy dihydro, norketo hay epieudesmol là agarofuran mở vòng, đồng thời với agarospirol và oxoagarospirol. Cũng cùng loại selimanic furanoid nầy, những jinkohol đã được tìm ra cạnh jinkoh-ceremol.
Với công thức tương tự, các tác giả Trung Quốc đã chiết xuất những baimuxinol, dihydro baimuxinol, isobaimuxinol, baimixinal, baimuxinic acid, baimuxifuranic acid, sinanofuranol từ A. sinensis bên cạnh những hóa chất tương đối thông thường như benzyl aceton, methoxy benzyl aceton, anisic, palmitic, octadecenoic, dienoctadecanoic acid trong tổ chức gỗ. Ba chất sau nầy thay đổi thành phần khi gỗ bị nhiễm nấm Menanotus flavolines, đồng thời cũng xuất hiện oxoagarospirol. Bước qua sườn guain thì một loạt bảy sesquiterpen được xác định trong trầm Việt Nam mà quan trọng nhất là guaiadienal đã góp phần lớn trong mùi hương thanh nhã. Tinh dầu trầm Việt Nam, theo các nhà khảo cứu Nhật Bản, thì ngoài guaiadienal, còn chứa selinadienol, selinadienon bên cạnh guaiene, bulnesen, agarofuran, kusunol, karanon, dihydro karanon, oxoagarospirol cùng các ethyl phenyl chromon đã thấy ở trên (15), năm eudesman sesquiterpen cùng epoxy norketo guaien, dehydro jinkoh-eremol và neopetasan (19). Các tác giả nầy cho jinkoh có thể là A. sinensis, còn kanankoh tức A. agallocha thì có hai loại : một loại giàu guaien và eudesman đã oxi hóa, loại kia có oxoagarospirol là thành phần sesquiterpen chính (17). Trước đó, một nhóm khảo cứu viên Nhật Bản khác đã so sánh tinh dầu hai loại trầm Việt Nam (loại A : A. agallocha) và Nam Dương (loại B : có thể là A. malaccensis) thì thấy thành phần và tỷ lệ rất khác nhau (13). Tinh dầu % loại A : agarofuran (0,6), norketo agarofuran (0,6), agarospirol (4,7), jinkoh-eremol (4,0), kusunol (2,9), dihydro karanon (2,4), oxoagarospirol (5,8) ; loại B : agarofuran (1,3), epieudesmol (6,2), agarospirol (7,2), jinkohol (5,2), jinkoh-eremol (3,7), kusunol (3,4), jinkohol II (5,6), oxoagarospirol (3,1).
Ngoài hai loại chromon và sesquiterpen vừa thấy, một vài hóa chất khác cũng đã được tìm ra : liriodenin, aquillochin trong thân cây A. agallocha, dibehenyl ferulyl glycerid (0,55%), decatrienyl phorbol acetat trong vỏ cây A. malaccensis. Trong hai chất sau nầy, chất thứ nhất có một liều gây chết LD50 0,8 microg/ml chống hệ thống P-388 chứng bạch cầu lympho bào in vitro nhưng vô hiệu in vivo, liều gây chết LD50  của chất kia là 0,0022 microg/ml in vitro. Đây là lần đầu tiên những chất nầy được xác định có một hoạt động gây hại tế bào in vitro(11). Về mặt duợc liệu, tinh dầu chiết xuất từ A. agallocha có một hoạt động nhỏ trợ tim. Gần đây nhờ có tính chất gia tốc sự cấu tạo collagen, nó được dùng làm thuốc  làm dẻo da, ngừa da nhăn, chữa chấn thương (24), nhờ tính chất chống melanin cấu tạo nên được dùng làm thuốc bảo vệ da chống nhiễm sắc tố, vết hoe (25); nó cũng được dùng trong một liều thuốc gồm có hổ phách, mộc hương, đinh hương, đàn hương, hương phụ,… để làm thuốc chống co giật đồng thời gây ngủ (27). Bên phần A. sinensis  thì tinh dầu có hoạt động khử những vi khuẩn gam âm và gam dương (28), hợp với nhiều chất khác để làm thuốc chống béo (23), chữa gan (22). Thật ra, từ xưa ở nước ta, kỳ nam và trầm hương đã được dùng làm thuốc giải nhiệt, chống đái, chữa đau bụng, đau ngực, ỉa chảy, nôn mửa, khí thủng, trị sốt rét, suyển kinh niên (5a) , bí tiểu tiện, bổ dạ dày nhờ có vị cay, tính hơi ôn, vào ba kinh tỳ, vị và thận, có tác dụng giáng khí nạp thận hình can tráng nguyên dương. Người ta dùng chúng dưới dạng bột hay ngâm rượu, ít khi sắc, thường chỉ mài với nước mà uống. Để chữa nôn mửa, đau bụng, dạ dày, đơn thuốc gồm có trầm hương, nhục quế, bạch đậu khấu, hoàng liên, đinh hương, tán nhỏ dùng nước nóng chiêu thuốc, ngày uống ba, bốn lần (*).

