Sunday, December 27, 2009

Ba ý muốn cuối cùng của Alexander Đại Đế

Đại Đế Alexander III ( -356 -323) (Alexandre le Grand) : gốc Macédoine, học trò của Aristote. Được xem là một trong những vị tướng thành công nhất trong lịch sử.
Đại Đế Alexander III đã chinh phạt gần như toàn bộ thế giới mà ông biết trước khi qua đời; ông thường được xem là một trong những nhà chiến lược quân sự vĩ đại nhất trong lịch sử.
Đế quốc vĩ đại của Alexander chạy dài từ Hy Lạp đến Ấn Độ Dương
Những ý nguyện cuối cùng của ngài Alexander Đại Đế khi sắp chết. Ngài Alexander Đại Đế cho triệu tập các quan trong triều đình đến để truyền đạt 3 ý nguyện cuối cùng của mình. Ngài phán rằng:
1 - Quan tài của ngài phải được khiêng đi bởi chính các vị ngự y (bác sĩ) giỏi nhất của thời đó.
2 - Tất cả các báu vật của ngài (vàng, bạc, châu báu, ...) phải được rải dọc theo con đường dẫn đến ngôi mộ của ngài, và ...
3 - Đôi bàn tay của ngài phải được để lắc lư, đong đưa trên không, thò ra khỏi quan tài để cho mọi người đều thấy.
Một vị cận thần của ngài, rất đổi ngạc nhiên về những ý muốn kỳ lạ này, và đã hỏi ngài Alexander lý do tại sao.
Ngài Alexander đã giải thích như sau:
1 - Ta muốn chính các vị ngự y (bác sĩ) giỏi nhất phải khiêng quan tài của ta để cho mọi người thấy rằng một khi phải đối mặt với cái chết, thì chính họ (là những người tài giỏi nhất) cũng không có tài nào để cứu chữa.
2 - Ta muốn châu báu của ta được vung vãi trên mặt đất để cho mọi người thấy rằng của cải, tài sản mà ta gom góp được ở trên thế gian này, sẽ mãi mãi ở lại trên thế gian này (một khi ta nhắm mắt xuôi tay từ giã cõi đời).
3 - Ta muốn bàn tay của ta đong đưa trên không, để cho mọi người thấy rằng chúng ta đến với thế giới này với hai bàn tay trắng và đến cuối cuộc đời, khi chúng ta đã cạn kiệt kho tàng quý giá nhất là thời gian, thì chúng ta cũng sẽ rời khỏi thế giới với hai bàn tay trắng.

Thiền Trong Võ Thuật Nhật Bản

Photobucket

Kiếm thuật, mà sự trau luyện ngành võ thuật này là một trong những công việc bận tâm nhất của các tầng lớp thống trị Nhật Bản từ thời đại Kamakura, đã phát triển dữ dội, và nhiều chi phái khác nhau đã nẩy nở mãi cho đến gần đây. Thời đại Kamakura liên quan mật thiết đến Zen, bởi lúc bấy giờ nó là một chi phái độc lập của đạo Phật mới du nhập vào Nhật Bản lần đầu tiên. Nhiều vị Đại sư về Zen thống trị thế giới tinh thần, thời bấy giờ, mà mặc dầu khinh miệt học vấn, sự học vẫn bị họ giữ trong tay. Đồng thời, các chiến sĩ tụ tập chung quanh họ, sốt sắng xin dạy dỗ cho và khép mình dưới kỷ luật của họ, phương pháp truyền dạy của họ giản dị và trực tiếp : Không cần phải học nhiều triết lý cao siêu của đạo Phật. Các chiến sĩ tự nhiên không học thức nhiều; điều họ muốn là không rụt rè trước cái chết, là điều mà họ thường trực phải đối diện. Đối với họ, đó là một vấn đề thực tế nhất, và Zen sẵn sàng đương đầu với nó. Có lẽ vì các bậc Đại sư hằng lưu tâm đến các sự việc của cuộc sống, chứ không phải với các ý niệm. Có lẽ họ sẽ nói với một chiến sĩ đến để được khai ngộ về vấn đề sinh tử rằng “Không có sinh cũng như tử ở đây, xéo ngay khỏi phòng ta càng nhanh càng tốt”. Vừa nói họ vừa dùng cây gậy thường mang theo để đuổi chàng đi. Hoặc nếu một chiến sĩ đến gặp một ông thầy : “Con hiện phải vượt qua biến cố gay go nhất đời; con phải làm gì đây? Vị thầy sẽ gầm lên : “Đi thẳng, và chớ có nhìn lại !” Đó là cách các nhà Đại sư về Zen thời phong kiến Nhật dạy dỗ các chiến sĩ.

Bởi các chiến sĩ thường xuyên tánh mệnh bị đe dọa, và bởi cây kiếm của họ là thứ khí giới duy nhất xoay chuyển số phận họ thành sống hay chết, kiếm thuật đã phát triển tới trình độ tinh luyện cao. Điều đó không lạ, vì thời ấy, Zen có nhiều liên quan đến nghề nghiệp này. Takuan (1575-1645), một trong những khuôn mặt lớn nhất của thế giới Zen thời đại Tokugawa, đã dạy dỗ đầy đủ về Zen cho môn đệ của mình, Yagiu Tajimano-Kami (chết năm 1646), là một kiếm sư cho phủ Lãnh Chúa thời ấy. Dĩ nhiên những điều truyền dạy không liên quan đến những đòn thế của kiếm thuật, mà đến thái độ tinh thần của kiếm sĩ. Một Đại kiếm sư khác thời To kugawa là Miyamoto Musashi (1582-1945) người sáng lập chi phái Nitoryu. Ông không những là một kiếm sĩ Sumiye, và cả hai môn ông đều tài hoa như nhau. Những bức họa của ông có giá trị cao và có “vị Thiền” trong đó. Một trong những câu nói về kiếm nổi tiếng của ông là :
Dưới lưỡi kiếm giơ cao
Có địa ngục làm cho người run sợ;
Nhưng phải tiến ,
Người sẽ đến đất thần tiên
Không những nhiều liều lĩnh, mà còn tự quên mình, trong đạo Phật đó là trạng thái Phi ngã. Đây là cái ý nghĩa tôn giáo của kiếm thuật. Đó là cách Zen đã thấm nhuần sâu đậm vào đời sống của dân tộc Nhật. Đời sống của họ trong nhiều khía cạnh đặt biệt, luân lý, thực tiễn, thẩm mỹ và đến một giới hạn nào đó của trí tuệ
Sau đây là đại ý lời dạy về Zen của đại sư Takuan về kiếm thuật truyền thụ cho Tagiu Tajma-no-kami :
“ Điều quan trọng nhất trong kiếm thuật là đạt được một thái độ tinh thần gọi là “sự khôn ngoan bất định”. Sự khôn ngoan đó đạt được theo trực giác sau khi tập luyện nhiều. “Bất định” không có nghĩa là cứng chắc, nặng nề, và vô tri như gỗ đá. Nó có nghĩa là sự di động cao độ nhất với một trung tâm bất định. Tinh thần lúc này đến một điểm nhanh lẹ cao nhất, sẵn sàng hướng sự chú ý của nó đến bất cứ nơi nào cần thiết – qua trái, qua phải tới mọi hướng đòi hỏi. Khi sự chú ý của ngươi nhập cuộc và bị cây kiếm của địch thủ tung ra chặn lại, ngươi mất dịp đầu tiên để làm động tác kế tiếp. Ngươi chờ đợi, ngươi suy nghĩ, và trong khi ngươi làm thế, địch thủ của ngươi sẵn sàng đốn hạ ngươi. Việc của ta là không để cho hắn được dịp tốt như vậy. Ngươi phải theo động tác của cây kiếm trong tay địch thủ, để cho tâm trí ngươi tự do làm động tác phản đòn không cần sự can thiệp của ngươi. Ngươi phải xuất thủ khi địch thủ xuất thủ, và kết quả là hắn bại. Ở đây không có sự trung gian nào, động tác này theo động tác kia không bị gián đoạn vì ý thức của người chủ động. Nếu người bị bối rối và suy nghĩ phải làm gì, thấy địch thủ sắp đốn hạ ngươi, ngươi để cho hắn một khoảng trống, nghĩa là một dịp tốt để chém giết ngươi. Hãy để đòn tự vệ của ngươi theo đòn tấn công không một giây phút gián đoạn, và không hề có hai động tác rời gọi là tấn công và tự vệ, Sự tức tốc của động tác về phía ngươi chắc chắn sẽ kết thúc trong sự bại trận của địch thủ.Nó giống như một con thuyền êm xuôi theo dòng thác; trong Zen, cũng như trong kiếm thuật ... "

Những Chặng Đường Của Một Sumo

Photobucket

Theo truyền thống, là một võ sĩ Sumo thì đầu óc phải luôn luôn trong sạch, không bao giờ nghĩ đến gái, bởi vì đây là một môn thể thao hết sức nghiêm túc, đòi hỏi các võ sĩ phải tập trung cao độ để đạt đến thành công.

Nếu có dịp bước vào Shitakubeya – phòng đợi của một võ đường Sumo, bạn sẽ thấy những “đống thịt” khổng lồ tưởng chừng như bị đông cứng, nằm xoãi dài trên thảm.
Cuộc sống của võ sĩ Sumo hoàn toàn khác biệt với các võ sĩ ở tất cả các môn thể thao khác. Không có môn võ nào mà tất cả võ sinh – lính mới cũng như có đẳng cấp – cùng sống chung, tập luyện chung dưới mái võ đường. Vị chưởng môn – Oyakatta – có quyền tuyệt đối định đoạt số phận của từng môn sinh. Từ cái ăn, cái ngủ đến những sinh hoạt khác đều tùy thuộc vào đẳng cấp của anh ta.
Oyakatta là một võ sĩ đã từ giã vũ đài và đạt đến đẳng cấp cao nhất Yokozuna (đại sư), khi tập hợp đủ môn sinh thì có quyền mở võ đường riêng hoặc kế tục địa vị của người khác. Ông và vợ ông (Okami-san) là cha mẹ đỡ đầu của một gia đình gồm toàn những chàng trai trẻ được tuyển chọn từ mọi miền trên đất Nhật. Oyakatta làm nhiệm vụ giáo huấn tinh thần, thể chất và võ thuật cho võ sinh, trong khi đó, Okami-san - người đàn bà duy nhất được phép sống trong võ đường - dạy họ nấu ăn và cách lo liệu cho chính họ. Nhưng quan trọng hơn, bà chính là người chăm sóc họ những khi đau ốm và an ủi những lúc họ tâm sự nỗi niềm riêng.
Thiên chất để trở thành một võ sĩ Sumo có thể được phát triển từ thuở thiếu thời do những “chuyên viên tuyển lựa” của các võ đường đi lùng sục khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn. Sau đó thì chính cha mẹ đưa anh ta đến làm lễ thọ giáo với Oyakatta, tin tưởng rằng con họ đủ khả năng và tư cách đạo đức để trở thành một võ sĩ.
Nếu bạn là môn sinh mới bước chân vào võ đường, trước tiên bạn được đối xử như một vị khách danh dự, ăn cùng mâm với những võ sĩ có đẳng cấp cao hơn và những vị khách khác, chẳng phải làm việc gì và chưa phải tập tành gì. Sau một tuần được “coi giò coi cẳng”, vị chưởng môn thấy bạn quyết tâm gia nhập võ đường, lúc đó bạn mới thật sự không còn là khách quý nữa mà trở thành một anh lính mới tò te. Anh bắt đầu bằng công việc tạp dịch trong võ đường như lau chùi phòng vệ sinh, rửa chén bát, quét dọn, chạy việc vặt cho các sư huynh. Muốn ăn được quả tốt, phải biết trồng cây. Đó là điều bạn nên biết và tự nguyện chấp nhận. Bạn ăn những bữa chỉ toàn súp với cải bắp và một ít xương sụn. Vì bắt buộc phải làm những công việc lặt vặt, bạn không bao giờ ngủ sớm được và mất ngủ là chuyện thường xuyên làm ảnh hưởng đến những buổi tập sáng hôm sau của bạn. Các bạn đồng môn không hề thông cảm và thương xót bạn chút nào, trái lại họ sẽ “dần” cho bạn những đòn chí tử lên thể xác lẫn tinh thần. Đây được xem như giai đoạn thử lửa để chứng tỏ ý chí sắc đá của bạn.
Qua được ngưỡng cửa này, bạn chính thức trở thành một võ sinh Sumo. Lúc này bạn tham gia những buổi luyện tập căng thẳng vào buổi sáng, tắm rửa, ăn uống đầy đủ để bù vào số lượng calori tiêu hao trong ngày và được ngủ ngon giấc.
Muốn trở thành một Sumo để tham gia thi đấu, bạn phải cao tối thiểu 1,74m và nặng 75kg. Võ sĩ nặng cân nhất thế giới hiện nay là Konishiki-tên thật là Salevaa Atisanoe-người Hawaii với “khối thịt” khổng lồ nặng 263 kg, là người nước ngoài đầu tiên dành chức vô địch 1992 từ tay người Nhật. Đây là một sự kiện hết sức quan trọng và đáng nhớ…đời trong thế giới Sumo.
Những võ sinh có đẳng cấp thấp cùng sống chung trong một nơi được gọi là Sumobeya, như một “nhà giam” kiên cố trong võ đường. Tuy nhiên họ cũng có đầy đủ phương tiện giải trí hiện đại như tivi, sách báo, trò chơi điện tử. Những sư huynh sống riêng từng phòng và đều có “lính mới” để sai vặt. Riêng Oyakatta cùng gia đình sống trong một khu vực riêng biệt, “vô phận sự cấm vào”, ngoại trừ bạn bè, những người thân và những vị khách quý. Nếu võ đường là một tòa cao ốc ba tầng thì cấp nhỏ nhất ở tầng trệt còn sư phụ ở tầng cao nhất, đúng theo tôn ti trật tự của người Đông Phương.
Ở Tokyo có tất cả 30 võ đường được Hội Sumo chính thức công nhận. Nhiều võ đường trong số này tập trung quanh khu vực Asakusabashi và Ryogoku. Vào mùa hè, mọi người có thể nhìn thấy họ ì ạch lê bước dạo chơi trên những đường phố hẹp trong bộ yukata và đôi guốc gỗ.
Những trận thi đấu và biểu diễn được tổ chức khắp nước Nhật. Đây là một môn võ cổ truyền của Thần đạo Nhật Bản xuất hiện cách đây khoảng 1.800 năm, hàng năm thu hút khoảng 60 triệu khán giả xem những trận thi đấu trực tiếp và trên truyền hình. Ở Nhật, nó có số lượng người hâm mộ đông hơn bất cứ môn thể thao nào khác, ngoại trừ môn bóng bầu dục. Võ sĩ Sumo ở bất cứ thời nào cũng được xã hội kính trọng và hình ảnh của họ có mặt mọi nơi trong đời sống hàng ngày của người dân. Không riêng gì nam giới-từ già đến trẻ và đủ thành phần trong xã hội- nữ giới cũng là những cổ động viên nhiệt tình. Họ đến sân vận động thật sớm, kiên nhẫn đứng đợi hàng giờ liền ở chỗ đậu xe, tay thủ sẵn máy quay phim với hy vọng thu được hình ảnh thần tượng của mình bước khệnh khạng xuống xe để vào đấu trường .
Một nghi thức cổ truyền không bao giờ thay đổi là trước khi trận đấu bắt đầu, trọng tài rắc muối lên sàn đấu để nhắc nhở lòng thanh khiết của , không bao giờ có hành động ám hại đối thủ.
Theo truyền thống, là một võ sĩ Sumo thì đầu óc luôn luôn trong sạch, không bao giờ nghĩ đến gái, bởi vì đây là một môn thể thao hết sức nghiêm túc, đòi hỏi võ sĩ phải tập trung cao độ để đạt đến thành công. Nhưng truyền thống này đã bị phá vỡ từ lâu, nhiều võ sĩ đã cưới vợ và sinh con trong thời gian còn tham gia thi đấu.
Tiện đây, cũng xin nhắc lại chuyện một “quả bom” nổ lớn, không những trong làng Sumo mà còn vang dội khắp nước Nhật và cả thế giới, vào tháng 10 năm 1992 khi người mẫu kiêm diễn viên Rie Miyazawa họp báo chính thức công bố nhận lời cầu hôn với nhà vô địch Takahanada trước 350 phóng viên trong vòng 20 phút. Nàng sung sướng tuyên bố: “Khi thấy Takahanada trên sân đấu, tim tôi vô cùng xao xuyến”. Vài kênh truyền hình không bỏ lỡ cơ hội ngàn vàng này đã đi xa lời tuyên bố của Rie bằng cách tạo đồ họa vi tính con cái của hai người.
Ngay cả thủ tướng Nhật lúc đó cũng bình luận sự kiện này: “Không thể không tin được? Tôi muốn nói, tôi thật sự sửng sốt.”
Takahanada là võ sĩ Sumo thần tượng của dân Nhật còn Rie là một người mẫu đã từng làm mẫu cho một tập sách ảnh khỏa thân gây nhiều tranh luận trong năm 1991.(Về phương diện này, Rie là “đàn chị” của Madonna trước nhiều tháng). Những người hâm mộ lo sợ Rie sẽ làm hại cuộc đời của Takahanada, nhưng có người lại cho rằng: “Một võ sĩ Sumo khỏe mạnh cần có một người vợ tốt để săn sóc anh ta…”. Và đến giờ thì ngoài những giây phút dỗi hờn lẻ tẻ, đôi vợ chồng hết sức cách biệt về trọng lượng này rất ý hợp tâm đầu. Và đây cũng không phải là trường hợp duy nhất trong lịch sử Sumo của Nhật. Trong quá khứ, nhiều diễn viên cũng đã hy sinh nghề nghiệp của họ để trở thành những người nội trợ đảm đang và là dâu hiền trong làng Sumo.

Quan võ thì ghét quan văn dài quần ....

Trâu buộc thì ghét trâu ăn
Quan võ thì ghét quan văn dài quần ....

Nhân đọc lại câu ca dao trên nhớ tới chuyện Quan văn- Quan võ ngày xưa ngày nay ... Chợt nhớ tới hai chuyện nhỏ còn được ghi lại trong sử liên quan đến "xung khắc" văn võ ở Việt Nam chúng ta ngày xưa ...
1. Chuyện đầu là giữa Nguyẽn Trãi và Lê Sát . Ngược lại với sự tôn vinh của chúng ta với Nguyễn Trãi, ông có một vị trí khá lớn trong bộ máy hành chính thời tiền Lê . Cũng như bất cứ một nhà Nho chính thống nào, Ông luôn luôn khuyến khích lễ nghĩa, đức trị. "Bệ Hạ gia ân đức thì nhà nhà không có tiếng ai oán, đấy là tiếng nhạc hay nhất vậy". Đại khái ông đã nói như vậy, khi vua Lê Thái Tổ giao cho ông nhiệm vụ soạn lễ nhạc cho triều đình. Lê Sát ngược lại là kẻ võ biền, nhưng ông này giữ chức phụ chính đứng đầu triều đình một thời gian khá dài . Quyền lực khuynh nước , đão thành ... Bị thất sủng và giết chết vào đời Lê Thánh Tông thì phải. ? Trong Đại Việt Sử ký , những trang viết đến ông Lê Sát nhiều hơn viết về Nguyễn Trãi. Thế cho nên mới có chuyện : Một lần quan quân bắt được 3 tên kẻ cướp , Lê Sát đã mỉa Nguyễn Trãi mà nói rằng: " Phiền ngài đem lễ nghĩa mà dậy chúng ". Nguyễn Trãi liền đã trả lời : " Chúng hung bạo như vậy luật triều đình còn không trị được , làm sao tôi làm được ".
2. Chuyện thứ hai là : Giữa Ngô Thì Nhậm và Ngô Văn Sở . Ngô Thì Nhậm là một nhà nho nổi tiếng đã giúp vua Quang Trung giao hảo lại với Nhà Thanh , sau khi Tôn Sĩ Nghị bị đánh chạy mất dép về TQ . Ông cũng là người bầy kế cho quân Tây Sơn lui về giữ núi Tam Điệp (nằm giữ Ninh Bình, Thanh Hóa ), để trống ngỏ cửa Thăng Long cho quân Thanh tiến vào . Lúc lui binh, Ngô Văn Sở, là một tướng nổi tiếng của nhà Tây Sơn mới diễu ông rằng : " Phiền ngài làm một bài thơ đuổi giặc đi , nếu không thì lại phải đến tay kiếm tay đao của tôi ".
Từ đó mới thấy rằng, văn không thể thiếu võ. Văn là ý tưởng , là chính sách. Nhưng đến khi thực hiện thì văn không đủ dũng lực , mà phải cần có võ song hành . Võ tạo điều kiện cho văn , đưa nó vào hiện thực.

Saturday, December 26, 2009

Chất Thơ Trong Tiểu Thuyết Võ Hiệp Kim Dung

Photobucket

Đưa thơ vào trong tiểu thuyết, cho tiểu thuyết có chất lãng mạn nhằm tạo thi hứng cho cả người viết lẫn người đọc là đặc điểm cố hữu của 300 tiểu thuyết chương hồi thời Minh - Thanh. Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần có trên vài trăm bài thơ và khi thực hiện phim Hồng Lâu Mộng, các nghệ sĩ Bắc Kinh đã biến những bài thơ này thành nhạc từ - một dạng nhạc phủ - được hát lên, làm giàu thêm chất liệu nghệ thuật cho tác phẩm điện ảnh. Nhà văn Kim Dung đã kế thừa phong cách đưa thơ vào tác phẩm tiểu thuyết như các nhà văn tiền bối mặc dù tiểu thuyết chương hồi của ông là tân văn tiểu thuyết. ở chừng mực nào đó, Kim Dung là một nhà thơ thực sự; ông đã viết cả vài trăm bài thơ, đặc biệt là thơ Thiền tông. Những bài thơ này chưa được in ra; người đời chỉ biết ông là nhà văn chứ chưa hề hiểu được ông còn là một nhà thơ. Chúng ta cũng lưu ý rằng ông nội Kim Dung đã từng làm tri huyện huyện Đơn Dương, Triết Giang và là một nhà thơ khá nổi tiếng cuối đời Thanh với thi tập Hải Ninh Sát Thị Sao Thị. Có lẽ âm vang củ a truyền thống tiểu thuyết Minh - Thanh, âm vang của truyền thống gia đình đã khiến Kim Dung mạnh dạn đưa thơ vào tiểu thuyết võ hiệp, làm cho những tác phẩm văn xuôi củ a ông mênh mang một màu thi ca lãng mạn, trữ tình.

Có những tác phẩm của kim Dung lấy thơ làm nguồn cảm hứng chủ yếu. Đó là trường hợp bộ Hiệp Khách Hành, gồm 12 quyển. Hiệp Khách Hành là tựa đề một bài thơ dài của nhà thơ Lý Bạch, một trong Đường - Tống bát đại gia mà lịch sử văn học Trung Quốc rất đỗi tự hào. Thơ Lý Bạch có nhiều thể tài: Diễm ca (ca ngợi cái đẹp), Túy ca (viết trong lúc say), Biệt ca (viết lúc chia tay nhau), Biên tái ca (viết về cuộc đời chinh chiến), Tình ca (ca ngợi tình yêu), Hành ca (ca ngợi chuyện giang hồ mạo hiểm),... Hiệp Khách Hành là một bài thơ ngũ ngôn, thuộc thể Hành ca, ca ngợi Ngụy Vô kỵ, tức Lăng Tín Quân, công tử của nước Ngụy và 2 hiệp khách - Hầu Doanh, người giữ cửa Di Môn cùng Chu Hợi, anh hàng thịt. Hai người đã có công giúp Tín Lăng Quân đưa quân sang cứu nước Triệu, bảo vệ Hàm Đan, chống lại quân Tần thời Chiến quốc.
Triệu khách mạn hồ anh
Ngô câu sương tuyết minh
Ngân yên chiếu bạch mã
Táp nạp như lưu tinh...
Đi vào trong tiểu thuyết Kim Dung, cả bài thơ Hiệp Khách Hành vẫn được giữ nguyên nhưng nó không còn là một bài thơ nữa. Nó chính là một pho võ công mà ai có tấm lòng chân chất nhất, ít cơ tâm nhất mới nhận ra được. Con người đó là một chàng trai không hề biết chữ: Thạch Phá Thiên tức Cẩu Tạp Chủng. Anh cóc cần bài thơ nói lên ý nghĩa gì, câu thơ biểu đạt điều gì. Anh chỉ nhìn nét chữ. Ví dụ chữ Hành gồm 6 nét thì anh khám phá ra sáu thế võ tương ứng với 6 nét đó chứ không cần biết Hành là đi hay chạy. Anh cứ lẳng lặng khám phá tự dạng như thế cho đến chữ cuối cùng và đắc thủ một môn thần công, điều mà có những người bỏ ra mấy chục năm vẫn không khám phá được. Kim Dung gọi đó là lối trước ý. Lục Mạch Thần Kiếm Truyện mênh mang một không khí lãng mạn, trữ tình của thơ. Đó là những câu thơ của Kim Dung làm ra để ca ngợi hoa trà, một quốc hoa của nước Đại Lý:
Thanh quần ngọc diện như tương thức
Cửu nguyệt trà hoa mãn lộ khai
(Quần xanh, vóc ngọc tuồng quen mặt
Tháng chín, hoa trà rợp lối đi)
Hoặc:
Xuân câu thủy động trà hoa bạch
Hạ cốc vân sinh lệ tử hồng
(Giòng xuân nước gợn hoa trà trắng
Non hạ mây trôi trái vải hồng).
Đó là những câu thơ do chính Kim Dung làm ra nhưng được gắn vào cho những nhân vật của mình, để các nhân vật tỏ tình trước tình nhân. Thí dụ Trấn Nam vương gia Đoàn Chính Thuần, một con người phong tình rất mực, thường "nói" với các tình nhân Vương phu nhân và Tu la đao Tần Hồng Miên. Với Vương phu nhân, một người rất yêu hoa, Đoàn Chính Thuần đọc:
Dưới khóm mẫu đơn đành bỏ mạng
Chết làm quỷ sứ cũng oai phong
Với Tần Hồng Miên, một người chuyên phóng Tu la đao, Đoàn Chính Thuần chỉ "biên tập" hai chữ mẫu đơn:
Dưới lưỡi Tu la đành bỏ mạng
Chết làm quỷ sứ cũng oai phong
Thi ca, từ phú không thể tách rời với thi pháp. Trong những ngày sống chung với Nguyễn Tinh Trúc, Đoàn Chính Thuần đã chép tặng bà này bài Sầm Viên Xuân, một bài từ danh tiếng:
Sóng thu dường điểm mực
Tóc phượng rủ bên tai
Dung nhan tuấn nhã
Vẻ thiên nhiên càng ngắm càng tươi
Cách hoa nhìn bóng dáng
Vằng vặc ánh sao thưa
Ngồi tựa lan can ngắm
Mặt hồ gươm phẳng lặng như tờ ...
Bao giờ quên được
Hình ảnh lúc chia phôi
Khăn là ướt đẫm
Ly biệt đôi đàng dòng lệ rơi.
Đoàn Chính Thuần là một vương gia phong nhã, có riêng một thư pháp. Chính nhờ đó, Tiêu Phong đã đối chiếu nét chữ trên bài từ với nét chữ của một nhân vật ẩn danh được gọi là "Thủ lĩnh đại ca" trong lá thư viết về truyện giết cha ông ngoài Nhạn Môn Quan và biết Đoàn Chính Thuần không phải là người chủ mưu vụ giết cha mình.
Thơ luôn gắn liền với tình yêu, đặc biệt là những mối tình dang dở. Gần như Kim Dung tôn trọng triệt để mô thức đó... Trong Tiếu Ngạo Giang Hồ Ký, Lệnh Hồ Xung và Nhạc Linh San thương yêu nhau. Rồi một người thứ ba - Lâm Bình Chi - hiện ra và Nhạc Linh San say mê Lâm Bình Chi, phụ rẫy mối tình của Lệnh Hồ Xung. Nàng lấy Lâm Bình Chi khi Lâm Bình Chi đã thự thiến bộ phân sinh dục (dẫn đao tự cung) để luyện Tịch Tà kiếm phổ. Biết chồng mình không còn là đàn ông nữa, Nhạc Linh San đau đớn nhớ thương chàng Lệnh Hồ Xung. Cô đã đề lên trên tấm vải một bài thơ của danh sĩ Lý Thương ẩn, mượn thơ người để biểu đạt tâm trạng của mình:
Nhớ xưa luyến ái Hàn công tử
Xương trắng thành tro hận chửa tan.
Ngày Nhạc Linh San chết đi, Lệnh Hồ Xung trở về núi Hoa Sơn. Anh vào căn phòng riêng của Nhạc Linh San và đọc được hai câu thơ ấy, biết được tâm trạng Nhạc Linh San và cảm thấy thương yêu cô gái bất hạnh hơn bao giờ hết.
Cũng trong Tiếu Ngạo Giang Hồ Ký, ta đọc được những câu thơ bình dân khá nổi tiếng của người Trung Hoa. Gần như bọn giang hồ hào sĩ thường lấy những câu thơ nầy làm câu cửa miệng, đọc lên trong những tình huống thích hợp. Thí dụ khi chia tay nhau họ đọc:
Thanh sơn bích thủy
Hậu hội hữu kỳ
(Non xanh trơ đó
Nước biếc vẫn đây
Còn ngày gặp gỡ)
Hay khi khuyên ai xuống tay giết một người, họ thường đọc hai câu thơ:
Tiểu lượng phi quân tử
Vô độc bất trượng phu
(Lượng nhỏ chẳng thành người quân tử
Không độc sao nên đấng trượng phu)
Những câu thơ thông tục, đặt đúng vào vị trí trong văn cảnh, đã làm tác phẩm tăng thêm chất văn học.
Thơ luôn gắn liền với kinh điển của các tôn giáo, bang hội. Trong kinh của Báo hỏa giáo Ba Tư, có đến trên 100 bài thơ của Nga Mạc, đã được nhà thơ Quách Mạt Nhược dịch ra bản Quan thoại. Kim Dung đã khéo léo sử dụng một bài thơ ngắn nói về số phận con người, gắn bài thơ đó vào thân phận Tiểu Siêu, cô gái lai Ba Tư - Trung Hoa trong ỷ Thiên Đồ Long Ký. Tiểu Siêu thương yêu Trương Vô Kỵ nhưng không hề nói lên lòng thương yêu đó. Cô chỉ vẫn thường hát cho anh nghe:
Lai như lưu thủy hề, thệ như phong
Bất tri hà xứ lại hề, hà sở chung
Chỉ có 17 chữ nhưng bài thơ cực kỳ hàm súc. Tôi xin tạm dịch:
Chợt đến như dòng nước chảy
Rồi tàn như gió thoảng mau
Chẳng biết từ nơi nào đến
Và chẳng biết tàn nơi đâu
Cho đến khi Tiểu Siêu hôn Trương Vô Kỵ, từ biệt anh để trở về Ba Tư, Trương Vô Kỵ mới khám phá ra ý nghĩa của tình yêu nằm trong lời kinh Bái hỏa giáo. Cuộc đời con người ngắn ngủi thì tình yêu cũng thế; cũng Lai như lưu thủy hề, thệ như phong và bất tri hà xứ lai hề, hà sở chung. Tôi cho đoạn Tiểu Siêu chia tay Trương Vô Kỵ trên biển là đoạn hay nhất, giàu chất thơ nhất trong cả 11 pho tiểu thuyết đồ sộ của Kim Dung.
Thơ chính là Đạo. Kim Dung muốn bạn đọc của mình nhận ra điều ấỵ. Ông đã để cho những nhân vật của mình xuất khẩu thành thơ, ngôn từ đơn giản nhưng ý tứ - cái Đạo bên trong - lại rất bao la, thâm diệu. Thí dụ như bài thơ của nhà sư Trí Quan đọc cho kiều phong khi nghe Kiều Phong lên núi thiên thai, chùa Chỉ Quán, yết kiến ông và hỏi tha (m gốc gác của mình . Tự thâm tâm, Kiều Phong rất xấu hổ, rất đau đớn vì mình là người Khất Đan; mình không thuộc dân tộc Hán. Nhà sư Trí Quan đã giải quyết mối ưu tư nội tại của Kiều Phong bằng một bài thơ mang chất thiền mênh mông:
Khất Đan với Hán nhân
Bất luận giả hay chân
Ân oán cùng vinh nhục
Không hơn đám bụi trần
Kim Dung đã đẩy tiểu thuyết của mình đi đến bờ cõi bao la của triết học. Và tùy trình độ nhận thức, cảm thụ; các nhân vật của ông ngộ hay không ngộ vấn đề. Tất nhiên, bài thơ như thế này rất gần gũi với con người, không đến nỗi bí hiểm như những công án của Thiền tông.
Trong 11 pho tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, thơ Trung Hoa và thơ của Kim Dung xuất hiện đều đặn. Nó trung hòa với tính chất sắt máu của cuộc đấu tranh chánh - tà, thể hiện cái hồn của văn học tiểu thuyết chương hồi truyền thống. Nó kết hợp với thư pháp (phép viết chữ), hình thành nên những pho võ công cho phán quan bút, kiếm pháp, chưởng pháp. Nó làm nên tố chất lãng mạn cho tình yêu, chất triết lý cho tôn giáo, chất trí tuệ cho đời sống. Đưa thơ vào truyện kiếm hiệp như ông quả là thủ pháp của một nhà văn cao cường. Có thể nói, Kim Dung đã vượt xa những bậc tiền bối của mình trong hệ tiểu thuyết chương hồi Minh Thanh. Điều này cũng rất dễ hiểu bởi Kim Dung là một nhà thơ có tài và tài năng của ông thực sự phát triển rực rỡ khi người tình Hạ Mộng ra đi khỏi vòng tay ông.