Ngậm ngải tìm trầm

Tuy vậy, công dụng chính của trầm là hương thơm. Cả hai loại hóa chất chromon và sesquitepen đều có mùi thơm đặc biệt, khi đốt nóng mới tỏa ra cùng các chất dễ bốc hơi khác, đặc biệt là những sesquiterpen carboxylic acid. Một nhóm khảo cứu viên Nhật Bản đã thử phân biệt hương thơm của một số sesquiterpen. Họ nhận thấy có khi chỉ vì vị trí của một dấu nối đôi như hai chất selina-3,11 và selina-4,11 dienal mà mùi hương rất khác nhau, chất thứ nhất có mùi gỗ, mùi hoa hòa với mùi khói, chất kia phảng phất hương bạc hà. Bốn chất đồng phân neopetasan, epineopetasan, dihydro karanon, ngoài vị trí các dấu nối đôi, còn khác nhau ở hướng các nhóm methyl thì có chất thơm mùi gỗ ngọt, có chất nặng mùi khói, có chất lại phảng phất mùi chua và nhựa thông (19). Mặt khác, những chức trong phân tử cũng đóng một vai trò : nếu là selinadienon có mùi dịu như hoa tươi, selinadienol lại thơm mùi gỗ ngọt, trong khi guaiadienal tỏa mùi gỗ giống mùi của damacenon thêm vào chút long não (15). Các tác giả nầy cũng có khảo sát khói của hai loại trầm Việt Nam (kamakoh và jinkoh) : một loại đầy benzaldehyd, acetic acid, vanillin, loại kia chứa toàn hoá chất hữu cơ vòng thơm nên khi đem đốt mùi hương rất khác nhau (18). Thơm như vậy nên dùng gỗ cây trầm làm nhang là chuyện dĩ nhiên. Một văn bằng sáng chế Nhật Bản cho trộn với bột tabu và nước để làm nhang(12). Để làm tăng hương thơm của tinh dầu trầm, nhất ra để tạo ra một mùi hương đặc biệt, quyến dũ, người ta cũng đã cho trộn với tinh dầu dạ hương (lấy từ túi thơm của con cầy hương). Ngoài ra, cây trầm còn có những ứng dụng khác. Gần đây, một văn bằng Trung Quốc dùng cây A. agallocha trong một hỗn hợp gồm có nhân sâm, ngải cứu, bạc hà, kinh giới, hoắc hương, ma hoàng để làm thuốc hút không có thuốc lá và rao là không độc cho cơ thể (20). Nó cũng được dùng trong một văn bằng để khử những mùi ammoniac, trimethylamin, methylmercaptan (21). Nhờ không bị sâu mọt phá hoại và chịu đựng thời tiết, gỗ cây trầm được sử dụng trong ngành chạm trổ. Sau cùng cũng nên biết bên Ấn Độ, gỗ cây trầm đã được dùng làm giấy viết và giấy in có chất lượng.
Cây trầm rất hiếm quý nên giá bán rất đắt. Có một dạo, người ta đổ xô đi tìm trầm, phải lặn lội nhiều tháng trong rừng mới hầu mong bắt gặp. Có khi họ xây lều ngay cạnh để canh giữ. Người xưa bảo đi tìm trầm phải trong sạch về mặt tinh thần cũng như thể xác, suy tư đứng đắn, ăn nói đàng hoàng, kiêng cử đàn bà, rượu chè cờ bạc. Nếu đi thành toán thì không được chuyện trò ồn ào, cãi nhau ầm ỉ. Để tránh thú dữ, beo cọp, họ cầm roi dâu, vừa đi vừa quất lên cành lá bên đường. Để chống yêu quái, ma quỷ, họ ngậm ngải để làm bùa hộ thân. "Theo lắm người kể chuyện, ngải là một thứ củ do người Mọi Trường Sơn luyện rất công phu. Họ hấp củ cây ngải trong vò mật ong một tháng, để giữa dòng suối chảy một trăm ngày. Đoạn phải đặt trong tay đủ năm người chết, và đeo trước ngực năm bà già trong đời giữ vẹn tiết trinh. Vẫn chưa hết. Xong phải nhét vào trong cái giò heo để lừa cho hổ ăn. Nghĩa là nếu may thì ngải sẽ nằm trong bụng hổ. Đoạn phải bẫy cho được con hổ ấy, rối giết và lấy ngải ra. Ngải là một cái bùa thiêng lúc ấy có sức mạnh huyền bí. Ai ngậm nó mà đi vào rừng thì không ăn uống cũng sống được. Và thú dữ đi sát bên cạnh cũng không thấy mình đuợc. Nhưng hạn trong ba tháng mươi ngày phải trở về nhà nhả ngải ra. Nếu không thì người ấy sẽ mọc lông, trổ vuốt, thêm nanh và hóa ra hổ thật… " (1).
Một điều đáng ngạc nhiên là một cây hiếm quý như vậy, đã được sử dụng trong nhiều nước, chưa từng nghe đến một trại nuôi trồng. Đến nay chỉ thấy khai thác cây trầm mọc hoang, một ngày kia ắt sẽ tiệt giống như CITES đã lên tiếng kêu cứu. Đứng về mặt sản phẩm hương mùi, sợ e rồi trầm hương dần dần sẽ nhường chỗ cho các hóa chất nhân tạo tổng hợp như đã bắt đầu thấy.




Wednesday, October 20, 2010

Một chiếc mặt nạ hiếm gặp của người La Mã

Một chiếc mặt nạ hiếm gặp của người La Mã, được tìm thấy ở miền tây bắc nước Anh, đã được bán với giá 3,6 triệu USD trong một cuộc đấu giá ở London, gấp hơn 10 lần so với dự đoán.

Chiếc mặt nạ của người La Mã.
Một người săn tìm kim loại quý đã đào được chiếc mặt nạ – được cho là có niên đại từ cuối thế kỷ thứ 1 đầu thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên – tại Crosby Garrett, gần Kirkby Stephen hồi tháng 5.
Đây là chiếc mặt nạ được chế tạo chi tiết và còn nguyên vẹn. Cổ vật mô phỏng một gương mặt hoàn chỉnh với đầy đủ các bộ phậm như mắt, mũi, miệng và thậm chí cả lông mày. Trên đầu mô phỏng mái tóc xoăn và chóp có hình một con sư tử.
Nhà đấu giá Christie’s miêu tả chiếc mặt nạ là “mẫu vật đặc biệt trong số các tác phẩm nghệ thuật bằng kim loại của người La Mã thời đỉnh cao” và là “phát hiện để đời của một người săn tìm kim loại quý”.
Giới chuyên gia cho rằng các binh sĩ La Mã đã sử dụng những chiếc mặt nạ như vậy trong các sự kiện thể thao.
Ban đầu, chiếc mặt nạ được dự đoán có giá khoảng 480.000 USD. Tuy nhiên, giá đã vọt lên 3,6 triệu USD trong cuộc đấu giá tại nhà đấu giá Christie’s ở London hôm qua. Chủ nhân mới của nó không được tiết lộ.
Trước cuộc đấu giá, bảo tàng Tullie House tại Carlisle, gần nơi chiếc mặt nạ được tìm thấy, đã phát động một chiến dịch gây quỹ nhằm mua lại cổ vật để trưng bày. Tuy nhiên, bảo tàng này đã không thành công.
Hilary Wade, giám đốc bảo tàng, nói: “Tất nhiên là chúng tôi thấy thất vọng khi không thành công lần này nhưng chúng tôi sẽ không từ bỏ tham vọng”.
Chiếc mặt nạ trên là một trong số 3 chiếc có gương mặt hoàn chỉnh.từng được phát hiện tại Anh. Chiếc đầu tiên được tìm thấy năm 1796 và hiện đang nằm trong Bảo tàng Anh ở London. Chiếc kia được tìm thấy vào khoảng năm 1905 và đang được lưu giữ tại Bảo tàng cổ vật ở Edinburgh, Scotland.