Vũ Đức Sao Biển

Friday, December 25, 2009

Một Bài Thơ Di Cảo Của Nguyễn Đình Thi


Photobucket
Một bài thơ di cảo của Nguyễn Đình Thi viết ngày 18 tháng 4 năm 2003, trước khi qua đời, tại ngay giường bệnh ... Một bài thơ hay để lưu lại cho cuộc đời đó chính là sự phản tỉnh bản thân của một kiếp con người ...


Gió Bay

Rồi hôm nào bỗng gió bay
Cái bóng ngoài kia đến đợi
Anh giật mình đứng dậy
Đến giờ rồi hôm nay


Trên tay cốc nhỏ không đầy
Uống chúc bạn bè ở lại
Anh chắt đời anh chắt mãi
Chút ngọt bùi chút đắng cay


Người tôi còn nhiều bùn tanh
Mặt tôi nhuốm xanh nhuốm đỏ
Tay tôi vướng nhiều đồ bỏ
Nhiều dây nhợ tự buộc mình


Thôi xin tha cho mọi lỗi lầm
Quên cho những dối lừa khoác lác
Tôi biết tôi đã nhiều lần ác
Và ngu dại còn nhiều lần hơn


Mong anh em hiểu đừng cười
Tôi gửi lại đây chìa khóa
Tất cả cửa nhà tôi đó
Ngổn ngang qua tạm cuộc đời


Tiếng đập cửa thình thình gọi
Anh cười vẫy
Xin chia tay
Lời ai văng vẳng
Hôm nào gió bay.

Nguyễn Đình Thi

Thursday, December 24, 2009

Đường Thi - Thi Trung Hửu Họa



Rượu đào chuốc chén dạ quang,
Giục người lên ngựa, tiếng đàn xôn xao
Say nằm bãi cát có sao,
Xưa nay chinh chiến có bao người về ...

Kamikaze - Huyền Thoại Về Các Cảm Tử Quân Nhật Bản .

Photobucket
Đứng bên cạnh hình ảnh các Samurai hiên ngang bất khuất là những cảm tử quân ít người biết đến: Kamikaze

(Kami = god; kaze = wind ; Kamikaze = Thần Phong). Nhà sử học và nghệ sĩ Philippines Daniel Dizon từng chứng kiến những lần xuất phát của các phi công kamikaze tại sân bay bí mật trên lãnh thổ Philippines cách Manila 80km về phía bắc trong Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Lúc đó ông chỉ mới 14 tuổi. Ông kể rằng, phần đông các phi công này “hành động cứ như họ đi chơi dã ngoại”, lòng can đảm của họ thật khó mà diễn tả.
Khi Chiến tranh thế giới lần thứ 2 sắp kết thúc, các sĩ quan chỉ huy Nhật đã phải thừa nhận vào tháng 10/1944 rằng, họ phải hành động nhanh trước khi Mỹ tấn công vào nước Nhật. Người Nhật quyết định thành lập đơn vị phi công đặc nhiệm chuyên mang bom bổ nhào xuống boong tàu sân bay đối phương để hủy diệt.
Các máy bay này và các phi công nhanh chóng nổi tiếng với tên gọi kamikaze, tên ngọn gió thần thánh đã cứu nước Nhật thoát khỏi cuộc xâm lược của quân Mông Cổ vào năm 1274. Cơn gió truyền thuyết này, có lẽ là trận bão đã tiêu diệt đoàn tàu chiến của Thành Cát Tư Hãn khi đang neo ngoài khơi đảo Kyushu ở miền Nam nước Nhật.
Kamikaze được hiểu một cách rộng rãi là các lực lượng đặc biệt của Nhật - bản thân các phi công không tự gọi mình là kamikaze - nhưng từ này đã phổ biến và ăn sâu vào trí tưởng tượng của người phương Tây; nó ám chỉ bất kỳ những ai có các hành động liều lĩnh và tự sát. Nhưng nó hoàn toàn khác với trường hợp của các phi công Nhật.
Photobucket 
“Không một phi công nào ra đi mà nghĩ rằng họ muốn chết cả” - Toyotaro Nakajima, cựu phi công lực lượng đặc biệt, nói trong một cuộc phỏng vấn - “Đó là mệnh lệnh: Hãy cứu lấy Tổ quốc, Tổ quốc chính là gia đình, anh chị em, bạn bè, quê hương của chính anh. Phải bảo vệ những cái đó trước kẻ thù!”.
Sau vụ đánh đắm thành công chiếc tàu sân bay Saint Lo ngày 25/10/1944 tại Vịnh Leyte ngoài khơi Philippines, giới lãnh đạo quân phiệt Nhật thấy rằng chiến thuật kamikaze có thể gây thiệt hại lớn cho đối phương, Hải quân Nhật bắt đầu triển khai các lực lượng đặc biệt trong suốt trận đánh Okinawa.
Theo báo cáo của phía Mỹ về chiến tranh Thái Bình Dương, người Nhật đã thực hiện 2,550 sứ mạng bay kamikaze từ tháng 10/1944 cho đến kết thúc chiến dịch Okinawa vào tháng 6/1945. Chiến thuật của họ là dùng máy bay tấn công thẳng vào tàu đối phương, đánh đắm vài chiếc và gây thiệt hại cho vài chiếc tàu khác. Các cựu phi công kamikaze đều đồng ý rằng, phần đông các phi công lực lượng đặc biệt đầu tiên đều nghĩ đến gia đình khi họ thực hiện các phi vụ chết người.
Shigemitsu Saito, nay đã 78 tuổi, trước kia là phi công trong các chiến dịch ở New Guinea và Guadalcanal, phủ nhận hình ảnh người phi công Nhật mang trong lòng hình ảnh Thiên hoàng khi thực hiện sứ mạng kamikaze. Ông cười: “Thiên Hoàng thật ra không hề có mặt trong tâm tưởng người phi công – đó chỉ là những gì mà báo chí đặt ra. Tôi không tin bất kỳ ai đi đến cái chết mà hô to: Banzai! Vì Thiên hoàng!".
Tuy nhiên, các đơn vị ban đầu được thượng cấp trực tiếp yêu cầu họ tự nguyện nhận các sứ mạng như thế. Sau này các phi công phải điền vào một mẫu đơn và nói rõ họ có muốn nhận các sứ mạng đó hay không – và phần đông họ đều đồng ý. Sau khi đồng ý, các phi công sẽ nhận lệnh từ bộ chỉ huy và cất cánh. Đôi khi các mệnh lệnh này được dán trên các bảng thông báo ở căn cứ không quân để mọi người có thể nhìn thấy.
Hiromi Kawasaki, 77 tuổi, là phi công hải quân Nhật. Lúc 18 tuổi đang trong giai đoạn thực tập, ông nhìn thấy tấm quảng cáo tuyển mộ cho một kế hoạch tuyệt mật được dán trên bảng thông báo tại căn cứ của ông. Sự hấp dẫn mạnh mẽ đối với một phi công trẻ khiến ông tình nguyện ra mặt trận chỉ sau 2, 3 tháng huấn luyện. Ông cho biết bản thân cũng rất lo sợ về sứ mạng tình nguyện vì khả năng tử vong là cực kỳ cao, nhưng từ khi được điều đến bờ biển Shikoku ở miền Nam Nhật Bản để đón đầu quân Mỹ thì ông mới còn sống cho đến ngày nay.
Kawasaki nói: “Chúng tôi không cần tiền bạc, danh tiếng hay mạng sống của mình – đó là suy nghĩ trong đầu chúng tôi”. Nhưng khi chiến tranh kết thúc, Kawasaki nhận thấy mình cần phải lo toan cho cuộc sống bản thân. Cuối cùng ông cũng đã lập gia đình riêng. Ông cho biết, nếu có cơ hội quay lại thời gian trước đây thì có lẽ ông đã không chọn cuộc sống hai con người như thế. Tsukasa Abe, phi công kamikaze cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng, chính ông đã thoát chết trong vài giờ: sứ mạng của ông sẽ được thực hiện vào chiều ngày 15/8/1945, nhưng đúng buổi trưa hôm đó Nhật hoàng đã tuyên bố đầu hàng vô điều kiện!
Photobucket
Những phi công còn sống đến ngày nay cho biết, gần như tất cả đều chứng kiến các đồng đội của họ cất cánh để hy sinh tính mạng trong các cuộc tấn công dưới hình thức kamikaze. Một phi công nhớ lại: “Chúng tôi rất bình thản khi nhìn thấy họ cất cánh. Họ ra đi trước trong khi bạn vẫn còn ở lại, cho nên bạn sẽ cảm thấy như chính mình bị mắc nợ như thế nào đó”. Cựu phi công muốn giấu tên này còn thú thật: “Sẽ là dối trá nếu như tôi nói rằng tôi đã không cảm thấy vui sướng khi không được chọn”.
Các thống kê đáng tin cậy cho thấy rằng, có hàng chục tàu chiến của quân Đồng minh bị đánh đắm bởi các cuộc tấn công kamikaze của Nhật và hàng trăm chiếc khác bị thiệt hại nặng nề. Các phi công kamikaze cũng nổi tiếng với các chiến công đâm thẳng vào các máy bay Đồng minh ngay giữa không trung! Thêm vào đó, các thủy thủ từng chứng kiến các cuộc tấn công kamikaze của quân Nhật đều bị ám ảnh tâm lý trầm trọng.
Một số người đã cho rằng, kiểu tấn công tự sát kamikaze Nhật Bản được bọn khủng bố sử dụng lại trong cuộc tấn công vào Trung tâm thương mại thế giới và Lầu Năm Góc của Mỹ vào ngày 11/9/2001, nhưng các phi công Nhật còn sống đều đồng loạt phủ nhận bất kỳ sự so sánh nào với bọn khủng bố hiện đại, bởi vì mục đích của họ chỉ là tấn công vào các mục tiêu quân sự.
Thật ra, bọn khủng bố ngày 11/9 có nghĩ đến cuộc tấn công cảm tử hay không thì chẳng ai biết được. Cựu phi công Kawasaki nói rằng, bổn phận người lính là tuân lệnh thượng cấp và động cơ của họ khác xa với động cơ của các vụ đánh bom liều chết ngày nay. Chiến thuật kamikaze là nhằm phòng vệ trước sự tấn công của quân Đồng minh và bảo vệ nước Nhật hơn là các cuộc tấn công thật sự.
Cựu phi công kamikaze Nakajima nói: “Không ai săn lùng cái chết hay cố tự sát cả. Chúng tôi làm như thế bởi vì chúng tôi có bổn phận bảo vệ đất nước mình. Đối với tôi, đó là sự khác biệt lớn”

Sunday, December 13, 2009

Gom Góp Từ Ngày Gió Bay Qua ...