Tuesday, October 19, 2010

Sự thật về trầm hương và kỳ nam


PGS Đinh Xuân Bá dự Hội nghị về trầm, kỳ ở Thụy Sỹ.
Trước những tin đồn liên tục về việc trúng đậm trầm hương, kỳ nam, bán được hàng chục tỷ đồng, PGS Đinh Xuân Bá (nguyên giảng viên ĐH Bách Khoa, Chủ tịch HĐQT Công ty SECOIN) khẳng định: Trầm, kỳ không giá trị như mọi người vẫn tưởng tượng.
Phó giáo sư (PGS) Đinh Xuân Bá là người nghiên cứu rất kỹ về trầm hương, kỳ nam. Ông là người đã và đang triển khai nghiên cứu hàng loạt đề tài khoa học về trầm, kỳ cấp Nhà nước. Ông cũng là người đi tiên phong trong việc trồng cây dó bầu lấy trầm và hiện tại ông đang phát triển trang trại rộng hàng trăm hécta, toàn giống cây dó bầu cho chất lượng trầm tốt ở Hương Sơn (Hà Tĩnh).
Trầm hương là gì?
Những nhà nghiên cứu, sản xuất trầm, kỳ ở nước ngoài thì không lạ gì cái tên Đinh Xuân Bá. Ông rất ít xuất hiện trước báo giới, vả lại hầu như ông chỉ làm việc với giới hiểu biết về trầm, kỳ ở nước ngoài mà thôi.
Ông là người Việt Nam đầu tiên lập trang web giới thiệu về trầm, kỳ và những sáng chế của ông trong việc chiết xuất, sử dụng loại hương liệu quý này từ khi Việt còn chưa có Internet. Trang web của ông được lập ở nước ngoài và toàn bộ thông tin đều bằng tiếng Anh, vì thế, người nước ngoài biết về ông nhiều hơn người Việt cũng dễ hiểu.
Những cuộc hội thảo lớn về trầm, kỳ trên thế giới người ta đều mời ông với tư cách nhà khoa học, và ông cũng đã được đến hầu hết những nơi sản xuất, nghiên cứu, chế biến trầm, kỳ cũng như những thị trường tiêu thụ lớn nên không gì có thể phủ nhận khả năng và sự hiểu biết sâu sắc của vị PGS này về trầm, kỳ.
Trong căn phòng nhỏ, bừa bộn những loại máy móc chiết xuất, chế biến trầm, kỳ, rất nhiều khúc gỗ có chứa tinh dầu trầm bày biện trên mặt tủ, cùng vô vàn chai lọ chứa tinh dầu trầm. Ngôi nhà 59 Hàng Chuối, Hà Nội, lúc nào cũng thoảng mùi trầm.
PGS Đinh Xuân Bá tỏ ra bức xúc khi rất nhiều báo chí liên tục viết về trầm, kỳ, kể cả dẫn lời phát biểu của những nhà khoa học, song đều thiếu chính xác, cảm tính, nghe theo lời đồn của cả trong nước và trên các trang web quốc tế.
Một khối trầm hương bày bán ở Thái Lan.
Theo ông Bá, trầm, kỳ không có giá trị “khủng khiếp” và tác dụng huyền bí như một số báo chí vẫn nêu. Sau khi dự hội thảo quốc tế về trầm hương ở Thụy Sĩ, ông đã quyết định lên tiếng khẳng định giá trị thực của trầm hương để người dân cả nước được biết, cảnh giác trước các trò lừa đảo của giới buôn bán trầm, kỳ. 
Theo PGS Đinh Xuân Bá, có tới 28 loài thuộc chi Aquilaria có thể cho trầm. Những loài này có mặt ở 15 nước trên thế giới. Riêng Việt có 6 loài. Aquilaria Crassna là loài quý nhất trong nhóm, chỉ có mặt ở 4 nước, trong đó Việt có nhiều nhất và quý nhất. Sở dĩ loài Crassna quý nhất là vì nó sản sinh ra trầm tốt, mà người đời vẫn gọi bằng cái tên khác là kỳ nam.
Những loại cây dó bầu cho trầm, kỳ mọc tập trung ở những vùng núi hướng ra phía có gió biển, do vậy trầm xuất hiện nhiều ở Đông Trường Sơn hơn là Tây Trường Sơn. Trầm, kỳ là sản vật của vùng Bình Trị Thiên, Phú Yên, Khánh Hòa, Lâm Đồng và đảo Phú Quốc cũng có.
Hầu hết các nhà khoa học đều cho rằng trầm, kỳ hình thành bởi cây dó tiết ra nhựa nhằm tiêu diệt côn trùng và các loại nấm để bảo vệ vết thương. Quá trình này diễn ra rất chậm, từ 50 năm đến hàng thế kỷ. Một số ý kiến khác thì cho rằng, do thân cây dó bị bọng, loài ong, kiến làm tổ ở đó, tha mật về ăn. Hương mật ngấm vào thịt cây dó lâu ngày rồi hòa trộn với nhựa cây mà kết thành trầm hương, kỳ nam.
Lại có ý kiến cho rằng, trầm kỳ là sản phẩm đặc biệt được hình thành từ lõi cây dó bầu do việc tích tụ tinh dầu. Việc cây dó tạo trầm như thế nào vẫn là điều bí hiểm, cần có quá trình nghiên cứu lâu dài để khám phá, tuy nhiên, theo PGS Đinh Xuân Bá, qua nghiên cứu tài liệu từ các nhà khoa học đầu ngành về trầm, kỳ ở nước ngoài thì nhiều khả năng trầm là một bệnh phẩm hay sản phẩm của sự nhiễm bệnh, nói cách khác, nó là sản phẩm của phản ứng tự vệ của cây chống lại sự nhiễm bệnh.
Sự hình thành trầm phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: loài cây dó, thổ nhưỡng và thảm thực vật nơi cây dó sống, cây bị thương tích do sâu bọ đục lỗ hoặc do con người gây ra như khoan lỗ, cây bị nhiễm vi khuẩn, nấm mốc hoặc các loài ký sinh trên gỗ và đặc biệt là năng lực tạo ra phản ứng miễn dịch của cây dó...
Chính vì có nhiều yếu tố tác động mới khiến cây dó hình thành trầm hương trong điều kiện tự nhiên, không phải cây dó nào cũng cho trầm, kỳ mà hàng trăm, hàng ngàn cây mới có một cây cho trầm mà thôi. 
Chính việc nắm được quá trình hình thành trầm, kỳ mà ở một số nước như Thái LanMalaysia, Ấn Độ, Nhật Bản... người ta trồng cây dó bầu rồi đục thân, tiêm vi trùng, nấm vào để tạo trầm nhanh chóng (phương pháp này được ông Bá gọi là kích cảm).
Thậm chí, các nhà khoa học Nhật Bản tại Trường đại học Kyoto đã dùng Methyl Jasmonate và Jasmonic acid (chất giúp tăng cường năng lực tự vệ của cây) tác động lên các tế bào của cây dó theo phương pháp nuôi cấy treo có thể tạo ra các chất chính của trầm hương chỉ trong vòng 7 ngày. 
Theo những người chuyên “ngậm ngải tìm trầm” thì giả thuyết về khả năng tự vệ của cây dó sinh ra trầm sát với thực tế hơn cả. Bởi vì, kinh nghiệm đi rừng tìm trầm cho thấy, những cây dó bầu nào cao 30-50m, lá đã vàng và nhỏ dần, thân cây có nhiều u bướu như những tổ kiến hoặc gốc có gò mối đóng thì cây dó đó có thể cho trầm hoặc kỳ. Khi gặp những cây dó như thế thì phải hạ cây, trốc cả rễ và xả nát ra tìm vì trầm có thể kết ở rễ, gốc, thân, thậm chí ở tận ngọn cây.
Cũng theo những người tìm trầm, thời gian gần đây dễ kiếm được trầm hơn trước kia vì trong thời gian chiến tranh, những mảnh bom đạn đã ghim vào thân cây dó và trong quá trình kích thích dài tới vài chục năm, đến nay cây dó đã cho nhựa trầm.
Qua đây cũng xin giải thích để bạn đọc hiểu nội dung của từ “ngậm ngải tìm trầm” mà báo chí cũng như giới tìm kiếm, buôn bán trầm hương thường dùng.
Cây dó là loài thường mọc trong rừng sâu, núi cao, những nơi hiểm trở và xen lẫn với những loài cây khác nên rất khó tìm. Hơn nữa, hàng trăm, hàng ngàn cây dó mới có một cây cho trầm nên người ta phải luồn rừng hết ngày này tháng khác trong rừng để tìm kiếm.
Quá trình đi rừng dài ngày như thế, lương thực mang theo không thể đáp ứng được nhu cầu, nên khi hết lương thực, người đi rừng phải đào củ ngải, một loại riềng dại, có vị thơm dịu để ngậm, làm cho ruột đỡ cồn cào trong quá trình tìm đường về.
Vì cuộc hành trình dài ngày, vất vả nên khi trở về, người tìm trầm thường hốc hác, râu tóc xồm xoàm, quần áo rách mướp, trông chẳng khác gì người rừng, nên người đời thường tưởng tượng ra cảnh ngậm ngải tìm trầm lâu ngày sẽ biến thành người rừng. Cụm từ “ngậm ngải tìm trầm” chỉ sự vất vả, nhọc nhằn của những người đi khai thác trầm trong rừng sâu.
Quá trình tìm trầm cũng được huyễn hoặc hóa và được giới tìm trầm rất tin. Người ta tin rằng, chỉ có người sống lương thiện thì mới gặp được Thiên Y Ana, là hóa thân của trầm, kỳ. Chính vì vậy, trước khi xuất hành vào rừng, người ta phải ăn chay 3 ngày, tránh chung đụng với đàn bà, xuất hành vào ngày đẹp, giờ đẹp và trong quá trình đi rừng không được có ý nghĩ ám muội, gây gổ, đánh nhau...
Khi tìm thấy cây dó bầu có biểu hiện cho trầm thì phải nhịn đói để giữ mình tinh khiết, tìm đến suối tắm rửa sạch sẽ rồi cúng vái thần rừng để tạ ơn trước khi đốn hạ cây dó bầu tìm trầm.--PageBreak--
Công dụng của trầm, kỳ
Theo PGS Đinh Xuân Bá, mặc dù trầm, kỳ rất quý, có nhiều công dụng, song mỗi nước dùng một kiểu. Ở ta, gỗ có nhựa trầm, kỳ được dùng để làm tượng, các sản phẩm trang trí, chế tác đồ trang sức, làm vòng cho các vị sư vừa gõ mõ tụng kinh vừa lần tràng hạt. Trầm hương được người Việt sử dụng rất nhiều để làm nhang đốt cho có mùi thơm.
Hiện tại, công ty của ông Bá sản xuất khá nhiều loại hương làm từ trầm và chủ yếu cung cấp cho thị trường nước ngoài. Pháp là thị trường tiêu thụ chủ yếu các loại nhang trầm do ông làm ra. Chỉ cần đốt một nén nhang, căn phòng thoảng mùi rất dễ chịu.
Các thầy thuốc dân gian ở nước ta thường dùng trầm hương chế thuốc chữa những bệnh không có gì đặc biệt như: bổ dương, bổ thận, lợi tiêu hóa, trị tiêu chảy, chống nôn mửa, hen suyễn, đau bụng, giảm đau, trấn tĩnh, hạ sốt, cấm khẩu, khó thở, thấp khớp, dùng cho phụ nữ sau khi sinh...