Photobucket

 Ôi em bềnh bồng da tựa tuyết
Thân ôm lá thắm viết dòng thơ
Trả em một bát vô tình lệ
Xuống tóc gặp nhau hận chẳng chờ...

Tô Mạn Thù cha là Hoa kiều ở Nhật, mẹ ông cũng là người Nhật. Ông sinh ra ở Nhật, trở về Trung Quốc năm 10 tuổi, rồi lại quay trở lại Nhật học. Năm 20 tuổi ông thế phát làm tăng nhân, lãng du thiên hạ.

Đa phần thơ của Tô Mạn Thù là thơ thất tuyệt, "Bản sự thi" là tên chung cho một nhóm những bài thơ tự sự của ông, chứ không phải tên của một bài duy nhất, phong cách chịu ảnh hưởng của Lý Thương ẨnCung Tự Trân. Ngoài thơ, Tô Mạn Thù còn viết tiểu thuyết, trong đó nổi tiếng nhất là Đoạn hồng linh nhạn ký đã được Bùi Giáng dịch ra tiếng Việt.
Ô xá lăng ba cơ tự tuyết
Thân trì hồng diệp tố đề thi
Hoàn khanh nhất bát vô tình lệ
Hận bất tương phùng vị thế thì...

Friday, December 4, 2009

Vườn Cảnh Nhật Bản

Tìm Hiểu Thêm Vẻ Đẹp Của Thiền Trong Vườn Cảnh Nhật Bản .


1. Các loại vườn cảnh

Nhật Bản có rất nhiều vườn cảnh nổi tiếng nhưng tất cả đều được xây dựng trong sân của các Thiền viện, trà thất và nhà ở. Đó là những nét khác lạ của vườn Nhật so với các vườn kiểu khác trên thế giới. Nhưng giá trị quan trọng nhất của vườn cảnh Nhật không phải là vị trí mà là thẩm mỹ Thiền nằm sâu trong nó. Những khu vườn này dù nhỏ, dù lớn, dù mang nhiều phong cách khác nhau nhưng đều có một đặc điểm chủ đạo là chịu ảnh hưởng của tư tưởng Thiền. Chính giá trị thẩm mỹ Thiền ẩn dấu trong từng chi tiết đã khoác lên vườn cảnh một vẻ đẹp đơn sơ mà cuốn hút khiến cả thế giới đang ra sức học hỏi vẻ đẹp đó.

Nhật Bản có lịch sử tạo vườn hơn 1300 năm. Theo ghi chép của Nihon Shoki, ngay dưới triều Thiên hoàng Suiko (592 - 626) ngôi vườn đầu tiên của Nhật đã được hình thành. Đó là vườn của Tể tướng Sagano Umako được thiết kế có "một hồ nước nhỏ đào ở sân trong, ở giữa có hòn đảo nhỏ".
Nghệ thuật làm vườn phát triển thời Nara, những loài hoa dại như cây anh đào, hoa mận, hoa đỗ quyên, cây đuôi diều hay các loại cây cỏ khác đã được đem về trong vườn để thưởng ngoạn vẻ đẹp tự nhiên của chúng. Trong tập thơ Manyoshu có rất nhiều bài thơ ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên của các hoa viên có trồng nhiều những hoa này.

Cuốn sách nổi tiếng bàn về việc thiết kế vườn cảnh do Tachibanano Toshitsumi viết vào nửa sau thế kỷ XI cho chúng ta thấy người Nhật đã phát triển được một phong cách thiết kế vườn riêng biệt. Họ bố trí ao hồ, những hòn đảo tí hon và các mô đất để tượng trưng cho biển, đảo và núi. Các hòn đảo trong một cái ao phải được đặt lệch nhau với những đường nét uốn éo trông giống như những mảng sương mù. Người Nhật tạo ranh giới giữa đất và nước bằng những hòn cuội nhỏ, tượng trưng cho một bãi biển bằng cát. Bờ biển phải luôn có vẻ hoàn chỉnh và ngay cả khi mặt nước chỉ lên xuống chút xíu.
Ngoài ra tác giả cuốn Sakuteiki còn nhắc nhiều đến nguyên lý thẩm mỹ là "nguyên lý sức căng thẩm mỹ". Nguyên lý này được tạo ra thông qua cách bố trí các hòn đá sao cho "đúng vị trí chúng cần phải có", những hòn quan trọng được đặt trước rồi hòn thứ hai, hòn thứ ba "đúng chỗ của nó"... Về sau các nhà thiết kế vườn của Nhật Bản luôn luôn tuân theo quy tắc này, đặc biệt là trong bố trí các hòn đá trên con đường nhỏ dẫn đến trà thất.

Thời kỳ quý tộc Fujiwara đã thiết kế vườn kiểu hoa viên Shindenshiki trong những dinh thất xây dựng theo kiểu kiến trúc Shindenzukuri (tẩm điện).

Vào thời Kamakura, mối giao lưu quan hệ văn hoá Nhật Bản và Trung Quốc được khôi phục. Các nhà làm vườn rất say mê ứng dụng những khuynh hướng mới nhất của Trung Quốc, trong đó có tranh Suibokuga (tranh thuỷ mạc). Dựa vào phong cách vẽ tranh, các nhà làm vườn đã cố lựa chọn các hòn đá, khối đá có hình thù đặc biệt tượng trưng cho núi non mọc lên trên một bãi cát trắng tượng trưng cho biển cả. Đó là kiểu vườn Karesansui (sản thuỷ khô).

Thời Muromachi, vườn "cảnh khô" sử dụng đá và cát trắng tạo thành rất được thịnh hành tuy vẫn sử dụng kỹ thuật Sakuteiki thời Fujiwara với thực vật, nước và đá là chủ yếu.


Tuy nhiên hai Thiền sư có ảnh hưởng rất lớn đến giới võ sĩ lúc bấy giờ đồng thời cũng nổi tiếng là những nhà thiết kế vườn tài ba là Muso và Soami đã xây dựng được kiểu hoa viên mới gọi là hoa viên Kaiyushiki (vườn dạo). Ngoài ra còn có kiểu Hirasansui (hoa viên bằng phẳng). Hai kiểu vườn này ngày càng nhỏ dần, có tính biểu tượng nhiều hơn và mang lại phong vị của tranh cảnh vật đen trắng đương thời.


Thời đại Edo cùng với sự phát triển trà đạo, hoa viên được phân chia thành ba loại đó là vườn trà Chaniwa, vườn bằng Hiraniwa và vườn cảnh tản bộ gọi là Kayusansui. Kiểu vườn Hiraniwa là kiểu vườn được thiết kế cho kiểu nhà Shoin (thư viện) phải được thưởng ngoạn từ phía trong nhà.


Mặc dù trong lịch sử Nhật Bản có rất nhiều kiểu vườn như vậy nhưng những kiểu vườn mang đậm tư tưởng Thiền nhất chỉ có loại vườn khô Karesansui và vườn trà Chaniwa.

2. Tính Thẩm Mỹ Thiền Trong Vườn Cảnh


Có thể nói vườn Nhật Bản mang đặc trưng riêng, đó là nơi "thiên nhiên được nghệ thuật sắp xếp mang lại ý nghĩa tượng trưng". Cái vi mô trong vườn gợi lên vũ trụ vĩ mô. Một hòn đá, một gốc cây cũng đã gợi cảm. Nó không đáp ứng nhu cầu lý tính như kiểu vườn Pháp nó muốn gây cảm xúc sâu lắng. "Nó bao gồm đủ cả đất, đá, cát, nước, cỏ cây và loài vật... để người cảm thông với vũ trụ. Vườn Nhật theo mẫu vườn Trung Quốc nhưng đi sâu hơn nữa vào tính tượng trưng, tính trầm tư (Thiền). Đó là một loại hình điêu khắc trên mặt đất, tôn trọng mặt đất nguyên thuỷ". Chính vì vậy, Thiền sư thường dùng vườn để làm nơi ngồi trầm tư, thiền định.

Vườn Karesansui, mà đại diện nhất là khu vườn nằm trong chùa Ryoanji, người làm vườn dùng đá, sỏi, cát trắng để diễn tả về biển, núi và gợi lên vẻ đẹp đơn giản của Thiền. Kiểu vườn Chaniwa tiêu biểu là vườn của Thiền viện Daisen. Người thiết kế vườn chủ yếu sử dụng vật liệu đá với đủ hình dáng sù sì, góc cạnh, kích cỡ... và các loại cây bụi để diễn tả một dòng suối khô. Kiểu vườn này thoạt trông có vẻ rất phức tạp, thô kệch, tầm thường nhưng đó chính là giá trị thẩm mỹ Thiền cao nhất của khu vườn. Cả hai loại vườn này đều đòi hỏi người ngắm cảnh phải ngồi trầm tư, mặc định tập trung tư tưởng, thông qua trực giác để hiểu ý nghĩa sâu sắc hàm chứa bên trong những hình dáng đơn giản hay thô kệch kia.

Những vườn có phong cách giống vườn chùa Ryoan thường nhấn mạnh vẻ đẹp qua sự đơn giản nhưng thực chất không phải như vậy. Một lớp sỏi hoặc cát trắng được trải rộng ra toàn bộ khu vườn để diễn tả biển. Những đường lăn tăn, gợn sóng gợi lên hình ảnh những con sóng ngoài khơi. Những đường cong nhỏ, mảnh, sít lại gần nhau diễn tả mặt biển êm, ít sóng; những đường cong lớn, rộng lại gợi lên mặt biển dữ dội, đầy sóng to gió lớn. Trên một mặt phẳng nhỏ bé như vậy, người làm vườn tạo rất nhiều kiểu sóng khác nhau để tạo ra, gây cảm giác về biển cả rộng lớn. Nhật Bản là một quốc đảo, được bao bọc tứ phía là biển vì vậy hình ảnh biển đối với việc thiết kế vườn có ý nghĩa rất lớn.

Và chắc chắn do chịu ảnh hưởng bởi những suy nghĩ cảm giác về vị thế của nước mình là một hòn đảo nổi giữa biển mà việc bài trí các hòn đá để gợi lên hình ảnh các hòn đảo đá trở thành phổ biến. Những hòn đá có hình dáng sù sì, gồ ghề được sắp xếp một cách hài hoà với các độ cao thấp khác nhau nên vẻ đẹp tự nhiên của những hòn đá mọc lên một cách độc lập giữa biển. Những hòn đá này được xếp thành những nhóm ba, năm, bảy hoặc chín. Đó là những con số mà theo triết lý Phật giáo được cho là những con số may mắn. Vườn chùa Ryoaji nổi tiếng vì cách sắp xếp đá rất khéo léo tạo nên một bố cục không gian kỳ diệu của nó. Ngoài ra trên mặt biển cát trắng xoá thường nổi lên những hòn đảo Kameshima (đảo rùa) và Tsurushima (đảo hạc). Rùa và hạc là biểu tượng cho sự trường thọ, lâu dài theo triết lý Phật giáo. Loại vườn này không có cây, hoa, cỏ, nước hay bất kỳ yếu tố nào khác ngoài cát và đá nhưng nó vẫn gợi lên được hình ảnh những ốc đảo nhỏ trên mặt biển mênh mông.

Vườn kiểu Chaniwa cũng là một loại Karesansui nhưng là khu vườn nhỏ mà khách có thể tạm nghỉ ngơi khi đi tham quan. Nổi bật nhất trong vườn trà là con đường Roji. Mặc dù là con đường nhỏ chạy xuyên qua khu vườn dẫn khách từ cổng vào trà thất nhưng đóng vai trò rất quan trọng. Roji bắt nguồn từ kinh Phật, ngụ ý chỉ chốn sạch sẽ, ngăn nắp. Vì vậy các trà sư, Thiền sư phải tìm tòi, thiết kế sao cho con đường này trở thành con đường thoát tục, mang không khí Thiền. Nó trở thành vật ngăn cách trà thất với thế giới xô bồ, ồn ào bên ngoài.

Các chi tiết bên trong vườn được bố trí hài hoà trong một màu xanh bát ngát được tạo ra bởi rêu ở bên dưới đất và cây xanh ở bên trên. Vào mùa thu khi lá của một cây rụng sớm trở nên đỏ, héo rụng xuống, chúng thường được quét vun vào một gốc cây tạo nên một sự tương phản không gay gắt mà trái lại còn làm nổi bật lên cảm giác về một cuộc sống tạm thời.

Các vườn trà đều có hàng rào đan từ tre, tranh, rơm, rạ... Đơn điệu, trùng lặp là điều tối kỵ trong thẩm mỹ của người Nhật. Vì vậy, màu vàng của tre không chỉ làm cho khu vườn bớt đơn điệu còn gợi lên vẻ đẹp thanh bần của một nhà tranh được bao bọc bởi một hàng tre ở nông thôn. Toàn bộ vườn trà toát lên một vẻ đẹp gin dị hài hoà với thiên nhiên. Cây cỏ hoa lá cùng với các sự vật trong vườn cảnh nếu tách riêng ra thì có vẻ rất tầm thường nhưng dưới bàn tay sắp xếp tài tình của các nhà làm vườn Nhật Bản ở trong vườn trà chúng lại là những yếu tố gắn bó mật thiết với nhau làm tôn lên vẻ đẹp của nhau và cùng nhau nhấn mạnh vẻ đẹp tự nhiên, dung dị, không chút phô trương, đầy giá trị thẩm mỹ quan Thiền.

Từng chi tiết, từng chi tiết cứ mỗi khi đi qua sự vật nào đó của vườn trà như cổng giữa Nakakuguchi, con đường Roji, Tsukubai, Tobiishi..., thì cảm giác khiêm nhường thoát tục của khách dường như cứ được nhân lên.

Thật vậy, do chịu ảnh hưởng sâu sắc của giá trị thẩm mỹ Thiền do các trà sư, Thiền sư đem lại nên không chỉ vườn cảnh mà trà thất, nơi diễn ra tiệc trà cũng mang những yếu tố thẩm mỹ thiền sâu sắc.

Qua vẻ đẹp Thiền trong kiến trúc một số vườn cảnh Nhật Bản chúng ta hiểu thêm quan niệm về cái đẹp của người Nhật trong lối sống và thưởng thức nghệ thuật.

BOOK OF 5 RINGS - The Book Of Void

  Photobucket             The Book of Void


- Trong phần này, tôi đã ghi lại Con đường Chiến thuật mà phái Nito Ichi hướng đến.
- Điều cốt lõi của “Lỗ hổng” chính là “không có gì”. Nó không nằm trong tri thức con người bởi nó “không là gì cả”.Bởi nếu bạn hiểu được những thứ tồn tại thì bạn cũng có thể hiểu được những thứ không tồn tại. Đó là “Lỗ hổng”
- Phần lớn, người ta nhìn sự vật, sự việc một cách hết sức sai lầm, và nghĩ rằng những gì mình không hiểu thì đó là “Lỗ hổng”. Đó không phải là “Lỗ hổng” thật sự. Đó chỉ là một sự ngộ nhận mà thôi.
- Cũng thế, trong Con đường Chiến thuật, những người đi theo con đường của một chiến binh thì nghĩ rằng những gì mà họ không hiểu trong chiến đấu thì đó là “Lỗ hổng”. Đó cũng không phải là “Lỗ hổng” thật sự.
- Để hiểu được Con đường, người chiến binh phải học tập nghiêm túc nhiều phái võ, nghệ thuật khác và không được đi chệch đi Con đường của người chiến binh. Với một ý chi quyết tâm, luyện tập chuyên cần giờ qua giờ, ngày qua ngày. Làm cho trái tim và lý trí bạn hợp lại làm một, rèn giũa đôi mắt của bạn ở cả hai mặt nhận thức và quan sát. Và khi tinh thần bạn hoàn toàn thông suốt, bạn sẽ thấy “Lỗ hổng” thật sự.
- Tuy nhiên, nếu bạn nhìn sự vật, sự việc từ cái nhìn của người thống trị, bạn sẽ thấy nhiều vấn đề nảy sinh từ Con đường chính. Hiểu cách nhìn đó một cách sâu sắc. Bạn cũng phải ứng dụng Chiến thuật rộng hơn, đúng đắn hơn nữa.
- Thề rồi bạn sẽ nhìn nhận vấn đề với một khía cạnh rộng hơn, đưa “Lỗ hổng” vào Con đường, và sau đó bạn xem Con đường như “Lỗ hổng” vậy.
- Trong “Lỗ hổng” không được tồn tại ác tâm. Sự thông thái thì tồn tại, nguyên lý của tồn tại, Con đường là tồn tại và linh hồn là không có thực.

Năm Shoho thứ hai (1645), 20/5
SHINMEN MUSASHI

BOOK OF 5 RINGS - The Book Of Wind

               The Book Of Wind:


- Trong Chiến thuật, biết những chiêu thức và ý nghĩa của các môn phái khác là điều bắt buộc. Vì thế, trong phần này tôi sẽ nói đến một vài chiêu thức của các môn phái truyền thống.
- Nếu bạn không hiểu được các Phái khác thì bạn cũng sẽ khó khăn trong việc tiếp thu những tinh hoa của Phái Ichi. Nhìn họ và học ở họ những cái hay trong chiến đấu mà ta chưa có. Vài trường phái thì chuyên sử dụng đoản kiếm – Kodaichi. Những nơi khác thì chuyên vào kỹ năng trong sử dụng kiếm.
- Trong cuốn sách này, tôi không thể nói thế nào là một Con đường thực sự mà bạn nên đi được. Phái Ichi của tôi nó khác. Những môn phái khác chỉ đơn thuần là luyện tập, cho ra đời những bông hoa, trang trí màu mè lên nó và sau đó đem bán. Đó không phải là Con đường của Chiến thuật.
- Nhiều nhà chiến lược chỉ biết và nghiên cứu có mỗi kiếm học trong suốt cuộc đời của mình, điều này ngăn cản họ có thể phát huy khả năng thật sự của kiếm thuật. Nhưng tôi đặt câu hỏi phải chỉ cần có một kỹ năng khéo léo là ta dễ dàng chiến thắng? Đây không phải là Con đường mà ta cần. Tôi đã ghi ở đây những điểm mạnh và cũng như điểm thiếu sót của từng Phái một để bạn dễ dàng hơn trong nhận thức của mình.


Những Phái sử dụng những thanh kiếm cực dài
- Một vài môn phái có những chiêu thức rất lợi hại dành cho loại kiếm bất thường này. Nhưng theo cách nhìn của tôi thì đây được coi là những môn phái yếu. Bởi họ không nhận biết được thế nào là cắt đối thủ. Họ chỉ quan tâm đến trường kiếm và tận dụng những điểm mạnh từ chiều dài bất thường của nó, hạ đối thủ từ khoảng cách càng xa càng tốt.
- Có câu rằng: “Một sải nhỏ cũng làm cho đôi tay ta dài ra”, nhưng đó chỉ là câu ngồi lê đôi mách và tất nhiên là từ những người thật sự không biết gì về Chiến thuật. Điều trên cho ta thấy sự yếu kém trong Chiến thuật và cả tâm lý của người sử dụng nó, họ chỉ dựa vào thanh kiếm cực dài của mình, chiến đấu có khoảng cách và không sử dụng gì những quy tắc Chiến thuật nào cả.
- Tôi nghĩ chắc cũng có lý do để trả lời cho câu hỏi vì sao họ lại sử dụng kiếm theo cách này, nó có thể là theo một học thuyết nào dó nhưng nếu ta so sánh với cuộc sống thì mọi giải thích đều vô lý.
- Sẽ rất khó để tấn công đối thủ nếu hắn áp sát gần khi dùng loại kiếm này. Phần lưỡi kiếm quá lớn lúc đó sẽ là gánh nặng cho người sử dụng, và bị bất lợi khi chiến đấu như vậy.
- Nhưng người xưa có câu: “Lớn và nhỏ luôn đi chung với nhau”. Vì vậy cũng đừng có những định kiến quá sâu về loại kiếm này. Cái tôi ghét chính là khuynh hướng nghiêng quá sâu về trường kiếm của hó. Ta có thể thấy trong chiến trận, một lực lượng đông đảo trang bị trường kiếm và một nhóm nhỏ chỉ dùng đoản kiếm. Bạn tự hỏi: “Ai sẽ thắng?” Tôi có thể khẳng định với bạn có rất nhiều cơ hội cho bên đoản kiếm thắng.
- Đó là lý do tại sao những samurai khi đi ra ngoài thường mang hai thanh kiếm là kiếm và kiếm bạn, và khi ở trong nhà thì họ chỉ mang kiếm bạn mà thôi. Kiếm bạn là vật bất ly thân.
- Theo chủ nghĩa của tôi, tôi không thích những nhận thức được sắp đặt trước, những ý nghĩ bạc nhược, nông cạn. Vì vậy bạn phải học tốt những điều tôi đề ra.


Trường kiếm trong những môn phái khác
- Nếu bạn sử dụng trường kiếm với một ý chí mạnh mẽ, lúc đó những nhát chặt của bạn trở nên thô kệt. Và nếu bạn sử dụng kiếm không đúng cách, bạn sẽ khó mà thắng được.
- Nếu bạn chỉ quan tâm đến sức mạnh của thanh kiếm, bạn sẽ cố ch8ạt nó thật mạnh một cách vô ý thức và cũng sẽ không đạt được gì. Việc cố chặt thật mạnh khi thử kiếm cũng không nên. Ngay khi bạn vung kiếm về hướng đồi thủ, bạn không nên nghĩ đến việc sẽ chặt đối thủ mạnh hay yếu, chỉ nghĩ rằng mình phải chặt và giết hắn. Trong đầu bạn lúc đó chỉ tồn tại một ý định là chặt đối thủ, đừng cố chặt mạnh hơn hay yếu hơn. Chỉ nghĩ đến việc hạ gục đối thủ mà thôi.
- Nếu bạn dựa vào sức mạnh, kiếm của bạn và của đối thủ chạm vào nhau lúc đó sẽ rất mạnh, nhưng chỉ có kiếm đối thủ bị bật ra còn kiếm của bạn tì không. Như câu nói “Kẻ mạnh hơn thì thắng”, nhưng nó cũng không có ý nghĩa gì trong Chiến thuật
- Ta có thể thấy trong chiến trận, nếu bạn có một quân đội hùng mạnh và chỉ dựa vào sức mạnh để thắng, nhưng nếu lúc đó đối phương cũng tương tự như vậy thì sao, trận chiến sẽ rất khốc liệt và thương tổn rất nhiều cho cả hai bên.
Không có một nguyên tắc đúng đắn, ta không thể thắng
- Nguyên tắc của môn phái Ichi là dùng những hiểu biết về Chiến thuật để giành lấy chiến thắng, không nên để ý đến những điều vặt vãnh khác. Bạn phải hiểu nó.


Những Phái sử dụng trường kiếm ngắn
- Đây cũng không phải là con đường thật sự để đi đến chiến thắng.
- Vào thời xưa, đoản và trường kiếm được gọi là “Tachi” và “Katana”. Những người có sức mạnh có thể cầm và dùng trường kiếm nhẹ nhàng, vì vậy không có lý do gì mà họ thích đoản kiếm cả. Họ cũng lợi dụng chiều dài của giáo và thương trong chiến đấu. Một vài người thì sử dụng trường kiếm ngắn chỉ với một ý định là thừa lúc đối phương không cảnh giác khi vung kiếm, họ nhảy vào và hạ hắn. Cách này theo tôi rất xấu.
- Để có thể canh được khoảnh khắc mất cảnh giác của đối thủ thì ta phải ở trong tư thế phòng thủ, không muốn xáp gần đối thủ. Nhiều hơn nữa, bạn không thể nhảy vào vị trí phòng thủ của hắn với thanh kiếm trên tay nếu lúc đó có quá nhiều địch. Một vài người nghĩ rằng nếu họ sử dụng chỉ một thanh trường kiếm ngắn này để đối đầu với một nhóm đông, họ sẽ có cơ hội được vui đùa thoả thích và cứ chạy vòng quanh chặt và chặt, nhưng họ phải né đòn liên tục ngay cả khi đã lẫn vào đối phương. Điều này mâu thuẫn với Con đường của Chiến thuật.
- Con đường để chiến thắng là xua đối thủ vào tư thế bất lợi, bắt hắn phải sợ hãi mình bằng thể xác và tư thế hùng dũng và mạnh mẽ. Đó cũng là một nguyên tắc trong chiến trận. Bạn phải đứng trên tư thế là kẻ mạnh đối với kẻ địch, phải nhanh chóng hạ gục ý chí chiến đấu của chúng. Bởi việc học tập Chiến thuật, con người sẽ dần quen với việc phản công, né tránh hay rút lui như một chuyện bình thường. Từ đó nó hình thành một thói quen, và dễ dàng vượt qua mọi đối thủ. Con đường Chiến thuật thẳng thắn và luôn tồn tại.


Những cách sử dụng trường kiếm của các môn phái khác
- Tôi nghĩ những chiêu trên chỉ để lòe thiên hạ mà thôi, họ chỉ mong muốn có nhiều môn đệ đến học. Đây là một dạng kinh doanh kiếm học. Tôi không thích nó.
- Lý do là bởi, bạn học quá nhiều cách để hạ đối phương và giờ đây, bạn áp dụng vào trận đấu, bạn phải lựa chọn trong nó và thế là bạn bỏ mất thời cơ. Bạn phải hiểu rằng, giết không phải là Con đường của nhân loại. Giết là cách so sánh giữa người biết chiến đấu và người không biết chiến đấu. Nó cũng có nghĩa với phụ nữ và trẻ em. Ta có thể nói đến những chiến thuật khá nhau như đánh, đè và luồn dưới, không có gì ngoài đó ra cả.
- Tuy nhiên, hạ đối thủ là Con đường của Chiến thuật, không cần thiết phải có nhiều vệt màu trang trí vào nó.
- Có những lúc, thanh kiếm của bạn sẽ gây trở ngại cho việc di chuyển và tấn công của mình, vì thế bạn cần cho kiếm vào tư thế mà ở đó nó có thể phát huy được tác dụng của mình. Có 5 cách cho 5 tư thế khác nhau.
- Những cách đó là: Xoắn tay, uốn người, nhảy ra và vân vân ... để chặt đối thủ, đây không phải là Con đường thật sự. Bởi để có thể chặt đối thủ, bạn không thể chặt theo kiểu là xoắn hay uốn được. Nó hoàn toàn vô dụng. Trong Phái của tôi, tôi hướng thể xác và ý chí luôn thẳng về đối phương, khiến hắn phải sợ hãi, phải xoắn hay uốn lại. Điều cốt lõi là hạ đối phương khi tinh thần hắn đã gần như sụp đổ, lung lạc. Ban phải học điều này.