Trong một số tài liệu Đông y thì kỳ nam có tác dụng lợi tiểu và điều trị một số bệnh tiêu hóa như đầy hơi, đau bụng, tiêu chảy thổ tả, trị gió, chống cảm mạo...
Một số đồng bào ở những vùng có nhiều trầm hương thường lấy gỗ trầm, kỳ sắc với nước uống hàng ngày như uống trà và loại nước này có tác dụng kháng khuẩn khá tốt.
Ở vùng cao tỉnh Khánh Hòa, đồng bào còn dùng cả cục kỳ nam bọc vào tấm vải treo ở cửa sổ để trừ tà khí. Trẻ em thì được đeo một miếng ở cổ hoặc tay và người ta xem đó như “bùa hộ mệnh”.
PGS Đinh Xuân Bá dùng trầm hương để ngâm rượu uống hàng ngày. Hễ có vị khách nào đến chơi là ông lôi cả tá bình rượu ngâm trầm hương cùng một số vị thuốc nữa ra mời. PGS Đinh Xuân Bá còn sáng chế ra một loại máy móc bé xíu để phân tán trầm hương ra không khí khiến không khí trong căn phòng rất dễ chịu.
Trong các sách Đông y còn nói cả đến tác hại của trầm, kỳ, theo đó, những phụ nữ mang thai mà uống tinh dầu trầm, kỳ sẽ bị trụy thai và những người suy nhược cơ thể, suy gan, hỏa tính mà dùng trầm, kỳ sẽ có hại cho cơ thể... 
Các nước Trung Đông dùng nhiều trầm hương hơn cả. Họ bôi dầu trầm vào người hàng ngày cho thơm. Trong các nhà thờ, những nơi diễn ra các nghi lễ trang trọng, các tấm thảm để quỳ cũng được tẩm ướp dầu trầm. Dầu trầm được dùng nhiều trong việc tẩm vào vải để... bảo quản xác chết, giữ xác chết lâu phân rã, bốc mùi.
Những công nhân làm việc trong các mỏ khai thác dầu cũng dùng trầm hương hàng ngày như phụ nữ dùng kem dưỡng da. Họ bôi dầu trầm lên khắp cơ thể để trừ khí độc trước khi vào khu vực khai thác dầu mỏ. Với người Trung Đông, trầm hương là một loại sản phẩm thông dụng và được dùng vào những việc rất thông thường.
Một vị lãnh đạo của Hiệp hội Tinh dầu - Hương liệu - Mỹ phẩm từng phát biểu trong Hội nghị về cây trầm hương dưới sự bảo trợ của Tổ chức Dự án rừng mưa nhiệt đới (Hà Lan) rằng: Một lít tinh dầu trầm hương trên thế giới có giá 50.000 USD, nếu có xuất xứ từ Việt Nam sẽ có giá cao hơn nữa, xấp xỉ 1 tỉ đồng, vì trầm hương của Việt Nam có chất lượng cao hơn tiêu chuẩn quốc tế (?!).
PGS Đinh Xuân Bá cho rằng, vị lãnh đạo trên phát biểu như thế là thiếu căn cứ, không xác thực và chẳng dựa trên cơ sở thực tế nào.
Ở Ấn Độ, mặc dù là nơi trồng khá nhiều cây dó bầu và cũng là nước xuất khẩu trầm hương lớn nhất, song trầm hương lại không có giá trị mấy trong đời sống của họ. Trầm hương chủ yếu được dùng dưới dạng bột tán. Vào phút chót của cuộc hỏa thiêu người chết, người ta rải bột trầm vào đốm lửa cho mùi thơm tỏa lên rồi mang tro hài cốt về thờ.
Ở thị trường châu Âu, trầm hương được dùng trong công nghệ chế tác mỹ phẩm, đặc biệt là nước hoa. Tuy nhiên, buồn ở chỗ trầm hương không phải là thứ quý nhất trong những lọ nước hoa Pháp đắt tiền mà nó chỉ là chất định hương.
Mỗi lọ nước hoa to tướng người ta nhỏ vào vài giọt trầm để giữ được mùi hương lưu lại lâu hơn khi sử dụng. Tất nhiên, vai trò định hương là không thể thiếu để lọ nước hoa có giá trị, nhưng với khả năng sử dụng chỉ vài giọt thì các nhà máy chế biến nước hoa cũng không cần nguồn nguyên liệu nhiều lắm.
Kỳ nam hầu như ít được nhắc đến ở thị trường Trung Đông và châu Âu, điều đó không có nghĩa là nó quý quá, hiếm quá, tốt quá khiến người ta không có tiền để mua mà vì người ta không có nhu cầu sử dụng nó. Hiện tại, ông Bá chỉ thấy kỳ nam được tiêu thụ ở thị trường Đài Loan và Nhật Bản và theo các đồng nghiệp của ông thì nó được dùng để chế thuốc bắc, song đó là loại thuốc gì thì ông không biết.
Tuy nhiên, có một điều mà nhiều người biết về công dụng rất thông thường của kỳ nam ở Nhật Bản. Người Nhật dùng kỳ nam ngâm rượu uống hằng ngày và gọi đó là “kỳ nam tửu” và dùng bột kỳ nam tẩm ướp nướng gà gọi là “kỳ nam kê”. Với cách thức sử dụng trong cái ăn, cái uống thường nhật thì giá trị của kỳ nam không thể thần thánh hóa lên được.
Từ những thông tin về công dụng trên đây có thể thấy giá trị của trầm, kỳ cũng chỉ... đến thế mà thôi. Những lời đồn thổi, những thông tin giật gân mà báo chí nêu với giá trị vài trăm triệu đến tiền tỉ 1 kg là thiếu chính xác






Ngậm ngải tìm xuân ...


Photobucket


Bấy lâu ngậm ngải tìm xuân,
Thấy sương đầu cỏ, mưa mù núi xa...
Khuya nay trãi chiếu hiên nhà
Ngắm bông cúc nhỏ đãi ngàn dưới trăng
Ơ hay mới biết xuân rằng
Về đây một tối trong ngày chớm thu.

Saturday, October 16, 2010

Cổ vật và... đàn bà

Có người gọi ông là “Vua đồ cổ”, “Học giả”, “Nhà nghiên cứu Huế”, “Sử gia”, nhưng cũng chẳng ít người gọi ông là “Ông già gàn”! Nhưng cách gọi “thông tấn” nhất về ông có lẽ là người mở đường cho nghề mò tìm cổ vật trên sông Hương.

Triết lý từ chuyện... tán
Nghe tôi tỏ ý định về nhà ông Phan, người bạn Huế đã cười khảy: "Năm nào chẳng hàng chục nhà báo lần về ông Phan, người ta viết cạn mực, hết giấy ra rồi, còn gì nữa mà viết với vẽ". Đánh liều lên Google gõ từ khóa "Hồ Tấn Phan", quả thật, có tới hơn 3.000 kết quả! Thậm chí, có người còn dọa "Muốn phỏng vấn ông Phan phải trả thù lao cho ông, có khi bạc triệu".

Ông già 70 tuổi, lưng đã cánh cung nhưng giọng còn chất lắm. Tay rót trà mời khách lạ, miệng ông sang sảng: "Trước chưa biết thì chừ biết, rảnh xuống uống trà nói chuyện, trà nhà không thiếu". Khách tính đỡ ấm trà để rót mời chủ gọi là "kính lão đắc thọ", nhưng chủ gạt phắt: "Để tui rót, tui bài bản hơn". Ngẫm mà ức kẻ nào vẽ ra chuyện phải trả tiền mới được tiếp chuyện ông.





Giai thoại được nhiều lần thêu dệt
Nghe tôi mách lẻo có kẻ gieo tiếng xấu cho ông, ông Phan cười xòa, bởi theo ông, việc đặt điều lắm lúc cũng lại hay. Đã một lần được một người quen "đặt điều" một câu chuyện ra chiều duy tâm: Rằng có kẻ thấy nhà ông Phan lắm đồ cổ lại để khắp vườn chẳng thèm cửa ngõ bèn nảy lòng tham vào khoắng ít món. Về nhà chưa biết dùng vào việc gì thì đột nhiên đổ bệnh, thuốc thầy mãi không khỏi. Kẻ tham lam nọ nghĩ ngay đến những món đồ nhà ông Phan, liền gói ghém mang đến trả và làm lễ cúng bái trước vườn nhà ông. Quả nhiên hết bệnh. Ông Phan nào biết tên đạo chích rủi vận đó có tồn tại trên đời hay không, nhưng có lẽ nhờ đó mà ông chẳng thèm rào dậu, đóng cửa ngõ mà các món đồ trong vườn nhà ông, chẳng mất món nào.