Tư thế cầm kiếm ở các Phái khác
- Tập trung quá nhiều vào tư thế kiếm là sai lầm trong cách suy nghĩ của họ. Từ “Tư thế” chỉ có thể sử dụng được khi lúc dó không có đối thủ đứng trước mặt. Có thể từ thời xưa, điều này là một tiền lệ không gì sửa được cho đến nay, và tất nhiên không thể có cái gọi là “Đây là cách mới nhất để chiến đấu”. Bạn phải luôn khiến cho đối phương luôn rơi vào trạng thái bị động.
- Tư thế chỉ dựa vào hoàn cảnh lúc đó, khi mà bạn không thể di chuyển. Đó có thể là trong thành, trong những đội hình dàn trận và vân vân ... , cho thấy một ý chí không dao động ngay cả khi đó là một đợt tấn công mạnh mẽ của đối phương. Trong các trận đấu tay đôi, bạn phải luôn nghĩ đến làm thế nào để chiếm thế và tấn công đối thủ. Còn tư thế khuyến khích cho sự chờ đợi trong chiến đấu. Bạn phải nhận thức được nó.
- Trong chiến đấu, bạn phải đánh sập tư thế của đối thủ, tấn công những nơi hiểm yếu, làm hắn lẫn lộn, phát cáu và hù dọa hắn. Dựa vào những lợi thế này, bạn sẽ thắng.
- “Tư thế”, tôi không thích cách phòng thủ kiểu này. Vì thế, trong Phái của tôi, có một tư thế gọi là “Tư thế không là tư thế”
- Trong chiến trận, ta triển khai lực lượng mình với đội hình mạnh nhất, phán đoán quân số đối phương và chú ý đến diễn biến trận chiến. Đây là điểm bắt đầu của trận đấu.
- Bạn nên phân biệt tấn công và bị tấn công là khác nhau. Tấn công hiệu quả, với một tư thế mạnh mẽ, cảnh giác trong những đòn tấn công của đối thủ, giống như bạn đã lập ra một bức tường đầy giáo và thương, ngăn cách đối phương với bạn. Bạn phải thực hành nó thường xuyên.


Cách quan sát trong các môn phái khác
- Một vài trường phái thì nói rằng, đôi mắt của bạn phải luôn nhìn vào kiếm đối thủ. Nơi khác thì ở tay. Nơi khác nữa thì là mặt và một vài nơi thì là bước chân, vân vân.... Nếu bạn làm như thế, lý trí của bạn sẽ dễ bị hoảng loạn và nhầm lẫn, và theo đó, suy nghĩ trong Chiến thuật của bạn sẽ biến mất lúc đó.
- Tôi có thể ví dụ như những tay chơi túc cầu, họ không bao giờ chỉ quan sát đến quả bóng mà là toàn bộ cục diện trận đấu. Khi bạn quen với nó, bạn sẽ không bị giới hạn trong việc sử dụng cặp mắt của mình. Những người nhạc công cũng thế, họ để những bản ký âm trước mặt mình, hay những kiếm sĩ bậc thầy với những chiêu kiếm mạnh mẽ, nhưng điều đó không có nghĩa là họ phải luôn dán mắt vào nó.
- Trong Con đường Chiến thuật, nếu bạn đả có nhiều kinh nghiệm trận mạc rồi thì bạn có thể dễ dàng kiểm soát được tốc độ và sức mạnh của thanh kiếm đối phương, và nhờ Con đường, bạn thấy được cả ý chí và chiến lược mà hắn sẽ sử dụng. Trong Chiến thuật, cái mà bạn cần chú ý đó chính là trái tim.
- Trong chiến trận, cái ta cần quan sát là sức mạnh của đối phương. “Nhận thức” và “Quan sát” là hai phương cách để nhìn nhận sự việc. Nhận thức chiến lược của đối phương, quan sát tình hình trận đánh, nhìn chằm chằm vào chúng, nắm bắt được thời điểm thích hợp và chiều hướng có thuận lợi cho ta hay khoông. Đây là cách chắc chắn để giành thắng lợi.
- Trong những trận tay đôi, bạn không nên quan sát chỉ một vị trí một. Như tôi đã nói, lý trí của bạn sẽ bị rối loạn và chiến thắng cũng luôn tránh xa bạn ra.


Bước chân trong các Phái khác
- Có nhiều cách sử dụng bước chân như: Bước nhẹ, bước nhảy, bật, đạp, chân quạ, và nhiều cách khác. Nhưng trong Chiến thuật của tôi, tất cả chúng đều không tốt.
- Tôi không thích bước nhẹ bởi bàn chân bao giờ cũng phải dàn trải ra trong trận đấu. Như theo Con đường, bước chân ta phải vững chắc và kiên quyết.
- Cũng vậy, tôi không thích bước nhảy bởi nó khuyến khích thói quen nhảy trong ta. Nếu bạn nhảy càng nhiều bao nhiêu thì cũng không có bằng chứng nào biện minh rằng bạn sẽ thắng, vì thế hảy tránh nó.
- Bật chỉ làm ta khó mà quyết định trong các thời điểm nhất định.
- Đạp đơn giản chỉ là một phép “chờ”, vậy thôi và tôi đặc biệt ghét nó.
- Ngoài ra, còn có nhiều cách di chuyển khác như chân quạ hay vân vân ....
- Đôi khi, bạn đối đầu với đối thủ trong một vũng lầy, sình, thác, sông, chỗ gập gềnh hay không gian hẹp, trong những lúc đó, bạn không thể nhảy hay di chuyển nhanh được.
- Trong Chiến thuật của tôi, bước chân không hề thay đổi. Tôi đi bình thường như đang đi bộ vậy. Bạn cũng không được lơi là bước chân của mình. Dựa vào đối thủ, di chuyển nhanh hay chậm, sửa tư thế lúc đó cũng không nên quá nhiều hay quá ít.
- Bước di chuyển cũng rất quan trọng trong chiến trận. Bởi nếu bạn tấn công nhanh nhưng lại không thấy được chiến lược của đối phương, bạn sẽ không thể nào thắng được. Hay nếu bạn tiến chậm, bạn cũng không nắm bắt được thời điểm hợp lý và bạn không thể quyết định trận đấu được. Bạn chỉ giành được chiến thắng bằng cách nắm bắt đúng thời điểm đối phương hỗn loạn và suy yếu về ý chí, không cho chúng thời gian để phục hồi lại.


Các môn phái thiên về tốc độ
- Tốc độ không nằm trong Con đường Chiến thuật. Tốc độ cũng bao hàm ý nghĩa sự vật ấy nhanh hay chậm, dựa trên trang thái lúc đó của chúng như thế nào.
- Một vài người có thể đi hết 100 dặm hay 120 dặm chỉ trong một ngày, nhưng đó không có nghĩa là họ chạy liên tục từ sáng sớm đến tối mịt. Những người không tập luyện, họ chạy cả ngày nhưng rốt cục, năng suất lại rất thấp.
- Trên sân khấu, những nghệ sĩ lành nghề họ có thể vừa ca vừa nhảy được, nhưng những người mới bắt đầu, họ không thể bởi lúc đó họ sẽ chậm dần theo điệu nhạc và ý thức của họ hỗn loạn. Âm điệu “Cây thông già” được chơi trên trống da thì lặng lẽ, yên bình, nhưng khi người mới khi cố thử nó thì không nên tí nào. những người thạo nghề thường nắm bắt nhịp điệu rất nhanh nhưng cũng không tốt nếu quá nhanh. Nếu bạn cố chơi thật nhanh, bạn cũng không thể theo kịp điệu nhạc. Dĩ nhiên, chậm cũng không phải là tốt. Những nghệ sĩ giỏi không bao giờ đứng trước những tình huống như vậy. Từ ví dụ trên, khía cạnh của vấn đề cũng đã được khai thông.
- Tốc độ không bao giờ thuộc về Con đường Chiến thuật. Lý do là vì nó phụ thuộc vào không gian lúc đó, bùn, lầy, vân vân ..., lúc đó bân không thể di chuyển nhanh được. Nhưng nếu bạn có một thanh trường kiếm thì bạn có thể chặt nhanh hơn, vậy thôi. Nhưng nếu bạn có6 chặt thật nhanh, như thể đang dùng một cây quạt hay đoản kiếm, bạn chỉ phủi bụi hắn.
- Trong chiến trận, một chiến lược nhanh nhưn rối rắm là không được. Điều cốt lõi lúc đó là bạn phải làm như đang đè một bao gối, rồi sau đó tiến tới, bạn sẽ không nhanh hơn và cũng không chậm hơn bao nhiêu đâu. Khi đối phương tỏ ý coi thường bạn, bạn phải giữ bình tĩnh. Bạn không được để đối phương chi phối mình.


Các Phái thiên về lý thuyết “Trong” và “Ngoài”
- Không hề có một lý thuyết như vậy trong Chiến thuật.
- Những nghệ nhân, họ luôn hướng đến những ý nghĩa thâm thúy trong nghệ thuật, và “Trong” và “Cửa” nhưng trong chiến đấu không hề có cái gọi là chiến đầu ở “Ngoài” hay chặt từ “Trong” cả. Khi tôi dạy cho học trò mình về Con đường, đầu tiên tôi chỉ họ tập những động tác đơn giản. Rồi dựa trên việc luyện tập của chúng, tôi từ từ giảng giải những ý nghĩa sâu thẳm trong đó mà họ chưa lãnh ngộ được. Nhưng có những điều phải thông qua kinh nghiệm thì tôi không thể giải thích được. Tôi không bao giờ nói “Trong” hay “Cửa”
- Có thể lấy ví dụ như khi bạn đi vào một hẻm núi, và quáy6t định đi sâu và sâu hơn nữa, sau đó bạn thấy một cánh cửa. Trong Con đường cũng có một cái gì đó gọi là “Trong” và đôi khi bạn dùng nó để mở cánh cửa đang chặn bạn. Trong Chiến thuật, ta cũng không thể nói cái gì bị mất đi và cái gì hiện hữu.
- Nắm được những điều tôi dạy cho học trò, bó đi những khuynh hướng xấu của các Phái khác mà đi theo Con đường mà tôi đã vạch ra.
- Ở trên, tôi đã phác thảo những chiến thuật cơ bản của các môn phái khác. Tôi cũng có thể nói rõ cho các bạn từng môn phái một, từ “Cửa” đến “Trong” nhưng tôi không định chỉ tên từng môn phái một. Lý do là bởi mỗi Phái cũng có những mặt mặt riêng và ta cần học.
- Tôi đã cho bạn xem những kỹ thuật chủ yếu của các môn phái khác. Nếu ta nhìn chúng bằng cái nhìn khoan dung, ta sẽ thấy con người luôn dựa vào trường kiếm và đoản kiếm, và dùng sức mạnh để giải quyết những vấn đề lớn hay nhỏ. bạn cũng sẽ thấy tại sao tôi không nói đến “Cửa” của những Phái khác.
- Trong phái Ichi, nó không có “Cửa” hay “Trong” nào cả. Cũng không có những ý nghĩa sâu xa nào trong thế kiếm cả. Bạn chỉ nhìn theo Con đường mà thôi.

Năm Shoho thứ hai (1645), 20/5
SHINMEN MUSASHI

BOOK OF 5 RINGS - The Book Of Fire


 Photobucket              
                  The Book Of Fire


- Trong phần này, tôi sẽ giải thích như thế nào là ngọn lửa trong chiến đấu của phái NiTo Ichi.
- Trong những lần tập luyện đầu tiên, người ta chỉ hiểu được một khía cạnh nhỏ nhoi của Chiến thuật. Vì sao? Bởi họ chỉ dùng có đầu ngón tay mình, học Chiến thuật và hiểu nó chỉ bằng 3/5 chiều dài cổ tay họ. Và như một cái quạt xay thóc, họ không thể tự quyết định được trận đấu. Họ chỉ chú ý đến những vấn đề nhỏ nhoi của Chiến thuật, học tập những thứ lặt vặt với thanh kiếm gỗ trên tay.
- Trong suy nghĩ của tôi, tập luyện và đánh bại đối thủ là con đường cuối cùng của những trận đấu, ở đó ta chiến đấu để tồn tại, khám phá ra ý nghĩa của sự sống và cái chết, học Con đường của Kiếm, hiểu được kiếm của mình từ cán kiếm, lưỡi kiếm đến đầu kiếm.
- Bạn cũng không dễ gì sử dụng những chiêu đặc biệt của mình khi mà phải trang bị một bộ giáp cồng kềnh như thế khi chiến đấu. Chiến thuật của tôi là cách để chiến thắng trong trận đấu mà dù cho bạn phải gặp 5 hay 10 đối thủ đi nữa. Cũng không có gì sai với câu nói của tôi “1 thắng 10, vì thế 1.000 người cũng có thể thắng 10.000 người”. Bạn phải chuyên sâu vào nó hơn nữa. Dĩ nhiên, bạn không thể tập hợp 1.000 hay 10.000 người trong mỗi buổi thực tập của mình được, nhưng bạn cũng có thể trở thành một chiến lược gia tài giỏi chỉ với thanh kiếm của mình, sau đó hiểu được kiếm của đối phương, khả năng cũng như tư thế của hắn, và thế rồi bạn hấp thụ được Chiến thuật và tất nhiên, lúc đó bạn cũng có thể đánh bại 1.000 đối thủ.
- Bất cứ ai muốn nắm vững được Chiến thuật của tôi phải nghiên cứu kỹ lưỡng và thật sự, tập luyện ngày và đêm. Thế rồi, bạn phát huy khả năng của mình một cách tự do, sau đó sáng tạo ra những chiêu mới cho bản thân. Và xem như bạn đang nắm trong tay một sức mạnh thần kỳ vậy.
- Đó là kết quả của việc luyện tập Chiến thuật


Tuỳ vào từng nơi:
- Xem xét hoàn cảnh của bạn lúc đó.
- Đứng dưới mặt trời: Lựa chỗ thủ thế sao cho mặt trời luôn ở phía sau bạn. Nếu tình huống lúc đó không cho phép, bạn phải cố sao cho mặt trời luôn ở bên phải bạn.
- Trong nhà: Bạn đứng ở nơi mà cửa vào phía sau bạn hay phía bên phải mình. Phải chắc chắn rằng phía sau không có vật cản và một không gian rộng rãi ở bên trái, bởi bên phải của bạn đã dành cho kiếm. Vào ban đêm, nếu có thể thấy rõ được đối thủ thì bạn để cho ngọn lửa ở phía sau mình, đồng thời cửa phải ở bên phải mình và sau đó thủ thế như phần trên đã nói. Bạn cũng phải ở trong tư thế nhìn xuống đối thủ.
- Khi trận đấu bắt đầu, luôn cố đuổi đối thủ về phía tay trái của mình. Xua hắn vào góc chết, sau đó không được để cho hắn có thời gian quan sát, rồi tiêu diệt hắn lúc đó. Nếu lúc đó là ở trong nhà, bạn xua đối thủ vào ngưỡng cửa, rầm cửa hay cửa vào, hành lang, cột và sau đó là tương tự như trên, đừng để hắn phán đoán được tình hình lúc đó.
- Luôn luôn đẩy đối phương vào tư thế mất thăng bằng, hay bị cản trỏ bởi một vật gì đó, vân vân ....Chiến lược ở đây là ta lợi dụng ưu điểm của địa hình trận đấu, sau đó đề ra được vị trí thích hợp cho mình và chiến đấu. Bạn cũng phải học nhiều về vấn đề này.

Ba cách để giải quyết đối thủ:
- Đầu tiên là bằng sức tấn công của mình. Nó gọi là “Ken No Sen” (Để hắn khỏe lên)
- Thứ hai là hạ hắn khi hắn tấn công. Nó gọi là “Tai No Sen” (Chờ cơ hội)
- Thứ ba là khi bạn và đối phương tấn công cùng một lúc. Nó gọi là “Tai Tai No Sen” (Phối hợp với hắn và hạ hắn)
- Theo tôi thì không còn cách nào tốt hơn hay nằm ngoài ba cách vừa kể trên. Bởi với việc làm chủ ba cách này, bạn cũng có thể hạ đối thủ một cách nhanh chóng rồi. Nó là một trong những điều quan trọng trong Chiến thuật. Thực ra, có nhiều cách để có thể kết thúc nhanh trận đấu. Bạn phải nắm vững được không gian và thời gian lúc đó, nhìn xuyên thấu được ý chí của đối thủ để rồi sau đó túm lấy chiến thuật của hắn và hạ hắn. Tôi không thể viết một cách chi tiết về phần này, nó là điều không thể. Bạn phải tự lãnh ngộ nó.


Đầu tiên – Ken no Sen:
- Khi bạn quyết định tấn công, đầu tiên phải bình tĩnh và sau đó chạy tới thật nhanh, hạ đối phương trong khoảnh khắc. Hay bạn cũng có thể giả vờ tiến mạnh lên nhưng dè dặt hơn, hạ đối thủ bằng đòn thứ hai hay thứ ba, tư, .... của mình.
- Luân phiên nhau, tiến lên mạnh mẽ cùng với ý chí của mình, và khi áp sát đối thủ, di chuyển nhanh hơn bình thường và hạ hắn với một nhát chặt thật mạnh và hiểm.
- Hay dè dặt hơn, tấn công nhẹ nhàng, ép đối thủ từ từ, rồi sau đó nhân cơ hội và kết thúc hắn. Tất cả ở trên là “Ken No Sen”


Thứ hai – Tai No Sen:
- Khi đối phương tấn công, giữ tâm lý bình tỉnh nhưng giả vờ yếu ớt trong tư thế của mình. Và khi hắn tiến gần bạn, làm động tác dụ hắn nghĩ rằng bạn sẽ nhảy sang một bên để tránh, thế rồi tiến tới thật nhanh, hạ hắn ngay khi mà hắn sơ hở. Đây là cách thứ nhất.
- Hay khi đối thủ tấn công, bạn tấn công mạnh hơn và làm hắn bối rối, sau đó kết thúc hắn. Đó là “Tai No Sen”


Thứ ba – Tai Tai No Sen:
- Khi đối thủ ra một đòn tấn công nhanh, bạn phải tấn công mạnh lại nhưng chậm, nhằm vào chỗ hở của hắn khi hắn tới gầm và hạ hắn.
- Hay nếu đòn tấn công của hắn lại chậm, bạn phải phán đoán bước di chuyển của hắn, và với cơ thể bạn như giãn ra, hòa vào chuyển động của hắn khi hắn sát gần. Nhanh chóng hạ hắn bằng một nhát chặt mạnh. Đó là “Tai Tai No Sen”
- Có nhiều điều không thể giải thích rõ ràng bằng lời được. Bạn phải nghiên cứu những gì viết ở đây. Trong ba cách để hạ đối thủ, bạn phải xem xét từng tình huống một mà ra quyết định chọn lựa cách nào. Nó cũng không khuyến khích bạn phải luôn tấn công trước, bạn cũng có thể gây trở ngại cho đối phương ngay cả khi hắn ra đòn trước bạn. Bạn phải nhận thức được điều này.


Đè gối
- Nó có nghĩa là giữ cho đối phương không có cơ hội ngóc đầu lên được.
- Trong một trấn đấu, để cho đối thủ chiếm thế là một điều tối kị. Bạn phải tìm mọi cách khống chế trận đấu. Và tất nhiên, đối phương cũng nghĩ như bạn, nhưng hắn sẽ không thể hạ bạn nếu bạn không để vào thế của hắn. Theo chiến thuật, bạn phải đoán và chặn được đòn tấn công của đối thủ, hạ thấp nhiệt huyết và ý chí trong đòn tấn công của hắn, từ từ tháo tay hắn ra khỏi bánh lái mà hắn cố giữ để điều khiển trận đấu, Đó là ý nghĩa của “Đè gối”. Khi bạn hiểu được nguyên tắc của nó, cho dù đối thủ ra chiêu gì đi nữa, nó nguy hiểm cỡ nào đi nữa thì bạn cũng có thể thấy và né được nó. Điều cốt lõi ở đây là bạn xem đòn tấn công của hắn như những âm tiết “tấ...”, khi hắn nhảy, xem là “nh...” và khi hắn chặt thì là “ch...”
- Thêm một điều cần lưu ý trong chiến thuật nữa mà bạn cần nhớ là triệt để vô hiệu những hành động có lợi cho hắn nhưng lại thả cho những động tác vô ích khác. Đó chính là cách phòng thủ hữu hiệu nhất. Đầu tiên, bạn phải hành động theo Con đường của mình, vô hiệu những đò tấn công của đối phương, đọc kế hoạch mà hắn đưa ra và từ đó chiếm thế thượng phong về mình. Khi bạn làm được điều này, bạn đã nắm vững được Chiến thuật. Bạn phải chuyên tâm tập luyện và nghiên cứu chiêu “Đè gối” này.

Vượt cạn
- “Vượt cạn” cũng như bạn vượt qua một eo biển, hay băng qua một vùng biển dài hàng trăm dặm. Tôi tin rằng điều trên luôn hiện hữu trong cuộc đời từng người. Bạn phải chuẩn bị một tâm lý luôn “Vượt cạn” bất kể đó là vấn đề gì, biết được lộ trình, con tàu mình đang đi và cả thời tiết lúc đó. Khi tất cả yếu tố trên đều thuận lợi, và cả chiều gió nữa, lúc đó bạn giương buồm, nếu gió đổi hướng, bạn phải cất buồm đi.
- Nếu bạn nhận thức được chân lý trên rằng nó là điều cần thiết trong cuộc sống của bạn, bạn phải luôn ở trong tư thế là luôn “vượt cạn” để vượt qua chính bản thân mình.
- Điều trên cũng rất quan trọng trong chiến thuật, nhận biết khả năng của đối thủ và biết được điểm mạnh của mình, “vượt cạn” ở những nơi dễ qua nhất, như một người thuyền trưởng giỏi. Nếu bạn thành công trong việc này, bạn sẽ dễ dàng hơn trong Chiến thuật. “Vượt cạn” ở đây là tấn công vào chỗ nhược của đối phương, tạo thuận lợi cho mình. Đây là chiến lược cơ bản trong trận đấu. Bạn không được quên nó.


Để biết được thời điểm
- Nó có nghĩa là hiểu được kế hoạch trong chiến đấu của đối phương. Nó lợi cho mình hay bất lợi? Bằng việc quan sát tâm lý của đối thủ và chiếm lấy vị trí thuận lợi cho mình, bạn có thể thấy được ý đồ của đối phương và theo đó lựa ra chiến thuật thích hợp cho mình để hạ hắn.
- Trong giao đấu, bạn phải phán đoán được hành động của đối phương và rồi tấn công hắn khi đã nhận ra được chiến thuật mà hắn đã sử dụng đối với bạn. Tấn công mạnh mẽ và ngay vào chỗ hở mà hắn đã tạo ra, bạn phải biết lợi dụng cả thời điểm nữa.
- Biết được thời điểm nghĩa là, nếu bạn có khả năng, bạn sẽ thấy được nó. Và nếu bạn đã nắm vững được Chiến thuật, bạn đọc trước hành động của đối phương và cơ hội để chiến thúc trậm đấu cũng nhiều hơn


Để giẫm lên kiếm
- Đây là một nguyên tắc của Chiến thuật. Trong chiến trận, đầu tiên đối phương bắn cung hay súng rồi sau đó họ tấn công, lúc đó ta sẽ rơi vào thế bị động nếu ta bận bịu với việc nạp thuốc súng hay nỏ để trả đòn lại. Nguyên tắc ở đây là ta sẽ tổ chức tấn công nhanh khi đối phương bắn ra loạt cung hay súng đầu tiên. Đó là ta chiến thắng bằng cách dùng “Giẫm lên” ngay khi ta đón nhận đòn tấn công của đối thủ.
- Còn trong những trận đấu tay đôi khác, ta không thể chỉ với chiêu chặt mà đạt được chiến thắng, mà còn phải dựa vào cảm giác của tiếng “tee-dum tee-dum”, vào dường kiếm của đối thủ. Ta phải hạ hắn ngay khi hắn ra đòn tấn công mình với một ý nghĩ là sẽ giẫm lên hắn bằng đôi chân của mình, không cho hắn ngóc đầu dậy.
- “Giẫm” không chỉ đơn giản là dùng chân giẫm lên như ta thường biết. “Giẫm” ở đây là dùng cả cơ thể mình, dùng cả ý chí và dĩ nhiên là nhát chặt của kiếm sẽ theo sau “giẫm”. Bạn phải luôn có ý nghĩ kết thúc đối phương nhanh và không cho hắn cơ hội tấn công mình.


Sụp đổ
- Tất cả mọi thứ đều có thể sụp đổ. Nhà cửa, cơ thể và cả đối thủ đều đổ sụp xuống khi sự cân đối của chúng bị trục trặc.
- Trong chiến thuật, khi đối thủ khuỵa xuống bởi một lý do gì đó, bạn phải nhanh chóng kết thúc hắn, không được để cơ hội bị bỏ qua. Nếu bạn thất bại trong tình huống này, đối phương sẽ có cơ hội phục hồi lại.
- Trong trận chiến tay đôi, đối thủ đôi khi cũng bỏ lỡ cơ hội và khuỵa xuống. Nếu bạn bỏ lỡ cơ hội, hắn sẽ phục hồi và không lỡ đểnh như trước nữa. Nhưng nếu bạn tập trung vào tình huống đó, đuổi theo hắn và tấn công liên tục để hắn không có cơ hội phục hồi được. Bạn phải tấn công với một ý chí mạnh mẽ và dứt khoát, kết thúch hắn ngay trong lúc đó.


Trở thành đối thủ
- Điều này có nghĩa là bạn phải suy nghĩ và đứng vào tư thế của đối thú mình. Người ta trong cuộc sống bao giờ cũng có xu hướng nghĩ rằng “một tên trộm trong một ngôi nhà là một đối thủ mạnh” nhưng nếu ta nghĩ rằng “ta là đối thủ của ta”, ta sẽ thấy cả thế giới luôn chống lại ta và không có lối thoát cho việc này. Người luôn đóng cửa và hèn nhát trước điều này là một con gà. Và người dám vươn lên để chinh phục nó là một con chim ưng đẹp. Bạn phải nhận thức được điều này.
- Trong Chiến thuật, người ta cứ nghĩ địch thủ sẽ mạnh lắm và luôn cẩn thận, lo lắng trước sự việc, trận đấu. Nhưng nếu bạn là một người lính gỉoi, và tất nhiên bạn hiểu được nguyên tắc trong chiến thuật, bạn biết cách hạ hắn thì bạn không có gì để sợ cả.
- Trong chiến đấu, bạn cũng phải đứng trên lập trường của đối phương mà phán đoán. Nếu lúc đó bạn nghĩ “Hắn là bậc thầy về kiếm, và hiểu rõ Chiến thuật như lòng bàn tay” thì bạn cầm chắc cái thua. Bạn phải xem xét điều này kỹ hơn nữa.


Thả lỏng 4 tay
- “Thả lỏng 4 tay” được sử dụng khi bạn và đối thủ đang chiến đấu với cùng một ý chí, chiến thuật và việc tấn công đang bế tắc. Bạn hãy bỏ đi suy nghĩ đó và chuyển sang một chiến lược khác để chiến thắng lại hắn.
- Trong Chiến thuật, khi bạn gặp phải vấn đề này, đừng bỏ cuộc bởi đó là chuyện bình thường. Ngay lập tức, bỏ ngay chiến thuật đó và hạ đối phương bằng một chiến thuật khác mà hắn không ngờ tới.
- Trong trận đấu đơn, khi bạn nghĩ bạn đã rơi vào tình huống “4 tay”, bạn cũng phải thay đổi chiến thuật và dùng chiêu khác thích hợp hơn để xử hắn. Bạn phải hiểu điều này.


Vén màn đêm
- Cách này dùng khi bạn không thể thấy được ý nghĩ của đối phương.
- Trong khía cạnh Chiến thuật, khi bạn không thể đoán trước được vị trí đối phương, bạn phải tấn công chúng mạnh mẽ để rồi sau đó lợi dụng kẻ hở mà chúng lộ ra để phát hiện ra chiến lược mà chúng dùng. Sau khi đã biết được chiến lược của đối phương, bạn dễ dàng đánh bại đối phương hơn.
Trong một trận đấu tay đôi, nếu đối thủ vào thể và để kiếm vào phía sau hay một bên nào đó mà bạn không thể thấy kiếm, do đó bạn không thấy được ý định của đối thủ. Lúc đó, giả vờ tấn công và khi đó đối thủ sẽ đưa kiếm ra và nghĩ rằng đã phát hiện được ý định của bạn. Lợi dụng nó, bạn sẽ chiến thắng tức thì. Nhưng nếu bạn không chuẩn bị tốt, bạn sẽ bỏ lỡ cơ hội và sẽ khó khăn hơn. Hãy nghiên cứu nó kỹ.


Che màn đêm
- Được dùng khi bạn thấy được ý định tấn công của đối thủ.
- Trong Chiến thuật, khi đối phương tấn công, và nếu bạn biểu lộ trạng thái sẽ triệt để làm phá sản chiến lược của chúng, chúng sẽ thay đổi. Thế rồi, thay đổi chiến thuật và hạ hắn.
- Hay trong các trận đấu tay đôi, hạ nhiệt huyết tấn công của đối thủ xuống đến một điểm thích hợp và ngay sau đó hạ hắn. Bạn phải học tốt điều này.