Rồi tiện ông kể luôn một giai thoại khác về mình, rằng ông "gàn" đến mức trên mặc áo vest, dưới... mặc quần đùi (thậm chí còn có dị bản là dưới không mặc gì). Chuyện là năm 1999, Huế gánh cơn lũ lịch sử. Lũ chẳng tha nhà ông, cuốn vào rồi cướp mất hàng nghìn cuốn sách cổ, trong đó có nửa sau của bài nghiên cứu công phu ông đang viết dở. Giới nghiên cứu đọc phần đầu tâm đắc lắm, nhưng đợi mãi chẳng thấy phần sau liền gọi hỏi: "Làm gì như người trên mặc vest, dưới mặc quần đùi thế này?". Tam sao thất bản thế nào, cuối cùng nhiều người quay ra gọi ông là người trên vest, dưới... quần đùi.

Ông Phan triết lý: "Hạnh phúc trên đời chỉ có hai loại thôi. Một là hạnh phúc thật, hai là thứ hạnh phúc giả nhưng đến khi nhắm mắt con người ta vẫn tưởng là thật". Có lẽ, ông là người hạnh phúc thật, bởi ông có một kho tàng vô giá thật, thành quả của 30 năm lao vào lòng sông Hương để đeo đuổi tình yêu với cổ vật. Và hình như với những người hạnh phúc, mọi thứ phù phiếm chẳng còn ý nghĩa gì.

Cổ vật và... đàn bà
Gần nửa đời người đắm mình vì những cổ vật dưới đáy sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu, ông Phan "phán" một câu thật chí lý về đồ cổ: "Nhất dáng, nhì da, thứ ba của lạ". Ông nói đây là nói rằng một thứ đồ gốm quý phải có dáng đẹp, loại men quý phái và quan trọng nó phải "độc". Nói rồi, ông kết: "Đó, cổ vật cũng như phụ nữ rứa đó!". 

Để minh chứng cho cái sự "cổ vật cũng như phụ nữ", ông gật gù rằng để có được một món đồ quý, người chơi đồ cổ không chỉ cần tiền, cần sự nhẫn nại mà còn cần cả cái duyên, cũng giống như trai gái yêu nhau, sống với nhau cũng cần cái duyên vậy. Có lẽ ông có cái duyên với đồ cổ thật, bởi đã không ít lần ông vừa mua được một bình gốm quý, đẹp với giá phải chăng thì đã có người tìm đến trả gấp đôi ba lần nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu.






Nhưng có một điểm khác đời của ông đó là trong khi lắm kẻ quân tử trút hết gia sản đổi lấy một nụ cười giai nhân thì của nả của ông lại "nướng" hết vào đồ cổ. Ông Phan có 7 đứa con thành đạt, luôn lo đủ cho ông tiền nong dưỡng già nhưng cứ hễ có tiền là ông lại bôn ra sông Hương mua cổ vật hoặc đi từ Bắc chí Nam để tầm sách quý. Đến sổ lương ông cũng mang đi thế chấp vì đồ cổ. Ông kể, có lần, nghe giới cổ vật đồn rằng dân vạn đò sông Hương vừa mò được một bình gốm quý liền hớt hải đến xem. "Kết" quá, ông say sưa ngả giá rồi ôm bình về mà quên mất rằng không mang theo đồng nào trong túi. "Vua đồ cổ" bèn cắn răng để bình lại, không quên dặn người bán bằng mọi giá giữ lại chờ ông xoay tiền. Chưa yên tâm, cả tuần liền ngày nào ông cũng đảo qua đôi lần để biết chắc bình quý vẫn chưa bị chủ nhân đem bán cho giới săn đồ cổ trả giá cao. Cuối cùng, vay giật bạn bè, "lột" cả tiền chợ của vợ ông mới được ôm cái bình trong tay như ấp ôm một người tình trẻ.

Nói khác đời cũng không hẳn phải. Đàn ông mê giai nhân vì cái đẹp, thì ông mê cổ vật cũng vì cái đẹp vậy. Có thể với người đời, những cái bình, lu, bát, chén sứt quai, mẻ vòi ngay đến giới đồng nát cũng bỏ đi, nhưng với ông mỗi món đồ đều ẩn trong nó một cái hồn. Hồn của văn hóa, của lịch sử, của cả những thế hệ ông cha. Ông có thể nói thao thao về một món đồ mà nhìn qua nó chẳng đáng một trinh, và kỳ lạ là sau khi nghe ông giảng giải thì món đồ đó trở nên vô giá. Ai lại đem văn hóa đi định giá bao giờ. 

Tay mân mê lau chùi chiếc cối giã trầu bằng đồng thau mới mua được, ông Phan gật gù: "Có người hỏi tôi phụ nữ và đồ cổ có gì khác nhau. Tôi đã trả lời rằng: phụ nữ đẹp vậy đó nhưng chỉ có đàn ông mới thích, còn đồ cổ nhìn cũ kỹ, sứt mẻ vậy thôi mà ai cũng thích cả"!