Chuyển động
- Tất cả mọi vật đều có thể chuyển động. Ngủ cũng gọi là chuyển động, há miệng cũng gọi là chuyển động. Thời gian cũng chuyển động.
- Trong Chiến thuật, khi đối phương di chuyển và biểu lộ ý muốn sẽ tấn công mình mạnh mẽ, đừng nghĩ ngợi đến chuyện đó. Bạn phải bình tĩnh và xem như không có gì, khi đó đối phương sẽ bị xao nhãng và dễ dàng lơ là trong chiến đấu. Khi đó tâm lý ban đầu của đối thủ đã trôi qua và bạn phải tấn công ngay chúng. Và tấn công như thế nào, tôi sẽ đề cập đến phần “Lỗ hổng” của cuốn sách.
- Trong trận đấu đơn lẻ, bạn có thể chiến thắng bằng việc thả lỏng thể xác và tinh thần của mình ra, và sau đó nắm bắt thời cơ đối thủ lơi lỏng, bạn tấn công nhanh, mạnh và hạ hắn
- Bạn có nghe đến câu “Cho uống rượu” không? Nó cũng tương tự như thế. bạn cũng có thể làm cho đối phương trở nên yếu đuối, bất cẩn hay chán nản bằng cách này. Bạn phải học điều này.


Gây mất ổn định
- Mọi thứ đều có thể mất đi trạng thái cân đối vốn có của mình. Lúc bởi nguy hiểm, khác bởi sự gian khổ hay sự bất ngờ. Bạn phải nghiên cứu điều này.
- Gây mất ổn định là điều quan trọng trong Chiến thuật, tấn công đối thủ bất ngờ và ngay vào chỗ yếu của chúng, và trong khi chúng chưa kịp định thần lại để chống trả, bạn vượt lên và hạ đối phương tức thì.
- Hay trong một trận đấu đơn, bạn bắt đầu nhịp nhàng và chậm rãi nhưng sau đó bất thình lình tấn công mạnh mẽ, không cho hắn một khoảng không để thở, bạn hạ hắn ngay lập tức. Bạn phải luyện tập để co được cảm giác này.


Hù dọa
- Khi phải chịu tác động của một sự vật, sự việc mà ta không ngờ tới, ta hoảng sợ.
- Trong chiến trận, bạn có thể hù dọa đối phương không chỉ là nhìn vào mắt chúng mà có thể là thét lớn lên, tạo một nhóm nhỏ nhưng trông như lớn hay đánh úp chúng bất ngờ. Tất cả trên đều là những miếng hù dọa cơ bản. Bạn có thể thắng nếu bạn lợi dụng tốt nỗi sợ của đối phương.
- Trong những trận đấu đơn lẻ, bạn hù dọa đối thủ bằng cơ thể mình, giọng nói và cả thanh kiếm trên tay mình, sau đó lợi dụng nỗi sợ hãi của hắn mà hạ hắn. Bạn phải nghiên cứu kỹ điều này.


Hòa vào
- Khi bạn bế tắc trong phòng ngự lẫn tấn công, ít nhất bạn phải “hòa vào” đối thủ, trở thành một với hắn. Sau đó, lợi dụng điều này mà bạn nghĩ ra được chiến lược thích hợp để chiến thắng.
- Trong một trận đấu mà tương quan lực lượng quá xa cách nhau, một bên là đông và một bên là ít, bạn có thể giành được chiến thắng quyết định bằng việc “hoà vào” đối phương và sau đó chẻ chúng ra từ bên trong. Bạn phải nghiên cứu kỹ điều này.


Đánh vào góc sườn
- Nếu bạn không thể tấn công chính diện được đối thủ, bạn phải dùng đến chiêu này.
- Trong Chiến thuật, việc đánh vào góc chết của đối thủ rất có lợi, nếu bạn thành công khi đánh vào góc này, ý chí đối phương gần như bị triệt tiêu và bạn sẽ thắng.
- Trong trận đấu tay đôi, thật dễ dàng nếu đối phương suy sụp. Điều này xảy ra khi bạn đánh vào góc chết của hắn, và điều đó làm yếu hắn đi. Điều quan trọng là phải làm thế nào để tấn công vào đó và bạn phải chuyên sâu thêm vào điều này.


Gây nhầm lẫn
- Có nghĩa là làm cho đối phương mất đi ý chí.
- Trong chiến trận, bạn có thể dùng lực lượng của mình để gây hoảng loạn cho đối phương. Quan sát hành động của chúng, bạn phải làm chúng suy nghĩ: “Đây hay đó? Như thế này? Như thế kia? Chậm hay nhanh?”. Chiến thắng chắc chắn sẽ đến nếu đối phương không thể bắt được nhịp điệu trận đấu và lẫn lộn không đưa ra được những quyết định đúng đắn.
- Trong trận đấu, bạn làm đối phương xao động và lẫn lộn bằng nhiều đòn, chiêu thức khác nhau khi thời cơ đến. Giả vờ đẩy hay chặt, hay làm cho đối phương nghĩ rằng bạn sẽ đến gần hắn và khi hắn bị lẫn lộn giữa mớ bòng bong đó, bạn kết thúc hắn. Đây là một nguyên tắc trong chiến đấu mà bạn phải thuộc lòng nó.


Ba tiếng thét
- Ba tiếng thét được chia như sau: Trước khi, trong khi và sau khi. Thét dựa theo tình huống. Giọng nói là một phần của cuộc sống. Chúng ta la lên khi có cháy và cứ thế, trong gió bão hay lũ lụt. Giọng nói là sức sống của con người.
- Trong chiến trận, ngay khi trận chiến bắt đầu, ta la lên càng lớn càng tốt. Trong trận chiến, âm lượng sẽ giảm xuống một chút và ta chỉ thét lên khi tấn công. Sau trận chiến, chúng ta thét lên trong niềm vui chiến thắng. Đó là 3 tiếng thét.
- Trong một trận đấu đơn, khi ta chuẩn bị chặt một nhát, ta la lên “Ayy!” để làm bối rối đối thủ, rồi sau đó chặt xuống thật mạnh khi mà đối phương chưa định thần được. Ta cũng thét lên khi hạ được đối thủ, đó là tiếng kêu khải hoàn của người chiến thắng muốn thông báo cho tất cả mọi người xung quanh. Nó cũng được gọi là “Sen Go No Koe” (Trước và sau). Bạn không được thét lên cùng lúc với việc vung kiếm tấn công đối thủ. Ta chỉ thét lên để có thể bắt nhịp với trận đấu và rằng ta đang chuyển động trong nó. Hãy nghiên cứu kỹ điều này.


Trộn lẫn
- Trong chiến đấu, khi một đội quân đứng ngay chính diện đối phương và tấn công thẳng vào điểm mạnh của chúng, sau đó bạn sẽ thấy đội quân đó sẽ bị đánh lui lại, nhanh chóng rải ra và tấn công những điểm mạnh khác ở phần rìa trong đội hình đối phương. Đây là cách tấn công dựa vào hình ảnh của gió khi đi qua ngọn núi.
- Đây là cách chiến đấu hữu hiệu nhất khi ta phải một mình chống lại nhiều người. Tấn công đối phương trong ¼ phút, hay đẩy chúng lui lại, và sau đó nắm thời điểm và tấn công vào những điểm mạnh khác ở bên phải và trái như thể bạn là gió khi đi qua ngọn núi vậy. Xem xét chiến lược của đối phương, và khi bạn đã biết được nó, bạn tấn công chúng mạnh mẽ để giành chiến thắng.
- Trong một trận đấu tay đôi, bạn hãy sử dụng cách này để tấn công vào chỗ mạnh của đối phương.
- “Trộn lẫn” ở đây có nghĩa là ý chí luôn tiến lên và hòa cùng với đối thủ, giữ cho trong đầu như thế và không được để cho bất cứ một ý nghĩ thoái lui nào được hình thành. Bạn phải hiểu điều này.


Chèn ép
- Có nghĩa là ép đối phương và khiến cho hắn trở nên yếu đi.
- Trong chiến trận, khi bạn thấy đối phương chỉ có một nhúm người, hay chúng đông nhưng tinh thần lại yếu đuối và không thể triển khai đội hình được, ngay khi đó bạn đánh thẳng vào chúng, đánh mạnh vào và không lơi là. Nếu bạn không thành công, chúng sẽ hồi phục và bạn bỏ lỡ cơ hội, bạn phải sử dụng “bàn tay sắt” để hạ chúng ngay lúc đó.
- Trong trận đấu đơn, nếu đối thủ yếu hơn ta, hay hắn bế tắc trong tấn công và luôn rơi vào thế bị động, bạn phải tấn công hắn liên tục, không cần phải chú ý đến biểu hiên của hắn, không để chó hắn thời gian để thở.


Sự chuyển đổi của Núi - Biển
- Có nghĩa là việc sử dụng cùng một chiến lược nhiều lần trong một trận đấu là một điều tối kỵ. Bạn có thể thử dùng nó trong 1 hay 2 lần nhưng đừng bao giờ dùng đến lần thứ 3. Nếu cách này của bạn bị vô hiệu một lần rồi thì sẽ có ít cơ hội thành công lần nữa. Bạn phải thay đổi cách tấn công của bạn.
- Nếu đối phương nghĩ là “Núi”, bạn tấn công như “Biển” và nếu đối phương nghĩ là “Biển”, bạn tấn công như “Núi”.


Đánh vào tâm lý
- Khi ta chiến đấu, ngay cả khi bạn đã dùng hết những chiêu thức trong Con đường nhưng ý chí của đối thủ vẫn không xao động, bạn không thể nào hạ hắn thì với cách này, bạn thâm nhập vào hắn, phá hủy ý chí và chiến lược của hắn, hắn trở nên dễ sơ hở và bạn sẽ chiến thắng.
- “Đánh vào tâm lý” có nghĩa là bạn đánh bằng cả thanh kiếm, bằng cả cơ thể và ý chí của mình. Điều này khó mà có thể hiểu được tổng quát của nó.

Làm mới
- “Làm mới” được sử dụng khi ta chiến đấu với một đối thủ khó chịu và ý nghĩ phải hòa vào hắn nổi lên trong đầu mình. Bạn phải bỏ ngay ý nghĩ đó, nghĩ đến cách giải quyết với một trạng thái thoáng hơn và thắng bằng một nhịp điệu hoàn toàn mới. Để “làm mới”, bạn phải vô hiệu tất cả các hướng tấn công của đối phương, nghĩa là, cũng với việc thay đổi chiến lược, bạn không được để cho tình huống thay đổi.


Đầu chuột, Cổ bò
- “Đầu chuột, Cổ bò” nghĩa là khi bạn đấu với đối thủ và cả hai đều có cùng một chiến lược là hòa cùng với đối phương, lúc đó, bạn phải nghĩ đến Con đường của Chiến thuật, theo quy tắc “đầu một con chuột” thành “Cổ một con bò”. Sự hoán chuyển chiến lược từ nhỏ chuyển sang lớn và ngược lại.
- Đây là một nguyên tắc của chiến thuật. Bạn, người chiến binh phải nghĩ đến nó từng ngày, từng đêm và ngộ ra nó.


Người chỉ huy hiểu rõ quân đội của mình
- Điều này là điều bắt buộc trong Chiến thuật của tôi.
- Dùng sự hiểu biết của mình về Chiến thuật, nghĩ đối phương là lính của mình. Khi bạn ví như vậy, bạn có thể dễ dàng điều khiển và tiêu diệt chúng dưới tay mình. Lúc đó, bạn nên nhớ bạn là một vị tướng và đối phương là quân đội của ta. Bạn phải chuyên sâu về điều này.


Dùng cán kiếm
- Trong Chiến thuật, có nhiều cách để chiến thắng bằng cán kiếm.
- Cách trên giúp bạn chiến thắng mà không cần dùng đến một thanh kiếm nào. Đó một phần cũng là cách cầm kiếm nhưng không chiến thắng của. Điều này khó mà hiểu được và bạn phải luyện tập để hiểu nó.

Cơ thể đá
- Khi bạn đã làm chủ được Con đường Chiến thuật, bạn cũng có thể làm cho cơ thể của mình săn chắc như đá và ngay cả 10.000 sự vật, sự việc nhỏ nhoi cũng không thể làm bạn suy suyển.
- Ngạn ngữ dân gian: “Bạn không được di chuyển”
- Những gì ghi trên đều là những chiến lược tấn công mà tôi đã đưa vào phái Ichi. bạn đừng lo! Tôi đã viết nó một cách rõ ràng để cho bạn, những người ngoại phái hay những kiếm sĩ mới bắt đầu cầm kiếm, những bậc thầy kiếm học có thể đi đúng Con đường của mình. Đây cũng là lần đầu tiên tôi viết ra những kỹ thuật của tôi, nó cũng làm tôi hơi lẫn lộn, một số trong đó phải do bạn tự ngộ lấy qua quá trình rèn luyện bởi tôi không thể đi vào chi tiết được những điều này.
- Tôi xin nhắc lại một lần nữa, cuốn sách này là một chỉ dẫn tinh thần cho những ai muốn học theo Con đường.
- Ngay từ thời trai trẻ, trái tim của tôi cũng luôn hướng về Con đường Chiến thuật. Tôi đã bỏ cả cuộc đời mình để luyện tập đôi tay, làm cứng cáp cơ thể mình, sáng tạo ra những thế kiếm mạnh mẽ. Nếu bạn thấy những môn đệ của các phái khác bàn luận về những học thuyết mơ hồ, và tập trung luyện tập kỹ năng với đôi tay mình, dù bạn thấy họ thiện nghệ, mạnh mẽ nhưng thật sự, họ không có được một chút gì là một ý chí thực sự.
- Dĩ nhiên, những người học theo hướng này đều nghĩ rằng họ đang rèn luyện cả thể xác và tinh thần mình, nhưng nó thật ra là một cái hố ngăn cách họ đi đến Con đường thật sự của mình, và thế là nó theo họ suốt đời nếu như họ không thể ngộ ra được. Vì thế, Con đường thật sự của Chiến thuật dần sa sút và chết dần chết mòn qua năm tháng.
- Công dụng chính của kiếm thuật là nghệ thuật đánh bại đối phương trong chiến đấu và không còn một điều gì hơn nữa. Nếu bạn nhận thức được và luôn bám theo Con đường mà tôi đã vạch sẵn, bạn sẽ không bao giờ là kẻ chiến bại. Thật đấy!


Năm Shoho thứ hai (1645), ngày 20/5
SHINMEN MUSASHI